Tín ngưỡng và công tác Quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng hiện nay
Ngày đăng: 15/10/2021
Lễ hội phủ Dày 2017
1. Thực trạng các hoạt động tín ngưỡng

1.1. Tình hình chung

Việt Nam là đất nước đa tín ngưỡng, tôn giáo, một số nhà nghiên cứu ví Việt Nam như “bảo tàng tín ngưỡng, tôn giáo thế giới”. Về tín ngưỡng ở Việt Nam có nhiều loại hình khác nhau, nhiều cách phân chia dựa vào các giác độ tiếp cận, có thể tạm chia làm 4 loại là: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ thần thánh, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc, tín ngưỡng gắn với ngành nghề. Mỗi người Việt Nam thường có tín ngưỡng (thờ cúng tổ tiên) nhưng vẫn có thể theo tôn giáo, không phân biệt rạch ròi giữa tín ngưỡng và tôn giáo trong cùng một con người, điều mà hầu như không thấy ở phương Tây.

Sau khi giành độc lập năm 1945, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề tín ngưỡng tôn giáo thể hiện qua nội dung của các nghị quyết, hiến pháp, sắc lệnh, luật.... Bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập, quan điểm, chính sách về tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước có nhiều đổi mới được ghi nhận qua Nghị quyết 24-NQ/TW (1990) của Bộ Chính trị về vấn đề tôn giáo. Nhờ chính sách đổi mới, đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa tư tưởng của Nhân dân có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Cùng với đó là đời sống tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của người dân được tự do cởi mở hơn, nhiều loại hình, sinh hoạt tín ngưỡng trước đây ít nhiều bị mai một nay được phục hồi, bảo tồn, phát triển.

Tiếp theo Nghị quyết 25-NQ/TW (2003) của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề tôn giáo trong tình hình mới Đảng ta có chủ trương:“Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng t tiên, tôn vinh những người có công với T quốc và Nhân dân. (Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy BCHTƯKhóa IX). Theo đó, các cấp các ngành đã quan tâm nhiều hơn đến các loại hình tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, từ đó tín ngưỡng dần được phục hồi, bảo tồn, phát triển. Những cơ sở tín ngưỡng lớn như Đền Hùng (Phú Thọ), Phủ Dày (Nam Định), Đền Đông Cuông (Yên Bái), Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Đền Kiếp Bạc (Hải Dương)... được chính quyền các cấp và Nhân dân quan tâm, đầu tư tôn tạo, phục dựng, nhiều hoạt động thực hành tín ngưỡng, hành hương đông người diễn ra thường xuyên, cao điểm nhất là các dịp lễ hội với hàng vạn lượt người tham gia. Phần cơ sở vật chất của các cơ sở tín ngưỡng ngày một mở rộng, tôn tạo, trùng tu, xây dựng khang trang, nhiều cơ sở tín ngưỡng được công nhận di tích đã trở thành những địa điểm thu hút đông người đi lễ, hành hương và tham quan, du lịch. Nhiều lễ hội tín ngưỡng được phục hồi, phát triển với tổng số khoảng 7000 lễ hội gắn với tín ngưỡng (trong tổng số gần 8000 lễ hội).

Với sự phục hồi của nhiều sinh hoạt tín ngưỡng cũng đã góp phần làm cho văn hoá truyền thống được bảo tồn, phục hưng, tạo nên bức tranh đa diện của văn hoá Việt theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nhiều di sản văn hóa gắn với tín ngưỡng là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, có tính giáo dục cao về truyền thống, lịch sử, văn hóa, bảo tồn và trao truyền văn hóa, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Thông qua các hoạt động ở di tích, việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước là chất keo kết dính, biểu dương sức mạnh của cộng đồng, thấm đượm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về cội nguồn dân tộc. Hoạt động tín ngưỡng giúp người dân cân bằng đời sống tâm linh, tinh thần, là dịp vui chơi giải trí, bảo tồn, sáng tạo văn hóa, giáo dục con người về lịch sử, tinh thần yêu nước…

Bên cạnh đó, những hoạt động của tín ngưỡng cũng phát sinh không ít những biểu hiện mê tín dị đoan, lợi dụng vì mục đích vụ lợi cá nhân, “buôn thần bán thánh”, biến tướng lệch lạc gây phản cảm, tốn kém tài chính, tổn hại sức khỏe, trái quy định pháp luật.

Về số lượng hiện nay cả nước có trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng, gồm đình, đền, miếu, phủ và các cơ sở khác ([1]), trong đó có gần 1/3 cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng di tích các cấp.

1.2. Hoạt động tín ngưỡng tại các di tích lịch sử văn hóa

Sau khi được công nhận là di tích, các cơ sở tín ngưỡng sẽ kiện toàn việc thành lập ban quản lý theo hướng dẫn của ngành văn hóa, thành phần ban quản lý gồm đại diện các đoàn thể Nhân dân và công chức chính quyền (kiêm nhiệm hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc, tùy tính chất, cấp bậc di tích).  Ban quản lý có trách nhiệm về bảo vệ di tích các hoạt động tại cơ sở, do vậy tại các cơ sở tín ngưỡng là di tích thường có hoạt động khá ổn định, cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật. Các hoạt động tại đây được thực hiện theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Di sản văn hóa và các quy định khác. So với các cơ sở tín ngưỡng chưa được công nhận là di tích thì các hoạt động tại cơ sở này có sự tuân thủ pháp luật, ổn định hơn, những mặt hạn chế trong hoạt động dần được khắc phục. Các nội dung hoạt động như đăng ký hoạt động, tổ chức lễ hội, sử dụng nguồn thu chi liên quan đến công đức, tài trợ… bước đầu đã có chuyển biến, dần thực hiện theo các quy định pháp luật.

1.3. Hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng khác

Các cơ sở tín ngưỡng chưa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh được xếp hạng còn rất lớn, gấp rất nhiều lần so với cơ sở đã được xếp hạng các loại (chiếm khoảng trên 70%). Về quản lý có khoảng 60% các cơ sở tín ngưỡng loại này có ban quản lý và người đại diện, còn lại là chưa có ban quản lý hoặc người đại diện. Do vậy nhiều hoạt động tín ngưỡng tại đây thường khá tự do, nhiều cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

 Các hoạt động tín ngưỡng thường rất đa dạng, diễn ra thường xuyên, trong đó trọng tâm vào các ngày rằm, mồng một, các ngày vía, giỗ, ngày khánh tiệc, hiển linh… và được đông đảo quần chúng nhân dân tới lễ bái và tham gia các hoạt động lễ hội.  

Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều hoạt động tại các cơ sở này còn thiếu sự ổn định, có những vấn đề lệch lạc, thiếu văn minh, ô nhiễm môi trường, thiếu an toàn phòng chống cháy nổ, ít đăng ký nội dung hoạt động với chính quyền cơ sở… còn khá phổ biến.

1.4. Thực trạng sử dụng các nguồn thu chi tài chính

Hiện nay việc quản lý, sử dụng, đầu tư nguồn kinh phí liên quan đến các cơ sở tín ngưỡng thực hiện theo quy định của Luật ngân sách, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan, ngoài ra còn theo quy định của chính quyền địa phương. Tuy nhiên các quy định của luật hiện nay có tính luật khung, mang tính định hướng (công khai, minh bạch) chứ không quy định chi tiết, cụ thể dẫn đến việc thực hiện có sự khác nhau ở các địa phương.

Nguồn thu trong cơ sở tín ngưỡng gắn với các nguồn thu từ công đức, tài trợ, cho thuê mặt bằng kinh doanh, thu phí và các nguồn thu khác. Đối với các cơ sở tín ngưỡng đã được công nhận là di tích, thường người đứng đầu Ban quản lý thường là cán bộ, công chức chính quyền hay là đơn vị sự nghiệp nhà nước nên việc thực hiện tương đối tốt theo quy định pháp luật. Các cơ sở tín ngưỡng chưa công nhận di tích chiếm phần lớn (khoảng trên 70%) nhưng không phải cơ sở nào cũng có Ban quản lý, nhiều nơi cộng đồng hoặc chính quyền chỉ cử đại diện trông coi, việc thu chi nhiều nơi còn thiếu công khai minh bạch, gây phức tạp trong hoạt động.

Do chưa có hướng dẫn, quy định chung nên việc quản lý và sử dụng nguồn thu công đức không có sự thống nhất chung trong các cơ sở tín ngưỡng. Có cơ sở do chính quyền quản lý, có cơ sở giao cho Ban quản lý, có nơi khoán cho người đại diện, nơi kết hợp công tư... Nguồn thu có nơi nộp vào ngân sách địa phương, nơi làm quỹ nội bộ để trùng tu sửa chữa, xây dựng mới, nơi phân bổ cho người nghèo, làm từ thiện, xây dựng quỹ địa phươngCó khá nhiều vụ việc phức tạp, tranh chấp giữa Ban quản lý di tích và người trụ trì, thủ nhang, người dân… trong việc quản lý và sử dụng nguồn thu tại các cơ sở tín ngưỡng, nhất là các cơ sở tín ngưỡng có nguồn thu lớn.

Liên quan đến thu chi tài chính chưa có văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt nào có tính chung áp dụng toàn quốc, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ quy định có tính khung, yêu cầu phải công khai minh bạch, sử dụng tiền đúng mục đích. Bộ Tài chính hiện nay đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc quản lý, thu chi tài chính tại các di tích và lễ hội.

1.5. Hoạt động của các lễ hội tín ngưỡng

Theo thống kế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trang điện tử), hiện cả nước có gần 8000 lễ hội, trong đó lễ hội gắn với tín ngưỡng khoảng 7000, điều đó cho thấy phần lớn lễ hội gắn với tín ngưỡng (lễ hội truyền thống).

Lễ hội thường được tổ chức vào các ngày sinh, ngày giỗ, ngày hóa của các vị thánh thần, người có công với làng, với nước. Là dịp để người dân ôn lại truyền thống lịch sử vùng đất, địa phương, quốc gia dân tộc, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao tiền nhân, gắn kết cộng đồng… Lễ hội luôn có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của lễ và không khí vui chơi tưng bừng của phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn các tín ngưỡng văn hoá dân gian, tín ngưỡng thờ cúng mang bản sắc riêng của đồng bào các dân tộc, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và mỹ tục truyền thống văn hoá lâu đời tốt đẹp, độc đáo của dân tộc ta.

Trong những năm gần đây xu hướng mở ra nhiều lễ hội, tần suất cao cùng sự lãng phí là ganh đua, phô trương thanh thế dòng họ, làng xã trong tổ chức lễ hội. Việc đưa thêm nhiều yếu tố mới lạ làm biến dạng những nghi thức đã định hình của lễ hội. Một số lễ hội được phục hồi nhưng mang yếu tố phản cảm như lễ hội chém lợn, giết trâu, cướp lộc ... Do kinh tế và đời sống vật chất được cải thiện, nhu cầu về du lịch, đời sống tâm linh, tín ngưỡng có xu hướng tăng nên số người tham gia lễ hội ngày càng nhiều. Bên cạch những giá trị tích cực của lễ hội như ôn lại truyền thống lịch sử, uống nước nhớ nguồn, cố kết cộng đồng… lễ hội còn một số hạn chế như tốn kém về thời gian, kinh phí, mất an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, đi lễ với mục đích “cầu xin” thần thánh...

2. Công tác quản lý nhà nước

Ngay từ khi ra đời nhà nước Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, dưới sự Lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta đã có quan điểm đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo, coi quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Hiến pháp năm 1946 và các bản Hiến pháp sau này của nước ta đều nêu được tinh thần: Công dân và sau này là mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước.

Để các hoạt động tín ngưỡng tuân thủ đúng pháp luật, bảo tồn, khuyến khích phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp, khắc phục các biểu hiện cuồng tín, lợi dụng tín ngưỡng vì mục đích vụ lợi, phản văn hóa và tiến bộ, xâm hại tới tính mạng, sức khoẻ và danh dự của công dân, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của đại bộ phận quần chúng Nhân dân là mục tiêu chung của Nhà nước.

Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng trong thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng. Cụ thể như hướng dẫn, chỉ đạo địa phương triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan về công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng như: Đăng ký hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng; bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức lễ hội tín ngưỡng; quyên góp, quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, di dời, xây mới công trình tín ngưỡng, xử lý vi phạm trong hoạt động tín ngưỡng

Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, hằng năm Ban Tôn giáo Chính phủ luôn đẩy mạnh công tác quản lý thông tin và các ấn phẩm liên quan đến tín ngưỡng; tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng cho cán bộ công chức và những người hoạt động tín ngưỡng chuyên nghiệp, đồng thời vận động quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác không tin theo và tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật; tuyên truyền những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng để nhân dân giữ gìn, phát huy; phê phán và đấu tranh các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để vi phạm pháp luật; phê phán các nghi lễ, tín ngưỡng mang tính hủ tục, tàn bạo, không còn phù hợp với đời sống hiện đại.

Tuyên truyền đa dạng qua các hình thức như phát thanh truyền hình, internet, báo chí, tờ rơi, trực tiếp thông qua cán bộ chính quyền địa phương đến những đối tượng thực hành tín ngưỡng như người đại diện, thành viên ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng, người chuyên hoạt động tín ngưỡng (thủ nhang, thanh đồng, thầy cúng, thầy mo...) để họ hiểu và thực hiện đúng chủ trương, chính sách, pháp luật.

Trong phối hợp công tác về tín ngưỡng, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019 đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Theo đó để cụ thể hóa hai cơ quan đã tiếp tục triển khai kế hoạch phối hợp theo giai đoạn, từng năm, từng vụ việc cụ thể để phối hợp công tác quản lý về hoạt động tín ngưỡng được tốt hơn. Tương tự ở một số địa phương cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa 2 hoặc nhiều sở, phòng mà trọng tâm là phối hợp giữa sở, phòng Nội vụ và Văn hóa trong công tác quản lý về tín ngưỡng ở địa phương.

Công tác vận động quần chúng với người đại diện, người có uy tín trong cộng đồng có tín ngưỡng, người am hiểu tín ngưỡng giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp, giảm thiểu những hạn chế, tiêu cực trong hoạt động tín ngưỡng.

Công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng được thực hiện định kỳ và đột xuất gắn với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Tiếp nhận, xử lý các đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tín ngưỡng, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh những tổ chức cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế những vụ việc phức tạp, điểm nóng trong xã hội.

Thanh Long

 

[1] Thông kê từ Ban Tôn giáo 63 tỉnh, thành phố (2021).