Khái quát về Công giáo và Công giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 07/06/2021
Người Công giáo ở Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang, Quảng Trị
Công giáo ra đời vào thế kỷ thứ I SCN tại vùng Palestin. Chúa Giêsu, người sáng lập ra Công giáo là người thuộc dân tộc Do Thái. Theo truyền thuyết, cha nuôi của Chúa Giêsu tên là Giuse, mẹ là bà Ma-ri-a, mang thai Chúa Giêsu một cách mầu nhiệm. Chúa Giêssu sinh năm thứ nhất SCN, năm 30 tuổi Chúa Giêsu bắt đầu truyền đạo. Trong quá trình truyền giáo, Chúa Giêsu luôn bị những người Do Thái đả kích, phê phán và ghen ghét; bị nhà cầm quyền đương thời ngăn cấm và kết tội mưu phản La Mã, tử hình bằng cách đóng đinh trên giá chữ thập. Chúa Giêsu mất khi 33 tuổi.

Công giáo tin Chúa Giêsu xuống trần gian làm người, rao giảng Tin Mừng, chữa lành mọi bệnh tật, trừ quỉ và cuối cùng chết trên thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc tội lỗi của loài người.

I. Khái quát về Công giáo

1. Đấng thờ phụng

Công Giáo tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy là Ba ngôi vị riêng biệt, nhưng cùng một Thiên Chúa duy nhất đồng bản thể và uy quyền trong Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi (Tam vị nhất thể).

2. Giáo lý Công giáo 

Giáo lý Công giáo thể hiện tập trung trong Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước). Hệ thống giáo lý này được hình thành, bổ sung trong nhiều thế kỷ.

Cựu ước là bộ dã sử và cũng là kinh thánh của đạo Do Thái, gồm 46 quyển, chia thành 3 loại: Sách lịch sử; Sách văn thơ; Sách tiên tri. Nội dung của Kinh Cựu ước là nói về sự tạo dựng vũ trụ và con người của Chúa trời; Về sự tích dân Do Thái, luật pháp, phong tục tập quán và truyền thống văn hoá của Do Thái; Về các Vua và dân Do Thái từ khi lập quốc đến tan rã.

Kinh Tân ước gồm 27 quyển, nội dung kể về cuộc đời, sự nghiệp, những lời răn dạy, chỉ bảo về đạo lý của Chúa Giêsu và các Thánh Tông đồ đối với con người. Kinh Tân ước chia làm 4 loại: Sách Tin mừng (hay còn gọi là Phúc âm); Sách Công vụ; Sách Thánh Thư và Sách Khải huyền được ghi lại bởi các tác giả là Lu-ca, Mác-cô, Ma-thê-ô và Gioan.

Hiện nay Kinh Thánh được dịch ra khoảng 750 ngôn ngữ khác nhau và là cuốn sách được xuất bản với số lượng nhiều nhất trên thế giới (khoảng gần một tỷ bản). Ngoài ra, Công giáo còn một số văn bản khác như các án văn của Giáo hoàng, nghị quyết của các Công đồng, về nguyên tắc có giá trị như giáo lý. Trong sinh hoạt, từ kinh Cựu ước và Tân ước, Công giáo biên soạn thành hai loại kinh: Kinh nguyện và Kinh bổn để mọi tín đồ cầu nguyện.

Trong giáo lý của đạo Công giáo có 5 tín điều cơ bản sau: Thiên chúa và sự sáng tạo thế giới của Thiên Chúa; Con người và sự sa ngã của con người; Chúa Giê-su và công cuộc cứu chuộc; Chúa Giê-su trở lại và sự phán xét cuối cùng; Thiên đường và địa ngục, thiên thần và ma quỷ. 

3. Luật lệ, lễ nghi 

Ngay từ đầu, Giáo hội Công giáo đã xây dựng được một hệ thống các luật lệ, lễ nghi khá chi tiết, cụ thể và được thống nhất thực hiện trên phạm vị toàn thế giới. Trước đây, luật lệ, lễ nghi và thiết chế của Giáo hội được ghi trong Bộ Giáo luật Ca-non(xuất bản năm 1917) gồm 2.000 điều. Ngày 25/1/1983, Giáo hội Công giáo ban hành bộ giáo luật mới thay thế cho bộ Giáo luật Ca-non gọi là bộ Giáo luật năm 1983 bao gồm 1.752 điều, chia gồm 7 quyển.

4. Một số nội dung chủ yếu về luật lệ, lễ nghi 

- Mười điều răn của Thiên Chúa (được Thiên Chúa ban cho Maisen tổ phụ của dân Do Thái và được khắc vào bia đá để làm luật pháp cai trị dân Do Thái): 1. Phải thờ kính Thiên Chúa trên hết mọi sự; 2. Không được lấy danh Thiên Chúa để làm những việc tầm thường; 3. Dành ngày chủ nhật để thờ phụng Thiên Chúa; 4. Thảo kính cha mẹ; 5. Không được giết người; 6. Không được tà dâm; 7. Không được gian tham lấy của người khác; 8. Không được làm chứng dối, che giấu sự gian dối; 9. Không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác; 10. Không được ham muốn của cải trái lẽ.

- Năm điều răn của Giáo hội: 1. Xem lễ ngày chủ nhật và các ngày lễ buộc; 2. Kiêng việc xác ngày chủ nhật; 3. Xưng tội mỗi năm một lần; 4. Chịu lễ mùa phục sinh; 5. Giữ chay những ngày quy định.

- Bảy phép Bí tích: Một nghi lễ của Công giáo, theo đó ơn Chúa sẽ được đem đến cho các tín đồ.Trong các nghi lễ, phép bí tích là quan trọng nhất, thể hiện mối quan hệ giao tiếp giữa con người với Chúa. Có 7 bí tích: 1. Bí tích rửa tội; 2. Bí tích thêm sức: để củng cố đức tin kính Chúa; 3. Bí tích thánh thể hay còn gọi là phép Mình Thánh Chúa, có bánh (làm bằng bột mì) và rượu (làm bằng rượu nho) tượng trưng cho mình và máu Chúa Giê-su. Tín đồ sau khi xưng tội và được giải tội thì được chịu phép Mình Thánh; 4. Bí tích giải tội: dành cho người sám hối tội lỗi; 5. Bí tích truyền chức thánh: chỉ dành cho giám mục và linh mục đã được tuyển chọn để họ có quyền tế lễ chăn dắt dân chúa; 6. Bí tích hôn phối: là bí tích kết hợp hai tín hữu 1 nam, 1 nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa; 7. Bí tích xức dầu bệnh nhân: là bí tích nâng đỡ bệnh nhân về phần hồn và phần xác, giúp tín đồ chịu đựng đau khổ, dọn mình trước cái chết.

5. Những ngày lễ của đạo Công giáo

Lịch Công giáo tính theo dương lịch và trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác nhau:

- Lễ trọng (lễ buộc) có 6 ngày trong năm cụ thể là:

1. Lễ Nô-el (giáng sinh) ngày 25/12.

2. Lễ phục sinh (Chúa sống lại) vào một ngày của tháng 4 (từ 21/3 - 25/4).

3. Lễ Chúa Giê-su lên trời, sau lễ phục sinh 40 ngày.

4. Lễ Chúa Thánh thần thiện xuống, sau lễ Chúa Giê-su lên trời 10 ngày.

5. Lễ Đức bà Ma-ri-a hồn và xác lên trời, ngày 15/8.

6. Lễ các Thánh, ngày 1/11.

- Lễ Thông thường. Đây là những ngày lễ mà Giáo hội không buộc, nhưng tín đồ vẫn tích cực tham gia để được hưởng nhiều ơn phúc. Ngoài ra trong số các lễ thông thường còn có các lễ theo tháng hoặc theo mùa với nhiều chủ đích khác nhau.

6. Cơ cấu tổ chức 

Về cơ cấu tổ chức chungGiáo hội Công giáo được tổ chức theo 3 cấp hành chính chính thức, gồm: Giáo triều Rô-ma, Giáo phận, Giáo xứ. Có một cơ cấu tổ chức chặt chẽ, thống nhất, lâu dài và ổn định.

- Giáo triều Rô-ma:là cơ quan điều hành trung ương của Tòa thánhVa-ti-căn và Giáo hội Công giáo, gồm: Phủ Quốc Vụ Khanh, đặc trách những công việc thường vụ của Giáo Hội và phụ trách liên lạc các quốc gia; 09 Bộ của tòa thánh, chịu trách nhiệm về những lãnh vực nhất định của đời sống Giáo Hội; 12 Hội Đồng Tòa Thánh, là những bộ phận chuyên nghiên cứu và tìm kiếm trong những lãnh vực quan trọng, 3 Văn Phòng, giúp điều hành công việc của Tòa Thánh và quản lý tài chính, 3 Tòa Án, để giải quyết các công việc liên quan đến Xá giải, Ấn tín Tông tòa và Hôn phối.

- Giáo phận: Nhiều Giáo xứ hợp lại thành một Giáo phận. Giáo phận là cấp hành chính chính thức của Giáo hội trực thuộc Toà Thánh Vatican về mọi phương diện; việc thành lập, bãi bỏ, thay đổi một Giáo hội địa phương do Giáo hoàng quyết định. Cai quản Giáo phận là một Giám mục, theo Giáo luật Giám mục có tất cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong phạm vi tôn giáo.

- Giáo xứ: Giáo xứ là đơn vị cuối cùng có tư cách pháp nhân của Giáo hội. Đứng đầu giáo xứ là một Linh mục chính xứ do Giám mục giáo phận bổ nhiệm và dưới quyền Giám mục giáo phận. Trong điều kiện thiếu Linh mục thì có thể một Linh mục cai quản nhiều giáo xứ; một giáo xứ có thể có nhiều giáo họ, trong trường hợp có nhiều linh mục thì một linh mục có thể coi sóc một hoặc nhiều giáo họ. Ngoài ra, còn có các cấp trung gian mang tính liên hiệp gồm: Giáo tỉnh, Giáo hạt. 

7. Phẩm trật của Giáo hội              

Hàng giáo sỹ trong Công giáo được hình thành theo cấp bậc rõ ràng, có ba chức thánh như: Giám mục, Linh mụcPhó tế. Ngoài ra, còn có các tước vị khác như Hồng y, Tổng Giám mục, Đức ông.

- Giáo hoàng: Giáo hoàng có nhiều danh xưng như Giáo chủ, Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Phê-rô, là đại diện Chúa Giê-su nơi trần thế, vị chủ chăn tối cao của toàn thể tín đồ Công giáo. Giáo hoàng có quyền tối thượng, toàn diện và trực tiếp đối với Giáo hội từ Giáo triều Va-ti-căn đến Giáo hội địa phương cơ sở. 

- Hồng y và Hồng y đoàn: Hồng ylà phẩm tước, xếp ngay sau Giáo hoàng. Các hồng y trên thế giới hợp thành Hồng y đoàn có nhiệm vụ bầu Giáo hoàng và giúp Giáo hoàng cai quản giáo hội (các Hồng y trên 80 tuổi không được bầu Giáo hoàng). 

- Tổng Giám mục: là Giám mục đứng đầu các Tổng giáo phận.

- Giám mục: là những người được trao cho việc coi sóc một giáo phận, có toàn quyền về mặt tôn giáo trong giáo phận đó, gọi là Giám mục Chính toà; trong một giáo phận có thể có Giám mục phó hoặc Giám mục phụ tá giúp việc cho Giám mục chính toà.

- Linh mục:có linh mục triều là người coi sóc mục vụ ở các giáo xứ hoặc làm việc tại Tòa giám mục và linh mục dòng hoạt động trong các dòng tu.

- Phó tế: có phó tế tạm thời và phó tế vĩnh viễn. Phó tế tạm thời là những người hướng tới chức linh mục (tức những người đã học xong chương trình đào tạo tại các đại chủng viện chờ được tấn phong làm linh mục), và phó tế vĩnh viễn là những người không hướng tới chức linh mục. Phó tế vĩnh viễn có thể là những người đã có gia đình, nhưng sau khi thụ phong nếu người vợ qua đời không được lập gia đình nữa. 

Hàng giáo phẩm của đạo Công giáo nói chung rất quan trọng, là những người được thay mặt Chúa để điều hành các hoạt động của Giáo hội; là Cha thiêng liêng, Cha tinh thần không thể thiếu trong các sinh hoạt tôn giáo hàng ngày của tín đồ Công giáo.

II. Công giáo ở Việt Nam

1. Quá trình truyền giáo và phát triển

Quá trình truyền bá Công giáo vào Việt Nam bắt đầu từ các thập kỷ đầu của thế kỷ XVI (1533), song thực tế phải đầu đầu thế kỷ XVII, hoạt động truyền bá mới được tổ chức một cách có quy mô và đạt hiệu quả. Có thể phân chia quá trình truyền giáo và phát triển đạo vào Việt Nam qua 4 giai đoạn chủ yếu: giai đoạn hình thành từ đầu thế kỷ XVI đến năm 1884; Giai đoạn từ 1885-1945 (Giai đoạn thực dân Pháp đô hộ đến khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa); Giai đoạn thứ ba từ 1945-1975 (Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ); Giai đoạn thứ tư từ năm 1975 đến nay (Giai đoạn sau ngày thống nhất đất nước, cả nước tiến hành công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng chủ nghĩa xã hội). 

Công giáo truyền vào Việt Nam, có nhiều đóng góp tích cực cho văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, một bộ phận nhỏ tín đồ và chức sắc Công giáo bị các thế lực đế quốc lợi dụng, ảnh hưởng đến quan hệ Nhà nước và Giáo hội.

Sau ngày 30/4/1975 đất nước hai miền Nam - Bắc thu về một mối, Giáo hội hai miền có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành thống nhất. Năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất, ra Thư Chung lịch sử với đường hướng hoạt động “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người Công giáo với đất nước: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là đòi hỏi của Phúc âm. Thư chung năm 1980 cũng định ra nhiệm vụ xây dựng một nếp sống đạo mới và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc.

Công giáo Việt Nam có hơn 3.000 giáo xứ; tính đến đầu năm 2021 có 46 Giám mục, gần 6000 linh mục; khoảng 200 dòng tu, tu hội, tu đoàn với hơn 31.000 nam nữ tu sĩ, trên 7 triệu tín đồ.

2. Cơ cấu tổ chức

2.1. Hội đồng Giám mục Việt Nam là một tổ chức gồm tất cả các giám mục đang thi hành phận sự mục vụ ở các giáo phận tại Việt Nam. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Giám mục Việt Nam gồm Ban Thường vụ (không quy định số lượng), với các chức danh: Chủ tịch, một hoặc nhiều Phó chủ tịch, Tổng thư ký, một hoặc nhiều Phó Tổng thư ký (Phó Tổng thư ký có thể là một linh mục). Có 17 Ủy ban do các giám mục phụ trách như: Uỷ ban Giám mục về Giáo Lý, về Phụng tự, về Thánh nhạc và nghệ thuật Thánh, về Giáo sĩ và chủng sinh, về Tu sĩ, về Giáo dân, về Kinh thánh, về Văn hoá, về Phúc âm hoá… Nhiệm kỳ của Hội đồng Giám mục là 3 năm. Từ ngày thành lập đến nay Hội đồng Giám mục Việt Nam đã qua 14 nhiệm kỳ. Hiện nay đang là nhiệm kỳ 14 (2019-2022), với 17 Ủy ban, 46 giám mục, 2 Hồng y.

2.2. Công giáo Việt Nam hiện có 03 Giáo tỉnh với 27 giáo phận: Giáo tỉnh Hà Nội có 11 giáo phận: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Hoá, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hoá, Vinh và Hà Tĩnh. Giáo tỉnh Huế có 6 giáo phận: Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, KonTum và Buôn Mê Thuột. Giáo tỉnh Sài Gòn có 10 giáo phận: Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, giáo phận Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Đà Lạt, Long Xuyên, Phú Cường, Xuân Lộc, Phan Thiết và Bà Rịa.

Bên cạnh tổ chức mang tính chất hành chính điều hành hoạt động của Giáo hội như giáo phận, giáo xứ, Công giáo còn có hệ thống các dòng tu. Ở Việt Nam hiện có rất nhiều dòng tu của Công giáo, theo thống kê năm 2018 của Ủy ban Tu sĩ, Hội đồng Giám mục Việt Nam có 285 dòng tu, trong đó hiện có 76 dòng tu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động, chấp thuận thành lập.

2.3. Công giáo Việt Nam hiện có 11 cơ sở đào tạo gồm: Học viện Công giáo Việt Nam; Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội; Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu (Nam Định); Đại Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình (Thái Bình); Đại Chủng viện Vinh Thanh (Nghệ An); Đại Chủng viện Huế (Thừa Thiên Huế); Đại Chủng viện Sao Biển – Nha Trang (Khánh Hòa); Đại Chủng viện thánh Giuse Thành phố Hồ Chí Minh; Đại Chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc (Đồng Nai); Cơ sở II Đại Chủng việnThánh Giuse Xuân Lộc tại Đà Lạt (Lâm Đồng); Đại Chủng viện Thánh Quý (Cần Thơ).

Công giáo Việt Nam là tôn giáo rất tích cực tham gia các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo. Thời gian qua, cùng với các hoạt động tôn giáo,  Giáo hội Công giáo đẩy mạnh các hoạt động như thành lập các trường mẫu giáo, nhà trẻ; tổ chức lớp học tình thương, bổ túc văn hoá cho trẻ em cơ nhỡ, lang thang, trẻ em nghèo thất học, trẻ em khuyết tật; lập quỹ khuyến học hỗ trợ, động viên học sinh, sinh viên nghèo trao học bổng cho học sinh; mở phòng khám nhân đạo, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nghèo, chăm sóc người già neo đơn, khuyết tật, phong cùi, nạn nhân chất độc da cam, HIV-AIDS; làm đường liên thôn, bắc cầu và làm cây nước cho bà con nghèo vùng sâu… đây là đóng góp quan trọng của Công giáo vào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.

 

Đào Thị Đượm