Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa
Ngày đăng: 21/09/2021
Đức bổn sư Ngô Lợi
1. Hoàn cảnh ra đời của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa

 Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời ngày 05 tháng 5 năm Đinh Mão (1867) tại Cù Lao Ba (huyện An Phú, tỉnh An Giang ngày nay), do ông  Ngô Văn Lợi (còn có các tên khác là Ngô Viện, Cao Văn Do, Bảy Do, Năm Thiếp), sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Tân Mão (1831), tại Kiến Hòa, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre sáng lập. Ông là một sỹ phu Cần Vương, tham gia khởi nghĩa ở vùng Mỹ Tho - Tiền Giang, bị giặc truy nã, ông chạy vào vùng Thất Sơn, An Giang ẩn thân, ở đây ông Ngô Lợi tiếp thu tư tưởng của  đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và trở thành đệ tử của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.

Dựa trên nền tảng giáo thuyết và cách thức truyền bá của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Ngô Lợi vừa truyền đạo vừa chữa bệnh kết hợp với quá trình tập hợp nông dân khai hoang lập ấp. Trong quá trình ổn định cuộc sống của các tín đồ ở núi Tượng, ông Ngô Lợi đã cho xây chùa, miếu để thực hình nghi lễ, đẩy mạnh việc truyền đạo rộng rãi ở vùng Thất Sơn và các vùng xung quanh để thu nạp tín đồ. Trong một thời gian không lâu, đã có nhiều người đi theo ông học đạo và ông được các tín đồ gọi là Đức Bổn Sư. Khi mới ra đời, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa chưa có tên gọi chính thức, những người theo ông học đạo hỏi về danh xưng của đạo thì ông Ngô Lợi nói là Đạo thờ ông bà. Từ năm 1870 trở đi, tôn giáo này mới có tên gọi chính thức là “Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa”. Đến năm 2020, tại Đại hội đại biểu tín đồ lần thứ III (nhiệm kỳ 2020-2025), đã thống nhất tên đổi tên gọi tôn giáo từ “Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa” thành “Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa” và đổi tên tổ chức tôn giáo từ “Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa” thành “Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa”.

2. Quá trình phát triển của Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa

2.1. Quá trình phát triển của Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa khi ông Ngô Lợi còn sinh thời

Năm 1867, ông Ngô Lợi chính thức truyền đạo và dạy nghi thức hành đạo cho nông dân. Do đó, có thể chọn thời điểm năm 1867 làm mốc ra đời của tôn giáo do ông Ngô Lợi sáng lập (xét trên khía cạnh có giáo lý, có nghi thức hành đạo và có thu nhận tín đồ). Tuy nhiên, việc chọn mốc ra đời chỉ là tương đối, nhưng thời điểm giữa năm 1867 có thể lấy làm mốc ra đời của Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa dựa vào các tiêu chí: người sáng lập đạo đã có thu nhận tín đồ, dạy nghi thức thờ phụng, hành lễ căn bản trên một hệ thống giáo lý riêng.

Sự phát triển Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa có đặc điểm độc đáo, đó là việc gắn liền với sự hình thành các làng xã mới của vùng Thất Sơn vào cuối thế kỷ XIX. Thất Sơn là vùng đất phía Tây của tỉnh An Giang nổi tiếng với bảy núi: Tượng Sơn, Tô Sơn, Ốc Nhẫm, Cấm Sơn, Nam Vi, Tà Biệt và Nhân Hoà được xem là “linh huyệt” của miền đất Nam bộ. Trong số Thất Sơn có Tượng Sơn là một trong những căn cứ quan trọng của khởi nghĩa nông dân An Giang. Tên gọi Tượng Sơn được chỉ định dùng cho ngọn núi này, vì đỉnh của nó có một hòn đá lớn sừng sững giữa trời đất, hình dáng tựa đầu của một con voi khổng lồ đang hướng về miền đồng bằng trù phú.

Khi đến núi Tượng (1876), ông Ngô Lợi hướng dẫn việc “trảm thảo khai sơn”, xây dựng nhà cửa, chùa miếu, lập thôn xóm theo sơ đồ cho những tín đồ. Ngày 19 tháng 11 năm 1877, dân chúng ở núi Tượng dựng xong ngôi đình và chùa Phi Lai, ngôi chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa quy mô đầu tiên ở vùng Thất Sơn. Năm 1887, ông Ngô Lợi tiếp tục đưa tín đồ đến khai phá vùng đất ven chân núi Dài mở rộng về hướng Đông, tức hướng ngược lại của làng An Thành theo chân núi Dài. Vùng đất mới này là tiền thân của làng An Lập được hình thành ngay sau đó không lâu (hiện nay thuộc xã Lê Trì, huyện Tri Tôn ngày nay). Công việc truyền bá đạo pháp, phát triển “Đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa” tại các làng xã mới hình thành xung quanh vùng Thất Sơn, gắn liền với việc tổ chức, ổn định cuộc sống cho các tín đồ mới và việc xây dựng cơ sở vật chất Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa của Đức Bổn Sư Ngô Lợi và các cao đồ của ông.

Năm 1890, ông Ngô Lợi qua đời, Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa không có ai kế vị, các mối đạo đều giao lại cho các ông Trò, ông Gánh phụ trách. Sau đó, một số ông Gánh rời vùng Thất Sơn đi truyền đạo, nên đạo đã hình thành nên hai hệ thống:

- Hệ thống thứ nhất gọi là nội thôn, đây là thánh địa của đạo được duy trì ở các làng : An Định, An Hòa, An Thành, An Lập thuộc vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang.

- Hệ thống thứ hai gọi là ngoại thôn, đây là những nơi mà tín đồ được các ông gánh đến truyền đạo như Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu,…

2.2. Sự phát triển của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa sau khi ông Ngô Lợi qua đời (năm 1890)

Sau khi ông Ngô Lợi qua đời năm 1890, việc truyền bá “Đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa” cũng không được phổ biến mạnh mẽ như khi Đức Bổn Sư còn tại thế. Các ông Trò, ông Gánh ở bốn làng đã hướng dẫn tín đồ hành đạo theo cách của mình trong phạm vi trong làng. Một số vị dùng phù chú chữa bệnh rơi vào sự mê tín dị đoan, làm sai lạc giáo lý ban đầu của Đạo. Nhiều người rời Thất Sơn đi truyền Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa ở Tây và miền Đông Nam Bộ theo cách riêng của mình. Như ông Sư đến Cù Lao ông Hổ, bà Năm  Dội ở Cỏ Lao, ông Trần ở núi Nứa (Long Sơn) . Đó là lý do làm nảy sinh những biến thái trong quá trình phát triển Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa đầu thế kỷ XX. Những biến thái đó là sự kế tục và phát triển của tôn giáo này, mặt khác, là sự biểu hiện quá trình phát triển của nó trong điều kiện và hoàn cảnh mới.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, ban đầu Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa không chủ trương lập cơ sở như một số tôn giáo khác. Người đứng đầu là Đức Bổn Sư, dưới là các đại đệ tử, hay còn gọi là các cao đồ. Trong số các cao đồ được được phân ra các chức năng cụ thể khác nhau: những người phát huy ý tưởng của Đức Bổn sư được gọi là ông Trò; những người thay mặt Đức Bổn Sư chăm lo việc đạo của một nhóm tín đồ gọi là ông Gánh. Sau khi Đức Bổn Sư qua đời, do sự phân hóa của các ông Gánh nên cơ cấu tổ chức Đạo đã được thành lập.

Năm 2020, tại Đại hội đại biểu tín đồ lần thứ III (nhiệm kỳ 2020-2025) đã thống nhất tên đổi tên gọi tôn giáo từ “Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa” thành “Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa” và đổi tên tổ chức tôn giáo từ “Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa” thành “Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa.

Theo Hiến chương của Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa, hệ thống tổ chức của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa gồm 2 cấp:

- Cấp toàn đạo là Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đại diện Phật hội lãnh đạo hoạt động đạo sự toàn đạo là Ban Trị sự trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là Ban Trị sự trung ương).

- Cấp cơ sở là Gánh. Đại diện cho Gánh điều hành hoạt động đạo sự của Gánh là Ban Trị sự Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở 24 Gánh (gọi chung là Ban Trị sự cơ sở).

- Tại những tỉnh, thành phố (trực thuộc trung ương) có cơ sở tôn giáo, có đông tín đồ của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Ban Trị sự trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa có trách nhiệm cử người đại diện. Giúp việc cho Phật hội và nối liên hệ với cơ sở tôn giáo tại tỉnh, thành phố đó với Phật hội.

- Ban Trị sự trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa có 6 Ban chuyên ngành giúp việc: Ban Văn phòng, Ban Giáo lý, Ban Xã hội - Từ thiện, Ban Kiểm soát, Ban Tài chính, Ban Lễ nghi. Mỗi Ban có Trưởng ban, có từ 1 đến 2 Phó Trưởng ban và một số thành (cần nêu cụ thể số lượng) viên. Trưởng các Ban là thành viên Ban Trị sự trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa. 

- Ban Trị sự các cấp của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Đại hội đại biểu tín đồ suy cử. Các Ban Trị sự có nhiệm kỳ là 5 năm với các chức danh:

+ Cấp trung ương có 24 vị, gồm: Trưởng ban, từ 3 đến 5 Phó Trưởng ban, 1 Thư ký và các Ủy viên.
+ Cấp cơ sở có 5 vị, gồm: Trưởng ban, Phó trưởng ban, 1 Thư ký và 2 Ủy viên.

Ban Trị sự trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, nhiệm kỳ 2020-2025

3. Nội dung cơ bản về giáo lý,  giáo luật,  lễ nghi của Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa

Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa có tôn chỉ hành đạo là: "Tu nhân - Học Phật". Đường hướng hành đạo là “Hành tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Với học thuyết học Phật tu nhân, tôn chỉ kính thờ Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa, Đức Bổn Sư Ngô Lợi dạy người tín đồ hành theo Thập nhị lệ sự (mười hai điều phải làm) đó là: cúng kiến trời đất, cúng lễ các vị thần, thờ phượng tổ tiên ông bà, sống hiếu thảo với cha mẹ, giữ gìn phép nước, kính trọng ơn thầy, yêu mến anh em, giữ chữ tín với bạn bè, ghi chép làm rõ các tông phái trong dòng họ, sống hoà thuận với bà con xóm giềng, giữ tình nghĩa vợ chồng và chăm lo giáo dục con cháu. Đó là tiêu chí để tín đồ Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa thực hiện khi  tu nhân, rèn tâm sửa tính để tiến lên con đường học Phật.

Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa chịu ảnh hưởng rất nhiều giáo lý Phật giáo, chủ yếu ở Thiền phái Lâm Tế và Thiên Thai Tông. Có những kinh Phật giáo được đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đọc tụng như Bát Dương Kinh, Di Đà Kinh, Kim Cang Thọ Mạng Kinh, Phổ Môn Kinh,...

Với nguyên lý cơ bản là Tu nhân - Học Phật, đạo lý Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa không phải là loại giáo lý suy luận như thường thấy ở các tôn giáo khác mà thuộc loại đạo lý hướng nhân, điều chỉnh quan niệm đạo đức thực tại, vì thực tại, trên tinh thần Hiếu- Nghĩa.

* Các ngày lễ chính (tính theo âm lịch)

- Lễ kỷ niệm ngày ngộ đạo, ngày sinh Đức Bổn Sư Ngô Lợi và ngày Khai sáng đạo (5/5 Âl).

- Lễ vía kỷ niệm này Đức Bổn Sư qua đời (13/10 Âl)

* Thủ tục nhập đạo

Người muốn vào đạo trước hết phải tìm đến Đức Bổn sư, các đệ tử của ông hoặc sau này là ông Trò hay ông Gánh để tìm hiểu về Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa. Khi đã chấp nhận thọ giáo thì người đó đến gặp một trong những vị nói trên hoặc sau này là ông Trưởng Gánh để tiến hành các thủ tục nhập tôn giáo. Người được thọ giáo phải đến chùa Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa để cúng lạy, sau đó vái ở bàn thờ Tam Bửu gia để khẳng định là mình thuộc về Gánh đó. Vị Trưởng gánh lúc này sẽ phát cho tín đồ mới đó bộ Lòng phái. Bộ Lòng phái chính là báu vật của tín đồ, nó không những có ý nghĩa xác nhận tín đồ là thành viên của Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa mà còn là bảo linh được mang mang theo người lúc sống lúc chết.

4. Số lượng và sự phân bổ tín đồ, chức sắc chức việc cơ sở thờ tự

- Về tín đồ: Tín đồ đạo Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa gọi nhau là thân bằng và có tính cộng đồng, bởi quan điểm yêu thương đồng bào đã thấm nhuần trong tư tưởng của họ. Tín đồ Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở mọi độ tuổi, chỉ cần được cấp “Lòng phái” là được công nhận là tín đồ.

Theo thống kê của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, hiện nay có khoảng 70.000 tín đồ, sinh sống tập trung tại 16/63 tỉnh, thành phố, bao gồm các tỉnh, thành phố: An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Long An, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; Đăk Lăk.

- Về chức sắc, chức việc: Số lượng chức sắc, chức việc của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa khoảng 500 người (trong đó có 24 vị Trưởng gánh còn lại là chức việc - Cư sĩ, Thông tín và Thủ lễ). Các vị chức sắc sinh sống và chỉ có ở các cơ sở nội thôn thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Trong số chức việc thì tỉnh An Giang có hơn 62% tổng số chức việc của toàn đạo.

- Về cơ sở thờ tự: Cơ sở thờ tự của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa là hệ thống các chùa, đình, miếu, Tam Bửu gia. Chùa Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa không phải là nơi tu hành của những người cắt ái ly gia mà là nơi thờ cúng và thực hiện các lễ nghi của Đạo. Chùa Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn là nơi để chữa bệnh cho các tín đồ và để tín đồ thể hiện mối quan hệ với thân bằng của mình. Bên cạnh hệ thống chùa, tại các làng Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn có các đình, miếu là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo do các Trưởng Gánh trực tiếp phụ trách. Hiện nay, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa có 75 cơ sở (trong đó có 40 cơ sở nội thôn và 35 cơ sở ngoại thôn)./.