Giới thiệu khái quát về Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam
Ngày đăng: 15/09/2021
Vào những năm đầu thế kỷ 20, làn sóng chấn hưng đạo Phật ở Việt Nam nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các giới Phật tử. Từ Sài Gòn, Gia Định, phong trào chấn hưng lan rộng tới các vùng nông thôn, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số tôn giáo mới được hình thành dưới hình thức mới, vừa hoạt động tôn giáo, vừa giúp đỡ dân nghèo. Một số tôn giáo phát triển trên nền tảng giáo lý nhà Phật, nhưng được cải tiến ngắn gọn và dễ hiểu để phù hợp với sinh hoạt và trình độ của người dân Nam bộ lúc bấy giờ. Điển hình của một trong những tôn giáo mới xuất hiện trong giai đoạn này là Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam (sau đây gọi tắt là TĐCSPHVN).

1. Sơ lược về người sáng lập ra TĐCSPHVN

Người sáng lập ra TĐCSPHVN là ông Nguyễn Văn Bồng (pháp danh Nguyễn Trung Trí) sinh năm 1886 tại xã Tân Mỹ, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ông là con thứ bảy trong một gia đình nho học.

Là người có tư chất thông minh, sẵn giác ngộ chân lý Phật giáo, sẵn mang dòng máu yêu nước cứu đời, ông đã vận dung tri thức phật học sẵn có chuyển tải giáo lý Phật giáo thành thơ ca, kinh sách dưới dạng Phật ngôn đối đáp ngắn ngọn, dễ hiểu để mọi người đến được với Phật giáo dễ dàng hơn; đồng thời ông đưa mọi người vào hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ cách mạng. Với những hoạt động nhập thế như vậy, số người theo tôn giáo do ông sáng lập ngày càng đông. Khi tôn giáo do ông sáng lập được chính quyền công nhận, ông trở thành giáo chủ và được gọi là “Đức Tông sư Minh Trí”.

2. Sự ra đời và phát triển của TĐCSPHVN

Năm 1931- 1934, do tình hình, tín đồ ngày một đông, một vấn đề đặt ra là phải lo tài chính để phục vụ cho việc hành đạo, ông cùng Bà Cô Năm và các môn đệ vào Đồng Tháp Mười để khẩn đất khai hoang làm ruộng. Nhờ sự tận tuỵ của Bà Cô Năm và các hội viên thiện tín, Ông đã khai khẩn được 10 ngàn công đất tại xã Mỹ Thọ, tổng Phong Nẳm Thượng, huyện Cao Lãnh, Tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Quý, tỉnh Đồng Tháp). Nhận thấy cần phải có nơi tụ tập cho hội viên, thiện tín, Bà Cô Năm đã dựng lên ngôi chùa Tịnh độ đầu tiên tại ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Quý, tỉnh Đồng Tháp lấy tên là Hưng Phước Tự.

TĐCSPHVN trở thành một tôn giáo, và chính quyền thuộc Pháp lúc bấy giờ đã cấp giấy phép số 619 ngày 20-2-1934 để TĐCSPHVN hoạt động (lúc đó chỉ có sáu chữ Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, chưa có hai chữ Việt Nam). Thời Việt Nam Cộng Hoà xác định tính hợp pháp của Giáo hội bằng Nghị định số 83/MI/DAP ngày 22-12-1953. (khi đó có đủ tám chữ TĐCSPHVN).

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hệ thống tổ chức Giáo hội của TĐCSPHVN không còn hoạt động đầy đủ như trước, nhưng các Hội quán vẫn sinh hoạt bình thường. Mặc dù TĐCSPHVN vẫn có 3 bộ phận: Hành chính, đạo đức, y tế nhưng trọng tâm của TĐCSPHVN vẫn là phát triển mạnh về y tế (phòng thuốc Nam phước thiện).

Ngày 06/5/1995, tại Tổ đình Hưng Minh Tự (số 145, Lý Chiêu Hoàng, phương 10, quận 6 thành phố Hồ Chí Minh) đã tập trung 120 vị chức sắc, cao niên trong toàn Hội và các hội viên tâm huyết với Hội họp bàn và thành lập Hội đồng Trị sự nhằm mục đích xin Nhà nước công nhận lại tư cách pháp nhân và củng cố lại hệ thống điều hành của Hội. Ông Nguyễn Phương Hiếu đã đắc cử chức vụ Chánh Hội trưởng từ năm 1995 cho đến khi qua đời (năm 2018).

Những năm gần đây, khi Nhà nước ban hành nhiều chính sách pháp luật quy định quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân và khẳng định Nhà nước bảo hộ các hoạt động tôn giáo chính đáng, bình thường của quần chúng tín đồ, khuyến khích các hoạt động nhân đạo từ các tổ chức tôn giáo, nhất là từ sau khi nhà nước có Nghị định 69/NĐ-HĐBT (nay là Chính phủ) quy định về các hoạt động tôn giáo thay thế cho các văn bản quản lý nhà nước trước kia, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam mới thực sự yên tâm hoà nhập trở lại và phát triển cả về mức độ, quy mô, nội dung, hình thức về đội ngũ cư sỹ, tín đồ. Ngày 27-11-2007, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam đã được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân. Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam đã trải qua 3 lần đại hội đại biểu cấp toàn đạo và hiện nay đang ở giữa nhiệm kỳ IV (nhiệm kỳ 2019-2024).

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam có khoảng 1.500.000 chức sắc, chức việc, tín đồ, hội viên (trong đó khoảng 650.000 tín đồ đã quy y) gần 1.000 y sĩ, y sinh và khoảng 5.000 chức sắc, chức việc; thành lập được 210 Chi hội (tổ chức tôn giáo trực thuộc) ở 210 phòng thuốc nam phước thiện, phân bố ở 23 tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa tới Cà Mau. Trụ sở của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam đặt tại Tổ đình Hưng Minh Tự, số 45 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh.

Ban Trị sự Trung ương GHTĐCSPHVN, nhiệm kỳ 2019-2024

3. Giáo lý, giáo luật, cơ cấu tổ chức

3.1. Về Giáo lý tu học, TĐCSPHVN lấy giáo lý Phật đà làm gốc, song được diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu cho phù hợp với đời sống của đa số người dân lao động ở Nam bộ. Trong giáo lý của TĐCSPHVN có nhiều nội dung, song tập trung ở các quyển kinh, luật, luận căn bản:

- Lễ bái lục phương: Đây là quyển kinh xuyên suốt toàn bộ giáo lý của người tu theo TĐCSPHVN. Nội dung kinh hướng về người cư sỹ tại gia, sống tích cực nhập thế giữa đời thường mà không đánh mất tâm tính bản nhiên thanh tịnh.

Phu thê ngôn lận: Dùng hình thức đối đáp giữa hai vợ chồng nhằm đạt tới sự diễn dịch “ý nghĩa ở ngoài lời nói.” Quyển Luận này nhằm khuyến khích người tu hành từ tư tưởng đến hành động đều phải quả quyết, không thoái chuyển.

- Đạo đức: Đây là quyển kinh ghi lại lời thuyết giảng ý nghĩa và phương pháp thực hành đạo đức của Đức Tông Sư Minh-Trí, nội dung chủ trương đạo đức là cái then chốt của văn minh cũng như của khoa học.

- Giới luật: Thuyết minh quan điểm của người tu Phật, nhất là người cư sỹ tại gia, nêu rõ tính chất nghiêm minh, cẩn trọng mà người cư sỹ tại gia nếu phát tâm thọ trì Bồ tát giới cũng có thể đạt được những thành tựu như người xuất gia.

- Học Phật vấn đáp: Là bộ Phật học phổ thông bao quát nhiều trình độ, trong đó thuyết minh rõ về Giáo hội Tăng già, vấn đề Tam qui, chơn lý tu học, xác định giá trị cũng như vị trí vững chắc của người cư sỹ tại gia trong Phật đạo.

- Phương pháp kiến tánh: Quyển sách thể hiện nội dung nâng cao trình độ tu học, trình bày từng giai đoạn của quá trình tu học để đạt được Kiến Tánh. Người Kiến Tánh thì sẽ xa lìa được thiên kiến để thực hành trung đạo. Ví như một nhân tố tích cực, có thể làm cho người đạt tới những lợi ích hữu dụng hơn.

3.2. Giáo luật: là những qui định của Giáo hội TĐCSPHVN (còn gọi là Điều lệ Nội qui) trong việc phân công, phân nhiệm cụ thể cho các hàng chức sắc, chức việc, hội viên, tín đồ. Tóm tắt như sau:

- Chức sắc, chức việc: đứng đầu Ban Trị sự Trung ương là ông Chánh Hội trưởng lãnh đạo chung. Đứng đầu các Ban Trị sự Tỉnh hội là ông Hội trưởng. Đứng đầu các ban cấp quận, huyện hội gọi là Trưởng ban Y tế phước thiện. Mỗi ban gồm có 12 vị với những chức danh và nhiệm vụ cụ thể, được tín đồ, hội viên bầu trực tiếp, nhiệm kỳ một năm.

- Cơ sở thờ tự của Giáo hội TĐCSPHVN được gọi là hội quán, mỗi hội quán đều có Phòng Thuốc Nam phước thiện. Hội quán là tài sản chung của Giáo hội TĐCSPHVN, không thuộc về quyền hạn của bất cứ cá nhân nào.

- Trong hội quán, những cư sỹ hội viên làm công tác lãnh đạo các cấp gọi là chức sắc, chức việc. Có sáu sắc hội viên: hội viên sáng lập, hội viên phước thiện, hội viên tán trợ, hội viên hành sự, hội viên huấn đạo. Tín đồ là những người theo đạo và có qui y. Các chức sắc, chức việc, hội viên tín đồ phải tuân theo Điểu lệ Nội qui của Giáo hội.

3.3. Giáo Lễ: TĐCSPHVN hành lễ tuy đơn giản nhưng thành kính. Hằng năm có hai ngày lễ lớn:

- Ngày 8-4 âm lịch: Lễ Phật đản và Đại hội thường niên ngành Y tế phước thiện, đồng thời bầu Ban lãnh đạo Trung ương.

- Ngày 23-8 âm lịch: Lễ kỷ niệm ngày viên tịch của Đức Tông Sư Minh Trí - Giáo chủ TĐCSPHVN, và Đại hội thường niên ngành Đạo đức.

Hằng tháng vào ngày mùng một và 15 âm lịch là những ngày lễ sóc vọng, làm lễ qui y cho tín đồ mới nhập đạo và thuyết giảng giáo lý. Ngoài ra còn tổ chức những ngày lễ chung của đạo Phật, như rằm tháng Giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng 10 v.v…

Hành lễ công phu tứ thời: Theo qui định lễ Phật 24 lạy (giản chính theo Lễ Bái Lục Phương), lễ Quán Thế Âm 12 lạy, lễ Đức Tông Sư Minh Trí 6 lạy.

3.4. Hệ thống chức sắc, chức việc của Giáo hội TĐCSPHVN

Theo Hiến chương của Giáo hội TĐCSPHVN, hệ thống chức sắc, chức việc của Giáo hội TĐCSPHVN như sau:

- Chức sắc của Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam là những tín đồ đã qua các khoá học Giáo lý hoặc Y lý, thi và đỗ tốt nghiệp, được tấn phong nếu hội đủ những tiêu chuẩn theo qui định của Giáo hội và qui định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra chức sắc phải đáp ứng được các điều kiện của tín đồ nêu trên.

Hệ thống chức sắc của Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam gồm
có các phẩm vị:

+ Môn Tu Huệ gồm các phẩm vị Huấn sư, Giảng sư, Phó Giảng sư, Giảng viên, Thuyết Trình viên;

+ Môn Tu Phước gồm các phẩm vị Huấn sư Y khoa, Giảng sư Y khoa,
Phó Giảng sư Y khoa, Giảng viên Y khoa, Chức sắc Y tế Phước thiện bậc 2.

- Chức việc là những người giữ các vị trí trong các Ban (Ban Trị sự các cấp và các Ban giúp việc cho Ban trị sự trung ương), được bầu cử theo nhiệm kỳ. Hiện nay, chức việc của Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam được phân định như sau:

1. Cấp Trung ương có Ban Trị sự Trung ương, đứng đầu là chức danh Chánh Hội trưởng. Ban Trị sự Trung ương là cấp quản lý - điều hành cao nhất của Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam.

2. Cấp Tỉnh/Thành có Ban Trị sự Tỉnh/Thành hội, đứng đầu là chức danh Hội trưởng.

3. Cấp Phường/Xã có Ban Trị sự Chi hội, đứng đầu là chức danh Trưởng ban.

Để thực hiện công tác quản lý tổ chức, kinh tế, xã hội theo đúng tôn chỉ của Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam, Ban Trị sự Trung ương được thành lập thêm những ban phụ tá, gồm:

1. Ban Đạo đức và Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương: Phụ trách công tác đạo đức, đào tạo và giảng dạy giáo lý.

2. Ban Y tế Phước thiện Trung ương: Phụ trách các phòng thuốc Nam Y Dược - Đông Y-Tây Y, đào tạo và giảng dạy.

3. Ban Hộ đạo: Phụ trách việc liên lạc và đoàn kết của nữ Tín đồ, hỗ trợ các hoạt động của Ban Trị sự Trung ương.

4. Ban Kinh tế: Phụ trách phát triển kinh tế.

5. Ban Thanh thiếu nhi Tịnh độ phụ trách các hoạt động Thanh thiếu nhi trong Giáo hội.

Tổ chức nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban phụ tá sẽ được cụ thể hóa ở Nội quy do Ban Trị sự Trung ương ban hành.

III. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, từ thiện – xã hội của TĐCSPHVN hiện nay

Trải qua 87 năm kể từ ngày được thành lập (1934-2021), GHTĐCSPHVN luôn đoàn kết cùng các tôn giáo trong cả nước có nhiều hoạt động lợi đạo, ích đời góp phần làm cho xã hội ngày một vị tha và nhân ái hơn, đúng với tôn chỉ hành đạo mà Đức tông sư Minh Trí đã đề ra là: “Phước huệ - song tu”. Với phương châm hành đạo là “tu học – hành thiện – ích nước - lợi dân”. Đó là kim chỉ nam, đồng thời là đường hướng hành đạo của GHTĐCSPHVN.

1. Về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng

GHTĐCSPHVN đã tiếp bước con đường hoằng dương chánh pháp, thực hiện tôn chỉ “Phước Huệ Song Tu”, bên cạnh những khóa Giáo lý căn bản, Ban giảng huấn đạo đức Trung ương mở các khoá thuyết trình viên nhằm đào tạo đội ngũ nòng cốt cho công tác thuyết giảng giáo lý. Hướng đến mục tiêu chuẩn hóa và nâng cao nghiệp vụ giảng huấn - hoằng pháp, Ban Trị sự Trung ương đã mở “Khóa Tu nghiệp giảng viên đạo đức” thu hút đông đảo học viên đến từ các tỉnh, thành và Chi hội tham dự.

Trong nhiệm kỳ II (2014-2019) vừa qua, Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương đã đào tạo được 4.406 giáo lý viên căn bản, 446 thuyết trình viên cấp 1; 420 Thuyết trình viên cấp II: 130; 279 huyết trình viên cấp III. Ngoài ra, Ban Giảng huấn Đạo đức Trung ương cũng đã mở được 02 khoá học, đó là Khoá tu nghiệp giảng viên với 101 khoá sinh (năm 2014) và Khoá duy thức học (năm 2018) với 127 khoá sinh tốt nghiệp. Cùng trong hệ thống giáo hội, Ban Giảng huấn đạo đức các tỉnh, thành phố đã triển khia Thông bạch của Ban trị sự Trung ương, theo đó yêu cầu dựa vào kinh diển của giáo hội để đưa vào các bài thuyết giảng giáo lý có các nội dung cùng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Qua thông điệp của GHTĐCSPHVN, nhấn mạnh đến nội dung các chức sắc, chức việc, y sỹ, y sinh phải là những tấm gương “thiểu dục tri túc, sống hoà hợp giữa con người với thiên nhiên”.

2. Về hoạt động y tế phước thiện

Để các phòng thuốc nam hoạt động hiệu quả và đạt chất lượng tốt, chủ trương của GHTĐCSPHVN là luôn quan tâm tới việc đào tạo các y bác sĩ có trình độ. GHTĐCSPHVN hiện có 3 trung tâm đào tạo nhân lực cho các phòng thuốc nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Cà Mau.

“Phòng thuốc nam” tượng trưng cho tôn chỉ của GHTĐCSPHVN, đồng thời là nơi để cho toàn thể các chức sắc, chức việc, tín đồ, hội viên cùng nhau tu phước. Để nâng cao trình độ của các y sỹ, y sinh, Ban Trị sự Trung ương GHTĐCSPHVN đã hoàn thiện bộ tài liệu giảng dạy y sỹ (cấp I, II và III), Huấn viên y khoa và bộ giáo trình môn châm cứu. Nhiệm kỳ vừa qua, Ban Trị sự Trung ương đã liên tục mở các khoá đào tạo, rèn luyện về chuyên môn lẫn đạo đức, tổ chức các khoá học dành cho y sỹ, y sinh từ trung ương đến các tỉnh, thành hội. Nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công tác giảng dạy của Ban Giảng huấn được Ban Trị sự Trung ương phân bố đều khắp các tỉnh, thành hội. Ngoài việc đào tạo theo chương trình của GHTĐCSPHVN, mỗi khi có kỳ tuyển sinh quốc gia, giáo hội đều khuyến khích các tín đồ còn trong độ tuổi đi học (18-30) thi vào các trường Đại học và Trung cấp để học và chuẩn hoá bằng cấp theo quy định của Bộ Y tế.

Theo số liệu báo cáo của Ban y tế phước thiện, Ban Trị sự Trung ương GHTĐCSPHVN, trong nhiệm kỳ vừa qua đã thực hiện việc khám, chữa bệnh cho tổng số 21.882.763 người, số thuốc phát ra là 74.304.143 thang; thuốc viên, thuốc tán là 75.007kg; ngoài ra còn tham gia hoạt động cứu trợ xã hội khác được 50.569.339.000đ. Với số thuốc kể trên, tạm quy thành tiền trong nhiệm kỳ qua, GHTĐCSPHVN đã đóng góp cho công tác an sinh, xã hội tương đương số tiền là hơn 867 tỷ đồng.

Trong thời gian vừa qua, từ Ban Trị sự Trung ương đến Chi hội đã hướng dẫn, vận động tín đồ cùng nhau phát triển các phòng thuốc nam phước thiện, tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo trong các đợt thiên tai, đặc biệt là từ khi bùng phát dịch Covid -19, Giáo hội đã chung tay cùng chính quyền tích cực hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần với giá trị giá nhiều tỷ đồng./.