Khái quát đạo Tin Lành trên thế giới và ở Việt Nam
Ngày đăng: 29/10/2021
1. Khái lược quá trình hình thành đạo Tin Lành trên thế giới

Đạo Tin Lành ra đời ở châu Âu vào thế kỷ XVI gắn với sự ra đời của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Đạo Tin Lành là tôn giáo cải cách tách ra từ Công giáo, dựa trên những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo ở châu Âu cuối thời Trung cổ. Đó là sự ra đời của chủ nghĩa tư bản phương Tây đòi hỏi một thị trường tự do đối nghịch với sự chia cắt thị trường, ngăn sông cấm chợ của chế độ lãnh chúa nông nô; nó đòi hỏi giải phóng sức lao động, người lao động được tự do bán sức lao động của mình, đối nghịch với chế độ nông nô gắn chặt người nông dân với lãnh chúa phong kiến; nó đòi hỏi vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa, đối nghịch với chế độ tự túc, tự cấp của chế độ phong kiến, lãnh chúa nông nô. Đó là sự sa sút, suy thoái của Giáo hội Công giáo, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, sự xuất hiện của phong trào văn hóa Phục hưng và chủ nghĩa nhân văn. Đạo Tin Lành ra đời còn là kết quả đấu tranh lâu dài chống giáo hội Công giáo, nhất là ở nước Đức. Tất cả những điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho đạo Tin Lành ra đời mà ở những giai đoạn trước không có hoặc chưa đủ. Như vậy, xét từ nhiều khía cạnh, đạo Tin Lành ra đời là hoàn toàn khách quan, do những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở châu Âu cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI.

2. Khái lược quá trình hình thành đạo Tin Lành ở Việt Nam

Đạo Tin Lành du nhập vào Việt Nam năm 1911, đây được xác định là thời mốc đánh dấu sự truyền bá đạo Tin Lành vào Việt Nam với vai trò của Hội Truyền giáo C.M.A. Sau đó năm 1912, người Việt Nam ở thế kỷ XX theo Tin Lành là ông Nguyễn Văn Phúc, một trong những người bán sách Tin Lành và đặt được cơ sở ở Đà Nẵng làm cho những người lãnh đạo Hội Truyền giáo C.M.A có thêm động lực. Mục sư A.B. Simpson đã chỉ đạo tăng cường lực lượng giáo sỹ vào Việt Nam. Năm 1914 đã có 09 giáo sỹ Hội truyền giáo ở Việt Nam, trong đó 01 người Anh, 02 người Na Uy, 04 người Canada và 02 người Mỹ. Số giáo sỹ Hội Truyền giáo C.M.A tăng lên gấp đôi vào năm 1921 và tăng lên gấp ba vào năm 1927. Từ cơ sở ở Đà Nẵng, các giáo sỹ Hội Truyền giáo C.M.A mở thêm một số cơ sở khác ở những vùng xung quanh như Hội An, Tam Kỳ, Đại Lộc,... và cử người đi truyền đạo ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Kết quả đến năm 1915 được ghi nhận ở Bắc Kỳ có 05 chi hội, Trung Kỳ có 06 chi hội và Nam Kỳ có 05 chi hội.

Để có thể hiểu rõ hơn về quá trình hình thành có thể chia quá trình phát triển của đạo Tin Lành ở Việt Nam thành 04 giai đoạn sau:

1.3.1. Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1911 đến năm 1954

Trong giai đoạn này, như mọi tôn giáo khác, đạo Tin Lành không tránh khỏi những khó khăn của buổi ban đầu nhưng đã nhanh chóng gây dựng được các cơ sở mới. Năm 1920, nhà in Tin Lành được xây dựng tại Thành phố Hà Nội, năm 1921 trường Thánh kinh được mở tại Đà Nẵng; năm 1926, công cuộc truyền giáo lên khu vực Tây Nguyên được tiến hành; năm 1927, Đại hội đồng lần thứ IV chính thức bầu ra Ban Trị sự Tổng liên hội do mục sư Hoàng Trọng Thừa làm Hội trưởng và đặt tên là Hội Tin Lành Việt Nam Đông Pháp; năm 1928, Đại hội đồng lần thứ V quyết định phân chia Tin Lành Việt Nam thành 2 hạt: Bắc - Trung hạt và Nam hạt; năm 1929, hệ phái Cơ đốc Phục lâm chính thức lập cơ sở đầu tiên ở Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh); năm 1931, Đại hội đồng Tổng Liên hội lần thứ VIII ở Hà Nội chia địa phận truyền giáo ở Việt Nam thành 3 hạt Bắc - Trung - Nam Kỳ; năm 1940, đạo Tin Lành truyền vào người Dao ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn; năm 1945, tên gọi Hội thánh Tin Lành Việt Nam được thay cho Hội Tin Lành Việt Nam Đông Pháp; từ năm 1947 đến năm 1949 có thêm 2 trường Kinh thánh được thành lập ở Buôn Ma Thuột và Đà Lạt,...

Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có người theo đạo Tin lành đầu tiên vào những năm 1930 - 1940 gồm: Dân tộc Cơ-ho (1929), dân tộc Chăm (1931), dân tộ Hrê (1933), dân tộc Bru (1933), dân tộc Chơ-ro (1934), dân tộc Ê-đê (1934), dân tộc Jrai (1940), dân tộc M’nông (1940), dân tộc Pacô (1940), dân tộc Kơ-tu (1941), dân tộc Ba-na (1941),...

Đến năm 1945 ở Việt Nam có khoảng 15.000 tín đồ và tăng lên 60.000 tín đồ vào năm 1954.

1.3.2. Giai đoạn thứ hai, từ năm 1954 đến năm 1975

Sau hiệp định Genève năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền, đạo Tin Lành ở hai miền cũng có sự khác nhau. Ở phía Bắc, số đông chức sắc, tín đồ di cư vào Nam, còn lại khoảng 1.000 tín đồ và hơn 10 mục sư, truyền đạo thành lập nên Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), phạm vi hoạt động từ tỉnh Nghệ An trở ra. Năm 1962, Hội thánh thông qua bản Hiến chương đầu tiên. Cũng trong năm này, trường Kinh thánh Hà Nội được thành lập.

Ở phía Nam, Hội Truyền giáo C.M.A đẩy mạnh hơn bao giờ việc đầu tư kinh phí, phương tiện, giáo sĩ để giúp Hội thánh ở Tin lành Việt Nam củng cố tổ chức, mở rộng truyền giáo lên khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đến năm 1975, Hội thánh Tin lành Việt Nam trở thành tổ chức Tin lành lớn ở Việt Nam với gần 150.000 tín đồ, 190 mục sư, 167 truyền đạo, 155 truyền đạo sinh, 530 chi hội.

Tổng cộng, đến năm 1975 ở Việt Nam có khoảng 187.000 người theo đạo Tin lành, 20 tổ chức thuộc các hệ phái Ngũ tuần, Báp-tít, Trưởng lão, Mennonite, Cơ đốc Phục lâm, Nhân chứng Giê-hô-va, Mặc Môn, Giám lý, Môn đệ Đấng Christ, Quaker,.. và Tin Lành C.M.A.

1.3.3. Giai đoạn thứ ba, từ năm 1975 đến năm 2005

Sau năm 1975, do một bộ phận tín đồ, chức sắc đạo Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên tham gia tổ chức chính trị phản động FULRO, chống lại chính quyền cách mạng nên các nhà thờ Tin lành tại đây tạm dừng hoạt động. Ở đồng bằng, nhiều chức sắc di cư ra nước ngoài dẫn đến nhiều tổ chức, hệ phái tự tan rã, tín đồ tản lạc và sinh hoạt tôn giáo chủ yếu tại tư gia.

Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, khi đất nước thực hiện chính sách đổi mới, mở rộng giao lưu quốc tế, đạo Tin Lành bắt đầu khôi phục hoạt động. Đến tháng 4 năm 2006 ở các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước có gần 350.000 người theo đạo Tin Lành và khoảng 25.000 người Mông theo đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư đến.

Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về địa bàn và số lượng người theo đạo Tin Lành, tổ chức chính trị phản động FULRO lúc này cũng phục hồi hoạt động và lôi kéo hàng chục ngàn tín đồ, chức sắc đạo Tin lành ở Tây Nguyên tham gia, gây nên 2 vụ bạo loạn vào tháng 2/2001 và tháng 4/2004 ở Tây Nguyên.

Ở khu vực miền núi phía Bắc trước năm 1986 phần lớn đồng bào vùng DTTS phía Bắc theo tín ngưỡng đa thần, chỉ một số ít theo Công giáo. Từ năm 1986, một bộ phận người Mông, người Dao nghe truyền giáo từ đài FEBC (Manila, Philíppin) đã từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, theo đạo Tin Lành, ban đầu dưới tên gọi “Vàng Chứ” (trong đồng bào Mông), “Thìn Hùng” (trong đồng bào Dao). Sau đồng bào Mông, Dao có thêm đồng bào của các dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Sán Chỉ tin theo đạo Tin Lành. Năm 2003, số người Mông của 12 tỉnh miền núi phía Bắc theo Tin Lành là gần 106.000 người, các DTTS khác khoảng 45.000 người.

Từ những năm 1990, các tổ chức, hệ phái Tin Lành trước đây tự tan rã nay phục hồi và xuất hiện thêm nhiều nhóm mới. Đến năm 2000 cả nước có khoảng 40 tổ chức Tin Lành. Ngoài các tổ chức lớn, như Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Hội thánh Mennonite Việt Nam,... còn có các tổ chức Tin Lành như: Hội thánh Agape, Hội chúng Ngũ tuần Việt Nam, Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm, Báp-tít Độc lập,… Đến cuối năm 2004, cả nước có trên 670.000 tín đồ, hơn 80 tổ chức thuộc nhiều hệ phái Tin Lành khác nhau.

1.3.4. Giai đoạn thứ tư, từ năm 2005 đến năm 2020

Thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, đến cuối năm 2008 Nhà nước đã công nhận 08 tổ chức Tin Lành, gồm: Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Tổng hội Báp-tít Việt Nam, Giáo hội Báp-tít Việt Nam, Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam. Ngày 18/11/2016 Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018, thực hiện luật, Nhà nước cấp đăng ký hoạt động tôn giáo thêm 03 tổ chức Tin Lành là Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam và Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam nâng tổng số tổ chức Tin Lành được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo lên con số 13 trong tổng số khoảng 80 tổ chức khác nhau.

Đến tháng 12/2020, ở Việt Nam có hơn 1,12 triệu người theo đạo Tin Lành, trên dưới 100 tổ chức (gồm 10 tổ chức được công nhận pháp nhân, 03 tổ chức được chấp thuận đăng ký hoạt động tôn giáo), hơn 2.300 chức sắc, gần 800 tổ chức tôn giáo trực thuộc và khoảng 5.500 điểm nhóm. Ngoài ra còn có hơn 9.000 người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam sinh hoạt tôn giáo tập trung tại 61 điểm nhóm Tin Lành.

3. Giáo lý, giáo luật của đạo Tin Lành.

Kinh sách của đạo Tin Lành gồm 39 quyển Cựu ước và 27 quyển Tân ước được gọi chung là Kinh thánh. Một số hệ phái có thêm các sách khác như sách Mặc Môn của Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô. Đạo Tin Lành đề cao vị trí của Kinh thánh, coi đó là chuẩn mực căn bản, duy nhất của đức tin và sự hành đạo. Với đạo Tin Lành, Kinh thánh hiện diện trong tất cả các sinh hoạt tôn giáo và giữ vai trò như một giáo sĩ trên cả hai phương diện: mục vụ và truyền giáo. Tín đồ đạo Tin Lành trực tiếp đọc, suy ngẫm và chiêm nghiệm Kinh thánh. Thánh ca cũng được coi trọng trong sinh hoạt tôn giáo của đạo Tin Lành.

Cũng như Công giáo, đạo Tin Lành thờ Thiên Chúa ba Ngôi (Ngôi Một: Đức Chúa Cha (Đấng tự hữu, hằng hữu, toàn thiện, toàn mỹ, không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm tận cùng); Ngôi Hai: Đức Chúa Con (Chúa Jêsus Christ, được thai dựng bởi Đức Thánh linh qua trinh nữ Ma-ri-a, là Đấng thần nhân, thánh khiết, vô tội tuyệt đối, là Cứu Chúa duy nhất của nhân loại); Ngôi Ba: Đức Thánh linh (là Thần yên ủi, hỗ trợ, đưa dẫn và cứu giúp người tin đạt đến bậc thành nhân trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời). Ba ngôi hiệp một, bình đẳng, cùng bản tính và hiệp lại làm một Đức Chúa Trời trọn vẹn. Người theo đạo Tin Lành tin vũ trụ, muôn vật đều do Thiên Chúa tạo dựng và điều khiển; tin con người do Thiên Chúa tạo dựng theo cách riêng và có phần hồn, phần xác; tin con người bị sa ngã và tội lỗi; tin có ngôi hai Thiên Chúa là Giê-su xuống thế làm người, chịu chết để chuộc tội cho loài người; tin có Thiên thần và ma quỷ, có thiên đường và địa ngục, có ngày tận thế, phục sinh và phán xét cuối cùng...

Tuy nhiên, có một số tín điều truyền thống của Công giáo đạo Tin Lành sửa đổi và lược bỏ tạo ra sự khác biệt giữa hai tôn giáo; mức độ đề cao một số tín điều cũng đậm nhạt khác nhau ở các hệ phái Tin Lành dẫn đến sự khác nhau giữa các hệ phái.

Trong đời sống tín ngưỡng, đạo Tin Lành đề cao lý trí trong đức tin, cho rằng sự cứu rỗi chỉ đến bởi đức tin, không phải vì những "hình thức tại ngoại" (tức là không phải vì các luật lệ, lễ nghi). Do đó luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo của đạo Tin Lành đơn giản, không cầu kỳ.

Đạo Tin Lành thực hiện phép Rửa tội (Báp-tem) và phép Thánh thể (Tiệc thánh). Ở phép Rửa tội, người chịu phép phải đủ tuổi để hiểu biết các lẽ đạo và nhất là phải ăn ở trong sạch, không được phạm tội. Nghi lễ Báp-tem được tiến hành bằng cách dìm cả người xuống nước (một số phái cho phép vẩy nước). Ở phép Thánh thể, đạo Tin Lành cho rằng đó là kỷ niệm về sự chết của Chúa Giê-su chuộc tội cho loài người, qua đó nhắc nhở con người sống xứng đáng hơn với Thiên Chúa. Đạo Tin Lành thực hiện nghi lễ Thánh thể đơn giản, tất cả tín đồ và chức sắc cùng uống rượu (nước ép trái cây) và ăn bánh. Lễ Thánh thể thường được tổ chức vào chủ nhật đầu tiên của từng tháng. Ngoài ra, đạo Tin Lành còn thực hiện các nghi lễ tôn giáo như: Lễ hôn phối, lễ dâng con trẻ cho Thiên Chúa và một số lễ khác.

Tín đồ đạo Tin Lành tự xưng tội với Thiên Chúa. Khi xưng tội cũng như khi cầu nguyện, tín đồ đạo Tin Lành có thể đứng giữa nhà thờ, trước đám đông để sám hối hoặc nói lên ý nguyện của mình một cách công khai.

Nhà thờ đạo Tin Lành thường kiến trúc hiện đại, đơn giản. Trong nhà thờ không có tượng ảnh, chỉ có cây Thập tự giá biểu tượng Chúa Giê-su chịu nạn. Trong nhiều trường hợp đạo Tin Lành chỉ sử dụng những phòng họp hoặc hội trường, đôi khi là một nhà tạm của tín đồ để làm điểm nhóm lễ, chia sẻ lời Chúa trong Kinh thánh.

Chức sắc đạo Tin Lành gồm các phẩm: mục sư (tên gọi theo Kinh Thánh), truyền đạo (còn gọi là giảng sư) trong đó mục sư là phẩm cao nhất. Một số tổ chức Tin Lành gọi truyền đạo có nhiệm sở là mục sư nhiệm chức. Chức sắc đạo Tin Lành chủ yếu là nam, nhưng cũng có một số hệ phái tuyển chọn phụ nữ và nhìn chung họ không giữ chế độ độc thân. Chức sắc đạo Tin Lành không có thần quyền, tức là không có quyền thay mặt Thiên Chúa ban phúc, tha tội cho tín đồ, không phải là cầu nối trung gian trong mối quan hệ giữa tín đồ với Thiên chúa. Quan hệ giữa chức sắc với tín đồ bình đẳng, cởi mở.

Đạo Tin Lành không có giáo hội chung toàn cầu cho các hệ phái. Mỗi hệ phái xây dựng các giáo hội độc lập với những hình thức, cơ cấu khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh điều kiện cho phép. Nhìn chung bộ máy tổ chức của các hệ phái Tin Lành đều đơn giản, nhiều tổ chức cấp trung ương chỉ mang tính liên hiệp, thực quyền nằm ở Hội thánh địa phương.

4. Chức sắc, chức việc, tín đồ, cơ sở thờ tự, trường đào tạo, sự phân bố, phát triển của đạo Tin Lành trong các vùng, miền và cộng đồng dân tộc ở Việt Nam

4.1. Về chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Tin Lành

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ vào tháng 6/2019, cả nước có khoảng 2.300 chức sắc (bao gồm các phẩm mục sư, mục sư nhiệm chức và truyền đạo). Tuy nhiên số lượng chức sắc do các tổ chức Tin Lành phong nhiều hơn từ 2 đến 3 lần. Tuỳ theo phẩm trật cao thấp và quy định của từng hệ phái, tổ chức Tin Lành, các chức sắc ở phẩm khác nhau sẽ có quyền hạn khác nhau, thể hiện qua việc làm chủ lễ các nghi lễ (bao gồm Thánh lễ và giáo lễ).

Chức việc theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo (khoản 9, Điều 2) là “người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức”. Đối chiếu với quy định của các tổ chức Tin Lành, chức việc đạo Tin Lành bao gồm: Thành viên ban lãnh đạo tổ chức (như hội trưởng, phó hội trưởng, chủ tịch, phó chủ tịch, tổng trưởng nhiệm, tổng quản nhiệm, phó tổng trưởng nhiệm, phó tổng quản nhiệm, tổng thư ký, tổng thủ quỹ, phó tổng thư ký phó tổng thủ quỹ, ủy viên); thành viên ban lãnh đạo tổ chức tôn giáo trực thuộc (như quản nhiệm, thành viên ban chấp sự); thành viên ban đại diện (trưởng ban đại diện, thư ký, ủy viên); thành viên ban lãnh đạo các cơ quan, uỷ ban, cơ sở đào tạo tôn giáo (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám quản,..). Đến tháng 6/2019, thống kê của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy cả nước có gần 7.000 chức việc, trong đó 100% chức sắc đồng thời là chức việc.

Về tín đồ, cả nước có 1,12 triệu người theo đạo Tin Lành có trên 855.000 người DTTS (chiếm 76,33%). Khoảng 40 DTTS ở Việt Nam có người theo đạo Tin Lành trong đó 05 dân tộc có số lượng tín đồ đạo Tin Lành lớn nhất (năm 2019) gồm: Dân tộc Mông - 270.000 người, dân tộc Êđê - 124.000 người, dân tộc Jrai - 99.000 người, dân tộc K’ho - 67.000 người, dân tộc S’Tiêng - 60.000 người.

4.2. Sự phân bố

Đạo Tin Lành hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam nhưng tập trung chủ yếu tại 3 khu vực sau:

- Khu vực các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước: Đến đầu năm 2020 toàn khu vực có gần 584.000 người theo đạo Tin Lành (85% là đồng bào DTTS), 311 chi hội, 1.742 điểm nhóm, 811 chức sắc, 2.587 chức việc, lần lượt chiếm tỷ trọng 52% về tín đồ, 36% về chức sắc, 37% về chức việc của đạo Tin Lành cả nước.

- Khu vực miền núi phía Bắc: Tổng số người theo đạo Tin Lành ở khu vực tính đến năm 2020 là 235.635 người (95% là người Mông), 389 chức sắc, 525 chức việc, 09 chi hội, 1.631 điểm nhóm, lần lượt chiếm tỷ trọng 21% về tín đồ, hơn 17% về chức sắc và gần 8% về chức việc của đạo Tin Lành cả nước.

- Khu vực trung tâm, đô thị lớn, gồm TP. Hồ Chí Minh (gần 74.000 tín đồ nhưng có tới 95% tổ chức Tin Lành của cả nước đặt trụ sở trung ương giáo hội), Thành phố Hà Nội (khoảng 10.000 tín đồ, 4% tổ chức Tin Lành của cả nước đặt trụ sở trung ương giáo hội). Ngoài ra tại đây còn là nơi tập trung sinh hoạt tôn giáo của hơn 9.000 người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo đạo Tin Lành.

Nếu tiếp cận theo địa bàn nông thôn và thành thị thì đại đa số tín đồ đạo Tin Lành ở Việt Nam cư trú ở nông thôn, chủ yếu là nông thôn, miền núi ở các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, một số tỉnh Duyên hải miền Trung (60,39%) và các tỉnh miền núi phía Bắc (21%). Kết quả này cũng tương đồng với kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 với 88,73% tín đồ đạo Tin Lành sinh sống ở nông thôn.

4.3 Cơ sở đào tạo:

Theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo nói chung, trong đó có các Hội thánh Tin Lành, sau khi được công nhận pháp nhân được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo và mở lớp bồi dưỡng giáo lý. Hiện có 03 cơ sở đào tạo tôn giáo của đạo Tin Lành, gồm:

(1) Viện Thánh kinh Thần học thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) được chấp thuận thành lập năm 2003, trụ sở tại tổ 15, khu phố 5, đường Bình Trưng, phường Bình Trưng Đông, Quận 2 (nay là Thành phố Thủ Đức), TP. Hồ Chí Minh. Ban đầu Viện Thánh kinh Thần học có chức năng đào tạo cử nhân Thần học, năm 2018 được chấp thuận mở thêm hệ cao học và năm 2021 thêm hệ trung cấp Thần học.

(2) Trường Thánh kinh Thần học Hà Nội thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) được chấp thuận thành lập năm 2013, trụ sở tại số 02 Ngõ Trạm, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Trường có chức năng đào tạo cao đẳng và cử nhân Thần học.

(3) Trường Kinh thánh cơ đốc thuộc Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam được chấp thuận thành lập năm 2017, trụ sở tại 224 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Trường có chức năng đào tạo trung cấp, cao đẳng và cử nhân Thần học.

Ngoài đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo tôn giáo, các tổ chức Tin Lành hằng năm đều mở các lớp bồi dưỡng giáo lý theo quy định của pháp luật, bao gồm các lớp Thánh kinh hè, giáo lý căn bản,...

Trên đây là khái quát về đạo Tin lành trên thế giới và ở Việt Nam.

 

Ngọc Bảo