Khái quát Hồi giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 06/09/2021
Hồi giáo là cách gọi trước đây của người Trung Quốc chỉ tôn giáo của dân tộc Hồi Hột theo Islam giáo (Islam giáo, theo tiếng A-rập nghĩa là phục tùng, vâng lệnh Thượng đế). Ở Việt Nam hiện nay tồn tại hai cách gọi (Hồi giáo và Islam giáo), trong đó thuật ngữ “Hồi giáo” được dùng phổ biến hơn.

Quá trình du nhập và phát triển của Hồi giáo ở Việt Nam

         Hồi giáo truyền vào khu vực Đông Nam Á khá sớm, khoảng thế kỷ IX, X. Nếu so với các khu vực Hồi giáo khác trên thế giới thì việc truyền bá Hồi giáo vào Đông Nam Á chủ yếu bằng con đường "hoà bình" qua những thương nhân A-rập, Ấn Độ, Ba Tư. Chính sự du nhập và phát triển bằng con đường "hoà bình" nên Hồi giáo ở khu vực này thường hòa nhập với tín ngưỡng, phong tục tập quán địa phương và tiếp biến từ các nguồn văn hóa, tín ngưỡng khác. Hồi giáo khu vực Đông Nam Á chủ yếu thuộc phái Safa’y, hệ phái Sunni.

          Theo Tống sử Trung Quốc, vào thế kỷ X đã thấy người Chăm khi giết trâu để cúng họ đều cầu nguyện câu kinh đề cao Thượng đế của người Hồi giáo. Điều này cho thấy, từ thế kỷ X, Hồi giáo đã xuất hiện ở vương quốc Chăm-pa thông qua các thương nhân từ Trung Đông truyền vào, gây ảnh hưởng nhất định trong đời sống cư dân ở đây. Nhưng Hồi giáo không phát triển vì vào thời kỳ đó, đạo Bà-la-môn, đạo Phật và tín ngưỡng truyền thống vẫn đang chủ đạo trong đời sống tâm linh của người Chăm, lòng sùng tín thần thánh Bà-la-môn giáo, tập tục, lễ nghi cùng chế độ mẫu hệ đã bén rễ ăn sâu, trở thành truyền thống trong xã hội Chăm-pa, không dễ gì thay đổi.

     Sau năm 1470, một bộ phận cư dân Chăm-pa lưu tán đã tiếp xúc với người Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia,... và họ bắt đầu tìm hiểu Hồi giáo ở các nước đó, nhiều người Chăm bỏ tôn giáo truyền thống là đạo Bà-la-môn để theo Hồi giáo. Những người Chăm khi tiếp thu được tôn giáo mới, họ quay về quê hương để truyền lại cho đồng bào mình, từ đó Hồi giáo có chỗ đứng đáng kể trong cộng đồng cư dân Chăm và chính thời điểm này sự giao hoà giữa Hồi giáo với đạo Bà-la-môn và tín ngưỡng bản địa đã hình thành Hồi giáo Bàni.

     Vào năm 1840, dưới triều Nguyễn, quan bảo hộ Chân Lạp là Trương Minh Giảng bị quân của An Dương - Cam-pu-chia đánh bại phải rút về vùng thượng nguồn sông Tiền (Châu Đốc - An Giang ngày nay) mang theo quân lính và người Chàm, người Mã-lai theo Hồi giáo, lúc đó nhà Nguyễn dựa vào lực lượng này lập các đội quân để giữ biên giới. Từ đó hình thành vùng thứ hai theo Hồi giáo chính thống của người Chăm (Islam).

     Những năm cuối thế kỷ XVIII  và đầu thế kỷ XIX, vùng Sài Gòn - Gia Định  mở rộng giao lưu buôn bán với một số quốc gia phương Tây và trở thành trung tâm buôn bán của Nam bộ, các thương nhân đã thu nhận người Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ theo Hồi giáo. Tuy nhiên, cho đến cuối thế kỷ XIX khi Nam bộ bị Pháp chiếm đóng, quá trình giao thương với bên ngoài ngày càng phát triển, là môi trường và điều kiện để cho người Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a nhập cư vào vùng đất này đông hơn. Họ là cộng đồng có cùng ngữ hệ Malayo-Polynesien với cộng đồng cư dân Chăm ở nước ta.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ năm 1880 - 1890, ở vùng Gia Định thành cũng xuất hiện một bộ phận người Ấn Độ, Pa-kít-xtan theo Hồi giáo là những thương nhân làm nghề buôn bán tơ lụa, đồ gia vị cho những tiệm buôn, quán ăn. Đó là nguồn gốc hình thành cộng đồng cư dân ngoại lai theo Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh cho tới ngày nay. Cộng đồng Chăm Hồi giáo TP. Hồ Chí Minh được hình thành từ các nhóm Chăm Hồi giáo từ tỉnh An Giang, Tây Ninh và vì là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước nên cộng đồng Hồi giáo TP. Hồ Chí Minh hiện nay còn có những tín đồ Hồi giáo đến từ các địa phương khác.

Đặc điểm của Hồi giáo ở Việt Nam

Tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam không nhiều và chủ yếu là người Chăm. Tỷ lệ tín đồ tăng chậm, số tín đồ theo Hồi giáo qua con đường “truyền đạo” không đáng kể và chủ yếu là tăng tự nhiên. Dân cư hình thành theo các nhóm cộng đồng Jam'ah có tính quần cư là chủ yếu, một bộ phận cộng cư với người Kinh và các dân tộc khác. Tuy nhiên, tính cộng đồng - nét truyền thống tổ chức - xã hội của cư dân Chăm vẫn là lối sống đặc trưng của người Chăm Hồi giáo.

          Truyền thống gắn bó và đồng hành cùng dân tộc:

          Đồng bào Chăm Hồi giáo phát huy bản sắc vốn có của truyền thống yêu nước, đoàn kết và hội nhập với cộng đồng các dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, đặc biệt là quá trình cống hiến, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tuyệt đại bộ phận đồng bào Chăm Hồi giáo luôn tin tưởng và đi theo sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, luôn giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc dân tộc với truyền thống văn hoá phong phú, đa dạng góp phần làm giàu kho tàng văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hoá Việt Nam.

          Tính chính thống của Hồi giáo bị biến thể:

          Lịch sử truyền bá Hồi giáo vào các quốc gia Đông Nam Á và Việt Nam theo con đường "hoà bình" nên tính cách Hồi giáo biến đổi. Hồi giáo chính thống đã hòa nhập với bản sắc truyền thống văn hoá lâu đời của Bà-la-môn giáo và hệ thống tín ngưỡng bản địa với chế độ mẫu hệ, phù hợp với truyền thống đạo đức và văn hoá của người dân phương Đông. Bên cạnh việc thực hiện các lễ nghi của Hồi giáo chính thống, người Chăm Hồi giáo còn thực hiện khá đầy đủ những tập tục, tín ngưỡng của dân tộc mình. Đặc điểm này đã làm cho Hồi giáo Việt Nam hình thành hai dòng là: Chăm Islam và Chăm Bà-ni.

          Tính quốc tế của Hồi giáo Việt Nam:

Do những đặc điểm riêng nên cộng đồng Chăm Bà-ni hầu như cách biệt với thế giới Hồi giáo. Trong khi đó, cộng đồng Hồi giáo (Islam) có mối quan hệ quốc tế phong phú và sâu rộng. Do vậy, nói đến quan hệ quốc tế của cộng đồng Hồi giáo Việt Nam chủ yếu nói đến quan hệ quốc tế của cộng đồng Chăm Islam.

Trong quá trình phát triển, cộng đồng Chăm Islam thường xuyên có quan hệ với cộng đồng Hồi giáo Đông Nam Á và thế giới. Mối quan hệ này ngoài nền tảng là tôn giáo còn có những yếu tố hoà quyện quan trọng khác là lịch sử, dòng tộc, hôn nhân. Vì rằng, ở nước ta đa phần đồng bào Chăm theo Hồi giáo và bộ phận người Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Pa-kít-xtan cũng là những tín đồ Hồi giáo đã định cư, gắn bó lâu đời ở Việt Nam. Quan hệ quốc tế của cộng đồng Chăm Islam khá đa dạng, phong phú và ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh hai nhóm Chăm Islam và Chăm Bà-ni chiếm đa số, còn một số nhóm nhỏ tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài, đó là: cộng đồng Hồi giáo gốc Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, A-rập; cộng đồng tín đồ Hồi giáo nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Các nhóm này có quan hệ huyết thống, dòng tộc ở chính quốc nên gắn bó và quan hệ chặt chẽ về mọi phương diện với cộng đồng Hồi giáo ở nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Hồi giáo vốn là sợi dây liên kết chặt chẽ thế giới Hồi giáo, càng có điều kiện làm cho tín đồ Hồi giáo trên mọi châu lục xích lại gần nhau. Theo đó, cộng đồng Hồi giáo (Islam) ở Việt Nam cũng tham gia các hoạt động quốc tế một cách tích cực hơn.

     * Các ngày lễ chính:

     - Hồi giáo (Islam) có 9 lễ:

     + Lễ tạ ơn (lễ ASHOURA), ngày 10/01 Hồi lịch năm 680.

     + Lễ cầu an (lễ TOLAK BALA), ngày 29/2 Hồi lịch.

+ Lễ sinh nhật thiên sứ Mô-ha-mét (lễ MAULID) ngày 12/3/570 Hồi lịch.

+ Lễ Thăng thiên (lễ MIA’A RAJ), thiên sứ Mô-ha-mét bay lên trời từ một hòn đá trên Núi Đền ở Jê-ru-sa-lem, ngày 27/7 Hồi lịch.

+ Lễ đại xá (lễ NISPU), ngày 15/8 Hồi lịch.

+ Lễ tháng Ramadan (lễ PUSA BULAN RAMADHAN) từ 01/9 - 30/9 Hồi lịch.

+ Lễ kỷ niệm ngày thiên thần chuyển bản gốc kinh Cô-ran từ Thượng đế -Ala xuống trần thế vào tối 27 tháng Ramadan (27/9 Hồi lịch).

+ Đại lễ xả chay (lễ RAYA IDIL FITRI), ngày 01/10 Hồi lịch.

+ Lễ hiến tế (RAYA IDIL ADHA) vào ngày thứ 10 tháng hành hương (Haji) đến Mếc-ca, ngày 10/12 Hồi lịch.

     - Hồi giáo Bà-ni 5 lễ lớn:

     + Lễ “Kinh hội đầu năm” vào ngày 01/01HL, là ngày họp mặt đầu năm của các tu sĩ, chức sắc trong toàn khu vực đến chùa cầu nguyện.

     + Lễ “Kinh hội xoay vòng” (còn gọi là lễ Sug Yơng) diễn ra trước tháng Ramưwan khoảng một tháng.

     + “ Lễ tảo mộ” diễn ra 03 ngày cuối cùng của tháng 8 HL (27,28,29/8 HL) thể hiện sự biết ơn tổ tiên và dòng tộc mình.

     + “Lễ đổi gạo” tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Ramưwan.

     + “ Lễ cầu yên” tổ chức vào đầu tháng Giêng lịch Chăm (khoảng 4 DL).

     Tổ chức của Hồi giáo ở Việt Nam

          Đến năm 2021, có 6 tổ chức Hồi giáo được Nhà nước công nhận ở cấp tỉnh, thành phố và 01 Ban quản trị thánh đường cho cả hai dòng Hồi giáo (Islam) và Hồi giáo Bà-ni: Trong đó Hồi giáo (Islam) có 4 tổ chức là Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Ban Đại diện CĐHG) gồm 02 tổ chức là Ban Đại diện CĐHG tại TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận và 02 tổ chức là Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang và Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Tây Ninh; Ban Quản trị thánh đường Al-Noor, số 12 Hàng Lược, TP. Hà Nội (2013); Hồi giáo Bà-ni có 2 tổ chức là Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni tỉnh Ninh Thuận (2007) và Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni tỉnh Bình Thuận (2012).

Các tổ chức Hồi giáo ở Việt Nam đều xây dựng Quy chế hoạt động theo quy định của pháp luật và giáo luật, hoạt động theo đường hướng hành đạo: Tôn thờ Thượng đế Ala, tôn kính thiên sứ Mô-ha-mét và thiên kinh Cô-ran; hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đoàn kết tôn giáo, dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Để đảm bảo hoạt động theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, một số tổ chức Hồi giáo trong Chăm Islam đã sửa đổi quy chế hoạt động, đổi tên tổ chức tôn giáo, đó là “Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang”, “Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Tây Ninh” (năm 2020).

     Các tổ chức Hồi giáo ở Việt Nam là cầu nối giữa cộng đồng tín đồ Hồi giáo tại tỉnh, thành phố với chính quyền, Mặt trận tổ quốc để chăm lo lợi ích chính đáng cho tín đồ, động viên tín đồ thực hiện quyền công dân, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. TP. Hồ Chí Minh là trung tâm của khu vực Nam bộ nên CĐHG TP. Hồ Chí Minh có mối quan hệ rộng hơn với cộng đồng Hồi giáo các tỉnh lân cận và tham gia tích cực các hoạt động quốc tế.

          Hoạt động tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo hiện nay

Tính đến năm 2021, Hồi giáo ở Việt Nam (bao gồm cả hai dòng) có trên 80.000 tín đồ, khoảng 90 cơ sở thờ tự (thánh đường, tiểu thánh đường), gần 1.000 chức sắc, chức việc. Hồi giáo Bà-ni tập trung ở hai tỉnh là Ninh Thuận, Bình Thuận với gần 50.000 tín đồ, gần 30 cơ sở thờ tự, gần 500 chức sắc, chức việc. Hồi giáo (Islam) tập trung ở 14 tỉnh, thành phố: An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Hà Nội, với khoảng 32.000 tín đồ, trên 60 cơ sở thờ tự, trên 500 chức sắc, chức việc. Thành phần theo Hồi giáo (Islam) khá đa dạng, đa số là người Chăm, ngoài ra, có một số người gốc Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, người Việt lai Ấn Độ, người Kinh, người Khmer và người Hoa, trong đó, cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang có đông tín đồ nhất với trên 15.000 người.

- Tổ chức đại hội, hội nghị: Các tổ chức Hồi giáo tổ chức các đại hội, hội nghị đảm bảo quy trình, chất lượng và theo quy định của pháp luật hiện hành; việc chọn cử nhân sự tham gia các tổ chức Hồi giáo được triển khai khá chặt chẽ, dân chủ, phần lớn chức sắc, chức việc đã phát huy vai trò của mình trong cộng đồng, có quan hệ tốt với chính quyền.

- Các hoạt động quốc tế:

Mối quan hệ với thế giới Hồi giáo của cộng đồng Hồi giáo Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều hình thức đa dạng như: tham gia các hoạt động tôn giáo (thi xướng kinh Cô-ran, hành hương Mếc-ca, tập huấn Imâm, hội thảo, du học,...) và tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội,...

Hành hương Mếc-ca là một nghĩa vụ thiêng liêng của người tín đồ Hồi giáo, với hai hình thức đi tự túc và đi bằng nguồn tài trợ của các tổ chức Hồi giáo nước ngoài. Số lượng tín đồ Hồi giáo Việt Nam đi du học trong những năm gần đây tăng đáng kể, chủ yếu học tại In-đô-nê-xi-a, Li-bi, A-rập Xê-út, Ai Cập, Ma-lai-xi-a.

Ngoài ra, các hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ từ các cá nhân, tổ chức Hồi giáo trong nước và nước ngoài thường xuyên diễn ra nhằm phục vụ cho hoạt động tôn giáo như việc xây dựng, trùng tu cơ sở thờ tự, in ấn kinh sách,... và các hoạt động an sinh xã hội.

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chức sắc, truyền đạo, giảng đạo:

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có trường đào tạo chức sắc, chức việc Hồi giáo, tuy vậy, các cấp chính quyền đều tạo điều kiện cho các khu vực, thánh đường của cộng đồng Hồi giáo (Islam) tổ chức lớp dạy giáo lý và tiếng A-rập cho con em người Chăm Hồi giáo. Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam) các tỉnh, thành phố cũng tích cực mời các tổ chức Hồi giáo nước ngoài vào Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn Imâm ngay tại địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động Daw’ah (thuyết giảng giáo lý) trong cộng đồng Hồi giáo Việt Nam thời gian qua diễn ra khá sôi động, với sự gia tăng của các đoàn thuyết giáo nước ngoài.

Đối với Hồi giáo Bà-ni, việc đào tạo chức sắc, chức việc chủ yếu do các vị chức sắc cao niên tự truyền dạy cho các học trò của mình nên còn nhiều khó khăn và bất cập về chất lượng, sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức tôn giáo.

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước, các hoạt động tôn giáo của tín đồ Hồi giáo Việt Nam diễn ra khá sôi động, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của tín đồ, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cơ bản tuân thủ pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, cũng bộc lộ một số mặt hạn chế cần được điều chỉnh. Vấn đề đặt ra với các ban, ngành hữu quan là cần tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến chức sắc, chức việc, tín đồ Hồi giáo nhằm giúp họ hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của tín đồ Hồi giáo, củng cố niềm tin, ý thức tự nguyện ủng hộ và tham gia thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tăng cường sức đề kháng chống lại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo đi ngược lợi ích của dân tộc và chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta./.

 

Trần Phan

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ayomnier E., "Légendes historiques des Chams", Extrait des Excursions et Reconnaissances XIX, (32).

2. Ban Tôn giáo Chính phủ (2019), Tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội.

3.  Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Chămpa, NXB Văn hóa dân tộc.

4.  Nguyễn Tấn Đắc (chủ biên), (2001), Cộng đồng Hồi giáo (Islam)

        ở  TP.HCM và mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á, TP. HCM.

5.  Nguyễn Đức (chủ biên), (2002), Tôn giáo và lịch sử văn minh nhân  loại 

        Islam, NXB Văn hoá Thông tin.

6.  P.B. La Font, (1999), Nghiên cứu về xã hội người Chàm ở Việt Nam,

   Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam.

7. Nguyễn Văn Luận (1974), Người Chàm Hồi giáo miền Tây nam phần Việt Nam, NXB Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên.

8. V.S Naipaul (2010),  Bước vào thế giới Hồi giáo, NXB Thời đại.

9Abdul Hasan Karim (dịch), (2000), Kinh Qur’an, NXB Tôn giáo, Hà Nội.

10. PEW Research Center, Mapping the Global Muslim Population, <https://www.pewforum.org/2009/10/07/mapping-the-global-muslim-population/>, [truy cập ngày 20/10/2017].

11. M. Labussière, "Les Chams et les Malais de l’Arrondissement de Chau Doc", Excursions et Reconnaissances, (18).

12. M.Ner (1941), “Les Musulmans de l’Indochine francaise”, Bulletin d’Extreme Orient, XLI.

13. P.Manguin (1979) “L’Introduction de l’Islam au Champa”, Bulletin d’Extreme Orient, LXVI.