Khái quát về tôn giáo Baha’i tại Việt Nam
Ngày đăng: 13/10/2021
1. Sự hình thành, phát triển và quá trình du nhập vào Việt Nam của tôn giáo Baha’i

1.1. Sự hình thành, phát triển

Tôn giáo Baha’i ra đời năm 1863 tại Ba Tư (nay là Iran), người sáng lập là Mirza Husayn Ali (1817 - 1892) được tín đồ gọi là Baha'u'llah (nghĩa là vinh quang của Thượng Đế). Sau khi ra đời, tôn giáo Baha’i bị chính quyền Ba Tư tìm cách dập tắt, Baha'u'llah bị bắt và lưu đầy nhiều nơi, sau cùng là Akka (nay thuộc Israel). Tại đây, Baha'u'llah bị giam giữ khoảng 24 năm. Trong thời gian này, Baha'u'llah đã chỉ định lấy 2 thành phố Akka và Haifa làm Trung tâm tâm linh và quản trị của đạo Baha’i. Ông qua đời và được chôn tại Haifa (Israel) vào năm 1892. Lăng của Baha'u'llah là nơi thiêng liêng nhất, là trung tâm hành hương của đạo Baha’i.

Khi Baha'u'llah qua đời, quyền lãnh đạo được truyền cho con trai trưởng của ông là Abbas - Effendi tức là Abdu’ l - Baha (1844 - 1921). Trước khi chết, Abdu’l - Baha đã chỉ định cháu của mình là Shoghi - Effendi (1897 - 1957) làm Giáo hộ và thủ lĩnh tinh thần đạo Baha'i. Sau khi Shoghi - Effendi qua đời, nền quản trị được chuyển sang một Hội đồng quốc tế, từ đây hệ thống tổ chức của đạo Baha'i đã hình thành và phát triển vững chắc.

Năm 1948, cộng đồng Baha’i quốc tế đã chính thức được chấp nhận tại Liên hợp quốc là một tổ chức phi Chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển; đến tháng 5/1970 được hưởng cương vị tư vấn tại Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Đại diện tôn giáo Baha’i đã được bầu là Chủ tịch các Uỷ ban của Tổ chức phi chính phủ tại Liên hợp quốc. Ngoài ra, cộng đồng Baha'i quốc tế có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức khác của Liên hợp quốc như: Tổ chức y tế thế giới (WHO), Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Quỹ trẻ em của Liên  hợp quốc (UNICEF),... Hiện nay, tôn giáo Baha’i có khoảng hơn 6 triệu tín đồ ở 235 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc hơn 2.100 sắc tộc, ở phần lớn các nước Hồi giáo. Ấn Độ là quốc gia có số lượng tín đồ Baha’i đông nhất thế giới với khoảng hơn 2 triệu người.

1.2. Quá trình du nhập và phát triển của tôn giáo Baha’i ở Việt Nam

Ngày 18/02/1954, bà Shirin Fozdar (người Ấn Độ) cùng con trai và con dâu đến Sài Gòn truyền giáo. Ngày 21/4/1955, Hội đồng Tinh thần Baha’i đầu tiên được thành lập tại Sài Gòn, được chính quyền Sài gòn công nhận. Đến đầu năm 1975, tín đồ tôn giáo Baha’i có khoảng 205.000 tín đồ, trong đó có khoảng 30.000 người Chăm, người Thượng và người Nùng, với 687 Hội đồng Tinh thần địa phương.

Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975) hoạt động của cộng đồng Baha’i giảm dần trong 2 năm và ngừng vào năm 1977.

Tháng 11/1991, “Ban vận động hợp thức hoá” tôn giáo Baha’i tự thành lập và đề nghị chính quyền TP. Hồ Chí Minh cho tín đồ đạo Baha’i tại TP. Hồ Chí Minh được sinh hoạt bình thường. Đồng thời, “Ban vận động hợp thức hoá” kết nối liên lạc giữa các tín đồ tôn giáo Baha’i trên cả nước và gửi đơn xin đăng ký sinh hoạt tôn giáo đến Ban Tôn giáo Chính phủ. Năm 2005, tôn giáo Baha’i có ở 45 tỉnh, thành phố với hơn 6.000 tín đồ, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố từ miền Trung trở vào. Ở các tỉnh miền Bắc, tôn giáo Baha'i cũng có ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Phú Thọ, Hoà Bình,…

 Ngày 28/3/2007, Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Ngày 14/7/2008, Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam được Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận tổ chức tôn giáo. Đến năm 2021, Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam đã trải qua 14 kỳ đại hội (nhiệm kỳ 01 năm).

2. Nội dung cơ bản về giáo lý, luật lệ, lễ nghi và cơ cấu tổ chức của tôn giáo Baha’i

2.1. Giáo lý

Cũng như các tôn giáo khác, tín đồ đạo Baha’i tin rằng tất cả các tôn giáo trên thế giới do Thượng đế tạo ra, Thượng đế đã cử nhiều sứ giả trước đó như: Abraham, Moses, Jesu, Muhammad,… để dạy nhân loại biết cách tìm hiểu, thờ phụng Thượng đế và sứ giả của Thượng đế trong thời đại ngày nay là đức Baha’u’llah. Giáo lý căn bản của đạo Baha’i là:

- Thượng đế là Đấng tối cao duy nhất.

- Tất cả các tôn giáo đều có chung một nguồn gốc thiêng liêng.

- Mọi người đều thuộc một gia đình, gia đình nhân loại, vì đều là con của Thượng đế.

Theo tôn giáo Baha’i, đức Baha’u’llah đã trao cho tín đồ nhiệm vụ đem giáo lý của mình đến toàn thể nhân loại bằng lời nói và gương tốt, cấm sự ép buộc. Tín đồ Baha’i chỉ trao tặng giáo lý cho những ai muốn tìm hiểu, không cố nài khi có người tỏ ý không muốn nghe.

2.1.2.2. Giáo luật

- Về cầu nguyện: Tín đồ tôn giáo Baha’i từ 15 tuổi trở lên cầu nguyện hàng ngày vào buổi sáng bằng Thánh kinh do Baha’u’llah truyền lại. Kinh cầu nguyện này bắt buộc mọi người phải đọc riêng, không được đọc kinh hàng loạt, trừ trường hợp cầu nguyện trong tang lễ. Baha’u’llah đã tập trung nhiều điều giáo huấn của mình vào trong 150 bộ sách với một số nguyên lý chính sau:

 Nhân loại thống nhất: Đây là nguyên lý cốt lõi giáo lý của Baha’u’llah. Sự thống nhất thế giới là giai đoạn cuối cùng trong cuộc tiến hoá của nhân loại, điều này sẽ được thực hiện dựa trên sự nhìn nhận của cá nhân về nguyên lý nhân loại thống nhất này như là nguyên lý tâm linh chủ yếu.

Sự tìm hiểu chân lý một cách độc lập: Việc này đòi hỏi con người phải gắng công nhiều hơn là sự chấp nhận đức tin mù quáng do người khác giảng dạy.

Nền tảng chung của tất cả các tôn giáo: Nền tảng chung của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều có nguồn gốc thiêng liêng. Tất cả đều do Thượng đế mặc khải ở những nơi và những thời đại khác nhau tuỳ theo nhu cầu và khả năng tiến hoá của con người.

Sự hoà hợp thiết yếu giữa khoa học và tôn giáo: Baha’u’llah cho rằng tôn giáo và khoa học hoà hợp với nhau. Tôn giáo chân chính và khoa học chân chính không bao giờ mâu thuẫn với nhau. Cả hai là những mặt hỗ trợ của chân lý.

Sự bình đẳng nam nữ: Baha’u’llah đã công bố sự bình đẳng nam nữ. Baha’u’llah không nêu điều này như một niềm hy vọng thần thánh hoặc lý tưởng, nhưng đan kết nó như một yếu tố căn bản trong cơ cấu của tôn giáo Baha’i. Sự bình đẳng này được nâng đỡ bằng luật pháp, đòi hỏi cùng một tiêu chuẩn giáo dục cho mọi người và sự bình quyền trong xã hội.

Xoá bỏ mọi thành kiến: Phương thức hiệu nghiệm để xoá thành kiến là ý thức về nhân loại thống nhất. Khi một người đạt được nhận thức tâm linh về tính thống nhất của nhân loại, người đó có thể vượt qua thành kiến của riêng mình.

Giáo dục phổ thông bắt buộc: Tri thức là ân huệ lớn nhất Thượng đế ban cho mọi người và những ai đánh mất cơ hội đạt tới tri thức thì sẽ sống cuộc đời hạn hẹp hơn người khác.

Hoà bình thế giới: Căn bản chính yếu của giáo lý Baha’i là nêu cao sự thống nhất nhân loại và đem đến nền hoà bình thế giới.

- Về truyền giáo: Tôn giáo Baha’i không có chức sắc, do vậy việc truyền giáo là nhiệm vụ của mọi tín đồ.

- Về hôn nhân, gia đình: Hôn nhân được tiến hành khi hai bên nhất trí và cha mẹ cho phép (nếu cha mẹ còn sống). Hôn lễ tổ chức giản dị, cô dâu và chú rể đọc một câu kinh ghi sẵn trước hai nhân chứng được Hội đồng tinh thần địa phương chấp thuận và cấp giấy hôn thú, ngoài ra còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật của nước sở tại. Tín đồ Baha’i được phép kết hôn với người khác chủng tộc, không phân biệt màu da và tôn giáo. Luật của tôn giáo Baha’i hạn chế việc ly dị, Hội đồng tinh thần địa phương có trách nhiệm hoà giải khi các cặp vợ chồng xảy ra các chuyện bất hoà, nếu hoà giải không thành, vợ chồng sẽ ly thân trong một năm, sau một năm nếu hai bên vẫn bất hoà thì có thể ly dị theo pháp luật hiện hành của nước sở tại.

- Về tu kín và xuất thế: Tôn giáo Baha’i cấm việc tu kín và xuất thế. Baha’u’llah khuyên tín đồ tích cực tham gia vào đời sống xã hội và nâng cao hạnh phúc chung, coi hôn nhân và đời sống gia đình là điều quan trọng căn bản của xã hội loài người.

- Về thủ tục nhập đạo: Tôn giáo Baha’i không có phép bí tích như Công giáo, không có lễ Báp-tem hay thêm sức cho trẻ em. Con của cha mẹ theo tôn giáo Baha’i đến 15 tuổi đương nhiên có trách nhiệm sống theo giáo lý tôn giáo Baha’i. Người nào tin nhận Baha’u’llah là sứ giả Thượng đế, thì bày tỏ đức tin của mình với Hội đồng Tinh thần địa phương của tôn giáo Baha’i nơi gần nhất để được Hội đồng Tinh thần này xem xét công nhận là tín đồ. Nếu tín đồ nào không còn tin Baha’u’llah và muốn rời khỏi cộng đồng tôn giáo Baha’i, người đó phải thông báo cho Hội đồng Tinh thần nơi đó biết để xoá tên khỏi danh sách bầu cử. 

- Quy định về lịch: Lịch Baha’i tính theo năm mặt trời, bắt đầu vào ngày xuân (ngày 21/3 theo dương lịch). Một năm chia ra 19 tháng, mỗi tháng gồm 19 ngày cộng thêm 4 ngày dư (năm nhuận có 5 ngày dư), những ngày dư nằm giữa tháng thứ 18 và tháng thứ 19, tháng 19 là tháng chay. Một ngày Baha’i bắt đầu từ lúc mặt trời lặn hôm trước đến lúc mặt trời lặn hôm sau.

- Một số quy định khác như: Cấm dùng rượu, ma tuý; cấm nói xấu sau lưng và chỉ trích người khác; trung thành với Chính phủ và không tham gia vào các hoạt động chính trị.

2.3. Các lễ cầu nguyện và trai giới

Trong năm có 9 ngày Thánh lễ và thời kỳ trai giới, 9 ngày Thánh lễ là:

- Năm  mới bắt đầu vào tối 21/3 gọi là lễ Naw - Ruz (tết Baha’i).

- Ngày 21/4, là ngày tuyên ngôn của Baha’u’ llah (năm 1863).

- Ngày 23/5, là tuyên ngôn của Bab (23/5/1844).

-  Ngày 29/5, là lễ thăng thiên của Baha’u’llah (29/5/1892).

-  Ngày 9/7, là lễ tử đạo của Bab (1850).

- Ngày 20/10, là lễ giáng sinh của Bab (1819).

- Tối 12/11, là lễ giáng sinh của Baha’u’llah (1817).

- Tối 26/11, là lễ giao ước.

- Ngày 28/11, là lễ thăng thiên Abdul - Baha (1921).

Lễ gồm 3 phần: phần tâm linh (cầu nguyện, tưởng nhớ các bậc tiền bối); phần quản trị (thảo luận về việc phát triển tôn giáo địa phương và chào mừng những tín đồ mới); phần xã hội (gặp gỡ, hỏi thăm sức khoẻ các đạo hữu và gia đình).

Ngoài những ngày thánh lễ trên, tín đồ tôn giáo Baha’i phải trai giới 19 ngày liền trong mỗi năm, từ ngày 2/3 - 21/3, thời gian này là tháng thứ 19 của lịch Baha’i). Trong thời gian này, tín đồ phải nhịn ăn uống ban ngày, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn và chỉ ăn uống vào buổi tối, nhằm dành thời gian cho việc rèn luyện ý trí, cầu nguyện và suy tưởng. Những người dưới 15 tuổi và trên 70 tuổi, người bệnh, phụ nữ có thai và cho con  bú, du khách và những người lao động nặng nhọc chân tay đều được miễn.

2.4. Cơ cấu tổ chức của tôn giáo Baha’i

Tôn giáo Baha’i có cơ cấu tổ chức gồm 3 cấp: Hội đồng Tinh thần địa phương, Hội đồng Tinh thần quốc gia và Hội đồng Tinh thần quốc tế (tức là Toà Công lý Quốc tế). Trung tâm quốc tế của đạo Baha’i hiện nay được đặt trên núi Carmel, tỉnh Haifa (Israel). Đứng đầu trung tâm là Đức Giám hộ. Đức Giám hộ chỉ định trên toàn thế giới 27 vị phụ tá Giám hộ để giữ chăm lo việc đạo.

Tôn giáo Baha’i không có chức sắc, chỉ có chức việc. Để lo việc đạo có Hội đồng Tinh thần các cấp. Việc lựa chọn nhân sự tham gia Hội đồng Tinh thần các cấp được thực hiện thông qua hình thức bỏ phiếu kín, không có đề cử và không cho phép sự vận động tranh cử. Hội đồng Tinh thần địa phương được bầu lại hàng năm vào khoảng thời gian từ 21/4 đến 2/5 do toàn thể tín đồ trưởng thành từ 21 tuổi trở lên. Các Hội đồng Tinh thần địa phương bầu 1 hoặc 2 đại biểu (tuỳ theo số lượng tín đồ) tham dự Hội đồng Tinh thần quốc gia, tất cả các tín đồ đều được coi như ứng cử viên trong cuộc bầu cử này. Hội đồng Tinh thần quốc tế được bầu tại Haifa, Israel, các thành viên tham dự đến từ hơn 60 Hội đồng Tinh thần quốc gia và Hội đồng Tinh thần vùng.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Tinh thần là lo việc truyền giáo, tổ chức các cuộc lễ, các lớp giáo lý, các cuộc họp, các thánh lễ; in ấn kinh sách, kiểm duyệt các ấn phẩm về đạo Baha’i; giải quyết các vấn đề liên quan tới đời sống tín đồ, bảo vệ đức tin, nhắc nhở tín đồ trong cộng đồng tuân thủ các luật lệ tôn giáo, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức công tác từ thiện xã hội, đảm nhận vấn đề quỹ của đạo và chỉ định các tín đồ vào các uỷ ban đặc biệt để giúp việc cho Hội đồng.

3. Thực trạng tôn giáo Baha’i ở Việt Nam

3.1. Về số lượng tín đồ, chức việc, cơ sở tôn giáo

Tính đến năm 2021, tôn giáo Baha’i có ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, tập trung đông nhất tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang,… Số lượng chức việc tôn giáo Baha’i ở Việt Nam là hơn 300 người.

Ở Việt Nam không có cơ sở thờ tự của tôn giáo Baha’i, các chức việc, tín đồ tôn giáo Baha’i thực hiện hoạt động tôn giáo tại một số văn phòng làm việc ở các địa phương hoặc tại nhà riêng của tín đồ.

3.2. Cơ cấu tổ chức của tôn giáo Baha’i ở Việt Nam

Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha’i Việt Nam có cơ cấu tổ chức gồm 02 cấp. Cấp trung ương (toàn đạo) là Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha’i Việt Nam, gồm 09 người do Đại hội đại biểu cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam bầu ra và được phân công các chức vụ: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký, Thủ quỹ và các ủy viên. Nhiệm kỳ của Hội đồng Tinh thần là một năm và có thể được lưu nhiệm cho tới khi bầu xong những người kế tiếp. Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha’i Việt Nam thành lập các cơ cấu trực thuộc sau: các Hội đồng Tinh thần địa phương, các tổ vùng hoặc Hội đồng vùng, Viện giáo lý, Ủy ban truyền giáo, Ủy ban phát triển kinh tế, xã hội, Ủy ban giao tế, Văn phòng.

3.3. Thực trạng hoạt động tôn giáo

Hoạt động của cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam cơ bản ổn định và chấp hành quy định của pháp luật. Cộng đồng tôn giáo Baha’i thường xuyên tổ chức các nhóm cầu nguyện để mọi tín đồ thuộc mọi tầng lớp xã hội quy tụ; tổ chức các nhóm học tập một cách có hệ thống để chia sẻ thông điệp từ Tòa Công lý quốc tế. Với mục tiêu hướng vào sự phát triển của thanh thiếu niên trong xã hội, các Hội đồng tinh thần địa phương chia ra những cụm để sinh hoạt theo những hoạt động cốt lõi với phương hướng “Nỗ lực giúp thanh niên bước đi trên đường phụng sự, sống hữu ích cho xã hội”. Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam đã phát huy rất tốt nguồn lực của nhóm thanh thiếu niên, với nhiệt huyết tuổi trẻ và quyết tâm cao, các nhóm thanh thiếu niên được quy tụ và đã tham gia vào các hoạt động xây dựng kỹ năng phụng sự và phát triển tri thức, đức tính và lòng nhân ái trong cách đối đầu với các tệ nạn và thách thức của xã hội.

Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam có quan hệ thường xuyên và mật thiết với cộng đồng Baha’i trên thế giới. Hoạt động của cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam thống nhất với cộng đồng Baha’i các nước thông qua sự chỉ đạo chung của Toà Công lý Quốc tế và Ban Cố vấn châu lục ở mỗi châu lục trên thế giới.

3.4. Hoạt động xã hội của cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam

Cộng đồng tôn giáo Baha’i tham gia tích cực và có hiệu quả trong công tác từ thiện - xã hội cũng như các hoạt động cứu trợ thiên tai, bão lũ, giúp đỡ các trẻ mồ côi, cơ nhỡ, khuyết tật,… Với nhiều sinh hoạt phong phú và hữu ích, cộng đồng Baha’i Việt Nam đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển chung của xã hội như: tham dự các hội thảo, cùng các tôn giáo bạn đối thoại về khả năng góp phần vào các chương trình phát triển xã hội và hoạt động nhân đạo từ thiện; tổ chức các hoạt động nhân đạo từ thiện, hằng năm đặc biệt vào dịp Lễ Ayyam-i-Ha (Ngày của Thượng Đế); tạo môi trường học tập, sinh hoạt và giáo dục đức tin lành mạnh và hướng thiện cho tất cả các thành phần trong xã hội, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có một số hoạt động cốt lõi như: các nhóm học tập, các buổi cầu nguyện, lớp giáo dục đạo đức dành cho thiếu nhi và các nhóm thanh thiếu niên.

Đồng hành cùng các tôn giáo khác trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha’i đã vận động các chức việc, tín đồ cam kết tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ tổ chức và tín đồ, người dân xung quanh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, không sử dụng vật tư, phương tiện độc hại, tăng nguy cơ ô nhiễm và phát thải ra môi trường…

Trải qua quá trình hình thành, phát triển, cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam đã và đang mang những giá trị nhân văn, tiến bộ của tôn giáo Baha’i thấm nhuần vào cuộc sống, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước phát triển bền vững./.

 

Ngọc Duyên