Kỷ niệm 154 năm ngày khai sáng Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa
Ngày đăng: 15/06/2021
Chùa Tam Bửu thị trấn Ba Chúc, huyện Tri tôn, tỉnh An Giang, trung tâm của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa
Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, do Đức Bổn Sư Ngô Lợi (1831-1890) sáng lập vào ngày mùng 05/5 năm Đinh Mão 1867. Sau nhiều biến cố lịch sử Ngài đã chọn khu vực Núi Tượng nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang làm nơi hoằng khai đạo pháp. Đạo Tứ ân Hiếu nghĩa được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức ngày 16/6/2010 tại Quyết định số 1114/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang. Trụ sở của Đạo hội đặt tại chùa Tam Bửu - Phi Lai (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn), cơ cấu tổ chức có 2 cấp: Cấp toàn đạo (Đạo hội) và cấp cơ sở (có 24 Gánh đạo). Ngoài ra còn có Ban Quản tự, Ban Quý tế của các Chùa, Đình, Miếu thuộc hệ thống Đạo hội (Đại hội của Đạo hội được tổ chức 05 năm một lần).

Ngày 27/10/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ có Công văn số 890/TGCP-TNTGK về việc chấp thuận việc thay đổi tên tổ chức tôn giáo “Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa” đổi thành “Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa” và được sử dụng kể từ ngày 20/11/2020. Ngày 31/12/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có Công văn số 1127/TGCP-TNTGK về việc chấp thuận Hiến chương sửa đổi của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, trong đó có việc đổi tên tôn giáo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” thành “Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa”; quy định về biểu tượng tôn giáo, đạo kỳ; cơ cấu tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc,… Về cơ cấu tổ chức gồm 02 cấp: Ban Trị sự Trung ương Phật hội và Ban Trị sự cơ sở (ở 24 Gánh).

Hiện nay số tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa trên 78.000 người ở 16 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 05 Mẹ Việt Nam anh hùng, 03 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 380 gia đình liệt sĩ, 250 gia đình thương binh, 430 gia đình có công với cách mạng. Riêng tại An Giang, số lượng tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vào khoảng 36.000 tín đồ.

Với  tôn chỉ hành đạo “Tu nhân - Học phật” và đường hướng hành đạo “Hành Tứ ân - Sống Hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”, trải qua 154 niên đạo hình thành và phát triển, các chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện các hoạt động tôn giáo đúng với Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến chương của Phật hội. Song song đó, các chức sắc, chức việc, tín đ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, nâng cao dân trí, đóng góp tích cực cho quê hương như: hưởng ứng và tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương, đơn cử là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới - Đô thị văn minh”, các hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; các chương trình phối hợp phát huy vai trò của tôn giáo trong bảo vệ an ninh trật tự; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia xây nhà Đại đoàn kết, đóng góp quỹ “Vì người nghèo”, “Cây mùa xuân”; hỗ trợ đồng bào miền Trung lũ lụt; xây dựng quỹ khuyến học, xây cầu, làm đường,...

Trước đó, vào ngày 11/6/2021 Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dẫn đầu đoàn công tác Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhân Đại lễ tam hợp của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (ngày Đản sinh Đức Bổn sư – ngày Đức Bổn sư thành đạo – ngày khai đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa)./.

 

Tiến Lên