Thủ tướng: Không đâu có hàng vạn nhà thờ, nhà chùa như ở Việt Nam
Ngày đăng: 02/11/2018
Người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định điều này khi trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Thích Thanh Quyết về vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) trong phiên họp chiều nay 1/11, Thủ tướng một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về tự do tôn giáo và sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật. 

Thủ tướng đã đưa ra những con số ấn tượng về bức tranh tôn giáo tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có 15 tôn giáo với 42 tổ chức, hơn 25 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số.

"Không đất nước nào có hàng vạn nhà chùa, nhà thờ, thánh thất như ở Việt Nam, chưa đất nước nào mà 3 lần được LHQ chọn làm nơi tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak. Từ miền núi cao đến hải đảo đều có nhà chùa, nhà thờ, thể hiện rõ một quốc gia tự do tôn giáo như Hiến pháp đã khẳng định. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đi thăm Vatican, hội đàm với Thủ tướng Vatican và hội kiến với Giáo hoàng", Thủ tướng cho biết.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, các tôn giáo ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật và đều được Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm, từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. 

Trong suốt thời gian qua, các tôn giáo, các tín đồ tôn giáo đều đoàn kết, ủng hộ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thành tựu của đất nước hôm nay có sự đóng góp rất lớn của đồng bào các tôn giáo.

Tất nhiên, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn một số ít các phần tử lợi dụng tự do tôn giáo để gây mất trật tự an ninh.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình hội kiến Giáo hoàng Francis trong chuyến thăm Vatican ngày 20/10/2018

Đề cập đến Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Thủ tướng cho biết, sau khi Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo được nâng lên thành Luật tín ngưỡng tôn giáo, Chính phủ đã có nhiều văn bản hướng dẫn để triển khai Luật. Đây là một cải cách pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người.

Theo Thủ tướng, Luật tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những luật có tác động sâu sắc đến sự ổn định và phát triển của xã hội, của đất nước, là công cụ hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều biến động phức tạp cũng như sức ép về những vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền từ các Tổ chức quốc tế, các quốc gia lớn trong hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. 

"Các quy định của Luật, nghị định phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, rút ngắn thời hạn công nhận các tổ chức tôn giáo, thay vì 23 năm, nay chỉ còn 5 năm", Thủ tướng nêu ví dụ. 

Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công- thành công- đại thành công”, Thủ tướng cho rằng: Dù là giáo hay lương cũng đều là dân tộc Việt Nam. Chỉ có đoàn kết mới đưa đất nước phát triển,  tiến lên Chủ nghĩa xã hội./.

Theo vov.vn