Quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Hà Tĩnh
Ngày đăng: 06/07/2018
Chiều ngày 4/7/2018, Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn. Tham dự buổi làm việc có ông Đặng Quốc Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành viên đoàn giám sát và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Bà Nguyễn Thị Nữ Y, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh và ông Võ Hồng Hải, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo hiện nay, toàn tỉnh có 459 di tích cấp tỉnh, 78  di tích cấp quốc gia, 02 di tích quốc gia đặc biệt. Trong những năm qua, đã triển khai nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích quốc gia như: Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Đền thờ Nguyễn Thiếp, Văn Miếu Hà Tĩnh, Đền thờ và quảng trường Mai Hắc Đế, Đền Nen, Đền thờ Ngô Phúc Vạn, Đền thờ Phan Kính…. Công tác quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật. Hàng năm Bảo tàng Hà Tĩnh tổ chức 2 - 3 cuộc sưu tầm, thu về từ 200 - 250 hiện vật. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ khoảng 10 nghìn hiện vật, những bộ sưu tập quý có giá trị như bộ sưu tập đồ gốm cổ, tiền đồng cổ, các hiện vật khảo cổ Thạch Lạc, hiện vật kháng chiến chống Mỹ, kỷ vật chiến tranh, bảo vật quốc gia súng thần công…Di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm nhất là dân ca ví dặm, ca trù, Mộc bản trường học Phúc Giang, các lễ hội 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: công tác lập quy hoạch tổng thể đầu tư tu bổ di tích, lập quy hoạch khảo cổ, cắm mốc giới di tích ở hầu hết các địa phương triển khai còn chậm. Công tác tuyên truyền, giáo dục về tu bổ, tôn tạo di tích  được quan tâm; đối với các công trình của di tích chủ yếu được làm bằng gỗ, có thời gian hình thành lâu đời, liên tục bị thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh và con người tác động nên đã bị hư hỏng, xuống cấp và có nguy cơ bị xâm hại, bị ô nhiễm về môi trường, cảnh quan; nguồn kinh phí đầu cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích hàng năm ít; việc cắm mốc giới bảo vệ các di tích triển khai còn chậm…/.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích, đánh giá thực trạng, đồng thời nêu ra một số giải pháp về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Đại biểu cho rằng, cần phải có phương án, lộ trình cụ thể, phù hợp cho từng di tích, di sản; công tác phối hợp trong việc khai thác giá trị các di tích với các tour, tuyến du lịch; cân đối nguồn lực, kinh phí trong thực hiện trùng tu; tích cực xã hội hóa nguồn lực; bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng cho đội ngũ làm công tác bảo tồn, phát huy di sản; chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân…

Phát biểu tại buổi làm việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị: Sở VH-TT&DL nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh. Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh xem xét, thông qua đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa: Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; ca trù Hà Tĩnh; Truyện Kiều và Mộc bản Trường học Phúc Giang” để UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện; HĐND tỉnh cần ưu tiên nguồn ngân sách ổn định để chống xuống cấp di tích; bố trí nguồn lực quan tâm xây dựng bảo tàng tỉnh; trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Công Trứ, Trường lưu và Mộc bản Trường học Phúc Giang…/.

Hoàng Nguyên