Hội thảo tư vấn phản biện “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” giai đoạn 2019-2025
Ngày đăng: 25/06/2018
Sáng 22/6, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo tư vấn phản biện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” giai đoạn 2019-2025, định hướng năm 2030.

Dự hội thảo có: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; thành viên Hội đồng tư vấn phản biện; lãnh đạo các phòng văn hóa huyện, thành phố.

Năm 2017, Di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ninh Bình là một trong những địa phương được xác định là nơi có không gian diễn xướng “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” khá rộng, có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tác động đến sự phát triển văn hóa – xã hội của tỉnh. 

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay Ninh Bình có 415 di tích lịch sử văn hóa thờ và phối thờ Mẫu, được phân bố chủ yếu ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Kim Sơn, Yên Khánh. Tại các di tích này thường xuyên diễn ra hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu vào các dịp tuần tiết và lễ hội. Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động bảo tồn giá trị truyền thống của giá trị văn hóa phi vật thể này thì nhiều đối tượng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.

 Đề án này được thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2019 đến 2020: thực hiện đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tổ chức tập huấn, bảo tồn; giai đoạn từ năm 2021-2025: xây dựng hệ thống tư liệu di sản; giai đoạn 2025: tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Dự kiến kinh phí Đề án là gần 900 triệu đồng do Sở Văn hóa, Thể thao chủ trì.

Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện đã thảo luận xung quanh các vấn đề như đề cập tới sự cần thiết của Đề án; thống nhất thể thức, nội dung đề án; số lượng mục tiêu tại Đề án và tính khả thi của từng mục tiêu; thứ tự đề mục, tên đề mục... Các đóng góp thảo luận của thành viên Hội đồng sẽ được Liên hiệp các hội KHKT tỉnh tổng hợp, hoàn thiện, trình UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt trong thời gian sớm nhất để triển khai Đề án theo lộ trình.

Theo Báo Ninh Bình