Tín đồ Công giáo trên thế giới hiện nay qua các số liệu thống kê
Ngày đăng: 18/06/2018
Hiện nay số người Công Giáo trên toàn thế giới đang tiến đến con số gần 1.400.000.000. Số liệu này được đăng trong ấn phẩm Annuarium Statisticum Ecclesiae 2016, xuất bản cùng với Niên giám Giáo hoàng năm 2018.

Theo ấn phẩm này, vào năm 2015 số người Công giáo trên thế giới là 1.285.000.000 người, đến năm 2016 tăng lên 1.299.000.000 người (tăng 1,1%). Mức tăng này thấp hơn mức tăng trung bình hằng năm là 1,5% trong giai đoạn 2010 – 2015. Sự gia tăng số người Công giáo cũng ít hơn so với sự gia tăng dân số thế giới, cụ thể là, vào năm 2015 có 17,73 người Công giáo /100 người dân, đến năm 2016 con số này giảm xuống còn 17,67 người Công giáo /100 người dân.

Châu Mỹ vẫn là châu lục có số người Công giáo đông nhất, chiếm 48,6% tổng số người Công giáo toàn thế giới, còn Châu Phi là châu lục có tốc độ phát triển người Công giáo nhanh nhất thế giới. Vào năm 2010 ở Châu Phi có 185.000.000 người Công giáo, đến năm 2016 con số này đã là hơn 228.000.000 người (tăng 23,2%).

Hiện dân số Châu Á chiếm hơn 60% dân số toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Niên giám Giáo hoàng, ở châu lục này người Công giáo chiếm 11% dân số và đang gia tăng ở mức độ vừa phải. Năm 2016, số người Công giáo ở Philippines vào khoảng 85.000.000 người, chiếm 76% người Công giáo ở Đông Nam Á, còn số người Công giáo ở Ấn Độ là 22.000.000 người.

Cùng với sự gia tăng tín đồ, các chức sắc, chức việc Công giáo cũng gia tăng. Cụ thể là, trong giai đoạn 2010 - 2016, số lượng giám mục tăng 4,88%, từ 5.104 giám mục vào năm 2010 tăng lên 5.353 giám mục vào năm 2016.

Cũng trong giai đoạn 2010 - 2016, số lượng linh mục tăng 0,7%, từ 412.236 linh mục vào năm 2010 tăng lên 414.969 linh mục vào năm 2016 . Trong số đó, các linh mục triều tăng 1,55% còn các linh mục dòng lại giảm khoảng 1,4%. Tuy nhiên, sự tăng giảm này có khác nhau ở các khu vực khác nhau. Các linh mục dòng tuy tăng ở Châu Phi, nhưng lại giảm ở Đông Nam Á và Trung Mỹ.

Số lượng các phó tế vĩnh viễn gia tăng nhanh nhất. Trong giai đoạn 2010 - 2015 mức tăng trung bình hằng năm là 2,88%. Đến năm 2016 tốc độ tăng tuy có chậm lại nhưng vẫn đạt con số 2,34%. Cụ thể là, vào năm 2010 có 39.564 phó tế, đến năm 2016 con số này là 46.312 người. 

Tốc độ gia tăng các phó tế cũng khác nhau ở các khu vực khác nhau. Trong giai đoạn 2010 - 2015, ở Châu Á, Nam Mỹ tốc độ gia tăng các phó tế nhanh hơn so với tốc độ gia tăng các phó tế ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Phi.

Số phó tế phụ tá cho các linh mục để lo việc mục vụ còn rất thiếu và phân bố không đồng đều. Năm 2016, tính trung bình trên thế giới chỉ có 11,2 phó tế /100 linh mục. Trong khi ở Châu Á bình quân chỉ có 0,48 phó tế /100 linh mục, ở Châu Phi có 1 phó tế / 100 linh mục, ở Châu Âu có khoảng 8 phó tế / 100 linh mục thì ở Mỹ con số này lên tới 24,8 phó tế /100 linh mục.

Số lượng nam tu sĩ đã khấn trên thế giới bắt đầu sụt giảm từ những năm 2010 – 2015 và đến năm 2016 trên toàn thế giới số nam tu sĩ đã khấn sụt giảm tới 3%, chỉ còn 52.625 người và được phân bố như sau: ở Châu Âu có 15.390 người, ở Châu Mỹ có 14.818 người, ở Châu Á có 12.320 người, ở Châu Úc có 1.366 người và ở Châu Phi có 8.731 người.

Số lượng nữ tu đã khấn trên thế giới cũng bắt đầu sụt giảm. Năm 2010, cả thế giới có 722.000 nữ tu đã khấn. Năm 2016, số nữ tu đã khấn giảm 8,7%, còn 659.000 người. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do số người cao tuổi chết gia tăng, trong khi số bổ sung lại ít.

Sự tăng giảm số lượng các nữ tu cũng có sự khác biệt ở từng châu lục. Chẳng hạn, ở Châu Phi, trong giai đoạn 2010 - 2016 có mức tăng lớn nhất tới 9,2%, tiếp theo là Đông Nam Á tăng 4,2 %. Trong khi đó ở Bắc Mỹ, số lượng các nữ tu lại giảm mạnh tới gần 21 %, ở Châu Âu giảm 16 %, ở Nam Mỹ giảm 11,8 %, và ở các đảo Trung - Antilles của Châu Mỹ giảm khoảng 2%, còn ở Trung Mỹ và Trung Đông cũng sụt giảm nhưng mức độ ít hơn.

Sự sụt giảm trong ơn gọi linh mục cũng đang diễn ra. Số chủng sinh trên thế giới giảm từ 116.843 người năm 2015 xuống còn 116.160 năm 2016 (giảm 0,6%). Trong khi đó ở Châu Á trong thời kỳ này số chủng sinh lại tăng thêm 779 người. Ở Việt Nam số chủng sinh tăng tới 48,3%, còn ở Indonesia tăng khoảng 2%, nhưng chủng sinh ở Philippines lại giảm 1,1% và ở Hàn Quốc giảm tới 30,2%.

TS. Nguyễn Văn Dũng