MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Bhutan xây dựng thành phố Chánh niệm ở Gelephu
Ngày đăng: 27/09/2024Trong thông báo về kế hoạch xây dựng thành phố Chánh niệm ở Gelephu, Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck của Bhutan cho biết thành phố này là công trình có một không hai, dựa trên tầm nhìn và giá trị của Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH). Vương quốc Rồng sấm Bhutan sẽ đi tiên phong trong việc thành lập “Thành phố Chánh niệm” đầu tiên trên thế giới.
Thành phố Chánh niệm có các hoạt động kinh doanh bền vững, lấy cảm hứng từ di sản tâm linh Phật giáo và nổi bật bởi tính độc đáo của bản sắc Bhutan.
Bhutan nổi tiếng với việc phát triển và đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân thông qua chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH), đây là triết lý và nguyên tắc chủ đạo bao gồm 9 chỉ số để đo lường về phúc lợi và hạnh phúc của người dân. Vì vậy, thành phố chánh niệm cũng được xây dựng chủ yếu dựa trên từng chỉ số trong 9 chỉ số này, bao gồm sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, giáo dục, sức sống cộng đồng và sự đa dạng văn hóa.
Với diện tích khoảng 250.000 mẫu Anh, chiếm khoảng 2,5% diện tích của vương quốc giữa Nam và Đông Nam Á, thành phố Chánh niệm sẽ là một trung tâm kinh tế được xây dựng dựa trên những giá trị bền vững nằm ở thị trấn Gelephu dọc biên giới phía Nam giáp với Ấn Độ. Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck của Bhutan đã công bố kế hoạch xây dựng thành phố vào tháng 12 năm ngoái. Các dự án xây dựng thành phố nhằm mục đích kết hợp hệ sinh thái tự nhiên của đất cũng như trở thành trung tâm đầu tư và phát triển bền vững.
Theo ước tính, thành phố Chánh niệm Gelephu sẽ trở thành một trung tâm kinh tế mới cho Nam Á mà không ảnh hưởng đến sự phát triển phúc lợi cá nhân của người dân Bhutan. Thành phố này cũng là cửa ngõ du lịch để đi đến những nơi còn lại của Bhutan, kết nối trực tiếp với Thủ đô Thimphu và nằm giữa hai khu bảo tồn thiên nhiên - Khu bảo tồn động vật hoang dã Phibsoo và Vườn quốc gia Hoàng gia Manas.
Theo kế hoạch, nhà thiết kế cho thành phố đặc biệt này là kiến trúc sư bền vững người Đan Mạch Bjarke Ingels Group cùng với Arup và Cistri. Nhóm này đã đề xuất kiến tạo 35 sông suối xung quanh, chuyển đổi mật độ xây dựng để hoạt động song song với cảnh quan môi trường và bảo vệ thành phố khỏi lũ lụt trong khoảng thời gian gió mùa.
Thành phố còn được kết nối bằng hàng loạt cây cầu, có thể làm nơi cư trú được và bao gồm cả sân bay, bệnh viện và trường đại học mới. Ngoài ra, trên biên giới phía Tây của thành phố Chánh niệm Gelephu là ngôi chùa Sankosh với đập thủy điện khổng lồ. Các lối đi, cầu thang và đài quan sát cho phép du khách và khách hành hương thiền hành dọc theo “vô số tuyến đường khác nhau” dẫn đến chùa và trung tâm du khách.
Thành phố Chánh niệm sẽ là một khu vực đa chủng tộc, đa văn hóa và đa sắc tộc, nơi tất cả cư dân có thể sống theo luật pháp chung được thiết lập dựa trên các nguyên tắc từ bi và trí tuệ của Phật giáo. Thông qua thành phố Chánh niệm, Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã tìm cách tạo ra một mô hình kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tích hợp những thành tựu quan trọng về công nghệ, khoa học và y học từ những thập kỷ gần đây, đồng thời cũng duy trì sự thanh thản, tĩnh lặng, từ bi và sự sống động nguyên sơ của một nền văn hóa cổ xưa và nghệ thuật của nó.
Nguyễn Xuân