Giáo hoàng Francis công du châu Á - Thái Bình Dương
Ngày đăng: 10/09/2024
Giáo hoàng Francis gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 04/9
Ngày 03/9/2024, Giáo hoàng Francis đã đến Indonesia bắt đầu chuyến công du khu vực châu Á - Thái Bình Dương kéo dài 12 ngày từ 02-13/09/2024, với các điểm dừng chân tại Singapore, Papua New Guinea và Timor-Leste.

Đây là chuyến công du lần thứ 45 cũng là chuyến đi nước ngoài dài nhất từ trước đến nay của Giáo hoàng Francis, bất chấp những lo ngại về tình trạng sức khỏe. Chuyến công du, ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2020 nhưng phải hoãn lại do đại dịch COVID-19, phản ánh sự thay đổi to lớn đang diễn ra bên trong Giáo hội Công giáo: xu hướng dịch chuyển tới châu Á. Châu Á - Thái Bình Dương là một trong số ít nơi trên thế giới mà Giáo hội Công giáo đang phát triển về số lượng tín đồ trong thời gian gần đây.

Chuyến thăm mang tính bước ngoặt, cho phép Giáo hoàng lên tiếng về những vấn đề quan trọng trong nhiệm kỳ của mình, bao gồm đối thoại liên tôn giáo và bảo vệ môi trường.

Giáo hoàng Francis tại cuộc họp với các lãnh đạo ở nhà thờ Hồi giáo Istiqlal

Điểm đến đầu tiên trong hành trình là Indonesia, vốn là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, với khoảng 87% dân số. Động thái này phản ánh những nỗ lực bền bỉ của Giáo hoàng nhằm tiếp cận với cộng đồng Công giáo ở những khu vực được xem là thiểu số và thúc đẩy sự hợp tác liên tôn giáo. Tại đây, Giáo hoàng Francis đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 04/9. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có thông điệp chào đón Giáo hoàng, khẳng định “Indonesia và Vatican có cùng cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ, cũng như đảm bảo phúc lợi cho nhân loại”.

Ngày 05/9, Giáo hoàng đã có chuyến thăm và gặp gỡ với đại diện sáu tôn giáo chính thức được công nhận ở Indonesia: Hồi giáo, Phật giáo, Nho giáo, Ấn Độ giáo, Công giáo và Tin Lành tại nhà thờ Hồi giáo Isrtiqlal ở Jakarta. Giáo hoàng Francis và Đại Imam Nasaruddin Umar, người đứng đầu nhà thờ Hồi giáo Istiqlal đã ký kết tuyên bố liên tôn giáo, trong đó nhấn mạnh việc hai cộng đồng tôn giáo tiếp tục thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại, sự khoan dung và bảo vệ môi trường.

Ngay sau đó, Giáo hoàng đã cử hành thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno, Jakarta với sự tham gia của gần 100.000 người.

https://images.hdgmvietnam.com/images/Khanh-1/359e30b2-46e3-4231-a5e7-c1c5722a9fec.jpeg

Ngày 06/9, Giáo hoàng Francis đã đến Papua New Guinea, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, có diện tích hơn 400.000 km2 với 600 hòn đảo. Nơi này có hơn 800 ngôn ngữ - chiếm khoảng 12% tổng số ngôn ngữ trên thế giới, với dân số ước tính khoảng hơn 10 triệu người, trong đó có khoảng 02 triệu người theo Công giáo (chiếm khoảng 26% dân số).

Giáo hoàng Francis đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính trị, nhà ngoại giao Papua New Guinea, trong đó có Thủ tướng James Marape và ca ngợi sự đa dạng về ngôn ngữ, sắc tộc, sự giàu có tài nguyên thiên nhiên của đất nước này. 

Giáo hoàng Francis gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Papua New Guinea ngày 07/9

Giáo hoàng cũng đã kêu gọi Giáo hội Công giáo tại Papua New Guinea gần gũi hơn với phụ nữ bị lạm dụng và bị gạt ra ngoài lề tại một quốc gia mà tình trạng bạo lực đối với phụ nữ được báo cáo là cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Theo Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), 60% phụ nữ Papua New Guinea đã từng trải qua bạo lực thể xác hoặc tình dục từ bạn tình vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Những cáo buộc về ma thuật đối với phụ nữ là phổ biến. Papua New Guinea xếp hạng 151/166 quốc gia về chỉ số bất bình đẳng giới của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) năm 2022.

Chuyến thăm của Giáo hoàng Francis tới Papua New Guinea, sau 30 năm, Giáo hoàng John Paul II đến quốc gia Nam Thái Bình Dương, vào năm 1995.

Giáo hoàng Francis thăm giáo phận Vanimo

Sau đó, Giáo hoàng sẽ đến Timor-Leste, quốc gia trẻ nhất trong khu vực này - nơi giành được độc lập vào năm 2002 với 97,5% dân số theo Công giáo. Giáo hoàng sẽ cử hành thánh lễ tại Thủ đô Dili, nơi Giáo hoàng John Paul II đã có bài phát biểu vào năm 1989.

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của Giáo hoàng Francis là Singapore, nơi chỉ có 19% dân số là Cơ đốc nhân, trong đó khoảng 1/3 là Công giáo vào ngày 11/9. Tại đây, Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ gặp Tổng thống Singapore, cử hành thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Singapore...

Trong thập kỷ qua, Giáo hoàng Francis đã có các chuyến thăm đến một số nước tại khu vực châu Á như Hàn Quốc, Sri Lanka, Philippines và Nhật Bản, Bangladesh, Mông Cổ, Myanmar và Thái Lan.

Anh Khôi