Hàn Quốc hoàn thành Bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo lớn nhất thế giới
Ngày đăng: 27/09/2024Vừa qua, Viện Văn hóa Phật giáo Kasan ở Seoul, Hàn Quốc đã công bố hoàn thành Bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo lớn nhất thế giới.
Việc hoàn thành Bộ Bách khoa Toàn thư Phật giáo Hàn Quốc đánh dấu một cột móc quan trọng trong việc bảo tồn và phổ biến di sản Phật giáo Hàn Quốc. Bộ sách này cung cấp cho các học giả, sinh viên, nghiên cứu sinh và công chúng một nguồn tài nguyên vô giá để hiểu về lịch sử phong phú và phong phú đa dạng hóa của Phật giáo Hàn Quốc.
Các tập cuối cùng từ 17 đến 20 vừa được xuất bản trong năm nay, hoàn thành viên mãn của dự án vĩ đại trong vòng 42 năm của Hòa thượng Jikwan. Bộ sách đã giúp cho các giáo lý đa dạng và lịch sử lâu dài của Phật giáo giờ đây có thể được tiếp cận một cách dễ dàng bằng tiếng Hàn tiêu chuẩn.
Tháng 5/1982, Hòa thượng Jikwan đã phát nguyện trong một buổi lễ tại chùa Gyeongguk-sa, một ngôi chùa Phật giáo nằm gần núi Bukhan ở Seoul. Lúc này, Hòa thượng đã 50 tuổi và đang giữ chức vụ Trưởng khoa nghiên cứu Phật học tại một trường đại học Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc. Sau đó, Hòa thượng đã bắt đầu một nhiệm vụ quan trọng là biên soạn một bộ Bách khoa toàn thư, bộ tài liệu ghi lại lịch sử phong phú của Phật giáo theo cách mà công chúng dễ hiểu và tiếp cận được. Lời phát nguyện này đã đánh dấu sự khởi đầu của một công trình to lớn đối với Phật giáo Hàn Quốc và thế giới. Năm 1991, Hòa thượng Jikwan đã thành lập Viện Văn hóa Phật giáo Kasan. Năm 2005, Hòa thượng trở thành người đứng đầu tông phái Tào Khê là tông phái Phật giáo lớn nhất của Hàn Quốc.
Ban đầu, chỉ có Hòa thượng đơn độc nghiên cứu, sau đó, công trình này đã phát triển thành một dự án quy mô liên quan đến 15.000 nhân sự kéo dài trong ba thập kỷ. Hai tập đầu tiên mất một thập kỷ để hoàn thành, và các tập tiếp theo được xuất bản mỗi năm. Năm 2012, Hòa thượng Jikwan đã viên tịch lúc công trình vẫn còn dang dở, sau khi tập thứ 13 của Bộ Bách khoa toàn thư được xuất bản.
Bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo Kasan được xem là bộ tài liệu lớn nhất và có phần giải thích mở rộng nhất thế giới, với gần 120.000 mục và 266.000 trang. Bộ Bách khoa này chứa đựng những khái niệm chính rút ra từ các bản kinh văn của Phật giáo, các văn bản triết học, tài liệu lịch sử và nhiều hơn thế nữa; tất cả đều được xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Hàn hiện đại. Bộ tài liệu này đặc biệt nhấn mạnh và chú trọng đến sự tiếp biến văn hóa của Phật giáo khi du nhập vào Hàn Quốc.
Kể từ khi du nhập vào Hàn Quốc vào thế kỷ IV, Phật giáo đã không ngừng bén rễ và phát triển thông qua sự tiếp biến văn hóa dân gian và tín ngưỡng bản địa của Hàn Quốc trong suốt 1.700 năm. Phật giáo cũng đã dần có những hình thức độc đáo, riêng biệt và mang màu sắc đặc trưng của Hàn Quốc, trong đó có sự kết hợp hoàn hảo giữa trí tuệ cổ xưa với hệ thống tín ngưỡng bản địa. Vì vậy, Bộ Bách khoa toàn thư Kasan đặc biệt chú ý đến những đặc điểm tiếp biến văn hóa như vậy, với 30% các mục dành cho những chủ đề cụ thể của Phật giáo Hàn Quốc. Ngoài ra, Bộ Bách khoa toàn thư Kasan cũng bao gồm một danh sách có đầy đủ các tài liệu tham khảo gốc trong các bản kinh văn tiếng Hán cổ, Tây Tạng, Phạn, điều này cho thấy sự cam kết nghiêm túc trong công việc nghiên cứu, đối chiếu và so sánh các khái niệm và thuật ngữ với nhau.
Tới đây, Bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo Kasan sẽ được đưa vào các thư viện công cộng và bảo tàng ở Hàn Quốc, cũng như tại một số trường đại học và cao đẳng ở nước ngoài. Hơn nữa, Viện Văn hóa Phật giáo Kasan sẽ cập nhật các tập mới nhất để đảm bảo tính khả dụng của tài liệu cho các nhà nghiên cứu.
Việc nỗ lực biên soạn một bộ Bách khoa toàn thư về Phật giáo đã phản ánh ý nghĩa lâu dài của Phật giáo trong xã hội Hàn Quốc. Bằng cách ghi lại lịch sử, phương pháp tu tập và sự tiếp biến văn hóa của Phật giáo, Bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo Kasan đóng vai trò như một minh chứng cho sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo đối với cảnh quan văn hóa và tâm linh của Hàn Quốc.
Thanh Chiến