Ấn Độ khai mạc lễ hội tôn giáo Maha Kumbh Mela lớn nhất hành tinh
Ngày đăng: 14/01/2025Tại thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 13/01/2025, đã khai mạc lễ hội Maha Kumbh Mela kéo dài trong 45 ngày dành cho người theo đạo Hin-đu trên khắp thế giới. Lễ hội Kumbh Mela đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2017 và được ghi nhận là hoạt động tôn giáo thu hút nhiều người tham gia nhất toàn cầu từ trước đến nay.
Lễ hội Kumbh Mela là tên gọi chung một trong những lễ hội quan trọng nhất của các tín đồ Hin-đu giáo, được tổ chức luân phiên hằng năm tại 4 địa điểm linh thiêng bao gồm: Prayagraj, Haridwar, Nashik, Ujjain. Lần gần nhất diễn ra năm 2013 đã thu hút hơn 120 triệu tín đồ đạo Hin-đu tham gia. Lễ hội Maha Kumbh Mela năm nay thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ từ khắp Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Sự kiện không chỉ là lễ hội tôn giáo diễn ra định kỳ, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết. Trong 45 ngày diễn ra lễ hội, từ ngày 13/01/2025 đến ngày 26/02/2025, lượng tín đồ theo đạo Hin-đu tham gia Maha Kumbh Mela có thể đạt mức kỷ lục, thậm chí còn có thể vượt dự kiến ban đầu của chính quyền bang Uttar Pradesh, ước tính 400 triệu người theo đạo Hin-đu sẽ tham dự.
Bắt nguồn từ truyền thống Hin-đu, lễ hội Maha Kumbh Mela kể truyền thuyết thần Vishnu giành được một chiếc bình vàng chứa mật trường sinh bất tử sau trận cuộc chiến với các quỷ dữ. Người Hin-đu tin rằng một vài giọt mật đã rơi xuống các thành phố Prayagraj, Nasik, Ujjain và Haridwar - cũng là bốn địa điểm mà lễ hội Kumbh đã được tổ chức qua nhiều thế kỷ. Do cuộc chiến thần thoại này kéo dài suốt 12 năm, lễ hội Maha Kumbh được tổ chức cách 12 năm một lần tại bốn thành phố này. Trong lễ hội, các nhà tu hành và các tín đồ sẽ ngâm mình tại nơi hợp lưu của ba dòng sông linh thiêng: sông Hằng, sông Yamuna và sông Saraswati - dòng sông huyền thoại từng chảy từ dãy Himalaya qua thành phố Prayagraj. Họ tin rằng việc ngâm mình trong dòng nước này sẽ giúp gột rửa những lỗi lầm trong quá khứ và chấm dứt vòng luân hồi. Vào những ngày “linh thiêng” nhất trong thời gian diễn ra lễ hội Maha Kumbh Mela, các nhà sư sẽ khỏa thân, bôi tro rồi lao mình về phía các dòng sông thiêng liêng vào lúc bình minh. Nhiều tín đồ hành hương ở lại suốt cả lễ hội, thực hiện khổ hạnh, bố thí và tắm vào lúc Mặt Trời mọc mỗi ngày. Riêng vào năm nay, lễ hội Maha Kumbh Mela lại mang ý nghĩa đặc biệt hơn cả là vì sự sắp đặt hiện tại của các hành tinh và các ngôi sao trên bầu trời giống hệt thời khắc xảy ra sự cố làm đổ mật trong truyền thuyết. Nhà tiên tri Hin-đu, Mahant Ravindra Puri cho biết “Sự hoàn hảo như vậy chỉ xảy ra sau 12 mùa lễ hội Kumbh, tức 144 năm”.
Thành phố Prayagraj là nơi hợp lưu của các con sông lớn của Ấn Độ và được cho nơi sinh sống của các vị thần trong đạo Hin-đu. Năm nay, Kumbh Mela có tên gọi là Maha Kumbh Mela, trong đó Maha có nghĩa là lớn nhất, được tổ chức 12 năm một lần. Trong những ngày diễn ra lễ hội, các tín đồ Hin-đu giáo từ nhiều giáo phái Hin-đu khác nhau sẽ tham gia các đám rước lớn và tham gia lễ Shahi Snan bằng việc ngâm mình trong dòng nước sông Hằng linh thiêng lạnh giá để gột rửa, thanh lọc bản thân. Bên cạnh các hoạt động tôn giáo chính, những hoạt động từ thiện, hội chợ hay các chương trình giải trí cũng thu hút sự chú ý của hàng trăm triệu người tham gia lễ hội.
Ngay trong sáng ngày đầu tiên, khoảng 6 triệu người hành hương đã bắt đầu nghi thức tắm trước khi Mặt Trời mọc ở bờ sông Sangam - nơi giao thoa giữa sông Hằng, sông Yamuna và Saraswati huyền thoại. Các tín đồ của đạo Hin-đu sẽ ngâm mình xuống nơi lưu hợp ba dòng sông tại thành phố Prayagraj vào lúc bình minh trong ngày tắm chính đầu tiên. Các nhà tu hành bôi tro, một số khỏa thân, hoặc chỉ mặc khố, đeo vòng hoa cúc vạn thọ trên cổ. Họ cầm theo đinh ba, kiếm, trống nhỏ và hòa mình vào cuộc diễu hành cùng các ban nhạc, vũ công, ngựa và lạc đà, tạo nên một khung cảnh vô cùng nhộn nhịp và đặc sắc trong mắt các du khách. Mahakumbh mang lại cho người tham gia những lợi ích về tinh thần. Họ cảm thấy như được xá tội và cứu rỗi khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Bên cạnh hoạt động “tắm thánh” của các tín đồ Hin-đu, du khách có thể chứng kiến sự hiện diện của các vị thánh, nhà tu khổ hạnh và ẩn sỹ, thường thấy trong bộ áo choàng màu nghệ tây, bất chấp nước sông gần như đóng băng và tham gia vào vô số các hoạt động văn hóa giải trí trong lễ hội như: không gian văn hóa “Kalagram”, hay gian hàng “Incredible India Pavilion”. Cả hai hoạt động được tổ chức bởi Bộ Văn hóa và Bộ Du lịch Ấn Độ, nhằm tôn vinh sự giao thoa giữa nghệ thuật, văn hóa và di sản của quốc gia này.
Kumbh Mela không chỉ là một sự kiện tôn giáo, mà còn một trải nghiệm văn hóa thu hút người dân từ mọi tầng lớp xã hội, với nhiều thế hệ. Sự quy tụ của hàng trăm triệu người là một minh chứng cho lịch sử tôn giáo phong phú của Ấn Độ, các hoạt động tâm linh đa dạng và lòng sùng đạo của người dân Ấn Độ.
Nhân sự kiện này, các nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đã gửi lời chào đến các tín đồ tham dự lễ hội. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ đây là một ngày rất đặc biệt đối với hàng triệu người trân trọng các giá trị và văn hóa Bharatiya. Ông bày tỏ vui mừng khi thấy thành phố Prayagraj nhộn nhịp với hàng triệu người tắm mình trong dòng nước thiêng và cầu xin phước lành. Qua đó, ông cũng gửi lời chúc tất cả những người hành hương và khách du lịch có một kỳ nghỉ tuyệt vời.
Để phục vụ cho sự kiện tín ngưỡng, văn hóa này, chính quyền Ấn Độ đã dựng 150.000 lều bạt trên diện tích khoảng 4.000 hecta và được chia thành 25 khu vực với nhiều tiện ích khác nhau. Chi phí ước tính cho lễ hội lên đến hơn 700 triệu USD. Ngành đường sắt Ấn Độ cũng đã dành riêng 98 đoàn tàu đặc biệt với hơn 3.300 chuyến trong thời gian diễn ra lễ hội để vận chuyển các tín đồ đạo Hindu và du khách từ khắp nơi trên cả nước tới Prayagraj. Chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ cho người hành hương khi bố trí hơn 300 thợ lặn luôn sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố trên sông Hằng cùng với hệ thống bệnh viện “dã chiến” và hàng trăm phương tiện cứu thương túc trực 24/7.
Minh Châu