Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 tại Cộng hòa Buryatia, Liên bang Nga
Ngày đăng: 15/08/2024
Ngày 13/8/2024, Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 chính thức khai mạc tại thành phố Ulan-Ude, Cộng hòa Buryatia, Liên bang Nga với chủ đề “Phật giáo truyền thống và những thách thức đương đại”.

Thủ hiến Cộng hòa Buryatia Alexey Tsydenov (thứ 4 hàng đầu từ trái qua) và các đại biểu tham dự Diễn đàn

Tham dự phiên khai mạc có Thủ hiến Cộng hòa Buryatia Alexey Tsydenov; GS. Triết học Phật giáo, Hiệu trưởng Đại học Phật giáo “Daši Choynhorlin” mang tên Zayaev, cao tăng Gabja Lama Dymbyl Dashibaldanov; Chủ tịch Quỹ Phát triển Phật giáo Liên bang Nga Alexey Maslov; hơn 600 đại biểu của Nga và 15 nước là những trung tâm Phật giáo của thế giới, trong đó có Việt Nam, Mông Cổ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nepal, Ấn Độ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam và các quan khách tham dự Diễn đàn

https://moha.gov.vn/Media_Share/BoNoiVu/PublishingImages/TinTuc/NoiDung/2024/8/09-15-36-15-08-2024-luuniem.jpg

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Việt Nam

Với chủ đề “Phật giáo truyền thống và thách thức của thời đại”, Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 tập trung bàn thảo toàn diện các vấn đề về phát triển Phật giáo, văn hóa Phật giáo, triết học và thực hành. Diễn đàn nhằm đẩy mạnh phát triển hợp tác trong lĩnh vực giáo dục Phật giáo, trao đổi kiến thức Phật giáo và các thực hành truyền thống giữa các tổ chức tôn giáo, khoa học, giáo dục, y tế Phật giáo của Nga và các quốc gia tham dự.

Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần thứ nhất có phiên họp toàn thể và các phiên thảo luận nhóm. Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu đưa ra những đánh giá và quan điểm về Phật giáo truyền thống và những thách thức đương đại. Phiên họp này được kỳ vọng tạo bước đệm căn bản mới nhằm thiết lập đối thoại và hợp tác quốc tế. Đối với các phiên thảo luận nhóm, các đại biểu thảo luận về những khía cạnh khác nhau của Phật giáo, trong đó tập trung các vấn đề bảo tồn và phát triển Phật giáo trên thế giới, giáo dục Phật giáo, vị trí của Phật giáo trong xã hội hiện đại và không gian thông tin.

Thủ hiến Cộng hòa Buryatia Alexey Tsydenov phát biểu tại Phiên khai mạc

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ hiến Cộng hòa Buryatia Alexey Tsydenov nêu rõ, trong thời kỳ biến động toàn cầu, việc bảo tồn những giá trị nhân văn truyền thống trở thành một nhiệm vụ quan trọng của thời đại. Việc bảo vệ những giá trị truyền thống sẽ thúc đẩy đối thoại và sự thấu hiểu, đồng thời nhấn mạnh sự độc đáo và ý nghĩa của mỗi nền văn hóa. Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của mình, Phật giáo đã góp phần tạo nên sự tương tác hòa bình và sự giao lưu học hỏi lẫn nhau giữa các xã hội truyền thống. Những phẩm chất này càng trở nên quan trọng hơn trong thiên niên kỷ thứ ba, khi Phật giáo đưa ra những giải pháp xứng đáng cho những thách thức của thời đại và tương tác thành công với các thể chế xã hội hiện đại, khoa học, triết học, đồng thời, cung cấp một nền tảng đạo đức phổ quát cho sự thấu hiểu và hợp tác.

Tiết mục văn nghệ trong lễ khai mạc Diễn đàn

Nhân sự kiện này, Tổng thống Vladimir Putin và các lãnh đạo Nga đã gửi thông điệp đến những người tham gia Diễn đàn. Trong thông điệp Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, sự tham gia của đông đảo các đại biểu thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tín đồ, tổ chức tôn giáo, các học giả và các nhà thần học của nhiều quốc gia đối với Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2. Phật giáo, văn hóa và truyền thống của nó có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nước Nga - một quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc; đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một dân tộc thống nhất, đoàn kết; trở thành người định hướng tinh thần và đạo đức cho hàng trăm nghìn người. Thật đáng mừng khi các tăng ni, phật tử tại Nga đang cẩn trọng gìn giữ di sản lịch sử và tinh thần độc đáo của Tổ tiên, truyền dạy cho thế hệ trẻ lòng kính trọng đối với văn hóa và truyền thống đặc sắc của cha ông. Những đóng góp quan trọng của các tổ chức Phật giáo trong việc duy trì hòa bình, hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau trong xã hội, cũng như trong việc phát triển đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa, xứng đáng được ghi nhận đặc biệt. Kinh nghiệm phong phú này có giá trị ở nhiều quốc gia.

Tara Dugan xanh tại Ivolga Datsan, 2012

Ulan-Ude là thủ phủ của Cộng hòa Buryatia, trung tâm Phật giáo của Nga và là một trong những trung tâm văn hóa Phật giáo của thế giới. Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 do Giáo hội Phật giáo truyền thống Nga phối hợp với Quỹ hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu Phật giáo, chính quyền Cộng hòa Buryatia tổ chức, theo sáng kiến của Thủ hiến Cộng hòa Buryatia Alexey Tsydenov. Chào mừng các đại biểu tham dự Diễn đàn, Phó Chủ tịch thứ nhất chính quyền Cộng hòa Buryatia Vsevolod Mukhin nhấn mạnh Phật giáo hiện là tôn giáo truyền thống ở ba vùng của Nga gồm Buryatia, Tuva và Kalmykia. Số người theo đạo Phật ở Nga hiện là khoảng 1,5 triệu, chiếm 1% dân số. Buryatia là một trong những trung tâm văn hóa và khoa học thế giới, trung tâm Phật giáo và Đông y của Nga. Tại Buryatia, có ít nhất 28 ngôi chùa Phật giáo, trong đó mỗi ngôi chùa là một kho tàng văn hóa Phật giáo thật sự. Ông Vsevolod Mukhin chia sẻ, Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần này sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa, triết lý và thực hành Phật giáo trong bối cảnh xã hội đương đại; tăng cường giao lưu, kết nối giữa các phật tử; tạo xung lực mới cho hợp tác khoa học, giáo dục và văn hóa giữa các tổ chức Phật giáo tại các quốc gia khác nhau trên thế giới.

https://photo-cms-vovworld.zadn.vn/cw730/uploaded/vovworld/ujwyqdxwp/2024_08_13/vov5_25-anh2-cactongiao_oiwc.jpg

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu trong phiên khai mạc tại Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nêu rõ các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội; đồng thời là một nhân tố tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh “Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn lần này với thông điệp biểu dương những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo. Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo có những đóng góp quan trọng trong quá trình dựng nước giữ nước và phát triển đất nước. Những hình thức giáo dục của Phật giáo là nguồn lực để chúng ta huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay”.

Trong bài phát biểu với chủ đề “Truyền thống và giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam”, Thứ trưởng chia sẻ: Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ hơn hai nghìn năm trước, trở thành một tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam. Trong quá trình du nhập và phát triển, Phật giáo đã trở thành tôn giáo hòa bình, dung hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, đồng hành với dân tộc và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong lịch sử Việt Nam đã có thời kỳ Phật giáo là Quốc đạo. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là phái thiền tông đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển giáo lý ưu việt của Phật giáo với tinh thần nhập thế tích cực và Phật hạnh “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, do vị vua anh minh Trần Nhân Tông, sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, từ bỏ ngai vàng xuất gia đầu Phật sáng lập nên. Bên cạnh, truyền thống yêu nước, Phật giáo Việt Nam còn lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc”. “Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã tích cực mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, là một thành viên chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân, là thành viên của các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 03 Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc với sự hiện diện của hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc ở Việt Nam; tạo hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết”.

Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tham dự Hội thảo khoa học với chủ đề Hiện tượng Pandiđo Khambo Lạt Ma Dashi Dorzhi Itigelov. Gần 100 năm trước, vào năm 1927, vị thiền sư lỗi lạc này đã bước vào trạng thái “nhục thân bất hoại”. Thi thể của ông cho đến nay vẫn giữ những dấu hiệu của người sống và điều này vẫn chưa có lời giải thích khoa học.

Triển lãm “Những kiệt tác nghệ thuật Phật giáo Buryat từ Bảo tàng Hermitage”

Trong ngày đầu tiên của Diễn đàn, cùng với các phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu cùng nhau tham dự Lễ khai mạc Triển lãm “Những kiệt tác nghệ thuật Phật giáo Buryat từ Bảo tàng Hermitage” tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Buryatia mang tên M.N. Khangalov. Triển lãm trưng bày những hiện vật quý về văn hóa Phật giáo trong bộ sưu tập của Hermitage. Đây là lần đầu tiên, triển lãm trưng bày những món quà của người dân Buryat dâng tặng hoàng gia, trong đó có những bức tượng bạc “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”, Phật Trường thọ “Amitayus”, Bồ Tát Trí tuệ “Manjushri”, nữ thần “Bạch Tara”, đồ trang trí bàn thờ thể hiện tay nghề tinh xảo của các nghệ nhân Buryat từ cuối thế kỷ 19.

Bức trượng Phật được trưng bày tại Triển lãm “Những kiệt tác nghệ thuật Phật giáo Buryat từ Bảo tàng Hermitage”

Triển lãm là bức tranh trưng bày những hình ảnh đẹp về Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập nhà nước Mông Cổ và các vật liệu khảo cổ từ khu định cư thời trung cổ Konduy, do một trong những người em trai của Thành Cát Tư Hãn thành lập.

Anh Vũ