Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại với Thánh lễ đầu tiên sau hơn 05 năm trùng tu
Ngày đăng: 11/12/2024Trong những ngày qua, nhà thờ Đức Bà Paris ở Thủ đô của Pháp chính thức mở cửa trở lại sau 05 năm rưỡi trùng tu.
Tổng Giám mục Paris, Laurent Ulrich thực hiện nghi thức gõ cửa ba lần bằng gậy mục tử để đánh dấu sự kiện mở cửa trở lại của nhà thờ. Bên trong, nhà thờ đáp lại bằng cách hát Thánh ca “Thi Thiên 121” ba lần, sau đó, các cánh cửa sẽ mở ra. Buổi lễ tiếp tục với ba phần chính: đánh thức đại phong cầm, hát kinh phụng vụ và phép lành cuối cùng. Tổng Giám mục khởi đầu nghi thức bằng việc làm dấu thánh giá, sau đó ban phép lành cho cây đại phong cầm. Trong phần này, Tổng Giám mục giao tiếp tám lần với đàn organ, mỗi lần cây đàn đáp lại bằng âm thanh vang vọng. Nghi thức hát kinh phụng vụ bao gồm bài Thánh ca, bài Thánh vịnh, bài Magnificat, các lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới và Kinh Lạy cha. Trong nghi thức phép lành cuối cùng, Tổng Giám mục ban phép lành lần nữa, khép lại nghi thức bằng giai điệu trang nghiêm của bài ca Te Deum.
Tổng Giám mục Paris, Laurent Ulrich phát biểu trước khi đàn organ vang lên lần đầu tiên sau 05 năm rưỡi
Ngày 08/12/2024, Thánh lễ khai mạc với nghi thức cung hiến bàn thờ do Tổng Giám mục Laurent Ulrich chủ trì, với sự có mặt của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Lễ cung hiến diễn ra qua 05 bước trang trọng, trong đó, thánh tích của 5 vị Thánh được đặt và niêm phong trong bàn thờ. Các thánh tích này thuộc về Thánh Marie Eugénie Milleret, Thánh Madeleine Sophie Barat, Thánh Catherine Labouré, Thánh Charles de Foucauld và Chân phước Vladimir Ghika. Tiếp đó, Tổng Giám mục đọc lời cầu nguyện cung hiến, tiếp đến là nghi thức xức dầu và dâng hương trước khi bàn thờ được thắp sáng.
Buổi lễ đặc biệt này diễn ra với sự chứng kiến của hơn 40 nguyên thủ và lãnh đạo các nước, hàng trăm quan khách, cùng hàng trăm triệu khán giả trên thế giới chứng kiến thông qua chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia Pháp. Chính quyền địa phương đã bố trí một khu vực trên bến tàu gần nhà thờ để đón tiếp tối đa 40.000 khách tham quan.
Buổi lễ bắt đầu bằng một bộ phim tri ân, vinh danh tất cả những người đã đóng góp công sức trong việc giải cứu và trùng tu nhà thờ Đức Bà. Bộ phim “Cảm ơn” được chiếu bằng nhiều ngôn ngữ trên mặt tiền mang tính biểu tượng của nhà thờ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Pháp đối với “tất cả những người đã cứu giúp và xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris” cũng như đối với những người có mặt để chứng kiến sự trở lại của nhà thờ “với Paris, với nước Pháp và với toàn thế giới”. Tổng thống Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trùng tu, nói rằng, “chúng tôi đã chọn sự bùng nổ, ý chí, con đường hy vọng”, với mục tiêu “xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris thậm chí còn đẹp hơn trong 05 năm”; “Và đêm nay, tiếng chuông nhà thờ Đức Bà lại vang lên”.
Không chỉ bày tỏ sự tri ân tới những người lính cứu hỏa, những người thợ lành nghề, thợ dựng giàn giáo, thợ mộc, thợ lợp mái, thợ rèn, thợ đá, thợ phục chế, các nhà khảo cổ học, kỹ sư, sử học gia, người bảo tồn, kiến trúc sư, họa sỹ, nghệ nhân..., Tổng thống Pháp còn gửi lời cảm ơn tới toàn thể những ai đã đóng góp dù là công sức hay vật chất, tiền bạc vào công cuộc tôn tạo lại nhà thờ, một minh chứng hùng hồn cho khả năng mà “các quốc gia vỹ đại có thể làm: thực hiện điều không thể”.
Nhà tạm được thiết kế bởi Guillaume Bardet trong lần tái sinh này
Tổng thống Emmanuel Macron và Tổng Giám mục Laurent Ulrich bày tỏ lòng tưởng nhớ đến Tướng Jean-Louis Georgelin, cựu Tổng Tham mưu Trưởng quân đội, một người ngoài ngành nhưng say mê di sản văn hóa, được giao trách nhiệm tái thiết nhà thờ Đức Bà và đã dẫn dắt công cuộc tái thiết cho đến khi qua đời vào năm 2023. Tên của ông được khắc trên đỉnh ngọn tháp nhà thờ.
Hộp đựng Vương miệng Gai - một thánh tích thiêng liêng của Ki-tô giáo. Hộp đựng mới do nghệ sĩ người Pháp Sylvain Dubuisson thiết kế
Không thể có mặt tại buổi lễ mở cửa trở lại nhà thờ Đức Bà, Giáo hoàng Phanxico đã đánh giá cao và khẳng định “quyết tâm của chính quyền Pháp cùng với làn sóng quyên góp rộng khắp từ công đồng quốc tế đã góp phần vào công cuộc phục hồi”. Theo Giáo hoàng, làn sóng ủng hộ này “không chỉ là dấu hiệu của tình yêu với nghệ thuật và lịch sử” mà còn cho thấy “giá trị biểu trưng và thiêng liêng của một công trình vẫn luôn được cảm nhận sâu sắc, từ người dân bình thường nhất đến những người vỹ đại nhất”.
Một phần tác phẩm điêu khắc bên ngoài nhà thờ
Sau các nghi thức mở cửa, nhà thờ Đức Bà Paris tổ chức loạt chương trình đặc sắc kéo dài đến giữa tháng, bao gồm hai buổi hòa nhạc Magnificat của Jean-Sébastien Bach vào ngày 17, 18/12/2024.
Nhà thờ Đức bà Paris là công trình mang tính biểu tượng tôn giáo và văn hóa của nước Pháp, là một trong những ví dụ điển hình nhất về kiến trúc Gothic của nước này. Sau vụ cháy thảm khốc ngày 15/4/2019, Pháp đã huy động nguồn lực chưa từng có để trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris. Các nỗ lực trùng tu bắt đầu vào năm 2021, với việc xây dựng một khung gỗ sồi giống nguyên bản và trùng tu đỉnh tháp của nhà thờ. Nhà thờ Đức Bà Pari được phục hồi nhờ sức lao động của khoảng 2.000 người, từ các nghệ nhân chế tác gỗ, kim loại, đá, đến các thợ xây, thợ thủ công, kỹ sư, nhà nghiên cứu và có tổng chi phí hơn 700 triệu Euro, được tài trợ chủ yếu từ 843 triệu Euro mà các nhà hảo tâm quyên góp từ 150 quốc gia trên thế giới. Trên đỉnh của cung thánh, cây thánh giá Chevet bị hư hại trong vụ hỏa hoạn cũng đã được phục hồi.
Sau khi mở cửa, nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu đón khách tham quan từ ngay ngày 08/12/2024 đến hết ngày 08/6/2025, trùng với dịp lễ Hiện xuống (lễ Ngũ tuần) để du khách chiêm ngưỡng công trình biểu tượng này sau hơn 05 năm trùng tu kể từ vụ hỏa hoạn lịch sử. Dự kiến, nhà thờ sẽ đón từ 14-15 triệu lượt khách mỗi năm, cao hơn mức trung bình 12 triệu khách năm trước hỏa hoạn.
Vũ Minh Trang