Quyền tự do tôn giáo trong Hiến pháp, Tuyên ngôn nhân quyền và trong đời sống hiện thực của xã hội Hoa Kỳ
Ngày đăng: 15/03/2021
TS. Nguyễn Văn Dũng
Năm 2006, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã chọn ngày 16 tháng 1 hằng năm là “Ngày tự do tôn giáo”. Sự kiện này liên quan đến một sự kiện lịch sử cách đó 220 năm của Hoa Kỳ, ngày 16 tháng 1 năm 1786, đạo luật về tự do tôn giáo với tên gọi là Đạo luật Virginia đã được thông qua tại bang Virginia thuộc miền bắc Hoa Kỳ.

Đạo luật này do Thomas Jefferson soạn thảo. Ông cũng chính là tác giả của bản dự thảo “Tuyên ngôn độc lập” của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ (United States of America)  được thông qua trước đó gần 10 năm, ngày 4 tháng 7 năm 1776 và là vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1801 - 1809). Việc George W. Bush chọn ngày 16 tháng 1 hằng năm là “Ngày tự do tôn giáo” với tư tưởng dân tộc Mỹ là sự lựa chọn của Chúa, “một dân tộc thống nhất trước Chúa”[1] cho thấy vị Tổng thống Hoa Kỳ này muốn một lần nữa tuyên bố với thế giới rằng, Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ là người bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Chính vì thế, trong tuyên bố của mình nhân kỷ niệm ngày này, George W. Bush chỉ nói tới tự do tôn giáo trên thế giới chứ không hề đề cập tới tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ.

Tiếp bước các tổng thống tiền nhiệm, ngày 2 tháng 6 năm 2020 Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành Lệnh hành pháp về việc thăng tiến tự do tôn giáo quốc tế. Tại Điều 1 của Lệnh hành pháp này viết: “Tự do tôn giáo, quyền tự do đầu tiên của Hoa Kỳ, là một lệnh truyền luân lý và có tính quốc gia về an ninh. Tự do tôn giáo cho mọi người khắp thế giới là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hiệp Chúng Quốc và Hiệp Chúng Quốc sẽ tôn trọng và mạnh mẽ cổ vũ quyền tự do này”. “Chính sách của Hiệp Chúng Quốc là vận động mạnh mẽ và liên tục để các tổ chức và xã hội dân sự, kể cả các tổ chức tại các nước bên ngoài, chịu thông báo cho Chính phủ Hiệp Chúng Quốc các chính sách, chương trình và hoạt động liên quan tới tự do tôn giáo quốc tế”[2].

Người Mỹ quan niệm rằng, tự do tôn giáo là một trong những quyền tự do giá trị nhất của công dân Hoa Kỳ. Điều sửa đổi đầu tiên (hay còn gọi là Tu chính án I) trong 10 Điều sửa đổi của “Luật về các quyền” (The Bill of Rights), sau này quen gọi là “Tuyên ngôn nhân quyền” của Hoa Kỳ, viết: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào liên quan đến việc thành lập một tôn giáo, hoặc cấm tự do tín ngưỡng; hoặc hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí; hoặc quyền của người dân hội họp một cách hòa bình, và kiến nghị chính phủ sửa chữa nhưng bất bình”[3].

Ở Hoa Kỳ, tôn giáo không thiếu vắng trong cuộc sống hằng ngày. Đây là một trong số ít quốc gia trên thế giới mà ở đó có sự hiện diện đầy đủ các giáo hội tôn giáo lớn nhỏ, các giáo phái cũ mới với đủ loại quan điểm, khuynh hướng từ bảo thủ đến cấp tiến, thậm chí là cực đoan. Con số thống kê cho thấy, trước năm 1970 ở Hoa Kỳ mới chỉ có 250 giáo hội, giáo phái[4], thì đến năm 1993, con số này đã là 2.500 tổ chức tôn giáo[5]. Ngoài ra còn hàng nghìn tổ chức tôn giáo nhỏ lẻ chưa được thống kê. Đại bộ phận tín đồ tôn giáo ở Hoa Kỳ thuộc các giáo hội Tin Lành giáo.

Hiến pháp Hoa Kỳ đã tạo ra một hệ thống trong đó mỗi cá nhân, mỗi nhóm tôn giáo có thể hoàn toàn tự do để thờ phụng, không phải chịu sự kiểm soát của chính phủ hay áp lực của giáo phái khác. Sự kết hợp giữa đa dạng tôn giáo và tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ luôn là một vấn đề phức tạp và ngày nay con đường hướng tới lý tưởng này không phải lúc nào cũng dễ dàng hay không có xung đột.

Theo Melvin Urofsky, giáo sư lịch sử và chính sách công tại đại học Thịnh vượng chung Virginia tại Richmond, bang Virginia, khái niệm tự do tôn giáo là một khái niệm khá mới mẻ trong lịch sử nhân loại. Một số xã hội cho phép khuynh hướng tách khỏi tôn giáo được thực thi chính thức và được nhà nước chấp thuận. Tuy nhiên, sự khoan dung tôn giáo đó phụ thuộc vào ý thích của đa số hoặc của người cầm quyền, và nó có thể được thu hồi cũng dễ dàng như khi nó được ban hành. Trên tất cả, tự do tôn giáo đòi hỏỉ sự tách biệt đời sống tôn giáo của một dân tộc khỏi các thiết chế chính trị, và sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước cũng là một khái niệm khá mới mẻ[6].

Nhìn lại lịch sử tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ ta thấy, đa số người di cư vào nước này đều là những tín đồ của các tôn giáo mà họ đã tin theo khi còn ở Châu Âu. Khi còn ở cố hương, những người này đã từng bảo vệ những nguyên tắc của tự do tôn giáo. Nhưng khi vượt qua Đại Tây Dương sang Bắc Mỹ, họ đã đến định cư ở những vùng di dân (hay còn gọi là các colony), những nơi mà ở đó đang thực hiện chính sách phân biệt đối xử với các tôn giáo thiểu số. Trong số 13 vùng di dân (sau đó gọi là 13 bang hay tiểu bang - States) lập nên Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ vào năm 1776, có tới 9 vùng đã chính thức công nhận hệ thống tôn giáo nhà nước. Tại đó, họ có các giáo hội độc lập của mình và các giáo hội này được chính quyền bang chu cấp đầy đủ từ tiền thuế của người dân.

Qua tìm hiểu những quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1847 có thể thấy: những người Công giáo đã bị truy bức và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật; những người theo Giáo phái Quâycơ (Quaker) đã bị bỏ tù; ở nhiều nơi những người dân, không phân biệt nam nữ, vì theo các tôn giáo thiểu số mà bị truy đuổi, trong khi họ vẫn phải nộp thuế và tiền quyên góp để chu cấp cho Giáo hội được Nhà nước nâng đỡ.

Những thí dụ cụ thế sau đây cho thấy trước khi “Luật về các quyền” hay “Tuyên ngôn nhân quyền” ra đời thì tại nhiều bang của Hoa Kỳ vẫn còn sự phân biệt giữa giáo hội được nhà nước bảo trợ với tôn giáo thiểu số hay thường được gọi là các giáo phái.

Tại Massachusetts các di dân đặc biệt không có thái độ thân thiện đối với những người thuộc Giáo phái Quâycơ và họ thường gọi giáo phái này là “giáo phái đáng nguyền rủa của những kẻ tà đạo”[7]. Tại vùng di dân (hay còn gọi là thuộc địa) này luật pháp coi những người theo tà đạo là tội phạm cần phải bị phạt tù, thậm chí là tử hình hoặc bị đánh 20 roi da và bị đuổi khỏi vùng di dân. Melvin Urofsky cho biết, năm 1656, Tòa án Tổng hợp của Vịnh Massachusetts cấm sự hiện diện của tín đồ Giáo phái Quâycơ tại thuộc địa này, nếu tín đồ nào bị bắt sẽ bị tống giam, bị đánh đập và bị trục xuất. Nếu người nào đã bị trục xuất mà cố tình quay trở lại thì lần đầu sẽ bị cắt một tai, quay trở lại lần hai sẽ bị cắt nốt tai kia và quay trở lại lần ba thì “sẽ bị xuyên thủng lưỡi bằng một thanh sắt nóng”[8]. Trong khoảng từ năm 1659 đến năm 1661 đã có 4 người chịu án tử hình bằng hình thức treo cổ.

Năm 1780, Hiến pháp bang Massachusetts được thông qua. Trong các điều khoản của bản Hiến pháp này quy định thống đốc và phó thống đốc bang, hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của Quốc hội trước khi nhậm chức phải ký một tuyên bố mình là tín đồ Kitô giáo và có đức tin vững chắc vào tính xác thực của tôn giáo này.

Theo Hiến pháp bang New Hampsshire được thông qua năm 1784, những người không phải là tín đồ Tin Lành giáo thì không thể trở thành nghị sĩ của Hạ viện hoặc Thượng viện bang này.

Hiến pháp bang Delaware được thông qua năm 1776 có điều khoản quy định khi được bầu vào Hạ viện hay được bổ nhiệm vào một chức vụ chính quyền nào đó, người được bầu phải tuyên thệ mình tin vào Chúa Ba Ngôi - Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, đồng thời xác tín Kinh Thánh - Cựu ước và Tân ước. Điều khoản này tồn tại trong Hiến pháp của bang cho tới năm 1972.

Hiến pháp bang North Carolina quy định nếu người nào phủ nhận sự tồn tại của Chúa, phủ nhận tính xác thực của Tin Lành giáo, tính thiêng của Cựu ước và Tân ước hoặc theo tôn giáo không dung hợp với tự do và an ninh của bang thì sẽ không có quyền giữ các chức vụ chính quyền ở bang. Còn tại bang Maryland người ta tỏ thái độ không thể dung thứ đối với những người không thuộc các giáo hội Kitô giáo và không tin vào những tín điều của Chúa Ba Ngôi.

Theo luật của bang Virgrinia, nếu người nào không đi lễ nhà thờ thì có thể bị phạt lao động khổ sai. Khi cuộc Cách mạng Mỹ bắt đầu nổ ra, bang Virgrinia cũng như nhiều bang khác không công nhận Giáo hội Anh giáo vì người dân ở các vùng di dân đồng nhất Giáo hội này với Chính phủ Hoàng gia Anh. Đến năm 1776, Hiến pháp của bang Virgrinia đã đảm bảo sự bình đẳng cho mọi người được tự do hành đạo, nhưng việc tuyên bố Giáo hội hoàn toàn tách biệt khỏi Nhà nước đã bất ngờ bị dừng lại.

Những thí dụ nêu trên trong lịch sử nhà nước và pháp luật Hoa Kỳ cho thấy các nhà làm luật của các bang ở nước này trước khi Hợp Chúng Quốc ra đời hoàn toàn không đứng trên lập trường khoan dung tôn giáo.

Có thể nói rằng, cuộc đấu tranh vì quyền tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ được bắt đầu từ cuộc đấu tranh vì quyền tự do tôn giáo ở bang Virgrinia. Cuộc đấu tranh này liên quan đến hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử lập quốc Hoa Kỳ, đó là Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ ngày 4 tháng 7 năm 1776 và James Madison, cha đẻ của Hiến pháp Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ năm 1787.

Như đã nêu trong phần đầu bài viết, năm 1786, bang Virgrinia đã thông qua Dự luật về tự do tôn giáo với tên gọi Đạo luật Virgrinia do Thomas Jefferson soạn thảo. Trong  Đạo luật Virgrinia có điều khoản quy định: “Không ai bị buộc phải thường xuyên lui tới một địa điểm tôn giáo nào hoặc ủng hộ việc hành đạo hay bất cứ một mục sư đoàn nào”[9]; hay: “Không một người nào bị ép buộc phải duy trì sự sùng bái một tôn giáo nào đó…tất cả mọi người tự do tin theo, bảo vệ ý kiến của mình trong các sự việc tôn giáo, và điều này trong mọi trường hợp đều không được giảm bớt, không được mở rộng hoặc xúc phạm đến các quyền của họ”[10].

Ngày 17 tháng 9 năm 1787, tại Hội nghị Lập hiến Philadelphia bản Dự thảo Hiến pháp Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ đã được 38 trong số 41 đại biểu có mặt đến từ 13 bang ký và chính thức được thông qua. Năm 2004, Hoa Kỳ đã chọn ngày 17 tháng 9 hằng năm làm Ngày Lập Hiến. Ngay sau khi Hiến pháp Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ được thông qua, Thomas Jefferson đã gửi thư cho James Madison, người từng điều khiển phiên họp đầu tiên của Quốc hội Hoa Kỳ. Trong bức thư đó ông phân tích rằng, nhược điểm lớn nhất của bản Hiến pháp này là còn thiếu luật về quyền con người, trong đó cần nêu rõ quyền tự do lựa chọn tôn giáo. Trước đó, trong quá trình thảo luận bản Dự thảo Hiến pháp Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, Thomas Jefferson cũng đã từng nhận xét rằng, bản Dự thảo này còn một thiếu sót lớn, đó là thiếu một luật về quyền con người. Ông viết: “Một dự luật về quyền con người là điều mà những người dân có quyền đòi hỏi bất cứ chính phủ nào trên thế giới, nói chung hay nói riêng, và là điều mà không một chính phủ nào nên từ chối hoặc ngần ngại”[11]. Quan điểm của Thomas Jefferson được nhiều người đồng tình. Để đáp ứng yêu cầu của các bang, James Madison được trao quyền chủ trì việc soạn thảo luật về quyền con người bổ sung cho Hiến pháp. Kết quả là vào năm 1789, Luật về các quyền hay Tuyên ngôn nhân quyền đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và có hiệu lực vào năm 1791.

Luật về các quyền gồm 10 điều sửa đổi (10 tu chính án) đề cập tới quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác[12]. Từ đây trở thành một phần không thể tách rời của Hiến pháp Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Khi đề cập tới tự do tôn giáo Điều sửa đối đầu tiên (Tu chính án I) viết: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào liên quan đến việc thành lập một tôn giáo, hoặc cấm tự do tín ngưỡng”[13]. Có thể mở rộng sự hiểu biết về điều quy định này như sau: tuy ở Hoa Kỳ có nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau cùng tồn tại nhưng không có tổ chức tôn giáo nào chiếm vị trí thống trị trong đời sống xã hội của nước này. Nó cũng xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội, tách Giáo hội khỏi Nhà nước.

Nhưng theo nhận xét của chính các học giả Hoa Kỳ, Luật về các quyền đã không đảm bảo được một cách thực sự quyền tự do tôn giáo ở nước này[14]. Nó mới chỉ nêu ra quyền tự do lựa chọn tôn giáo. Nhưng trong điều kiện lịch sử của Hoa Kỳ lúc bấy giờ, khi mà ở nhiều bang vẫn còn những hành động không khoan dung tôn giáo đối với các tôn giáo thiểu số, như chúng tôi đã dẫn ra những thí dụ ở phần trên, thì việc thông qua Luật về các quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo, vẫn có một ý nghĩa nhất định.

Đến năm 1868, Hoa Kỳ thông qua sửa đổi lần thứ 14 Hiến pháp nước này, trong đó có điều khoản quy định rằng, không một bang riêng lẻ nào được ban hành hay sửa đổi các điều luật nhằm hạn chế đặc quyền và tự do của công dân[15]. Đến lúc đó, điều sửa đổi lần thứ nhất Hiến pháp Hoa Kỳ mới thực sự trở thành luật chung cho toàn Liên bang.

Tuy nhiên, việc thông qua những sửa đổi của Hiến pháp Hoa Kỳ vẫn không xóa bỏ được hoàn toàn sự bất khoan dung tôn giáo ở nước này trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Giữa các tín đồ Tin Lành giáo và tín đồ Công giáo vẫn luôn có thái độ thù địch lẫn nhau vì lý do chính trị chứ không phải vì lý do tôn giáo. Tín đồ Tin Lành giáo muốn luôn giành vị trí thống trị trong đời sống chính trị - xã hội Hoa Kỳ, còn tín đồ Công giáo cũng muốn tăng thêm vai trò của mình trong Quốc hội và Chính phủ nước này. Số liệu thống kê cho thấy, trong số 45 tổng thống Hoa Kỳ chỉ có một người là tín đồ Công giáo, đó là Tổng thống John Kennedy, số còn lại đều là tín đồ các giáo phái Tin Lành giáo, trong đó: đứng đầu là Giáo hội Episcopalians (Giáo hội Trượng tôn giám mục đoàn) với 11 người; tiếp đó là Giáo hội Presbyterians (Giáo phái Trưởng lão) với 10 người, v.v.[16]. Đối với cơ quan lập pháp Hoa Kỳ, số liệu thống kê thành phần tôn giáo trong Quốc hội khóa 116 của nước này cho thấy: nghị sĩ là tín đồ Tin Lành giáo chiếm 54,9% (293 người) trên tổng số 88,2% nghị sĩ là tín đồ Kitô giáo (471 người, bao gồm Tin Lành giáo, Công giáo, Chính Thống giáo và các giáo phái Kitô giáo khác). Tín đồ Công giáo trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa này chỉ chiếm 30,5%/88,2% (163 người/471 người)[17]

Bắt đầu từ những năm 60 thế kỷ XX, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Hoa Kỳ có xu hướng mở rộng phạm vi ủng hộ việc thực thi quyền tự do tôn giáo của công dân. Nhưng mãi đến những năm 70 của thế kỷ trước các nhóm tôn giáo thiểu số mới bắt đầu nhận được sự quan tâm đặc biệt nhằm khắc phục tình trạng bị phân biệt đối xử và bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Năm 1993, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua điều khoản khôi phục quyền tự do tôn giáo nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các điều luật về tự do tôn giáo, chấn chỉnh những điều luật của Liên bang cũng như của các bang trái với điều sửa đồi đầu tiên (Tu chính án I) trong Luật về các quyền hay Tuyên ngôn nhân quyền. Nhưng đến năm 1997, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lại bác bỏ điều khoản khôi phục quyền tự do tôn giáo mà Quốc hội đã thông qua năm 1993 với lý do cơ quan lập pháp đã tự giẫm lên quyền lực của chính mình và chia rẽ quyền lực trong chính quyền Liên bang. Tuy nhiên, một số bang sau đó đã thông qua hay giới thiệu điều khoản khôi phục quyền tự do tôn giáo của Quốc hội[18].

Ngoài việc đưa ra điều luật về quyền tự do tôn giáo ngay từ thế kỷ XVIII, Hoa Kỳ cũng là nước đầu tiên tuyên bố tách Giáo hội khỏi Nhà nước. Nhưng như V. I. Lênin đã chỉ rõ, việc tách Giáo hội khỏi Nhà nước, tách trường học/giáo dục khỏi nhà thờ/giáo hội, như một phương sách mà nền dân chủ tư sản đã hứa hẹn, chưa ở đâu thực hiện được một cách triệt để[19]. Ở Hoa Kỳ, việc tuyên bố tách Giáo hội khỏi Nhà nước chỉ mang tính hình thức. Nhà nước vẫn hợp tác chặt chẽ với nhiều tổ chức tôn giáo. Trong lời mở đầu Hiến pháp của 42 bang đều nói đến Chúa; lễ nhậm chức của Tổng thống được tiến hành cùng với các nghi lễ tôn giáo; Tổng thống tuyên thệ đặt tay lên Kinh Thánh; người tham dự đọc kinh cầu nguyện Chúa ban phúc lành cho Tổng thống[20], v.v...

Nói đến quyền tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ, thực ra chỉ là nói đến quyền tự do lựa chọn tôn giáo và tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo. Công dân Hoa Kỳ có thể tự do lựa chọn tôn giáo, nhưng họ lại ít có tự do từ bỏ tôn giáo. Thông thường, mỗi người dân Hoa Kỳ đều phải là tín đồ một tôn giáo nào đó và tham gia vào một tổ chức tôn giáo nào đó. Trong cuộc sống thực tế, trước đây những người theo các tôn giáo thiểu số thường bị đối xử bất công, còn ngày nay, những người không theo tôn giáo hoặc có thái độ thờ ơ với tôn giáo và những người có quan điểm vô thần thường bị hạn chế về quyền lợi. Sự hạn chế này ở một số bang còn được quy định trong các đạo luật của bang. Trong Hiến pháp của nhiều bang còn có những điều khoản chống lại Hiến pháp của Liên bang về quyền tự do tôn giáo. Thí dụ, trong Hiến pháp của bang North Carolina có ghi: “Tất cả những ai phủ nhận sự tồn tại của Chúa Toàn Năng sẽ không thể giữ bất kỳ chức vụ nào trong các cơ quan dân sự của bang”[21]. Trong luật của bang Arkansas cũng có quy định tương tự, thậm chí những người không tin Chúa ở bang này còn bị truất quyền làm chứng trước tòa án. Trong Hiến pháp bang Delaware còn có điều khoản quy định tất cả các công dân của bang này bắt buộc phải tới các cơ sở tôn giáo công cộng.

Có thể nói rằng, quyền tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ chỉ được hiểu là quyền tự do lựa chọn tôn giáo chứ không được hiểu là quyền tự do không theo tôn giáo. Tất cả những người có thái độ phủ định tôn giáo đều bị coi là người chống lại nguyên tắc tự do tôn giáo. Phần đông người Mỹ cho rằng, một người Mỹ chân chính phải là một tín đồ tôn giáo.

Từ những điều trình bày ở trên có thể đưa ra một vài nhận xét sau đây. Một là, quyền tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ được hiểu một cách đơn chiều là quyền tự do tin theo tôn giáo, chứ không được hiểu bao gồm cả quyền tự do không tin theo tôn giáo. Hai là, chính vì cách hiểu đơn chiều như vậy mà Hoa Kỳ thường xuyên buộc tội một số quốc gia khác, trong đó có cả những quốc gia ở Châu Âu, không có tự do tôn giáo và xếp họ vào diện các quốc gia cần được quan tâm đặc biệt về tôn giáo (Countries of Particular Concern - CPC). Ba là, mỗi quốc gia dân tộc đều có truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng riêng của mình, luật pháp của mỗi nước được xây dựng dựa trên các truyền thống đó. Do vậy, việc lấy tiêu chuẩn luật pháp của một quốc gia này áp đặt cho một số quốc gia khác là điều không thể chấp nhận. Bốn là, trong thế giới hiện đại, khi hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội thì mỗi quốc gia cần phải điều chỉnh lại hệ thống luật pháp của mình, trong đó có luật pháp về tôn giáo, tín ngưỡng, cho phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế. Đây là việc làm cần thiết để hiểu biết lẫn nhau, xích lại gần nhau, tránh xung đột, đối đầu, trong đó có xung đột tôn giáo.

  TS. Nguyễn Văn Dũng

Tài liệu tham khảo:

1. V. I. Lênin. Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 38.

2. Toàn văn Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776. https://trithucvn.net/the-gioi/toan-van-tuyen-ngon-doc-lap-hoa-ky-471776.html

3. Tuyên ngôn nhân quyềnhttps://photos.state.gov/libraries/amgov/30145/publications-other-lang/VIETNAMESE.pdf

4. Hiến pháp của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ và chú thích. https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8621/tránlations/us-constitution.pdf

5. Toàn văn Tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ 4/7/1776. https://trithucvn.net/the-gioi/toan-van-tuyen-ngon-doc-lap-hoa-ky-471776.html  

6. Melvin Urofsky. Các quyền con người:Tự do cá nhân và tuyên ngôn nhân quyền.https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/trans_PeopleRights.pdf.  Nguyên bản: Rights of the People: Individual Freedom and the Bill of Rights. Washington 2003. https://usa.usembassy.de/etxts/gov/peoplerights.pdf

7. 10 điều thú vị về Hiến pháp Hoa Kỳ và Hội nghị lập hiến 1787. Nghiencuuquocte.org/2015/09/18/10-dieu-thu-vi-hien-phap-hoa-ky-va-hoi-nghi-lap-hien-1787    

8.  TS. Nguyễn Văn Dũng. Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới (Sách tham khảo). NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012 

9.  Nguyễn Văn Dũng. Bước đầu tìm hiểu vị trí của tôn giáo trong đời sống chính trị - xã hội Hoa Kỳ nửa sau thế kỷ XX. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo , số 7-2007, tr.61-65.

10.  Nguyễn Văn Dũng. Về thành phần tôn giáo trong Quốc hội khóa 116 của Hoa Kỳ. btgcp.gov.vn/plus.aspx/vi/news/38/0/240/0/15637/ve-thanh-phan-ton-giao-trong-quoc-hoi-khoa-116-cua-Hoa-Ky 

11. Nguyễn Văn Dũng. Sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump và thái độ của các tín đồ Kitô giáo. Tạp chí Công tác tôn giáo, số 9/2017.

12. Barbara Cohen. Tôn giáo Mỹ thế kỷ XX. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 3-2006. 

13. Mott P. The organization of society, 1965.

14. Western religion. A Country by country,Sociological inquiry, H.Mol. (Ed) Hague, 1972.

15.  L.N. Velikovic. Tôn giáo và giáo hội ở Hoa Kỳ. Nxb. Khoa học, Moskva, 1978, (tiếng Nga)

16. Hiến pháp của các quốc gia Châu Mỹ. Moskva, 1959 (tiếng Nga).

17. Lưu Bành.  Tôn giáo Mỹ đương đại. Nxb. Văn hiến khoa học xã hội, Bắc Kinh, 2001 (tiếng Trung). Bản dịch của Trần Nghĩa Phương lưu tại thư viện Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phần I, 2017.

18. Vũ Văn An. Lệnh hành pháp về việc thăng tiến tự do tôn giáo quốc tế của Tổng thống Donald Trump. Vietcatholic.org/News/Html/256847.htm

Chú thích 


[1] Trích theo: TS. Nguyễn Văn Dũng. Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới (Sách tham khảo). NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2012, tr.7.

[2] Trích theo: Vũ Văn An. Lệnh hành pháp về việc thăng tiến tự do tôn giáo quốc tế của Tổng thống Donald Trump. Vietcatholic.org/News/Html/256847.htm

 

[4]  Theo: L .N. Velikovic. Tôn giáo và giáo hội ở Hoa Kỳ. Nxb. Khoa học, Moskva, 1978, tr. 22 (tiếng Nga)

[5]  Theo: Lưu Bành.  Tôn giáo Mỹ đương đại. Nxb. Văn hiến khoa học xã hội, Bắc Kinh, 2001( tiếng Trung). Bản dịch của Trần Nghĩa Phương lưu tại thư viện Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phần I, 2017, tr.12

[6]  Melvin Urofsky. Các quyền con người:Tự do cá nhân và tuyên ngôn nhân quyền, tr.14. https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/trans_PeopleRights.pdf.  Nguyên bản: Rights of the People: Individual Freedom and the Bill of Rights. Washington 2003. https://usa.usembassy.de/etexts/gov/PeopleRights.pdf

[7]  Trích theo: TS. Nguyễn Văn Dũng. Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới (Sách tham khảo). NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2012, tr.67.

[8]  Melvin Urofsky. Các quyền con người:Tự do cá nhân và tuyên ngôn nhân quyền, tr.15. https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/trans_PeopleRights.pdf.  Nguyên bản: Rights of the People: Individual Freedom and the Bill of Rights. Washington 2003. https://usa.usembassy.de/etexts/gov/PeopleRights.pdf

[9]  Trích theo: Melvin Urofsky. Các quyền con người:Tự do cá nhân và tuyên ngôn nhân quyền, tr.17. https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/trans_PeopleRights.pdf.  Nguyên bản: Rights of the People: Individual Freedom and the Bill of Rights. Washington 2003. https://usa.usembassy.de/etexts/gov/PeopleRights.pdf

[10]  Trích theo: TS. Nguyễn Văn Dũng. Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới (Sách tham khảo). NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2012, tr.70.

[11]  Trích theo: Melvin Urofsky. Các quyền con người:Tự do cá nhân và tuyên ngôn nhân quyền, tr.3. https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/trans_PeopleRights.pdf.  Nguyên bản: Rights of the People: Individual Freedom and the Bill of Rights. Washington 2003. https://usa.usembassy.de/etexts/gov/PeopleRights.pdf

[14]  Xem: Mott P. The organization of society, 1965, p.235.

[15]  Xem: Hiến pháp của các quốc gia Châu Mỹ. Moskva, 1959, tr. 245 (tiếng Nga).

[16]  Xem thêm: TS. Nguyễn Văn Dũng. Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới (Sách tham khảo). NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2012, tr.33-34.

[17]  Xem thêm: TS. Nguyễn Văn Dũng. Về thành phần tôn giáo trong Quốc hội khóa 116 của Hoa Kỳ. btgcp.gov.vn/plus.aspx/vi/news/38/0/240/0/15637/ve-thanh-phan-ton-giao-trong-quoc-hoi-khoa-116-cua-Hoa-Ky   

[18]  Xem: Barbara Cohen. Tôn giáo Mỹ thế kỷ XX. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 3-2006, tr.64.

[19]  Xem: V. I. Lênin. Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 38, tr. 117.

[20]  Xem thêm: Nguyễn Văn Dũng. Bước đầu tìm hiểu vị trí của tôn giáo trong đời sống chính trị - xã hội Hoa Kỳ nửa sau thế kỷ XX.Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo , số 7-2007, tr.61-65.

[21] Trích theo: TS. Nguyễn Văn Dũng. Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới (Sách tham khảo). NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2012, tr.75.