Quy định về Chứng nhận Halal ở một số quốc gia và khuyến nghị cho ngành Halal ở Việt Nam
Ngày đăng: 11/08/2021Ở Việt Nam, trong thời gian qua, vấn đề sản phẩm Halal và hoạt động chứng nhận Halal chưa được biết đến rộng rãi, dẫn đến thực trạng sản xuất và chứng nhận cho nhiều sản phẩm không đúng tiêu chuẩn Halal.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo còn chưa chú trọng việc nghiên cứu văn hóa Hồi giáo trong đó có văn hóa tiêu dùng, văn hóa kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm Halal, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các đơn vị chứng nhận Halal để nâng cao chất lượng sản phẩm Halal đảm bảo yêu cầu của bên nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý để quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal hiện nay chưa đầy đủ. Các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua chưa quy định cụ thể việc tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động liên quan đến chứng nhận Halal, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật không quy định cụ thể những hoạt động chứng nhận sản phẩm có yếu tố văn hóa, tôn giáo. Trong khi hoạt động chứng nhận Halal vừa có yếu tố tôn giáo vừa là hoạt động đánh giá sự phù hợp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia Hồi giáo là một hướng đi có tiềm năng của các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với những quy định nghiêm ngặt về sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn vừa đúng theo kinh Qur’an và luật Shari’ah, việc xuất khẩu các sản phẩm được thị trường các quốc gia Hồi giáo chấp nhận là khó khăn lớn, nhất là đối với những quốc gia có cộng đồng Hồi giáo là thiểu số như Việt Nam. Để khắc phục hạn chế trong việc sản xuất sản phẩm Halal và chứng nhận Halal ở Việt Nam hiện nay góp phần phát triển thương mại của Việt Nam vào thị trường các quốc gia Hồi giáo, cần quan tâm nghiên cứu những quy định về chứng nhận Halal của thị trường Hồi giáo để cung ứng những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của bên nhập khẩu, cùng với đó là điều chỉnh, chuẩn hóa hoạt động chứng nhận Halal để được các tổ chức chứng nhận Halal quốc tế thừa nhận.
Quy định về chứng nhận Halal ở một số quốc gia
Quy định về hoạt động chứng nhận Halal và mô hình tổ chức chứng nhận Halal tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia nhưng đều có những đặc điểm chung như: Có hội đồng giáo luật là người Hồi giáo, có trình độ am hiểu về luật Hồi giáo; có hội đồng chuyên gia kỹ thuật bao gồm người có trình độ về hoá học, sinh học hoặc liên quan đến thực phẩm; có hội đồng chứng nhận là người Hồi giáo có trình độ về giáo lý, giáo luật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với các nước vùng Vịnh có Tiêu chuẩn vùng Vịnh bao gồm những hướng dẫn và yêu cầu đối với việc nhập khẩu một loạt các loại lương thực, thực phẩm, thịt và sản phẩm thịt. Ở các quốc gia có Hồi giáo là quốc giáo, việc kiểm soát sự tuân thủ tiêu chuẩn Halal và công nhận các tổ chức chứng nhận Halal ở nước ngoài thuộc chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất - UAE: Cơ quan Tiêu chuẩn và Đo lường (ESMA) chịu trách nhiệm về các hoạt động tiêu chuẩn hóa. Một trong những chức năng chính của ESMA là ban hành các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật của UAE thông qua các Ủy ban kỹ thuật chuyên ngành. ESMA thông qua chương trình kỹ thuật của Ủy ban kỹ thuật về tiêu chuẩn thực phẩm và nông sản. Năm 2015, UAE ban hành tiêu chuẩn thay thế cho tiêu chuẩn GSO 1931: 2009, với yêu cầu chung đối với thực phẩm Halal như: tất cả các loại thực phẩm, những sản phẩm, bộ phận và chất chiết xuất của chúng phải tuân thủ các quy định của Hồi giáo; phải tôn trọng quy tắc Hồi giáo trong tất cả các giai đoạn của chuỗi thức ăn thực phẩm Halal, bao gồm các phụ gia thực phẩm và nguyên liệu được sử dụng để sản xuất, việc đóng gói, ghi nhãn, vận chuyển, phân phối, lưu trữ, trưng bày và dịch vụ thực phẩm Halal; tất cả các sản phẩm không phải Halal phải được tách hoàn toàn khỏi các sản phẩm Halal trong toàn bộ chuỗi thức ăn để đảm bảo không gây nhiễm chéo. Các cơ quan của chính quyền UAE thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết để xác minh sự tuân thủ của các sản phẩm với các yêu cầu đặc biệt của sản phẩm Halal và có thể thực hiện các thủ tục phù hợp theo luật pháp các nước khác.
Tại Arập Ai Cập: Tổ chức Tiêu chuẩn và Chất lượng Ai Cập (EOS) là cơ quan quốc gia trực thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại có thẩm quyền về chất lượng, chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động liên quan tiêu chuẩn và đo lường công nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng các sản phẩm của Ai Cập, trong đó có các sản phẩm Halal. EOS có nhiều chức năng, trong đó có trách nhiệm việc cấp chứng chỉ Halal, bao gồm cả việc kiểm tra và thanh tra. Năm 2012, Bộ Công nghiệp và Thương mại Ai Cập ban hành Thông tư khẳng định EOS là cơ quan có thẩm quyền duy nhất của Ai Cập trong việc cấp phép các công ty sản xuất sản phẩm Halal. EOS đã thành lập đơn vị chuyên trách trực thuộc phụ trách về lĩnh vực Halal có nhiệm vụ: cung cấp thông tin về ý nghĩa quan trọng của việc cấp chứng chỉ Halal cho các công ty có nhu cầu; cấp chứng chỉ Halal cho các sản phẩm đã đạt yêu cầu; bồi dưỡng, tập huấn về Halal; theo dõi, giám sát và quan hệ đối ngoại liên quan đến vấn đề Halal.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) có Viện Tiêu chuẩn và Đo lường các quốc gia Hồi giáo (SMIIC) có nhiệm vụ xây dựng các tiêu chuẩn Halal cho sản phẩm sản xuất ở các nước thành viên OIC và hợp tác với các nước ngoài OIC về lĩnh vực tiêu chuẩn Halal. SMIIC xây dựng các tiêu chuẩn mới nhằm thực hiện các tiêu chuẩn hài hòa ở các nước thành viên và loại bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại nhằm phát triển thương mại giữa các nước trong khối. Phát triển các tiêu chuẩn Halal là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chương trình làm việc của SMIIC, hiện nay SMIIC đang phát triển các tiêu chuẩn thông qua các ủy ban kỹ thuật về thực phẩm Halal, mỹ phẩm Halal, du lịch Halal, chuỗi cung ứng Halal và hệ thống quản lý Halal, với ba tiêu chuẩn cốt lõi là: về thực phẩm Halal, về tổ chức chứng nhận Halal và về công nhận tổ chức chứng nhận Halal. SMIIC cung cấp hướng dẫn cho các nhà sản xuất, cơ quan chứng nhận và cơ quan kiểm định hoạt động trong sản xuất sản phẩm Halal, chứng nhận Halal tại các quốc gia OIC. Ngoài ra, SMIIC còn hợp tác với các nước ngoài OIC, trong đó có các nước ASEAN về lĩnh vực tiêu chuẩn Halal với mong muốn các tiêu chuẩn Halal được áp dụng cho tất cả các nơi trên thế giới.
Tại khu vực ASEAN: tổ chức và hoạt động chứng nhận Halal rất đa dạng, tùy thuộc vào từng quốc gia, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và tổ chức tư nhân của người Hồi giáo. Hiện nay, nhóm kỹ thuật về thực phẩm Halal của ASEAN thường xuyên họp để thống nhất những quy định về tiêu chuẩn Halal và tổ chức chứng nhận Halal ở khu vực.
Ở Malaysia, Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM) là một cơ quan thuộc Chính phủ Malaysia, có chức năng cấp phép chứng nhận Halal cho sản phẩm Hồi giáo khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu vào Malaysia. Hiện nay, JAKIM là cơ quan cấp giấy chứng nhận Halal duy nhất tại Malaysia và cũng là cơ quan quản lý nhà nước, giám sát và thực thi các quy định Halal tại Malaysia. Malaysia đã ban hành Tiêu chuẩn Malaysia MS 1500:2009 để áp dụng cho các sản phẩm thực phẩm Halal được kinh doanh tại nước này. Mọi chứng nhận Halal phải được cấp bởi một trung tâm Hồi giáo Malaysia được JAKIM cho phép cấp giấy chứng nhận Halal. Các sản phẩm Halal nước ngoài nhập vào Malaysia phải được JAKIM thừa nhận. JAKIM cũng đã thừa nhận một tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam. Hiện nay, cộng đồng quốc tế đã nhìn nhận Malaysia là một trong những nước dẫn đầu trong ngành công nghiệp Halal bởi vì nước này đưa ra nhiều sáng kiến để xây dựng, phát triển và thúc đẩy các sản phẩm Halal ra thế giới.
Tại Singapore, Hội đồng học giả Hồi giáo Singapore (Majlis Ugama Islam Singapura - MUIS) chịu trách nhiệm quản lý về Halal theo sự ủy quyền của Chính phủ Singapore. Singapore quy định mọi loại thịt và các sản phẩm từ thịt phải được cấp chứng nhận Halal bởi một tổ chức Hồi giáo ở nước xuất khẩu và được MUIS chấp thuận. Ở Singapore có 03 cơ quan nhà nước cùng phối hợp với MUIS trong việc giải quyết các vấn đề về Halal gồm: Cục Kiểm soát thực phẩm thuộc Bộ Môi trường, Cục Thú y Nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển quốc gia và Cục Tội phạm Thương mại thuộc Bộ Nội vụ.
Ở Thái Lan, Hội đồng Hồi giáo Trung ương Thái Lan (CICOT) là đơn vị phụ trách quản lý các vấn đề Halal. CICOT thành lập "Ban kiểm soát Tiêu chuẩn Halal" để xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm Halal của quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal quốc tế; công nhận hệ thống Halal cho các kiểm toán viên chứng nhận sản phẩm và kiểm soát chất lượng của các dịch vụ Halal. CICOT cũng thành lập “Viện Tiêu chuẩn Halal của Thái Lan” để thực hiện việc thúc đẩy hoạt động học tập và xúc tiến các vấn đề liên quan đến Halal.
Ở Indonesia, trước đây hoạt động chứng nhận Halal và kiểm soát hoạt động chứng nhận Halal do Hội đồng Học giả Hồi giáo Indonesia (MUI) phụ trách. Năm 2014, Indonesia ban hành Luật về Bảo đảm sản phẩm Halal, theo đó Cơ quan Bảo đảm sản phẩm Halal do Bộ trưởng thành lập. Đến nay, Cơ quan Bảo đảm sản phẩm Halal đã được Bộ Tôn giáo thành lập, có nhiệm vụ chứng nhận Halal và quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng nhận Halal ở Indonesia thay vì MUI như trước đây. Luật về Bảo đảm sản phẩm Halal cũng yêu cầu từ 17/10/2019, tất cả các sản phẩm được nhập khẩu, phân phối và kinh doanh trên lãnh thổ Indonesia phải được chứng nhận Halal.
Khuyến nghị cho ngành Halal ở Việt Nam
Hoạt động chứng nhận Halal là hoạt động mang đậm tính tôn giáo, sản phẩm Halal phải đảm bảo tiêu chuẩn về y tế, an toàn thực phẩm theo quy định của kinh Qur’an và luật Shari’ah và do cộng đồng Hồi giáo thực hiện. Ở Việt Nam hiện nay chưa có một hiệp hội hay cơ quan chức năng của Nhà nước thực hiện việc chứng nhận Halal mà chỉ có một số doanh nghiệp của người Hồi giáo và một số tổ chức Hồi giáo cấp chứng nhận Halal. Các đơn vị chứng nhận Halal có đội ngũ hiểu biết giáo lý, giáo luật Hồi giáo và những quy định về Halal, một số đơn vị có thế mạnh về khả năng tìm kiếm thị trường nên hoạt động khá sôi nổi. Việc chứng nhận Halal ở Việt Nam thời gian qua đã có những đóng góp nhất định trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường các quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, hoạt động chứng nhận Halal ở Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Hầu hết các đơn vị chứng nhận Halal chỉ chứng nhận cho các sản phẩm chế biến từ thủy sản và một số sản phẩm nông sản từ thực vật, chưa có điều kiện để chứng nhận cho các sản phẩm nông sản chế biến từ động vật bởi quy định Halal về quy trình chăn nuôi, chế biến đòi hỏi nhiều điều kiện. Các đơn vị chứng nhận Halal hiện nay cũng chưa chứng nhận cho quy trình chăn nuôi nông sản, thủy sản bao gồm con giống, thức ăn,....
Để khắc phục hạn chế trong việc sản xuất sản phẩm Halal và chứng nhận Halal ở Việt Nam hiện nay và từ mô hình tổ chức chứng nhận Halal của một số quốc gia, trong đó có quốc gia có Hồi giáo là thiểu số như Thái Lan cho thấy, việc thành lập một trung tâm chứng nhận Halal mang tính toàn quốc của Việt Nam là cần thiết để thống nhất trong việc kiểm soát, chứng nhận các sản phẩm Halal và thuận tiện trong hoạt động hợp tác để được sự thừa nhận của các tổ chức chứng nhận Halal quốc tế. Trong cơ cấu tổ chức chứng nhận Halal, Ban Cố vấn Shari’ah và Ban Chứng nhận đóng vai trò rất quan trọng được hình thành từ những học giả Hồi giáo hoặc những chuyên gia giáo lý Hồi giáo, am hiểu sâu kinh Qur’an, luật Shari’ah để đưa ra việc đánh giá tính phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn Halal; người tham gia các Ban này thường là các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín về tôn giáo trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nhân sự của tổ chức chứng nhận Halal phải có trình độ về sinh, hoá phẩm, công nghệ thực phẩm, có khả năng tiếp cận và mở rộng hợp tác với ngành công nghiệp Halal trên thế giới; tổ chức chứng nhận Halal phải có điều kiện vật chất đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để thực hiện việc đánh giá, kiểm tra sản phẩm một cách khoa học.
Để tạo điều kiện giảm thiểu chi phí, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng Halal thì trung tâm chứng nhận Halal của Việt Nam do cộng đồng Hồi giáo Việt Nam nên theo mô hình doanh nghiệp xã hội, phi thương mại. Hoạt động của trung tâm chứng nhận Halal theo quy định của pháp luật về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan và cần tập trung: Củng cố năng lực, đầu tư nguồn nhân lực và trang bị cơ sở vật chất,… hoạt động không trái quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn chứng nhận Halal quốc tế, đáp ứng sự tín nhiệm của cộng đồng Hồi giáo thế giới; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cho các doanh nghiệp những quy định về Halal đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các quốc gia Hồi giáo; chủ động nghiên cứu, tìm hiểu quy định về tiêu chuẩn Halal quốc tế và của từng quốc gia nhập khẩu; tiếp cận, mở rộng hợp tác quốc tế để có sự thừa nhận từ các tổ chức chứng nhận Halal quốc tế.
Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh nghiên cứu về Hồi giáo, văn hóa Hồi giáo trong đó có văn hóa kinh doanh và những quy định về tiêu chuẩn Halal nói chung, tiêu chuẩn Halal của nước nhập khẩu nói riêng; thực hiện nghiêm quy định Halal trong quá trình sản xuất và chế biến các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các quốc gia Hồi giáo; phối hợp chặt chẽ và có cơ chế gắn trách nhiệm của đơn vị chứng nhận Halal đối với sản phẩm Halal cho đến khi sản phẩm đó được đưa vào thị trường nhập khẩu và được người tiêu dùng chấp nhận./.
Trần Thị Minh Thu
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2012), “Dấu chứng chỉ Halal: Những điều doanh nghiệp cần biết khi xuất khẩu hàng thực phẩm sang các nước Hồi giáo”.
2. www. cicot.or.th: “On The requirements for certification process of Halal products B.E.2559”.
3. www. cicot.or.th: “Regulation of the Central Islamic Council of Thailand on the management of Halal Affairs B.E. 2558”.
4. www etrans.esma.gov.ae: “UAE.S 2055 -1:2015, Halal products - Part one: General Requirements for Halal Food”
5. www.indolaw.org: “Law of the Repuplic of Indonesia number 33 2014 about Halal product certification.
6. www.jsm.gov.my: “Standards Malaysia MS 1500:2009 Halal food – Production, Preperation, Handling and storage – General”