Nghi lễ tôn giáo trực tuyến đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng
Ngày đăng: 09/03/2021
PGS, TS Chu Văn Tuấn.
Đại lễ cầu an trực tuyến diễn ra trên trang Facebook “Học viện Phật giáo Việt Nam” tại Hà Nội của chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tối 14 tháng Giêng vừa qua, thu hút gần 60.000 lượt người xem trên nền tảng công nghệ số.

Đây là một trong những hình thức được Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam hướng dẫn các di tích, cơ sở tự viện, tăng ni, phật tử trên cả nước tổ chức thời gian vừa qua, tạo hiệu ứng tích cực. Trao đổi với báo chí, PGS, TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định: Thực hành các nghi lễ tôn giáo trực tuyến không làm mất đi thông điệp, ý nghĩa của nhà Phật.

Phóng viên (PV): Những năm gần đây, thực hành các nghi lễ tôn giáo trực tuyến không còn xa lạ. Tuy nhiên năm nay, do diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp, hình thức trực tuyến được đẩy mạnh, phổ biến ở hầu khắp các cơ sở thờ tự. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

PGS, TS Chu Văn Tuấn: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của GHPG Việt Nam là một tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, GHPG Việt Nam đã xây dựng hai trung tâm điều hành điện tử tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (gọi là Văn phòng hành chính điện tử). Bản chất của các thực hành tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng là sự thể hiện niềm tin/đức tin, lòng thành kính... của những người có chung niềm tin tôn giáo. Đó là mối quan hệ trực tiếp giữa tín đồ với đấng thiêng, giữa tín đồ với các chức sắc/nhà tu hành tôn giáo và giữa tín đồ với tín đồ. Thực hiện các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến là một sự thay đổi khác biệt với truyền thống Phật giáo-vốn được tổ chức trực tiếp, mang tính tập thể với sự giao lưu, tương tác giữa người với người.

Với việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến, như: Đại lễ cầu an, cúng dường... được các cơ sở thờ tự thực hiện trong những ngày đầu năm Tân Sửu 2021 đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của đông đảo người dân, tăng ni, phật tử. Mọi tương tác trực tiếp được thay bằng gián tiếp, không gian tôn giáo hay các cơ sở tôn giáo được thay bằng không gian mạng và về cơ bản, nhiều nội dung của nghi lễ được rút gọn hơn so với tổ chức trực tiếp.

 

Đại lễ cầu an lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội).


PV: Việc thay đổi hình thức thực hành tín ngưỡng như bái vọng, cầu an online... có đáp ứng nhu cầu tâm linh, bảo đảm văn hóa tín ngưỡng của người dân, thưa ông?

PGS, TS Chu Văn Tuấn: Việc thay đổi hình thức thực hành tôn giáo, tín ngưỡng từ trực tiếp sang gián tiếp như tôi đã nói ở trên là cách thức phù hợp để bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Theo truyền thống, những người có niềm tin đối với Phật giáo hoặc các loại hình tín ngưỡng, thường chú trọng đến sự “thành tâm”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”... Do đó, việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo theo hình thức trực tuyến vẫn đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của những người có niềm tin đối với Phật giáo và các loại hình tín ngưỡng truyền thống khác. Thông điệp chính của nghi lễ tôn giáo đã truyền tải được đến với tất cả mọi người.

PV: Xu hướng thực hành nghi lễ tôn giáo trực tuyến này có được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới không hay chỉ ở Việt Nam? Có nên khuyến khích tham gia các khóa lễ, thực hành nghi thức tôn giáo online?



PGS, TS Chu Văn Tuấn: Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra hơn một năm qua, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng đều tổ chức thực hành các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến. Việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến, bên cạnh những hạn chế như tôi đã nói ở trên, cũng có những ưu điểm. Chẳng hạn như: Tiết kiệm chi phí rất lớn cho ban tổ chức cũng như cho các tín đồ; có thể truyền tải đến số lượng đông đảo tín đồ và trên một phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với tổ chức trực tiếp...

Trong bối cảnh dịch bệnh và những điều kiện tương tự khác, việc tổ chức những nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến là lựa chọn phù hợp. Trong điều kiện bình thường, những nghi lễ tôn giáo vẫn có thể tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tôi cho rằng, trong tương lai, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, của trí tuệ nhân tạo, mạng internet... thì việc thực hành các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến sẽ trở nên phổ biến hơn, không chỉ đối với những tổ chức tôn giáo mà cả với mỗi tín đồ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, nhận định: Hình thức cầu an, đại lễ, tụng kinh online đã có những thay đổi tích cực rõ rệt, nhiều ngôi chùa, các đạo tràng và bà con phật tử rất ủng hộ. Mọi người hiểu được việc thực hành nghi lễ cốt ở cái tâm, bảo đảm sức khỏe, dù làm trực tuyến nhưng thỏa mãn được nhu cầu tâm linh. 

 

Theo qdnd.vn