Hoạt động đào tạo của các Đại Chủng viện Công giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 18/03/2021
Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội khai giảng năm học 2020-2021
Đối với Giáo hội Công giáo trên thế giới hiện nay đào tạo chủng sinh về 4 chiều kích là nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, được chia làm 3 giai đoạn: Trước chủng viện (gọi là Tiền chủng viện hay Tiểu chủng viện), trong chủng viện (gọi là Đại chủng viện) và sau chủng viện (tức giai đoạn linh mục).

Tiểu chủng viện là giai đoạn thu nhận các ứng sinh vào nội trú để học văn hóa, nhất là tu đức và kỹ năng sống, nhằm đào tạo, bồi dưỡng và tuyển chọn các tu sinh thành các chủng sinh vào học các Đại chủng viện. Đại chủng viện là nơi đào tạo các chủng sinh để sau khi học xong chương trình Đại chủng viện có thể được phong chức linh mục. Đối với các dòng tu, có hệ thống các Học viện dòng, Học viện Liên dòng đào tạo tu sỹ của dòng tu và cũng có thể gửi các tu sỹ vào đào tạo tại các Đại chủng viện của chương trình đào tạo linh mục triều. 

Việc đào tạo của các Đại Chủng viện tại Việt Nam hiện nay đang theo một chương trình thống nhất dựa vào Văn kiện “Đào tạo Linh mục – Hồng ân ơn gọi linh mục” (“Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis”,  gọi tắt là Ratio) được Bộ Giáo sĩ ban hành năm 2016,  Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành năm 2017. Đó là một tiến trình đào tạo toàn vẹn, không chỉ ở trong chủng viện mà bao gồm cả ba giai đoạn: trước chủng viện, tại chủng viện và sau chủng viện với 4 chiều kích là nhân bản, thiêng liêng, tri thức, mục vụ. Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu tìm hiểu về đào tạo chủng sinh tại các Đại chủng viện.

1. Sơ lược về lịch sử các Đại Chủng viện

Điều 237 khoản 1 Bộ Giáo Luật 1983 quy định về việc thành lập chủng viện: “Trong mỗi giáo phận, nơi nào có thể và thấy hữu ích, phải có một đại chủng viện; nếu không, phải gửi các chủng sinh đang chuẩn bị lãnh thừa tác vụ thánh vào các chủng viện khác, hoặc phải thành lập một chủng viện liên giáo phận….”

Ở Việt Nam hiện nay Giáo hội Công giáo có 11 cơ sở đào tạo trong đó có 01 Học viện Công giáo; 9 Đại chủng viện và 01 cơ sở 2 của Đại chủng viện bao gồm: Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội (Hà Nội), Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu (Nam Định), Đại Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình (Thái Bình), Đại Chủng viện Vinh Thanh (Nghệ An), Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang (Khánh Hòa), Đại chủng viện Thánh Giuse TP. Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), Đại chủng viện Thánh Quý (Cần Thơ), Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc (Đồng Nai); Cơ sở II của Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc tại Lâm Đồng.

Thời kỳ trước năm 1954 Giáo hội Công giáo thành lập 4 Đại chủng viện, sớm nhất là Đại chủng viện Huế thành lập năm 1740, Đại chủng viện thánh Giuse thành lập 1860 (nay là Đại chủng viện Thánh Giuse Thành phố Hồ Chí Minh), Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội thành lập năm 1932 (tiền thân là Đại chủng viện Xuân Bích tại Liễu Giai, Hà Nội). Các Đại chủng viện này đều phục vụ đào tạo linh mục cho các giáo phận và các dòng tu trong khu vực gọi là Đại chủng viện liên địa phận. Ở Đà Lạt (Lâm Đồng) năm 1958 Tòa thánh Vatican thành lập Giáo hoàng học viện Pio X nhận chủng sinh của Việt Nam, Lào, Campuchia và một số nước khác trong khu vực gọi là chủng viện giáo miền. Sau 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam các Đại chủng viện tạm thời đóng cửa.

Trên tinh thần tôn trọng và đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, năm 1980, khi nhận được đơn đề nghị xin mở đại chủng viện của Hội đồng Giám mục Việt Nam ký ngày 10/5/1980, ngày 4/11/1980 Phủ Thủ tướng đã có công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ chấp nhận cho phép Giáo hội Công giáo Việt Nam mở 6 đại chủng viện tại Hà Nội, xã Đoài (Nghệ Tĩnh), Huế (Bình Trị Thiên), Nha Trang (Phú Khánh), Cần Thơ (Hậu Giang) và thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 28/1/1981, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định chính thức về việc mở 6 đại chủng viện liên địa phận trong cả nước. Năm 1984, sau 4 năm có quyết định, Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội là Đại chủng viện đầu tiên được mở theo Thông tư của Phủ thủ tướng ngày 15/8/1984. Hiện nay Đại Chủng viện Hà Nội đào tạo linh mục cho 6 giáo phận Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Phát Diệm, Hưng Hóa, Lạng Sơn.  Đại chủng viện thánh Giuse Thành phố Hồ CHí Minh năm 1986, hiện đào tạo Linh mục cho 3 giáo phận TP.Hồ Chí Minh, Phú Cường, Mỹ Tho; Năm 1988 Đại chủng viện Vinh Thanh khai giảng khoá đầu tiên đào tạo linh mục cho hai giáo phận Vinh và Thanh Hoá. Năm 1994, Ban Tôn Giáo chính phủ ra công văn số 485/TGCP-CV ngày 14/9/1994 quyết định cho mở đại chủng viện Huế, đào tạo linh mục cho 3 giáo phận: Huế, Kon Tum và Đà Nẵng. Năm 1991, Ban Tôn Giáo Chính phủ ra Công văn số 295 CV/TGCP ngày 19/8/1991 cho mở Đại chủng viện Nha Trang (hay đại chủng viện Sao Biển Nha Trang), đào tạo linh mục cho 3 giáo phận: Nha Trang, Ban Mê Thuột và Quy Nhơn. Đại chủng viện Thánh Quý thành lập năm 1988 theo Quyết định số 342/1988/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, đào tạo linh mục cho 3 giáo phận: Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long. Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, hình thành trên cơ sở II của Đại Chủng viện Thánh Giuse thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/12/2010 Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép Tòa Giám mục Xuân Lộc thành lập Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc trên cơ sở nâng cấp cơ sở II Đại Chủng viện Thánh Giuse Tp. Hồ Chí Minh tại giáo phận  Xuân Lộc, đào tạo Linh mục cho 4 giáo phận Xuân Lộc, Phan Thiết, Đà Lạt, Bà Rịa; Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu thành lập năm 2017 đào tạo Linh mục cho giáo phận Bùi Chu. Đại Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình thành lập năm 2020 đào tạo Linh mục cho giáo phận Thái Bình.

2. Đào tạo và chiêu sinh

Các Đại Chủng viện có Ban Đào tạo, trong Ban Đào tạo có Ban Giám  đốc, Ban Giáo sư nội trú và Ban Giáo sư ngoại trú. Ban Giám đốc cơ cấu tùy từng Đại chủng viện nhưng thường bao gồm Giám đốc, Phó Giám đốc cùng các Cha linh hướng, Giám học chịu trách nhiệm chính trong công tác đào tạo các chủng sinh và đại diện cho Đại chủng viện trong quan hệ với các cấp chính quyền. Ban Giáo sư nội trú bao gồm các Giáo sư thần học, triết học, thánh kinh, giáo luật, thánh nhạc, tâm lý,… giảng dạy trực tiếp ở các Đại chủng viện, dành thời gian cho việc đào tạo của các Đại chủng viện. Ban Giáo sư ngoại trú: Các Đại chủng viện thường mời các giáo sư là các Giám mục, linh mục trong và ngoài giáo phận tham gia giảng dạy cho Đại chủng viện.

Điều kiện tuyển chọn các ứng sinh đi học tại các Đại chủng viện thuộc quyền thẩm định của Giám mục giáo phận. Điều kiện dự tuyển hiện nay các Đại chủng viện Công giáo là thanh niên Công giáo ước ao sống đời độc thân linh mục, đã có một thời gian tìm hiểu ơn gọi, thường là sau khi tốt nghiệp đại học được cha xứ giới thiệu, trình chứng thư rửa tội, thêm sức và các hồ sơ theo quy định đào tạo... Điều 241, khoản 1 Bộ Giáo Luật quy định điều kiện ứng sinh: “Giám Mục giáo phận chỉ nên nhận vào đại chủng viện những người được thẩm định là có đủ khả năng hiến thân vĩnh viễn cho các thừa tác vụ thánh, căn cứ vào các đức tính nhân bản và luân lý, tinh thần và trí tuệ, vào sức khoẻ thể lý và tâm lý cũng như vào ý chí ngay lành của họ…”.

Về chương trình đào tạo, hầu hết các đại chủng viện tại Việt Nam đều chia  làm ba giai đoạn hay 3 phân khoa. Trước hết là giai đoạn tu đức. Giai đoạn này thường kéo dài 1 năm. Giai đoạn triết học kéo dài 2 năm hoặc 3 năm tuỳ theo mỗi chủng viện. Cuối giai đoạn triết học, các chủng sinh được đánh giá để có thể được gửi đi giúp xứ tại các giáo phận, còn gọi là Năm Thử. Tiếp theo là giai đoạn thần học kéo dài 4 năm. Sau giai đoạn thần học, chủng sinh có thể được gửi tới một giáo xứ trong vòng 1 năm để có nhiều kinh nghiệm mục vụ của linh mục, gọi là Năm Mục vụ. Sau năm thực tập mục vụ ở giáo xứ, chủng sinh sẽ được đánh giá để tuyển chọn phong chức linh mục. Chương trình đào tạo như vậy sẽ giúp cho chúng sinh vừa có đầy đủ kiên thức thần học, vừa có đủ kinh nghiệm mục vụ, đáp ứng yêu cầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Theo đánh giá của một số chức sắc Công giáo, chất lượng đào tạo của các Đại Chủng viện ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết chủng sinh tốt nghiệp Đại chủng viện ở Việt Nam đều chưa được Toà Thánh và Giáo hội các nước công nhận trình độ cử nhân, vì hầu hết các Đại chủng viện đều chưa có đủ giáo sư thần học giảng dạy một cách căn bản theo quy định của Bộ Giáo dục Công giáo. Chính vì vậy, chủng sinh tốt nghiệp đại chủng viện nếu được Giáo hội cử đi học nước ngoài, đều phải bổ túc tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài để nhận bằng cử nhân thần học, sau đó mới tiếp tục đào tạo sau đại học. Hiện một số cơ sở đào tạo như Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, Học viện Dòng Đa Minh và Học viện của Dòng Tên đã liên kết với Học viện của Philippin, Italia, là những cơ sở đào tạo đã được Bộ Giáo dục Công giáo Tòa thánh công nhận có thẩm quyền đào tạo và cấp văn bằng cử nhân thần học, để cấp bằng cử nhân thần học cho một số chủng sinh, tu sĩ của Việt Nam theo học chương trình và đáp ứng được yêu cầu đào tạo theo quy định của Giáo hội.

Theo Niên giám thống kê 2020 của Tòa thánh Vatican trong thời gian 6 năm qua số Linh mục của châu Á tăng lên (11%) trong khi của châu Âu suy giảm (-7%). Giáo hội Việt Nam nằm trong khu vực châu Á là một trong Giáo hội có số lượng ơn gọi dồi dào nhất châu Á, nhất thế giới, các kỳ tuyển sinh của các Đại chủng viện đều có số lượng ứng sinh tham dự nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh của Đại chủng viện.

3. Môn học và định hướng đào tạo

Các môn học chính trong các Đại Chủng viện theo thứ tự các phân Khoa. Khoa Tu đức gồm các môn thuộc lĩnh vực tu đức, nhân bản, linh đạo, cầu nguyện. Khoa Triết học gồm các môn thuộc lĩnh vực triết học (như Triết sử, Tri thức luận, Nhân luận triết, Luận lý học, Siêu hình, Thần học tự nhiên…) và các nhập môn của khoa Thần học (như Nhập môn Kinh Thánh, Nhập môn Cựu ước, Nhập môn Tân ước…). Khoa Thần học gồm các môn thuộc lĩnh vực thần học (như Kitô học, Thánh Mẫu học, Thánh Linh học, Ba Ngôi học, Giáo luật, Giáo phụ, Giáo sử…). Bên cạnh đó, các môn về Lịch sử và Pháp luật Việt Nam cũng được giảng dạy.

Mục đích việc huấn luyện trong chủng viện là đào tạo chủng sinh thành linh mục cho Giáo hội. Công việc huấn luyện chủng sinh trong Đại chủng viện như chia sẻ của một vị Giám mục thường thể hiện qua 5 yếu tố căn bản: Say mến Chúa Giêsu đến độ gắn bó với Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, hạnh phúc được thuộc trọn về Chúa,…Sẵn sàng hy sinh, từ bỏ tất cả vì Chúa, theo những đòi hỏi và tinh thần của 3 Lời khuyên Phúc âm,…Đầy lòng thao thức, hăng say mục vụ và truyền giáo,…Thấm nhuần tình yêu đối với Giáo hội,…

Công việc huấn luyện chủng sinh trong Đại chủng viện của Giáo hội Công giáo không phải là chỉ dạy cho chủng sinh biết nhiều ý niệm và lý thuyết triết học, thần học hay trau dồi khả năng kỹ thuật cho hoàn hảo, mà còn là huấn luyện con người trên mọi chiều kích, giúp các chủng sinh được biến đổi từ một thanh niên thành một môn đệ của Chúa trong ơn gọi linh mục, tiếp tục công việc của Chúa và là hiện thân của Chúa, có lòng yêu mến người nghèo khổ, nhạy cảm trước các vấn đề của người nghèo khổ, gần gũi, cảm thông, chia sẻ, trợ giúp người nghèo khổ, người gặp khó khăn trong cuộc sống... Hay nói cách khác huấn luyện không phải chỉ tập cho chủng sinh một số cách làm, cách nói, một số thói quen và tác phong, một số kỹ thuật hay kỷ luật nào đó mà “ xã hội” chờ đợi nơi người linh mục, theo kiểu người công nhân thì có cách sống của người công nhân, người kỹ sư có cách sống của người kỹ sư. Đó mới chỉ là rèn luyện chưa phải là huấn luyện. Huấn luyện, đào tạo của Giáo hội để Linh mục trở thành hình ảnh của Thiên Chúa, làm chứng cho tình yêu thương, bác ái của Chúa Giêsu… đó là giá trị đào tạo nhân bản, trong đó hướng đến hành vi, đạo đức, nhân ái của Linh mục.

4. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo của các Đại Chủng viện

Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, công tác quản lý đối với lĩnh vực đào tạo của Công giáo quy định tại Điều 34, Điều 37, Điều 38, Điều 39 và Điều 40. Trong các điều này quy định cụ thể về điều kiện thành lập cơ sở đào tạo của tôn giáo; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; môn học Lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam.

Sau 03 năm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, về cơ bản các Đại chủng viện, các giáo phận thực hiện quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như Tòa Giám mục Thái Bình gửi hồ sơ, thủ tục thành lập Đại Chủng viện theo đúng quy định Điều 38. Bộ Nội vụ đồng ý cho Tòa Giám mục Thái Bình thành lập Đại chủng viện Thánh Tâm Thái Bình (Công văn số 3721/BNV-TGCP ngày 27/7/2020 của Bộ Nội vụ); các Đại Chủng viện đăng ký bổ nhiệm Giám đốc Đại Chủng viện theo Điều 34; công tác chiêu sinh của Đại Chủng viện; sửa đổi bổ sung quy chế tổ chức, hoạt động và quy chế tuyển sinh của các Đại Chủng viện theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Đại Chủng viện thông báo bằng văn bản về kết quả của từng khóa học đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi công văn và Tập bài giảng môn học Lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam đến các Đại chủng viện, đồng thời trao đổi với Ban Giám đốc các Đại chủng viện để đưa 02 môn học này vào chương trình đào tạo của Đại Chủng viện theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo....

Trên cương vị công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam, chúng tôi tin tưởng hoạt động đào tạo tại các Đại Chủng viện Công giáo ở Việt Nam đã và đang hướng đến đào tạo Linh mục là người hữu ích cho xã hội, giáo hội và cộng đồng, cùng góp phần liên kết mọi thành phần xã hội để xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững, thăng tiến về mọi mặt./.

Tài liệu tham khảo:

  1.  1. Thánh Công đồng Vatican II. Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục. Bản dịch Việt ngữ của Giáo hoàng Học viện Piô X. 1995
  2. 2. Niên giám 2016 Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội đồng giám mục Việt Nam. Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2017.
  3. 3. Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội 2018.4. Nguyệt san Công giáo và Dân tộc
  4. 4. Bộ giáo luật 1983, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2016

  

Đào Thị Đượm