Cơ sở lý luận, thực tiễn của quan điểm phát huy “các nguồn lực của các tôn giáo” trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Ngày đăng: 24/03/2021
Quan điểm: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” của Đảng trong văn kiện Đại hội XIII thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, khoa học, sát thực tế về vai trò của các tôn giáo đối với sự nghiệp cách mạng, “nâng cấp” coi những tác động tích cực của các tôn giáo là một trong những “nguồn lực” cần phát huy trong tình hình mới.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự[1]. 16 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’i, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương[2].

Quan điểm của Đảng về “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo” xác định là những tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận nêu trên.

Đảng ta xác định phát huy “các nguồn lực của các tôn giáo” cho sự nghiệp phát triển đất nước dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn sau:

Thứ nhất, xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về những tác động tích cực của tôn giáo đối với đời sống xã hội

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ vạch ra vai trò tiêu cực của tôn giáo mà còn chỉ rõ những đóng góp tích cực của tôn giáo đối với sự phát triển một số quốc gia dân tộc, trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Trong mối quan hệ với tư duy, đã có thời kỳ: Tôn giáo là hình thức tư duy cao nhất mà sự dã man ấy có thể đạt tới, giáo điều của giáo hội là khởi điểm và cơ sở của mọi tư duy. Các ông còn trực tiếp chỉ ra những mặt tích cực trong các hoạt động tôn giáo: “Trong tôn giáo, ngoài ảo tưởng mặt thực tế, tìm tòi cái tốt hơn, tìm tòi sự che chở, sự giúp đỡ, là cực kỳ quan trọng”[3]. Những giá trị đó có những điểm tương đồng với lý tưởng của chủ nghĩa xã hội: “Cả đạo Cơ Đốc lẫn chủ nghĩa xã hội công nhân đều tuyên truyền sự giải phóng con người trong tương lai khỏi cảnh nô lệ và nghèo khổ”[4].

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận tôn giáo như một dạng thức của văn hóa, có những giá trị văn hóa, đạo đức mang tính nhân văn, hướng thiện, mưu cầu hạnh phúc cho con người. Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”[5]. Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy trong tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức chung của nhân loại. Theo Người, văn hóa, đạo đức tôn giáo là sự tiếp biến, "thần hoá" văn hóa, đạo đức xã hội, được thể hiện trong giáo lý tôn giáo, quy định thành giới luật, lễ nghi để các tín đồ tin phục, tuân theo. Do tính "thần thánh, thiêng liêng", khó kiểm chứng nên các tín đồ thường vâng phục, tuân thủ nghiêm cách tuyệt đối và hiệu quả hơn. Đức tính thật thà, thông cảm nỗi đau khổ của người khác, chăm sóc tới sức khoẻ và cuộc sống no ấm của mọi người, kính trọng lao động và kinh nghiệm sống của người già, ham hiểu biết... là những giá trị văn hóa đạo đức tôn giáo nói chung. Trong suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Bác luôn coi đồng bào có đạo là bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung vận mệnh với non song đất nước, khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tất cả người Việt Nam không phân biệt lương giáo đều phải đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chính vì thế mà trong các cuộc kháng chiến, một bộ phận tín đồ, chức sắc đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiều cơ sở vật chất của tôn giáo là nơi nuôi giấu cán bộ, là cơ sở của cách mạng….

Thứ hai, phát huy những tác động tích cực của các tôn giáo là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới

Đại hội VII của Đảng (1991) khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo.”[6].

 

 

 

Đại hội VIII của Đảng (1996) ghi rõ: “Nhà nước chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giúp đỡ đồng bào có đạo xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, tham gia các công việc xã hội, từ thiện. Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống "tốt đời đẹp đạo".”[7].

Đại hội IX của Đảng (2001) xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao đời sống của đồng bào. Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống "tốt đời, đẹp đạo", phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá, đạo đức của tôn giáo.”[8].

Nghị quyết số 25-NQ/TW nêu rõ: “Giải quyết việc tôn giáo thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục… của Nhà nước theo nguyên tắc: khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo  và quy định của pháp luật. Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật”[9].

Đại hội X của Đảng (2006) nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo". Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của đồng bào các tôn giáo.”[10].

Đại hội XI của Đảng (2011) bổ sung: “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật.”[11].

Đại hội XII của Đảng (2016) tiếp tục khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật.”[12].

Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta cũng ban hành những quy định nhằm phát huy nguồn lực của các tôn giáo như: Nghị định số 69/HĐBT ngày 21/3/1991 (Điều 15, quy định về hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo), Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 (Điều 33), Luật Phòng chống HIV/AIDS (Điều 19), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016….

Thứ ba, xuất phát từ khả năng, điều kiện thực tế các nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo, với hệ thống cơ cấu, tổ chức khác nhau, luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Các tôn giáo phân bố rộng khắp trên mọi địa bàn, nên thuận lợi trong tham gia các hoạt động xã hội ở tất cả các địa phương, vùng, miền. Các tôn giáo đều có hệ thống cơ cấu, tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, có tôn chỉ, mục đích, đức tin khác nhau song trong hệ thống giáo lý, giáo luật đều khuyên răn tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, coi làm việc thiện là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của người có đạo. Vì thế, các tôn giáo luôn chung sống hòa hợp, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, địa phương với tinh thần “bàn thờ tôn giáo thì có nhiều song bàn thờ Tổ quốc chỉ có một” nên có điều kiện thuận lợi tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Số lượng tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành đông đảo, đa số đã tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội

Tín đồ, chức sắc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo ở Việt Nam đã tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các hoạt động bảo vệ biên giới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy, quảng bá văn hóa..... Đặc biệt, các chức sắc, chức việc, lực lượng cốt cán có vai trò quan trọng, ảnh hưởng rất lớn trong các tổ chức tôn giáo, họ là nòng cốt trong thực hiện các hoạt động, trong đó có việc “Đời” trong các tôn giáo.

Cơ sở vật chất và khả năng huy động tài chính khá lớn

Số lượng cơ sở thờ tự, giáo dục, vật chất, khả năng huy động tài chính của các tôn giáo, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam khá dồi dào, trên tất cả các địa bàn. Đây là những điều kiện cần thiết và thuận lợi để các tôn giáo tham gia các hoạt động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tôn giáo ở Việt Nam có mối quan hệ quốc tế rộng rãi

Trong quan hệ quốc tế, các tôn giáo này không chỉ có những hoạt động mang tính giao lưu đồng đạo, trao đổi, học tập kinh nghiệm về các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo mà còn chia sẻ những khó khăn về tài chính, bằng việc kêu gọi được nguồn hỗ trợ vật chất đáng kể từ các tổ chức tôn giáo quốc tế cũng như các tổ chức phi chính phủ, các mạnh thường quân có đạo.

Từ những phân tích trên cho thấy, Đảng ta xác định “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” là hoàn toàn khách quan, phản ánh đúng thực tiễn sinh động đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Để phát huy có hiệu quả các nguồn lực của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta phải sử dụng tổng hợp các phương thức tác động phù hợp, nhìn nhận khách quan những tác động của tôn giáo đối với xã hội, cả tác động tích cực, tiêu cực, không đề cao quá mức cũng không phủ nhận sự đóng góp của các tôn giáo; có cơ chế, chính sách đúng đắn, kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo sử dụng các nguồn lực của mình tham gia vào các hoạt động phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trung tá, ThS Nguyễn Ngọc Hương

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Chú thích

[1] Ban Tôn giáo Chính phủ, Công tác tôn giáo 2021, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2021, tr.44-66.

[2] Bộ Nội vụ, Danh mục các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020 (Kèm theo Công văn số 6955/BNV-TGCP ngày 28/12/2020 của Bộ Nội vụ).

[3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 12, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 63.

[4] C.Mác Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 22, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.663.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 458.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, tr. 78.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 126.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 128.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về Công tác tôn giáo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 13.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 122.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 245.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 165.