Việc xây dựng khu du lịch tâm linh và công tác quản lý nhà nước (P2)
Ngày đăng: 05/07/2019
Các khu du lịch tâm linh liên tiếp hình thành trong thời gian gần đây, nhiều khu có quy mô rất lớn kể cả về xây dựng cũng như diện tích đất sử dụng, trong khi pháp luật chưa có quy định rõ ràng phân định khu du lịch tâm linh thuộc lĩnh vực đầu tư kinh doanh hay thuộc lĩnh vực hoạt động tôn giáo, từ đó đã đặt ra yêu cầu cần hoàn chỉnh, thống nhất những quy định pháp luật liên quan để đảm bảo sự minh bạch về pháp lý của những dự án khu du lịch tâm linh, cũng như tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề này. Dưới đây, chúng tôi xin đóng góp một vài ý kiến về những khía cạnh như: đầu tư, đất đai, quản lý vận hành.

Về đầu tư

Cần xác định rằng, các khu du lịch tâm linh là cơ sở hoạt động kinh doanh kết hợp với hoạt động tôn giáo. Vì vậy, mọi pháp nhân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được tham gia đầu tư, xây dựng khu du lịch tâm linh. Mỗi dự án du lịch tâm linh cần được phân tách rõ hai khối hạng mục: Khối phục vụ họat động tôn giáo và khối phục vụ hoạt động du lịch. Những hạng mục phục vụ tôn giáo được xác định là cơ sở tôn giáo (gồm: chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo). Tất cả các hạng mục khác được coi là để phục vụ du lịch.

Theo sự phân chia như vậy, đất để xây dựng các hạng mục phục vụ tôn giáo được xác định là đất tôn giáo, các diện tích còn lại trong dự án là đất phục vụ kinh doanh. Đất tôn giáo trong dự án khu du lịch tâm linh có hai nguồn gốc: Là đất tôn giáo của các cơ sở tôn giáo có từ trước, khi dự án được triển khai thì đất đó (cơ sở tôn giáo đó) nằm trong diện tích triển khai dự án (nếu có); và đất đang có mục đích sử dụng không phải là đất tôn giáo, nay triển khai dự án, được phê duyệt quy hoạch xây dựng các hạng mục phục vụ tôn giáo trên đó, nên được chuyển thành đất tôn giáo.   

Quá trình đầu tư xây dựng dự án khu du lịch tâm linh, các hạng mục liên quan đến hoạt động tôn giáo phải chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng cơ sở tôn giáo, còn các hạng mục phục vụ kinh doanh du lịch cần tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh, du lịch.

Khi đã xác định dự án khu du lịch tâm linh là dự án đầu tư kinh doanh kết hợp với hoạt động tôn giáo, ứng với các quy định hiện hành, có thể thấy ba vấn đề sẽ nảy sinh, cần làm rõ và ưu tiên tháo gỡ: Thứ nhất, chủ đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh thường là doanh nghiệp, không phải là tổ chức tôn giáo. Vì vậy, quá trình đầu tư xây dựng sẽ gặp vướng mắc về thủ tục. Ngay cả sau khi xây dựng xong cơ sở tôn giáo, chủ đầu tư cũng không được phép trực tiếp vận hành hoạt động tôn giáo ở những cơ sở này. Hai là, đất sử dụng làm dự án khu du lịch tâm linh không phải, hoặc không trùng khớp về vị trí và diện tích với đất của cơ sở tôn giáo đã được công nhận. Ba là, dự án đầu tư thường chỉ có thời hạn nhất định, quyền sử dụng đất cũng được cấp với thời hạn tương ứng, trong khi đất dùng làm cơ sở tôn giáo theo quy định của pháp luật về đất đai phải được cấp lâu dài.

Để tháo gỡ những vấn đề trên, liệu chăng Nhà nước nên điều chỉnh các quy định của pháp luật theo một số hướng như sau: Với khu du lịch tâm linh, khi xây dựng xong, chủ đầu tư phải bàn giao quyền sở hữu, quản lý, sử dụng các hạng mục thuộc hạng mục hoạt động tôn giáo (cùng diện tích đất gắn liền) cho một hoặc nhiều tổ chức tôn giáo do Nhà nước chỉ định, để các tổ chức này quản lý, duy trì hoạt động tôn giáo. Kể từ thời điểm đó, các cơ sở tôn giáo trong dự án khu du lịch tâm linh độc lập với dự án về quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất, và các hoạt động tôn giáo.

Về quy trình đầu tư xây dựng, với riêng các khu du lịch tâm linh, có thể áp dụng quy trình đặc thù cho giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư (các giai đoạn khác thực hiện như quy định hiện hành), cụ thể như sau: Khi một tổ chức muốn xây dựng khu du lịch tâm linh, cần gửi văn bản đề xuất đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trong đó nêu rõ những nội dung về diện tích, vị trí, ranh giới đất sử dụng; quy mô, vị trí các hạng mục công trình sẽ xây dựng; phương án khai thác, sử dụng khi hoàn thành; thời gian triển khai xây dựng; thời hạn hoạt động của dự án. Nếu cơ quan Nhà nước xét thấy dự án đề xuất phù hợp (hoặc đề xuất có điểm chưa phù hợp, nhưng đã thống nhất điều chỉnh) thì sẽ ban hành văn bản chấp thuận đề xuất, đồng thời thông báo công khai, rộng rãi việc dự kiến triển khai dự án với các thông tin cần thiết như vừa nêu. Sau đó dự án được đấu giá công khai, rộng rãi để chọn nhà đầu tư tốt nhất, nhà đầu tư đề xuất dự án chỉ có vai trò là người đề xuất, không phải là nhà đầu tư đương nhiên được chọn. Với các dự án chưa có tổ chức nào đề xuất, nhưng Nhà nước thấy cần triển khai, cũng áp dụng thông báo rộng rãi tương tự như trên.

Về đất đai

Áp dụng hạn mức sử dụng đất tôn giáo trong dự án khu du lịch tâm linh:

Các dự án du lịch tâm linh cần phải được giới hạn hạn mức đất xây dựng cơ sở tôn giáo, đồng thời có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư sử dụng thấp hơn hạn mức. Với các dự án mà trên đó đã có một hoặc nhiều cơ sở tôn giáo đang hoạt động hợp pháp (không phân biệt tôn giáo), chủ đầu tư phải thỏa thuận với các tổ chức tôn giáo đang sử dụng các cơ sở đó để ghép các cơ sở có sẵn vào dự án, coi đó là cơ sở tôn giáo của dự án. Trong trường hợp này, các cơ sở tôn giáo đã có được giữ nguyên diện tích và quyền sử dụng đối với đất đang sử dụng; nếu tổng diện tích của các cơ sở ấy lớn hơn hạn mức thì giữ nguyên, nếu nhỏ hơn hạn mức thì chủ đầu tư dự án được quyền sử dụng thêm diện tích đất khác trên dự án làm đất xây dựng cơ sở tôn giáo đến khi đủ hạn mức đã được quy định. Nếu muốn xây dựng trên đất của cơ sở tôn giáo cũ, chủ đầu tư dự án phải thống nhất với tổ chức tôn giáo đang quản lý cơ sở ấy. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án cũng phải thỏa thuận việc xây dựng đường giao thông tới các cơ sở tôn giáo này với tổ chức tôn giáo đang quản lý, nếu không thống nhất được, chủ đầu tư dự án phải giữ nguyên tuyến đường cũ, nhưng phải đảm bảo về mặt kỹ thuật để tuyến đường sử dụng được bình thường, và không được hạn chế, kiểm soát người dân tới tham quan, thực hành tôn giáo tại các cơ sở này thông qua các con đường đã có.

Với các hạng mục xây dựng trên đất của cơ sở tôn giáo cũ, sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư phải bàn giao quyền sở hữu, quản lý, sử dụng cho tổ chức tôn giáo đang quản lý cơ sở tôn giáo ấy. Với các hạng mục phục vụ tôn giáo được xây dựng ngoài diện tích đất của cơ sở tôn giáo cũ, sau khi hoàn thành, chủ dự án cũng phải chuyển quyền sở hữu, quản lý, sử dụng cho tổ chức tôn giáo do Nhà nước chỉ định.

Đấu giá quyền sử dụng đất:

Việc đấu giá áp dụng với diện tích đất thực hiện các dự án khu du lịch tâm linh đang thuộc quyền sử dụng của Nhà nước. Với những diện tích đất không thuộc quyền sử dụng của Nhà nước, thì thực hiện các thủ tục và bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai. Nếu dự án có sử dụng rừng do Nhà nước quản lý, cũng thực hiện đấu giá quyền thuê rừng, quyền sử dụng rừng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như các quy định liên quan khác. Với diện tích rừng do các đối tượng khác quản lý, thực hiện các thủ tục và bồi thường như các quy định của pháp luật đã có.

Về thuế sử dụng đất:

Áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế sử dụng đất hàng năm: Phần đất xây dựng cơ sở tôn giáo thì áp dụng quy định về thuế sử dụng đất với cơ sở tôn giáo (hiện nay Nhà nước không thu khoản thuế này); còn với đất, rừng sử dụng kinh doanh du lịch thì áp dụng thuế và/hoặc các nghĩa vụ tài chính khác về việc sử dụng đất, rừng vào mục đích kinh doanh.

Về giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất:

Đề nghị quy định như sau: Đối với đất tôn giáo của dự án (đất xây dựng cơ sở tôn giáo) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lâu dài, và cấp cho tổ chức tôn giáo. Còn với toàn bộ đất còn lại, dùng để kinh doanh du lịch, cấp theo thời hạn của dự án được phê duyệt, và cấp cho chủ đầu tư.

Về quản lý vận hành sau xây dựng

Có hai chủ thể cùng quản lý, vận hành khu du lịch tâm linh: Hoạt động tôn giáo do tổ chức tôn giáo quản lý, vận hành, còn hoạt động kinh doanh du lịch do chủ đầu tư thực hiện. Mỗi hoạt động phải tuân thủ các quy định của pháp luật tương ứng.

Tiền công đức có từ hoạt động của cơ sở tôn giáo được quản lý, sử dụng theo quy định của địa phương có cơ sở tôn giáo, cũng như theo quy định của pháp luật tại từng thời điểm.

Cho phép chủ đầu tư bán vé tham quan, du lịch và thu tiền các dịch vụ tham quan, du lịch theo đúng quy định. Nhà nước thực hiện thu các loại thuế cũng như các nghĩa vụ tài chính khác liên quan tới hoạt động kinh doanh tham quan, du lịch của chủ đầu tư dự án./.

 

Nguyễn Linh – Mạnh Hải