Về cuộc hội kiến lần thứ ba của Tổng thống Vladimir Putin với Giáo hoàng Phanxicô tại Tòa thánh Vatican
Ngày đăng: 14/08/2019
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân chuyến công du Italia đã đến Tòa Thánh Vatican để hội kiến với Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 4 tháng 7 năm 2019. Chuyến công du của Tổng thống Vladimir Putin tới Italia diễn ra trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đang lên án chính sách của nước Nga và Giáo hội Chính Thống giáo Nga “chưa sẵn sàng” đón tiếp Giáo hoàng Phanxicô tới thăm nước này.

Đây là lần hội kiến lần thứ ba của Tổng thống Vladimir Putin với người đứng đầu Tòa Thánh Vatican kể từ khi Đức Phanxicô trên ngôi Giáo hoàng. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã có các cuộc hội kiến với Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 12 năm 2013 và tháng 6 năm 2015. Trong nội bộ Giáo hội Chính Thống giáo Nga người ta cho rằng, cuộc hội kiến giữa người đứng đầu Nhà nước Nga với người đứng đầu Thành quốc Vatican hoàn toàn mang tính chất thế tục. Ngược dòng thời gian, vào các năm 2000 và 2003, ông Vladimir Putin đã từng có các cuộc hội kiến với Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và năm 2007, có cuộc hội kiến với cựu Giáo hoàng Benedicto XVI.  

Về phía Giáo hội Công giáo Roma, người đứng đầu Tòa Thánh Vatican đã từng nhiều lần bày tỏ nguyện vọng tới thăm nước Nga, nhưng mỗi lần như vậy Giáo hội Chính Thống giáo Nga đều chưa nhận thấy có cơ hội dành cho Ngài. Ngày 1 tháng 7 năm 2019, ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, “hiện thời Kremlin chưa xem xét vấn đề mời Giáo hoàng Roma Phanxicô tới thăm nước Nga”[1].

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Zenit, ngày 1 tháng 7 năm 2019, Tổng Giám mục Công giáo Pavel Pezzi của Tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa có trung tâm tại Moskva cũng cho rằng, Tổng thống Nga khó có thể thực hiện được một bước đi tương tự theo ý mình mà không có sự ủng hộ rõ ràng từ phía Giáo hội Chính Thống giáo Nga. 

Ông Vakhtang Kipshidze, Phó trưởng ban Ban Quan hệ với xã hội và truyền thông của Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Moskva đã nói với Hãng thông tấn RIA Novosti rằng, các cuộc tiếp xúc giữa Liên bang Nga với Tòa Thánh Vatican mang tính chất quan hệ giữa các quốc gia mà trong đó Vatican được quốc tế thừa nhận như một thực thể nhà nước. Các quan hệ giữa các quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Ngoại giao Nga[2]. Được biết, Thành quốc Vatican và Liên bang Nga đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 2009.

Điều đáng chú ý là, ngay trước khi có thông báo về chuyến viếng thăm Vatican ngày 4 tháng 7 năm 2019 của Tổng thống Vladimir Putin, Trưởng ban Ban Đối ngoại giáo hội của Tòa Thượng phụ Moskva, Tổng giám mục Ilarion (Alfeyev) đã tuyên bố rằng, Giáo hội Chính Thống giáo Nga “chưa sẵn sàng” chào đón Giáo hoàng của Vatican trên lãnh thổ nước Nga. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Công giáo Thụy Sĩ, Tổng giám mục Ilarion (Alfeyev) nói: “Trong Giáo hội của chúng tôi có nhiều giám mục, linh mục và giáo dân chưa sẵn sàng đón tiếp Ngài (tức Giáo hoàng Phanxicô). Chúng tôi không muốn rằng các quan hệ của chúng tôi bị xấu đi vì những tâm trạng này. Chúng tôi muốn đi từ từ, không có những bước đi đột ngột”[3]. Nhiều khả năng, tuyên bố nêu trên của người đại diện Giáo hội Chính Thống giáo Nga được đưa ra có liên quan tới việc trong thời gian qua nhiều chuyến tông du của Giáo hoàng Phanxicô, về mặt địa lý, đã tiến sát tới biên giới của nước Nga. Cụ thể như, trong những tháng gần đây Giáo hoàng Phanxicô đã có các cuộc tông du tới những vùng Công giáo ở Bắc Macedonia, Bulgaria và Romania.

Chỉ nói riêng về chuyến tông du Bulgaria, Giáo hoàng Phanxicô đã gặp gỡ người đứng đầu Giáo hội Chính Thống giáo Bulgaria, Thượng phụ Neofit và hàng giáo phẩm Chính Thống giáo khác. Tuy nhiên, tại đây Giáo hoàng Phanxicô đã nhận được sự đón tiếp khá lạnh nhạt của Giáo hội Chính Thống giáo nước này. Ngài được mời tới thăm nhà thờ Thánh Alexander Nevskyi, nhà thờ lớn tại thủ đô Sofia, nhưng các giáo sĩ Chính Thống giáo Bulgaria đã từ chối hành lễ chung với Ngài, thậm chí Tổng giám mục Nikolai (Sevastiyanov) còn cáo buộc Giáo hoàng Phanxicô có mánh khóe chính trị và “phục vụ cho những kẻ chống Chúa Kitô”[4]. Vị Tổng giám mục này nói: “Chuyến viếng thăm của Giáo hoàng Roma là một sự kiện chính trị. Mục đích của chuyến viếng thăm này nhằm thống nhất mọi tôn giáo xung quanh Giáo hoàng để khi kẻ chống Chúa Kitô tới, Giáo hoàng sẽ gặp hắn và qua hắn gặp tất cả những kẻ cùng với hắn”[5]. Tuy vậy, Giáo hoàng Phanxicô vẫn có những đánh giá tích cực về cuộc tông du này. Ngài lưu ý rằng, nhìn chung, quan hệ giữa Giáo hội Công giáo Roma với các giáo hội Chính Thống giáo là tốt đẹp và “mong muốn xích lại gần nhau”[6].

Theo nhận xét của Alexei Makarkin, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ chính trị (Nga), tâm trạng chống Công giáo trong Chính Thống giáo Nga đang còn diễn ra rất mạnh mẽ. Nhà chính trị học này viết: “Một mặt, Giáo hội Chính Thống giáo Nga hiện nay tích cực tiến hành đối thoại với Giáo hội Công giáo về những giá trị truyền thống, về luân lý - đạo đức, về sự săn đuổi Kitô hữu trên toàn cầu và về những vấn đề khác. Mặt khác, trong Chính Thống giáo Nga hiện nay vẫn còn nhiều giám mục, giáo sĩ, giáo dân coi những người Công giáo là kẻ thù và trong suốt những năm qua tinh thần chống Công giáo vẫn không hề suy giảm. Chúng ta nên nhớ rằng, trong Giáo hội Chính Thống giáo Nga có nhiều tư tưởng rất khác nhau, nhiều người có thái độ rất tiêu cực đối với cuộc gặp của Thượng phụ Kirill với Giáo hoàng Roma tại Cuba năm 2016. Mặc dù cuộc gặp này chỉ diễn ra tại sân bay và không có bất kỳ cuộc hành lễ và nghi lễ tôn giáo chung nào, vậy mà nó vẫn gây ra những phản ứng rất tiêu cực[7]. Vì vậy, nếu hiện nay cho phép một cuộc tông du của Giáo hoàng Roma tới nước Nga thì trong nội bộ Giáo hội Chính Thống giáo Nga sẽ xảy ra một cuộc xung đột rất mạnh mẽ và vì vậy trong thời gian tới đây sẽ không có một cuộc tông du nào của Giáo hoàng tới nước Nga được trù tính”[8].

Là người đứng đầu Tòa Thánh Vatican, Giáo hoàng Phanxicô rất tích cực giải quyết các vấn đề trong chính sách đối ngoại. Thí dụ, vào tháng 2 năm 2019, Ngài bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ Tổng thống đương nhiệm của Venezuela, ông Nicolas Maduro, vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị tại nước Cộng hòa Bolivar này. Trước đó, vào tháng 5 năm 2018, Giáo hoàng Phanxicô đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan, để thảo luận về sự leo thang căng thẳng tại Dải Gaza. Vào tháng 12 năm 2017, Ngài cũng đã điện đàm với Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas.

Ngược dòng thời gian, vào tháng 11 năm 2013, trong cuộc hội kiến với Tổng thống Vladimir Putin, Giáo hoàng Phanxicô đã chống lại việc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề Syria và đề nghị người đứng đầu Nhà nước Liên bang Nga nêu vấn đề “khủng hoảng ở Syria” tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 6 năm 2015, Giáo hoàng Phanxicô yêu cầu Nga cần có “một sự cố gắng thành thực và toàn diện để đạt được hòa bình”[9] tại Ukraina sau khi nước Nga sáp nhập Krưm một năm trước đó. Còn trong cuộc gặp ngày 4 tháng 7 của người đứng đầu Tòa Thánh Vatican với Tổng thống Liên bang Nga, theo giới truyền thông Phương Tây, vấn đề được đem ra thảo luận rất có thể  là về tình hình căng thẳng trong thế giới Kitô giáo cũng như tình cảnh đói nghèo của các tín đồ theo giáo lý của Chúa Kitô tại Trung Đông.

Ông Alexei Makarkin, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ chính trị (Nga) cũng tin tưởng rằng, tình hình Trung Đông là chủ đề thảo luận trong cuộc hội kiến giữa Giáo hoàng Phanxicô với Tổng thống Vladimir Putin. Nhà chính trị học này nói: “Xin nhắc lại rằng, sự bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông cũng là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Giáo hoàng Phanxicô với Thượng phụ Kirill vào năm 2016 (ở Cuba). Khi quan điểm của nước Nga về vai trò của mình ở Syria và sự ủng hộ (của Nga) đối với Tổng thống Bashar Assad bị cực lực lên án ở Phương Tây, thì (nước này) cần sự ủng hộ hay ít nhất là những lời nói mang tính trung lập từ Tòa Thánh Vatican. Nếu lấy Syria làm thí dụ thì các Kitô hữu ở Trung Đông chủ yếu ủng hộ Bashar Assad. Còn nếu lấy nước láng giềng Libanon (làm thí dụ) thì ở đó phần lớn là những người Maronite hiện đang hiệp thông với Tòa Thánh. Cộng đồng người Maronite hiện đang là một lực lượng mạnh nhất trong đảng của Tổng thống Michel Aoun. Và Michel Aoun lại đang hợp tác với Bashar Assad. Vì vậy, chủ đề bảo vệ Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số là chủ đề then chốt mà theo đó nước Nga cần nói với Giáo hoàng”[10]. Cũng theo Alexei Makarkin, các vấn đề chính trị khác có thể chỉ được thảo luận theo những định thức chung, “theo kiểu cần phải giải quyết mọi vấn đề bằng các biện pháp hòa bình và đối thoại, mà trong đó mỗi bên có thể diễn giải theo cách có lợi cho mình”[11].

Tuy nhiên, theo ý kiến một số nhà báo nước ngoài, trong cuộc hội kiến riêng với Tổng thống Vladimir Putin, Giáo hoàng Phanxicô có thể bày tỏ sự lo ngại của EU về những căng thẳng mới phát sinh giữa Nga và Ukraina do việc Nga đơn giản hóa các thủ tục hành chính cấp hộ chiếu Nga cho các công dân vùng Donbas và Krưm. Những hành động này của chính quyền Moskva đã bị lên án ở EU. Chẳng hạn, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk, trong buổi tiếp Tổng thống mới đắc cử của Ukraina, Vladimir Zelensky, ngày 5 tháng 6 năm 2019 tại Brussels tuyên bố: “Chúng tôi lên án quyết định của nước Nga về việc cấp quyền công dân Nga cho công dân Ukraina tại vùng Donbas hay cho công dân Ukraina ở Krưm. Hành động này vi phạm thỏa thuận tại Minsk”[12].

Chủ đề về sự hòa hợp liên tôn ở Ukraina luôn được Giáo hoàng Phanxicô dành nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, trong buổi tiếp kiến riêng tại Tòa Thánh Vatican, ngày 10 tháng 6 năm 2019, dành cho nhóm đại biểu của Hiệp hội hỗ trợ các giáo hội Phương Đông (ROACO), Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ rằng, Ngài thường xuyên suy tư về đất nước Ukraina. Ngài nói: “Tôi không quên Ukraina, để đất nước này giành được hòa bình cho người dân của mình, tôi đã cố gắng làm giảm nhẹ những vết thương của họ do xung đột gây ra với sự hỗ trợ của các hoạt động từ thiện của nhiều cấu trúc giáo hội”[13]. Đồng thời, Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắc đến sáng kiến của Ngài nhằm thu nhận những đồ quyên góp của các Kitô hữu ở Châu Âu cho những người bị đói khổ do cuộc xung đột ở Ukraina. Theo lời Giáo hoàng Phanxicô, việc làm này của Ngài là nhằm “giảm nhẹ những vết thương do xung đột gây ra”.

Một điều thú vị là, cuộc hội kiến của Giáo hoàng Phanxicô với người đứng đầu Nhà nước Nga diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào các ngày 5 - 6 tháng 7 năm 2019, mà tại đó Giáo hoàng sẽ gặp người đứng đầu Công giáo Ukraina theo nghi lễ Hy Lạp, Tổng Giám mục Svyatoslav Shevchuk cùng các ủy viên thường trực của Hội đồng Thánh giáo và các tổng giám mục của Giáo hội Công giáo Ukraina theo nghi lễ Hy Lạp để thảo luận về tình hình tại nước này. Trong tuyên bố của Tòa Thánh Vatican viết: “Cuộc gặp này sẽ tạo cơ hội mới để phân tích một cách sâu sắc hơn đời sống và nhu cầu của Ukraina nhằm xác định xem Giáo hội Công giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo Ukraina theo nghi lễ Hy Lạp sẽ thuyết giảng Phúc Âm của Chúa Kitô như thế nào, giúp đỡ những người bị đau khổ, thúc đẩy hòa bình cùng với các cộng đồng Kitô giáo và các giáo hội khác”[14]. Cũng cần lưu ý rằng, hiện nay Giáo hoàng Phanxicô không chỉ mang lại lợi ích cho các tín đồ tại Ukraina, mà trước đó, ngày 1 tháng 6 năm 2019, Ngài đã thành lập giáo phận cho các tín đồ Công giáo theo nghi lễ Bizantin tại Kazakhstan và Trung Á với trung tâm đặt tại Karaganda.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà chính trị học Alexei Makarkin, vấn đề về sự ủng hộ của Giáo hoàng đối với các tín đồ Công giáo khó có thể được nêu ra trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin. Quan điểm của Giáo hội Công giáo về việc thống nhất các giáo hội xung quanh Tòa Thánh Vatican hiện đang bị phê phán. Nhưng Tòa Thánh Vatican vẫn tiếp tục ủng hộ đối với các giáo hội đang nằm trong khối liên minh.

Nhà tôn giáo học Yuri Tabak lại có quan điểm khác với ý kiến của nhà chính trị học Alexei Makarkin. Ông Yuri Tabak cho rằng, trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Tòa Thánh Vatican các vấn đế của Giáo hội vẫn có thể được đặt ra. Yuri Tabak nói :“Trong cuộc xung đột Nga - Ukraina trên mọi lĩnh vực, các vấn đề của Giáo hội luôn chiếm một vị trí đáng kể và là một vấn đề gay gắt trong quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, họ khó có thể đặt vấn đề này sang một bên. Hơn nữa, nước Nga có sự quan tâm trực tiếp đến việc khắc phục và quản lý tình hình ở Ukraina vì lợi ích của mình. Hiện nay có một số lượng lớn các giáo xứ của Tòa Thượng phụ Moskva đang ở trong tình trạng lo lắng chờ đợi một giải pháp cho tình hình hiện tại ở Ukraina. Được biết, cho đến nay tại đó vẫn đang xảy ra các trường hợp chiếm đoạt tài sản của Giáo hội. Và vì vậy, Vladimir Putin sẽ cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Giáo hoàng càng nhiều càng tốt để Tòa Thánh Vatican không ủng hộ lập trường của Tòa Thượng phụ Constantinople và Giáo hội Chính Thống giáo Ukraina. Hiện nay, làm việc này không quá phức tạp, bởi vì sự chia rẽ nghiêm trọng đang diễn ra trong cơ cấu tôn giáo mới được thành lập ở Ukraina. Tổng Giám mục Filaret Denisenko không công nhận quyền tự trị đã được (Tòa Thượng phụ Constantinople) ban cấp và ở đó đang diễn ra cuộc tranh giành quyền lực. Vị Tổng giám mục này đang muốn giành lại các quyền của mình từ Tòa Thượng phụ Constantinople”. “Trong những điều kiện như vậy, tất nhiên, Tòa Thánh Vatican sẽ rất thận trọng thực hiện chính sách riêng của mình, cố gắng giữ trung lập và không làm hỏng quan hệ với ai”[15].

Về phần mình, ngay trước chuyến viếng thăm Tòa Thánh Vatican, Tổng thống Vladimir Putin đã có bài trả lời phỏng vấn tờ The Financial Times. Ông nói: “Chúng tôi là người dân theo Chính Thống giáo ở nước Nga, và giữa thế giới Chính Thống giáo và thế giới Công giáo luôn có các vấn đề. Nhưng chính vì vậy mà bây giờ tôi sẽ nói về người Công giáo. Liệu ở đó có vấn đề không? Có. Nhưng không được phơi bày chúng ra và dùng các vấn đề này để hủy diệt chính Giáo hội Công giáo Roma - đó là điều không được làm. Tôi cảm thấy rằng, đôi khi có những yếu tố nào đó, những vấn đề nào đó trong Giáo hội Công giáo bắt đầu được các nhóm tự do chủ nghĩa này sử dụng như một công cụ tiêu diệt chính Giáo hội. Đây là điều tôi cho là không đúng và nguy hiểm”[16].

Tổng thống Vladimir Putin cũng nói thêm rằng, tôn giáo trong thế giới ngày nay không phải là thuốc phiện của nhân dân. Ông nhấn mạnh: “Có phải chúng ta đã quên rằng, tất cả chúng ta đang sống trong một thế giới dựa trên các giá trị của Kinh Thánh? Kể cả những người vô thần, tất cả chúng ta đều sống trong thế giới này. Có thể không nghĩ về điều này hằng ngày và không đến nhà thờ, không dập trán xuống sàn ở đó để chứng minh mình là người theo Kitô giáo hay người theo Islam giáo hay người theo Do Thái giáo, nhưng trong tâm hồn, trong trái tim cần phải có những nguyên tắc nhân văn và những giá trị đạo đức nào đó. Theo nghĩa này, đối với hàng triệu người, các giá trị truyền thống ổn định hơn, quan trọng hơn tư tưởng tự do chủ nghĩa, cái mà theo tôi, thực sự nó không còn tồn tại”[17].

Trước chuyến viếng thăm Tòa Thánh Vatican và hội kiến với Giáo hoàng Phanxicô của người đứng đầu Nhà nước Nga, ông Yuri Ushankov, trợ lý của Tổng thống Putin đã thông báo cho giới truyền thông về những vấn đề sẽ được thảo luận trong cuộc hội kiến này. Đó là một số vấn đề quốc tế cấp bách, đặc biệt là tình hình ở Syria, Ukraina và Venezuela. Theo Yuri Ushankov, Nga và Vatican có những quan điểm gần nhau, “thậm chí giống nhau” khi tiếp cận với các vấn đề như cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, ngăn chặn các thảm họa kinh tế và công nghệ gen, bảo vệ các Kitô hữu tại những vùng xung đột, giữ gìn các giá trị nhân văn chung, phát triển đối thoại liên tôn và đối thoại giữa các nền văn minh.

Yuri Ushankov đã nhắc tới dấu mốc 10 năm khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ và trao đổi đại sứ giữa nước Nga và Thành quốc Vatican (2009 - 2019). Nhân dịp này hai bên tích cực trao đổi các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật. Vị trợ lý của tổng thống Nga cũng nói thêm rằng, trong quan hệ giữa hai bên có một bộ phận không thể tách rời, đó là cuộc đối thoại giữa Giáo hội Chính Thống giáo Nga với Giáo hội Công giáo Roma. “Các quan hệ này đã đạt tới một mức độ mới sau cuộc gặp lịch sử diễn ra tại Havana ngày 12 tháng 2 năm 2016 giữa Thượng phụ Moskva và toàn Nga Kirill và Giáo hoàng Phanxicô. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ cuộc ly giáo năm 1054” [18].

Ngày 4 tháng 7 năm 2019, cuộc hội kiến giữa Giáo hoàng Phanxicô và Tổng Thống Vladimir Putin diễn ra tại Tông điện Vatican trong khoảng gần một giờ. Cũng như hai cuộc hội kiến trước, Tổng Thống Vladimir Putin tới muộn 45 phút so với dự kiến ban đầu. Kết quả của cuộc hội kiến đã làm hài lòng cả đôi bên.

Tại cuộc họp báo về kết quả cuộc hội đàm Nga - Italia, Tổng Thống Vladimir Putin đã thông báo với giới truyền thông về những vấn đề được thảo luận giữa ông với Giáo hoàng Phanxicô: “Chúng tôi đã đề cập tới các chủ đề về bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông và viện trợ nhân đạo cho Syria”. Hai bên đã đề cập tới tình hình ở Libya và Venezuela, cũng như thảo luận vấn đề phát triển quan hệ Nga - Vatican, trong đó có sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế. “Điều quan trọng là lập trường của Nga và Vatican hòa nhịp với nhau trong việc bảo vệ các giá trị truyền thống, thúc đẩy đối thoại liên tôn và đối thoại giữa các nền văn minh”. “Đây là cuộc trao đổi rất thiện chí về một số vấn đề mang tính chất quốc tế, cũng như về sự phát triển quan hệ song phương giữa Nga và Vatican…”[19].

Trong Tuyên bố báo chí của Tòa Thánh Vatican về kết quả cuộc hội kiến giữa Giáo hoàng Phanxicô với Tổng thống Vladimir Putin viết: “Trong các cuộc thảo luận thân hữu, hai bên bày tỏ sự hài lòng trước việc phát triển các mối liên hệ song phương, được củng cố hơn nữa nhờ các quy thức hiểu nhau được ký kết hôm nay liên quan tới việc hợp tác giữa Bệnh viện nhi khoa Bambino Gesu và các bệnh viện nhi khoa của Liên bang Nga”. Hai bên sau đó đã lưu tâm “tới một số vấn đề liên quan tới đời sống của Giáo hội Công giáo tại Nga”. “Hai bên tiếp tục xem xét vấn đề sinh thái và nhiều đề tài khác nhau liên quan đến quốc tế sự vụ hiện nay, nhất là có liên hệ với Syria,Ukraina và Venezuela”[20].

Theo ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Giáo hoàng Phanxicô đánh giá cao nỗ lực của Nga trong việc bảo vệ các thánh địa Kitô giáo ở Syria. Vị thư ký báo chí này cho biết thêm rằng, kết thúc cuộc hội kiến, Giáo hoàng Phanxicô đã trao tặng Tổng thống Vladimir Putin tấm huy chương rất độc đáo, Huy chương “Thiên thần bảo vệ hòa bình”. Được biết, Huy chương “Thiên thần bảo vệ hòa bình” trong 100 năm mới được trao một lần và Tổng thống Vladimir Putin là người thứ năm được trao huy chương này trong suốt 462 năm qua.

Được biết, trong cuộc hội kiến lần này, chủ đề về chuyến viếng thăm nước Nga của Giáo hoàng Phanxicô vẫn không được hai bên đề cập tới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu mà cả hai bên đều hiểu và mọi người cũng hiểu, đó là quan hệ giữa Giáo hội Công giáo Roma với Giáo hội Chính Thống giáo Nga còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong một sớm một chiều.

Mặc dù vậy, Giáo hội Chính Thống giáo Nga luôn hoan nghênh những cuộc tiếp xúc của Tổng thống Nga với Tòa Thánh Vatican. Liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến Vatican, người đứng đầu Ban Quan hệ với xã hội và truyền thông của Hội đồng Thánh giáo Tòa Thượng phụ Moskva, ông Vladimir Legoyda, đã viết: “Giáo hội Chính Thống giáo Nga không có nhiệm vụ bình luận về nội dung các cuộc gặp gỡ giữa các quốc gia, nhưng chúng tôi ủng hộ và hoan nghênh mọi cuộc tiếp xúc của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ, trong đó có cuộc tiếp xúc của Tổng thống V. V. Putin và Giáo hoàng Roma Phanxicô”[21]. Vladimir Legoyda giải thích rằng, Tòa Thánh là một thực thể tương tự như một nhà nước, tham gia vào các điều ước quốc tế và các tổ chức quốc tế, có các phái bộ ngoại giao ở nhiều nước. “Vì vậy, cuộc gặp gỡ của Tổng thống Nga với Giáo hoàng Roma, đó là cuộc gặp gỡ mà bản chất của nó mang tính chất giữa các quốc gia, tính chất thế tục”[22]. Nhưng giữa Nga và Vatican đều có những quan điểm giống nhau về một loạt vấn đề chính trị thế giới, coi trọng sự ủng hộ các giá trị truyền thống về hôn nhân và gia đình, bảo vệ các Kitô hữu ở những khu vực mà họ đang bị đàn áp. “Vì vậy, theo quan điểm của Giáo hội (Chính Thống giáo Nga), tất nhiên, cuộc gặp gỡ này là quan trọng và hữu ích”[23].

Giáo hội Chính Thống giáo Nga cũng đánh giá cao vai trò của Vatican trong việc đề ra các sáng kiến hòa bình và nhân đạo. Ông Stepan (Igumnov), Thư ký Ban đối ngoại giáo hội về các quan hệ liên Kitô giáo nhận xét: “Vai trò của Vatican, trong đó có việc đề ra những sáng kiến hòa bình và nhân đạo trên trường quốc tế, rất rõ ràng, giống như vai trò của nước Nga”[24].

Với những điều đã trình bày ở trên, tác giả bài viết hy vọng đến một ngày nào đó quan hệ giữa Giáo hội Công giáo Roma với Giáo hội Chính Thống giáo Nga sẽ sớm được cải thiện, giống như quan hệ giữa Nhà nước Nga với Thành quốc Vatican trong giai đoạn hiện nay và Giáo hoàng Công giáo Roma có thể đặt chân lên đất nước Nga trong sự đồng thuận giữa Nhà nước Nga với Tòa Thượng phụ Moskva và toàn Nga ./.

 

TS. Nguyễn Văn Dũng

 


[1] Theo thông tin của Kremlin.ru và Vatican News. Trích theo: Tin tức tôn giáo. Putin về người Công giáo. www.ng.ru/ng_religii/2019-07-02/11_news.html (tiếng Nga).

[2]  Xem: Milena Faustova. Tòa Thánh đang chờ đợi Vladimir Putin. www.ng.ru/ng_religii/2019-06-18/9_ 466_prestol.html (tiếng Nga).

[3]  Trích theo:  Bài và website đã dẫn 

[4]  Trích theo:  Bài và website đã dẫn 

[5]  Trích theo: Người Balkan. Giáo hoàng Phan xicô bắt đầu giáo hóa người Slav. www.ng.ru/ng_religii/2019-05-14/11_464_balkan.html (tiếng Nga).

[6]  Trích theo:  Bài và website đã dẫn 

[7]  Về cuộc gặp của Thượng phụ Kirill với Giáo hoàng Roma tại Cuba năm 2016 xin tham khảo thêm: Nguyễn Văn Dũng. Cuộc gặp gỡ lịch sử tại Cuba và sự chia rẽ trong Giáo hội Chính Thống giáo Nga. Tạp chí Công tác tôn giáo, số 5 – 2016, tr.21 – 23, 28.

[8]  Trích theo: Milena Faustova. Tòa Thánh đang chờ đợi Vladimir Putin. www.ng.ru/ng_religii/2019-06-18/9_ 466_prestol.html (tiếng Nga).

[9]  Trích theo: Vũ Văn An. Đức Phanxicô gặp Putin lần thứ ba tại Vatican. Catholicvideo.org/news/html/251211.htm

[10] Trích theo: Milena Faustova. Tòa Thánh đang chờ đợi Vladimir Putin. www.ng.ru/ng_religii/2019-06-18/9_ 466_prestol.html (tiếng Nga).

[11] Trích theo: Bài và website đã dẫn.

[12] Trích theo: Bài và website đã dẫn.

[13] Trích theo: Bài và website đã dẫn.

[14] Trích theo: Bài và website đã dẫn.

[15] Trích theo: Bài và website đã dẫn.

[16] Theo thông tin của Kremlin.ru và Vatican News. Trích theo: Tin tức tôn giáo. Putin về người Công giáo. www.ng.ru/ng_religii/2019-07-02/11_news.html (tiếng Nga).

[17] Trích theo: Bài và website đã dẫn.                                             

[18]  Trích theo: Tại Vatican Putin sẽ thảo luận việc khôi phục các thánh địa Kitô giáo tại Syria, thảo luận các dự án nhân đạo của người Công giáo ở Donbass và tình hình ở Venezuela. www.interfax-religion.ru/print.php?act=news&id=72969 (tiếng Nga).

[19]  Trích theo: Putin trao đổi với Giáo hoàng Roma về việc bảo vệ Kitô hữu ở Syria. www.interfax-religion.ru/print.php?act=news&id=72980 (tiếng Nga).

[20]  Trích theo: Vũ Văn An. Đức Phanxicô gặp Putin lần thứ ba tại Vatican.

Catholicvideo.org/news/html/251211.htm

[21]  Trích theo: Giáo hội Chính Thống giáo Nga hoan nghênh các cuộc tiếp xúc của Tổng thống Nga với Vatican.. www.interfax-religion.ru/print.php?act=news&id=72974 (tiếng Nga).

[22]  Trích theo: Bài và website đã dẫn.

[23]  Trích theo: Bài và website đã dẫn.

[24]  Trích theo: Giáo hội Chính Thống giáo Nga đánh giá cao vai trò của Vatican trong việc đề ra các sáng kiến hòa bình và nhân đạo. www.interfax-religion.ru/print.php?act=news&id=72976 (tiếng Nga).