Vài trao đổi về biểu hiện “văn nghệ” hóa trong nghi thức Hầu đồng (*)
Ngày đăng: 20/09/2019
Ngày 01/12/2016, nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ), mà dân gian vẫn gọi là nghi thức Hầu đồng, được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của cộng đồng tín đồ tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, của Nhân dân Việt Nam nói chung. Kể từ khi được UNESCO vinh danh, nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu như có thêm động lực để duy trì, phát triển. Qua khảo cứu thực tế nghi thức này trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn được giữ gìn, phát huy thì đã có những biểu hiện đem lại cảm giác lo ngại nhất định. Một trong những biểu hiện đó là sự “văn nghệ” hóa nghi thức Hầu đồng tại các điện thần. Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề cần thảo luận, xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh cho hợp lý để giữ gìn bản sắc và giá trị gốc rễ của hoạt động tín ngưỡng này.

Trước hết, chúng tôi xin được nhắc lại giới hạn nội dung bài viết là những biểu hiện có tính “văn nghệ” hóa nghi thức Hầu đồng tại các điện thần, tức là tại các lễ Hầu đồng, theo nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu, thực hiện tại các điện thờ, và do các thanh đồng thực hiện, nói cách khác, đó là nghi lễ Hầu đồng có mục đích tín ngưỡng. Còn với các giá đồng được biểu diễn trên sân khấu, có mục đích phục vụ người xem như một loại hình nghệ thuật, hoạt động ấy thuộc phạm trù khác, không phải phạm trù tín ngưỡng, tôn giáo, chúng tôi xin không trao đổi trong bài viết này.

Như chúng ta đã biết, Hầu đồng là một hoạt động tín ngưỡng có tính thiêng rất cao. Bản chất của việc hầu đồng, theo quan niệm và thực tế bao đời nay, là quá trình các vị thánh thần hồi dương, giáng thế, nhập vào người hầu đồng để làm việc tâm linh. Trong một lễ Hầu đồng, có hai nhóm đối tượng ở hai trạng thái và vị trí khác nhau. Nhóm thứ nhất là các vị thánh thần, nhóm thứ hai là những người trần mắt thịt, gồm: người hầu đồng, người hầu dâng (phục vụ trang phục, dụng cụ), cung văn (người đàn, hát), và những người khác. Trong hai nhóm đối tượng đó, thì nhóm thứ nhất giữ vai trò chủ chốt, chính yếu, quyết định, còn nhóm thứ hai mặc dù không thể thiếu, nhưng chỉ giữ vai trò là công cụ, phương tiện cho nhóm thứ nhất làm việc (hồi dương, nhập đồng). Trong Hầu đồng chúng ta thấy có sự hiện diện của các yếu tố mang tính nghệ thuật như âm/thanh nhạc, trang phục, đạo cụ, động tác/vũ đạo, bày trí/sắp đặt. Nhưng đó chỉ là các yếu tố rất phụ, không giữ vai trò quyết định, không mang tính bản chất, không phải là hồn cốt, không đem lại giá trị thực sự của nghi thức Hầu đồng.

Trong nghi thức Hầu đồng, cần đề cao tính thiêng, hướng đến yếu tố thiêng, phục vụ yếu tố thiêng, còn yếu tố trình diễn chỉ là cấu phần nhỏ, ít quan trọng, không chứa đựng hồn cốt của nghi thức.

Do tính thiêng rất cao, và là bản chất, nên nếu chúng ta không giữ gìn được tính thiêng trong Hầu đồng, thì cũng đánh mất chính giá trị đích thực của hoạt động tín ngưỡng này.

Hầu đồng, theo quan niệm của các tín đồ, và theo nghi thức cổ truyền, phải được thực hiện trong một không gian thiêng, đó là các điện thần, ngoài ra, không thể và không được thực hiện ở bất cứ một không gian nào khác. Không gian của Hầu đồng có hai đặc điểm: linh thiêng và uy nghiêm. Điều này, với tín đồ tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như với tất cả những người hiểu biết, là một sự đương nhiên, không cần tranh luận, vì chẳng có nơi thờ phụng nào của tín ngưỡng thờ Mẫu lại không được coi là không gian linh thiêng, uy nghiêm, và buộc mọi người phải trân trọng, nghiêm cẩn khi có mặt ở đó, nhất là khi làm lễ Hầu đồng (thời điểm các thánh thần được cầu thỉnh giáng trần, hiện diện trực tiếp tại không gian ấy). Nhiều nơi còn quy định chỉ một số đối tượng nhất định, với những tiêu chuẩn bắt buộc về nhân thân, gia đình, mới được có mặt ở những vị trí nào đó trong điện thần.

Có không ít câu chuyện về hệ quả tiêu cực mà ai đó phải gánh chịu khi làm việc bất nhã, khinh thường thánh thần tại những không gian thiêng, mà nói theo cách dân dã là bị thánh thần phạt. Mặc dù chúng ta chưa có số liệu thống kê mang tính khoa học để minh chứng những thông tin ấy, nhưng thường thì cái gì cũng có lý do của nó, và thực tế những việc đã diễn ra, mà chúng ta được biết, được thấy, thậm chí được trải nghiệm bởi chính bản thân, gia đình, họ mạc, hàng xóm của mình, thì mối liên hệ nhân quả đó vẫn là điều mà chúng ta khó có thể phủ nhận, và không dễ gì có thể bỏ qua.

Kể cả không đề cập tới hệ quả tiêu cực diễn ra trên thực tế khi vi phạm không gian và hoạt động thiêng, chỉ xét về ý thức con người, thì chúng ta cũng không thể và không được phép có những hành xử bất nhã, gây ồn ào, mất trật tự tại những không gian linh thiêng như tại các điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là nguyên tắc, và cũng là sự cấm kỵ.

Vậy mà, qua khảo cứu, chúng tôi nhận thấy, có nhiều hành vi vi phạm nguyên tắc và sự cấm kỵ ấy trong nghi thức Hầu đồng ở không ít nơi trong thời gian vừa qua. Xu hướng “văn nghệ” hóa nằm trong số đó, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự tôn nghiêm trong điện thần, cũng như giá trị cốt lõi của Hầu đồng.

Có thể nói, Hầu đồng đang có xu hướng bị “văn nghệ” hóa một cách thái quá, kể cả về tư duy và việc làm cụ thể. Điều đó, theo chúng tôi, là không nghiêm cẩn, thiếu thành kính với thánh thần, không phù hợp với bản chất đích thực của nghi thức này, và rất dễ chệch hướng, đánh mất hồn cốt của Hầu đồng. Vì vậy, có lẽ, đã đến lúc, những người làm công tác nghiên cứu, quản lý nhà nước, những tín đồ hiểu biết và trân trọng tín ngưỡng của mình, cần có sự trao đổi, xem xét, nghiên cứu, từ đó rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho phù hợp. Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể của việc “văn nghệ” hóa Hầu đồng đã diễn ra mà chúng tôi được chứng kiến:

Thứ nhất, trước khi lên khăn áo để hầu thánh, thường có lễ cúng. Cũng như các lễ cúng khác trong thời gian gần đây, nhiều người đã dùng trống cái, thanh la cỡ lớn, tạo ra âm lượng quá to, rồi dùng cả tăng âm công suất lớn, như kiểu một buổi biểu diễn văn nghệ có rất đông khán giả. Việc làm ấy đã gây huyên náo điện thần.

Thứ hai, cũng trước khi hầu, có những nhóm cung văn và/hoặc người đi dự hầu, kể cả pháp sư, thanh đồng, cao hứng, tiện có đàn nhạc, tăng âm, làm ngay vài tiết mục theo kiểu ca nhạc tổng hợp, hát hò đủ thể loại, thậm chí còn tập gõ bộ trống, thanh la, ngay trong điện thần. Giống hệt như chúng ta thường thấy trước một buổi biểu diễn văn nghệ nghiệp dư, quần chúng. Trong câu chuyện này phản ánh cả tư duy cũng như biểu hiện cụ thể của tính “văn nghệ” hóa một cách thái quá liên quan đến Hầu đồng.

Thứ ba, nhiều thanh đồng trang điểm, tô vẽ khuôn mặt quá đậm, biến khuôn mặt mình thành một hình dạng khác, y như diễn viên Tuồng, Chèo, Cải lương khi lên sân khấu. Với hình dạng ấy, khi hầu, nhìn giống như đang diễn kịch.

Thứ tư, chúng tôi nhận thấy, nhiều vấn hầu chuẩn bị trước quần áo, trang bị, dụng cụ của một số giá đồng nhất định. Thế rồi hầu đúng những giá đã chuẩn bị trước đó. Đây là biểu hiện rõ ràng của tính chất kịch bản văn nghệ. Còn Hầu đồng đúng nghĩa không thể như vậy, người hầu không thể biết giá nào thánh thần sẽ  giáng đồng để mà chuẩn bị trang phục chỉ cho những giá đồng ấy.

Thứ năm, trong khi hầu, tiếng hát tiếng nhạc dùng nhiều loa thùng lớn, giống như kiểu phục vụ khán giả xem sân khấu trong phạm vi rộng, tạo ra âm thanh quá to, gây ồn ào quá mức trong điện thần. 

Thứ sáu, sự quá giống nhau giữa trang phục hầu đồng với trang phục biểu diễn kịch nghệ. Trong một số vấn hầu, các thanh đồng còn sử dụng trang phục, đạo cụ như diễn kịch hiện đại, có cả mũ phớt, kính đen, thậm chí cả súng trường, súng AK. Bên cạnh ấy, dường như còn có một cuộc ngầm chạy đua về độ cao sang của trang phục hầu đồng, tựa như sự cạnh tranh về trang phục giữa những đoàn văn công để thu hút khán giả.

Thứ bảy, tại nhiều vấn hầu, đa phần động tác thể hiện trong các giá hầu quá giống với các động tác múa/vũ đạo của diễn kịch, văn nghệ. Cá biệt, có những vấn hầu, tại nhiều giá, thanh đồng sử dụng đúng một loại động tác tương tự như nhảy Disco.

Thứ tám, chúng tôi đã khảo sát lời phán truyền của rất nhiều giá đồng, vấn hầu, thấy gần như trùng khít về nội dung. Vẫn biết Hầu đồng có những điểm chung nhất định. Nhưng bản chất của Hầu đồng là thánh nhập, vậy thì không thể có chuyện tất cả các thánh, ở tất cả các giá, trong tất cả các vấn, tại tất cả các điện thần, đều có lời phán gần như giống hệt nhau được. Đây chắc chắn là lời diễn đã chuẩn bị trước, và/hoặc thanh đồng đã biết từ trước, thuộc từ trước, hệt như khi diễn kịch. Việc này, theo chúng tôi, giới học giả và các thanh đồng cần nghiên cứu tìm ra giải pháp phù hợp. Cho dù việc “thánh phán” dưới hình thức và nội dung như vậy đã có từ bao giờ đi nữa, thì việc người trần cố ý phán thay lời thánh, theo chúng tôi, đó là việc làm không phải phép, và còn làm mất đi tính thiêng của Hầu đồng.

Thứ chín, việc phát lộc tại nhiều vấn hầu cũng rất sắp đặt. Thánh ban lộc, nhưng nhiều giá chỉ phát cho người thân quen của mình, phát theo mối quan hệ và/hoặc vị thế của người được nhận. Điều này có thể đúng với một quan điểm nào đó, nhưng có lẽ không phải là cách phát lộc của thánh thần, và rất dễ khiến chúng ta liên tưởng tới sự sắp đặt của kịch bản.

Hồng Long

 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, Trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ giới thiệu để bạn đọc tham khảo.