Tín ngưỡng người Hungary
Ngày đăng: 22/08/2019Tín ngưỡng của người Hun Trung Á. Vị thần tối cao và duy nhất của người Hun là Trời (trong tiếng Hun cổ và tiếng Hungary ngày nay là Tengri, tương đồng với tiếng Hán là Thiên lý), ngoài ra còn có các thực thể mang tính chất thần thánh khác là Mặt Trời, Mặt Trăng, Nước, Lửa và các cây thần.
Người Hung chỉ tôn thờ Trời, còn các thứ kia họ chỉ kính trọng, Trời và những thực thể đó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của họ. Tóm lại cũng như các dân tộc du mục khác ở Trung Á người Hun có tín ngưỡng độc thần, vua được coi là con Trời. Theo đức tin của họ thì ngựa là con vật của Trời, tuần lộc là con vật của Mặt Trời. Tổ tiên đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của họ, họ cho rằng tổ tiên hiện diện trên trần thế dưới hình thức các con vật.
Dân du mục trên đồng cỏ tuy có tín ngưỡng độc thần là Ông Trời, họ liên hệ với Trời thông qua các thực thể của thế giới tinh thần (tâm linh) còn gọi là các pháp sư. Họ hiểu rằng Tạo Hóa hiện diện quanh họ, một phần các nghi lễ gắn với các thực thể thế giới tâm linh. Họ sống ở đó gắn bó chặt chẽ với tự nhiên và tôn kính các yếu tố tự nhiên không cần đến các nghi lễ tôn thờ nào. Trong thế giới đức tin họ nhân hóa bầu trời, các thiên thể và các sức mạnh tự nhiên, nhưng Trời (hay Thượng đế) lại rất cao xa. Trời dùng chim săn làm sứ giả đưa tin cho con người. Tín ngưỡng của họ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội và trong các tổ chức quân sự. Trong tín ngưỡng của người Hungary thời lập quốc Trời là chúa tể và thủ lĩnh thống trị thần dân của họ là theo ý Trời. Tín ngưỡng của người Hungary xưa không khác mấy tín ngưỡng của những dân du mục Trung Á khác, họ cùng di chuyển trên một vùng đất, cùng sống dưới một bầu trời, cùng trải nghiệm những tác động của cùng một dạng thiên nhiên, có cùng kiểu sống và trình độ phát triển nên đã hình thành quan niệm tín ngưỡng giống nhau. Vì lẽ đó các tác giả phương Tây có một cái nhìn chung về người Skita, người Hun, người Avar là những bộ tộc du mục khác giống như nhìn nhận người Hungary. Điều đặc biệt là tín ngưỡng của dân du mục Finugor được cho là có họ hàng với người Hungary cổ đại lại không có điểm gì chung với tín ngưỡng người Hungary xưa.
Công việc chăn cừu lẫn với chăn bò không đòi hỏi nhiều sức lực cơ bắp để lựa chọn và bảo vệ chúng, mà đòi hỏi phải chú ý quan sát và năng lực thấy trước vấn đề; công việc đó dạy người ta biết định hướng, ra lệnh và thống trị. Trong khi dân sống bằng nghề săn bắn nhìn con mồi bằng nỗi sợ mê muội và thấy ở trong đó sự tác động của những sức mạnh siêu nhiên thì người chăn đại gia súc lại điều chỉnh quan hệ của họ với đàn cừu bằng sự tỉnh táo và tính toán lợi ích.
Đặc trưng của dân nuôi đại gia súc là có cuộc sống định hướng cẩn trọng và chắc chắn, quan niệm tôn giáo của họ với thế giới cũng vậy. Cuộc sống lang thang trên đồng cỏ vô tận, nhìn lên bầu trời rộng mở họ thấy sự hài hòa của vũ trụ. Trong con mắt người chăn thả tất cả những con vật thuần dưỡng đã đánh mất bản năng bí mật của chúng, trong khi đó lối sống của những loài chim hoang dã còn bí ẩn nên chúng đã trở thành sứ giả đưa tin của họ. Truyền thuyết về chim ưng đã nuôi dưỡng niềm tin của họ về biểu tương totem của dân tộc Hungary, totem chim ưng cũng tạo nên cơ sở niềm tin về xuất phát dân tộc của những sắc dân du mục khác. Giới thống trị Hungary xưa luôn hướng con người ta tin tưởng vào truyền thuyết giòng giống chim ưng của dân tộc mình, cho mãi tới thời kỳ thủ lĩnh Geza thống trị thì chim ưng vẫn là biểu tượng chủ đạo của dân tộc. Nguồn gốc huyền thoại này đảm bảo vững chắc những khả năng, sự thông thái, tính anh dũng và tuấn kiệt có giá trị to lớn trong nhân dân Hungary mãi cho tới thời kỳ Công giáo vẫn không thể thoát ra được.
Thế giới tư tưởng này phản ánh quan niệm về thống trị của các dân tộc du mục Á-Âu. Truyền thống liên quan đến nguồn gốc của các dân tộc du mục Trung Á bao trùm lên quá trình thực tế hình thành đế chế một màn sương của thế giới tưởng tượng huyền bí mang tính chất tôn giáo và truyền thuyết, từ những truyền thuyết này sinh ra các thủ lĩnh mang tính chất gia đình trị được khoác lên mình chiếc áo anh hùng có sức mạnh siêu nhiên. Như vậy các thủ lĩnh dân du mục Trung Á thay mặt Trời (hay Thượng đế) để cai quản dân chúng, và họ cai quản vì đức nhân từ của Trời.
Xuất phát từ những quan điểm như vậy nên tổ chức nhà nước và hệ thống quân đội đều mang màu sắc tôn giáo. Sự cai trị của đế chế về mọi mặt phải hòa hợp với ý Trời, kể các các cuộc chinh chiến mang lại lợi ích vật chất cũng phải tuân theo nguyên tắc đó. Người Hun chỉ tấn công trong thời kỳ trăng tròn, và bốn phương trời trong truyền thuyết đóng vai trò quan trọng, mỗi phương trời được gán cho một màu riêng, phương Đông màu xanh. Phương Tây màu trắng, phương Bắc màu đen và phương Nam màu đỏ. Mỗi cánh quân của người Hun dùng một loại ngựa có màu lông tương ứng. Mọi thể hiện về đời sống của dân du mục Trung Á đều gắn với các nghi lễ tôn giáo trong suốt cuộc đời. Điều này Công giáo châu Âu không hiểu nổi, các quan niệm về cuộc đời, về tôn giáo của họ khác xa với châu Âu. Trong thiên niên kỷ đầu tiên người châu Âu đánh giá dân du mục là vô thần và đối nghịch với Công giáo. Trong tín ngưỡng xưa của người Hungary có trật tự rõ ràng, trên là Trời, dưới là Đất và ở giữa là Người. Trên đỉnh tháp loài người là thủ lĩnh có quyền lực không hạn chế, trong dân cơ sở của cuộc sống là gia đình, giòng họ, bộ tộc và toàn bộ sức sản xuất của dân hình thành nên đế chế thiêng liêng, đồng hành với đế chế quyền lực siêu nhiên. Sinh diệt của toàn sắc dân tuân theo trật tự nhất định, từ sự chết sẽ nảy sinh ra sự sống mới.
Trong biên niên sử bằng tranh kể về thời kỳ chiếm đất lập quốc có nhắc đến thủ lĩnh Arpad đã “xin đức nhân từ của Chúa…”, và cũng có thể thấy trên cổ phụ nữ có đeo chữ thập Bizanci, hay trong các di chỉ khảo cổ các mộ táng của người Hungary thời đó có khóa thắt lưng tạc hình Thánh giá. Tổ tiên người Hungary dù ở Trung Á hay sau này chủ yếu ở vùng Kakaz chắc chắn đã tiếp xúc với đạo Công giáo, nơi này vào năm 285 đã lấy Công giáo làm tôn giáo chính thống, và những Giám mục cũng đã đến truyền giáo trong cộng đồng tổ tiên của người Hungary. Vào khoảng năm 926, Giám mục Prumwart, rồi năm 954 Thánh Wikbert đã đến truyền giáo cho những chiến binh trong các cuộc “phiêu lưu” của người Hungary. Theo ghi chép của lịch sử thì khoảng từ năm 945 đến 948 Tomas (chắt của Arpad người lập nên nước Hungary), và năm 953 Đại thủ lĩnh Gyula được làm lễ nhập đạo tại Constantinop, sau đó thủ lĩnh Ajtony, Geza và Istvan (sau này được phong thánh) đã được nhập đạo tại Vidin. Như vậy là từ giữa thế kỷ thứ X con cháu của Arpad đã gia nhập Công giáo, tạo tiền đề cho công cuộc thành lập nước Hungary phong kiến theo Công giáo sau này.
Theo ubđkcgvn