Đôi nét về cái gọi là thuế nhà thờ ở các nước Tây Âu
Ngày đăng: 08/10/2019
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Công tác Tôn giáo số 8 năm 2017 chúng tôi đã đề cập tới thực trạng nhà thờ Kitô giáo ở một số nước Châu Âu. Theo đó, số lượng nhà thờ Kitô giáo ở châu lục này đang ngày một sụt giảm. Một số nhà thờ bị đóng cửa, số khác bị phá bỏ hay bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Nguyên nhân của hiện tượng này có nhiều, trong đó có việc sụt giảm số lượng tín đồ đi lễ nhà thờ và khả năng tài chính của các giáo hội địa phương có hạn, không đủ để duy trì sự tồn tại và hoạt động của các nhà thờ.

Ở bài viết này chúng tôi đề cập tới một khía cạnh khác, đó là thực trạng việc thu thuế nhà thờ ở các nước Tây Âu. Hiện nay, việc thu cái gọi là thuế nhà thờ được thực hiện thay mặt các tổ chức tôn giáo được công nhận chính thức ở một số nước Tây Âu. Đối tượng thu thuế là tất cả các thành viên đã đăng ký với giáo hội. Số tiền thu được hằng năm lên tới hàng tỷ euro và là nguồn thu nhập lớn cho các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, những người ủng hộ sự tồn tại tách biệt giữa nhà nước và giáo hội lại cho rằng, hệ thống thu thuế nhà thờ hiện nay đang vi phạm quyền tự do tôn giáo và kêu gọi hủy bỏ hệ thống này.

Liên quan đến vấn đề này đang xuất hiện một loạt câu hỏi: Liệu người Châu Âu có sẵn sàng từ bỏ sự hỗ trợ tài chính cho các tôn giáo có tổ chức? Tại sao nhiều người vẫn tiếp tục trả thuế nhà thờ nhưng lại ít đi lễ ở nhà thờ? Liệu thực tiễn này có kích động sự thế tục hóa?

Tất cả những câu hỏi trên đã được các nhà nghiên cứu thuộc Pew Research Center (Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ) trả lời trong một công trình nghiên cứu mới đây về thuế nhà thờ ở các nước Tây Âu. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Pew Research Center, tại Châu Âu có một bộ phận đáng kể người dân vẫn duy trì truyền thống nộp thuế cho các tổ chức tôn giáo ở những nước mà pháp luật quy định. Cụ thể, tại châu lục này có 6 nước là Đan Mạch, Áo, Thụy Sĩ, Đức, Phần Lan và Thụy Điển có quy định các thành viên của các nhà thờ Kitô giáo phải có những khoản đóng góp bắt buộc cho các tổ chức tôn giáo của mình. Trong một số trường hợp các thành viên của các nhóm tôn giáo khác cũng có quy định như vậy. Khoản đóng góp bắt buộc này được gọi là thuế nhà thờ và phần lớn người dân ở các nước này khẳng định rằng họ sẵn sàng đóng loại thuế này. Chẳng hạn, ở Đan Mạch có tới 80% công dân đóng thuế nhà thờ, ở Áo con số này là 76%, ở Thụy Sĩ - 74%, ở Đức và Phần Lan - 71% và ở Thụy Điển - 68%.

Nghiên cứu của Pew Research Center cũng cho thấy một số công dân Châu Âu đã ngừng đóng thuế nhà thờ. Tuy nhiên, số người ngừng đóng loại thuế này không nhiều. Chẳng hạn, ở Thụy Sĩ có 8% tín đồ nói rằng trước đây họ đã từng nộp thuế nhà thờ, nay từ chối nộp. Con số này ở Áo và Đan Mạch là 10%, ở Đức - 11%, còn ở 2 nước Bắc Âu số người trước đây đã nộp thuế nhà thờ nay từ chối nộp cao hơn chút ít, cụ thể, ở Thụy Điển - 18% và ở Phần Lan - 20%. Ngoài ra, có khoảng từ 8% đến 18% người dân ở 6 nước nói trên chưa bao giờ nộp loại thuế này.

Các nhà nghiên cứu của Pew Research Center cũng khảo sát về dự định ngừng nộp thuế nhà thờ của các công dân Châu Âu trong tương lai. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong tương lai gần phần đông người dân Châu Âu vẫn không thay đổi truyền thống của mình và tiếp tục nộp thuế nhà thờ cho các tổ chức tôn giáo. Có tới 88% số người được hỏi ở Đan Mạch và 87% số người được hỏi ở Phần Lan trả lời rằng, họ khó có thể từ chối việc nộp thuế nhà thờ. Câu trả lời tương tự ở Đức và Thụy Điển là 78%, ở Áo - 77% và ở Thụy Sĩ - 72%. Số người trả lời “sắp tới” hoặc “có thể” ngừng nộp thuế nhà thờ ở Thụy Sĩ là 26%, ở Áo - 22%, ở Đức – 21%, ở Thụy Điển - 20%, ở Phần Lan - 11% và ở Đan Mạch - 10%.

Phần đông những người thường xuyên đóng góp tiền cho cộng đồng là các tín đồ Kitô giáo. Trong khi đó tại Đan Mạch có 22% số người nộp thuế nhà thờ nhận mình là công dân không thuộc tôn giáo nào. Con số này ở Thụy Điển là 32%, trong khi đó ở Phần Lan chỉ có 7%, ở Đức - 6%, ở Thụy Sĩ - 4% và ở Áo - 3%. Tại các nước này cũng có khoảng từ 2% đến 4% số người nộp thuế nhà thờ là tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Trong số những người từ chối nộp thuế nhà thờ phần đông là những công dân không thuộc tôn giáo nào, nhưng cũng có một số tín đồ Kitô giáo không muốn nộp thuế nhà thờ. Con số tín đồ Kitô giáo không muốn nộp thuế nhà thờ ở Phần Lan là 34%, ở Áo - 32%, ở Thụy Điển - 24%, ở Đan Mạch - 23%, ở Đức - 20% và ở Thụy Sĩ - 17%. Những người không nộp thuế nhà thờ thuộc các tôn giáo khác ở các nước này chiếm khoảng từ 4% đến 17%.

Tại Áo có 60% số người nộp thuế nhà thờ nói rằng tôn giáo có một vị trí quan trọng trong đời sống của họ. Còn ở Thụy Sĩ và Đức con số này là 58%, ở Phần Lan - 44%. Ở hai nước  Đan Mạch và Thụy Điển số người nộp thuế nhà thờ thừa nhận rằng tôn giáo có một vị trí quan trọng trong đời sống của họ ít hơn nhiều so với 4 nước nói trên: ở Thụy Điển - 29%, ở Đan Mạch - 28%. Điều này lý giải một điều rằng, một bộ phận đáng kể công dân các nước Tây Âu tuy vẫn tham gia đóng thuế nhà thờ nhưng họ ít khi tham dự các buổi lễ tại nhà thờ. Con số khảo sát của Pew Research Center cho thấy, số người nộp thuế đi lễ nhà thờ một lần hay ít hơn một lần trong một năm ở Thụy Sĩ là 46%, ở Áo - 52%, ở Đức - 54%, ở Thụy Điển - 63%, ở Đan Mạch - 69% và ở Phần Lan - 81%.

Kết quả nghiên cứu của các nhà xã hội học thuộc Pew Research Center cũng chỉ ra rằng, nhiều người trong số những người nộp thuế nhà thờ ủng hộ nguyên tắc tách giáo hội khỏi nhà nước. Tại Thụy Sĩ có 48% số người nộp thuế nhà thờ đề nghị tôn giáo cần phải tách khỏi chính trị. Con số này ở Áo là 50%, ở Đức - 52%. Còn đối với các nước Bắc Âu số người nộp thuế nhà thờ đòi tách tôn giáo khỏi chính trị cao hơn nhiều: ở Phần Lan là 74%, ở Đan Mạch - 75%  và ở Thụy Điển -77%.

Một câu hỏi khác được đặt ra là: Ở những nước nào người dân tích cực đóng thuế nhà thờ trên cơ sở tự nguyện? Các nhà xã hội học thuộc Pew Research Center đã phỏng vấn người dân 2 nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Kết quả khảo sát cho thấy, ở 2 nước này số người dân tham gia đóng thuế nhà thờ rất ít: ở Tây Ban Nha là 27%, còn ở Bồ Đào Nha chỉ có 14%, trong khi đó số người dân đi lễ nhà thờ hằng tháng ở Tây Ban Nha là 23% so với con số 36% ở Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Pew Research Center cũng lưu ý rằng, người dân ở Bồ Đào Nha có thái độ phê phán giáo hội nhiều hơn người dân ở Tây Ban Nha. Số liệu khảo sát cho thấy, 56% số người nộp thuế nhà thờ ở Bồ Đào Nha cho rằng giáo hội và các tổ chức tôn giáo khác quá quan tâm đến tiền bạc và quyền lực, trong khi đó con số này ở Tây Ban Nha chỉ là 26%. Ở Bồ Đào Nha có 41% số người đóng thuế nhà thờ cho rằng, giáo hội tham gia quá nhiều vào chính trị, trong khi đó chỉ có 28% số người đóng thuế nhà thờ ở Tây Ban Nha tán đồng với nhận định này.

Vậy tại sao những người ít đi lễ nhà thờ và muốn tách giáo hội khỏi nhà nước cũng như những người không đánh giá cao các tổ chức tôn giáo lại vẫn tiếp tục nộp thuế nhà thờ? Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu thuộc Pew Research Center, một trong những nguyên nhân có thể giải thích ở đây là: ở các nước có chính sách thuế nhà thờ bắt buộc, mọi người khi chịu lễ rửa tội tại nhà thờ thì thường họ đã được đăng ký vào sổ sách của nhà thờ. Để tránh khỏi phải chịu khoản thuế này, họ cần phải chính thức từ chối đăng ký tham gia vào tổ chức tôn giáo đó. Việc chính thức rời bỏ giáo hội và từ bỏ một phần bản sắc của mình đòi hỏi họ phải có những sự nỗ lực tâm lý cực lớn, vì vậy nhiều người giữ mình không từ bỏ tôn giáo ngay cả khi họ không còn đức tin. Ngoài ra còn một lý do khác, đó là, người Châu Âu có xu hướng coi các cơ sở tôn giáo như các tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội để giúp đỡ những người nghèo khó.

Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu này, các nhà xã hội học của Pew Research Center không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng nào giữa sự hiện diện của thuế nhà thờ bắt buộc ở các nước thế tục hóa. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu thuộc Pew Research Center cũng giả định rằng, gánh nặng thuế nhà thờ có thể là một trong những yếu tố đẩy người dân rời xa tôn giáo. Các nhà xã hội học của Pew Research Center không tìm được bằng chứng để chứng minh rằng, ở các nước Tây Âu, những nơi có chính sách thu thuế nhà thờ số lượng tín đồ Kitô giáo giảm nhanh hơn ở những nước không thu loại thuế này. Số liệu khảo sát cho thấy, ở 6 nước Tây Âu có thu thuế nhà thờ tỉ lệ tín đồ Kitô giáo so với dân số như sau: Ở Thụy Điển số tín đồ Kitô giáo chiếm 52% dân số, ở Áo - 80%, ở Đan Mạch - 65%, ở Đức - 71%, ở Thụy Sĩ - 75% và ở Phần Lan con số này là 77%. Trong khi đó ở các nước Tây Âu khác không thu thuế nhà thờ, kể cả sự đóng góp tự nguyện, số tín đồ Kitô giáo so với dân số cũng có tỉ lệ tương tự từ 41% ở Hà Lan đến 80% ở Ireland, ở Na Uy con số này là 51%, ở Bỉ - 55%, ở Pháp - 64% và ở Vương quốc Anh - 73%.

Tóm lại, từ những số liệu khảo sát của Pew Research Center về thuế nhà thờ ở các nước Tây Âu cho thấy: một là, việc thu thuế nhà thờ hay không thu loại thuế này không phải là nguyên nhân chính dẫn đến đến sự giảm sút số lượng tín đồ Kitô giáo ở châu lục này, vì vậy trong tương lai gần loại thuế này có thể vẫn tiếp tục tồn tại để góp phần duy trì những hoạt động của các nhà thờ Kitô giáo, trong đó có các hoạt động xã hội - từ thiện; hai là, nguyên nhân những người không còn đức tin tôn giáo vẫn đóng thuế nhà thờ nằm ở yếu tố tâm lý nhiều hơn là ở yếu tố tôn giáo; ba là, ngày càng gia tăng số tín đồ Kitô giáo từ chối việc nộp thuế nhà thờ; bốn là, mặc dù vẫn tham gia đóng thuế nhà thờ nhưng ở các nước Tây Âu đang nổi lên một trào lưu đòi tách giáo hội khỏi nhà nước, tách nhà thờ khỏi các hoạt động chính trị.

 

TS. Nguyễn Văn Dũng