Đặc điểm tôn giáo và công tác vận đồng quần chúng tôn giáo ở tỉnh Cà Mau
Ngày đăng: 15/10/2020

Tỉnh Cà Mau có 06 tôn giáo đang hoạt động, gồm: Phật giáo, Cao Đài, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo và Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có 157 tổ chức tôn giáo trực thuộc, hơn 1.190 chức sắc và 1.900 chức việc, khoảng  374.000 tín đồ các tôn giáo. Bên cạnh đó, còn có các loại hình sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đa dạng, phong phú, với khoảng 550 cơ sở tín ngưỡng dân gian khác đang hoạt động. Nắm vững chủ trưởng của Đảng, của Chính phủ và bám sát tình hình thực tế ở địa phương trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh Cà Mau đã thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng các tôn giáo trong xây dựng phát triển quê hương, Đất nước. Đây chính là thành tựu, là cơ sở để hướng tới chào mừng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI sắp diễn ra.

 

1. Xuất phát từ thực tế của địa phương

Là tỉnh thuộc châu thổ sông Cửu Long, nằm về phía cực Nam của Tổ quốc, được tái lập năm 1997 (tách ra từ tỉnh Minh Hải). Có diện tích tự nhiên 5.211 km2, bằng 1,58% diện tích cả nước, chiếm 13,13% diện tích và đứng hàng thứ bảy trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 351.343 ha đất nông nghiệp, 103.563 ha đất rừng; bờ biển dài 254 km, vùng biển thuộc chủ quyền nước ta gần 100.000 km2. Điểm cực Nam: 8034’ vĩ độ Bắc, điểm cực Bắc: 9033’ vĩ độ Bắc, điểm cực Đông: 105025’ kinh độ Đông; điểm cực Tây: 104043’ kinh độ Đông.

Đơn vị hành chính có 01 thành phố thuộc tỉnh (được công nhận thành phố loại II theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 06/8/2010) và 8 huyện, đó là: Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Thới Bình, Trần Văn Thời, Phú Tân, U Minh, với 101 xã, phường, thị trấn; 949 ấp, khóm; 14 thành phần dân tộc đang sinh sống, đông nhất là người Kinh, Khmer và người Hoa.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 06 tôn giáo được Nhà nước công nhận pháp nhân đang hoạt động, đó là: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo và Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có 157 tổ chức tôn giáo trực thuộc, hơn 1.190 chức sắc và 1.900 chức việc, khoảng  374.000 tín đồ các tôn giáo. Bên cạnh đó, còn có các loại hình sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đa dạng, phong phú, với khoảng 550 cơ sở tín ngưỡng dân gian khác đang hoạt động.

Đồng bào các tôn giáo trong tỉnh Cà Mau từng gắn bó đoàn kết từ thời mở đất, khai hoang trên nhiều phương diện: phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo... sống đan xen trong cộng đồng dân cư trên địa bàn của tỉnh. Cơ sở chùa chiền, thánh thất, nhà thờ đã xây dựng trước đây, cũng như hiện nay sen kẽ ở các khu vực dân cư tạo nên một nét đặc trưng văn hoá vùng miền trên bán đảo Cà Mau.

Thông qua thực tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau, chúng tôi nhận thấy tôn giáo ở Cà Mau có một số đặc điểm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đa dạng về các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, ở Cà Mau gần như có tất cả các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống ở Việt Nam. Quá trình tồn tại và phát triển của các loại hình tôn giáo ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc gắn liền với hành trình của những người đi khai hoang lập ấp, tìm kế sinh tồn qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử. Mặc dù là vùng đất mới, nhưng số lượng tín đồ các tôn giáo chiếm trên 30% dân số trong toàn tỉnh. Đa dạng về các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, có tôn giáo ngoại nhập như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và tôn giáo nội sinh gồm: Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam và Phật giáo Hòa Hảo. Cùng với các loại hình tín ngưỡng dân gian của đồng bào Khmer, đồng bào người Hoa, người Kinh…

Thứ hai, các tôn giáo ở Cà Mau có quy mô, lịch sử phát triển khác nhau. Từng tôn giáo khác nhau, có mức độ phù hợp với nhu cầu tâm linh khác nhau, nên số lượng tín đồ của các tôn giáo có sự chênh lệch rõ rệt. Có tôn giáo có đến hàng trăm ngàn tín đồ (Phật giáo), nhưng có tôn giáo chỉ vài trăm (Hệ phái Tin Lành Nhân chứng Giê – hô – va), chủ yếu các tôn giáo có mặt trên địa bàn tỉnh Cà Mau tập trung nhất là những năm đầu của thế kỷ XX. Có những hệ phái Tin Lành được truyền đến muộn hơn như: Giáo hội Báp-tít Việt Nam, Liên hữu Cơ đốc, Cơ đốc Phục lâm, Truyền giảng phúc âm… trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

Thứ ba, các cộng đồng tôn giáo ở Cà Mau thường tồn tại xen kẽ với nhau hoặc với người không theo tôn giáo. Hầu như không có địa bàn ấp, xã nào mà đại đa số dân cư chỉ theo một tôn giáo nhất định. Tín đồ các tôn giáo trên cùng một địa bàn sống với nhau đoàn kết, tôn trọng tín ngưỡng của nhau và quan hệ với nhau khá mật thiết trong tình làng nghĩa xóm. Quan hệ hôn nhân giữa những người có tôn giáo khác nhau là việc bình thường. Nhìn chung, tín đồ các tôn giáo ở Cà Mau có mức độ am hiểu giáo lý của tôn giáo mình tin theo khác nhau, đôi khi còn chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng tôn giáo khác, niềm tin tôn giáo của quần chúng tín đồ có nơi khá sâu sắc nhưng nhìn chung không cuồng tín. Trong những khu vực tại cơ sở thờ tự như chùa của Phật giáo lại là nơi sinh hoạt gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mà phổ biến nhất là chùa Phật giáo Nam tông Khmer, thường là nơi diễn ra các lễ, tết, như Chôl-Chnăm –Thmây, Sen-Dol-ta…

Thứ tư, tuyệt đại đa số các tín đồ tôn giáo trong tỉnh là người lao động, có đa dạng về thành phần nhưng chủ yếu vẫn là nông dân. Dù họ là tín đồ của tôn giáo nào, có quá khứ lịch sử chính trị ra sao, thì bản chất vẫn là người lao động, có lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó với quê hương, đất nước, có tinh thần đoàn kết cộng đồng. Trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, tín đồ các tôn giáo vẫn tiếp tục giữ vững truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “Tốt đời – đẹp đạo”. Thực hiện đường hành đạo “nước vinh, đạo sáng”, “Đạo pháp – Dân tộc – Chủa nghĩa xã hội”… và tiếp tục có những đóng góp thiết thực trong phát triển quê hương, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, tình hình đời sống vật chất, tinh thần của các tôn giáo trên địa bàn của tỉnh những năm gần đây ở Cà Mau được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Trong những năm gần đây và đặc biệt là từ khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi đời sống của nhân dân trong tỉnh đã có phần được cải thiện hơn trước; am hiểu về pháp luật của tín đồ các tôn giáo từng bước được nâng cao; kết cấu hạ tầng cơ sở ở nông thôn từng bước hoàn thiện theo chương trình “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Số lượng các cơ sở thờ tự trong tỉnh Cà Mau không nhiều so với các tỉnh trong khu vực Tây Nam bộ. Một mặt do lịch sử của vùng đất Cà Mau còn mới mẻ, lại bị chiến tranh tàn phá, đời sống của tín đồ đa phần là nghèo khó… nên quy mô của hầu hết các cơ sở thờ tự còn nhỏ, chưa được xây dựng cơ bản, thậm chí còn trong tình trạng tạm bợ. Tuy nhiên, từ khi đổi mới cho đến nay, nhiều cơ sở thờ tự đã được sự hỗ trợ của nhà nước, đóng góp của tín đồ được sửa chữa khang trang hơn, xây dựng cơ bản, kiên cố; lộ giao thông nông thôn phát triển thuận tiện, đảm bảo cho tín đồ đi lại, có chỗ nơi sinh hoạt tôn giáo được thuận tiện.

 Thứ sáu, các tôn giáo ở Cà Mau hiện đang phát triển mạnh về mọi mặt. Hiện nay, các tôn giáo ở Cà Mau đang phát triển về mọi mặt, từ cơ sở vật chất, tín đồ, đội ngũ chức sắc, chức việc… Đặc điểm nổi bật nhất ở tôn giáo Cà Mau hiện nay là các tôn giáo đều hoạt động theo khuynh hướng chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tôn giáo. Đa phần các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trong tỉnh không tham gia các hoạt động chống đối, vi phạm pháp luật. Hơn thế, họ càng ngày càng có các đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phát triển quê hương, nhất là trong các lĩnh vực của xã hội như: giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển giao thông nông thôn, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của các tôn giáo đã được nâng lên một bước đáng kể.

Thứ bảy, chức sắc, chức việc các tôn giáo ở Cà Mau có tinh thần đoàn kết cộng đồng, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau, gắn bó với Mặt trận Tổ quốc trong các hoạt động từ thiện – xã hội.

Các cộng đồng tôn giáo ở Cà Mau thường tồn tại xen kẽ với nhau và với người không theo tôn giáo. Chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo ở cơ sở thường có quan hệ tốt với nhau, giao lưu với nhau trong các ngày lễ trọng, không phân biệt đối tượng trợ giúp trong các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện cho dù người đó là tín đồ của tôn giáo nào, lương hay giáo. Chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo luôn đoàn kết, phối hợp với nhau trong công tác từ thiện – xã hội, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, hoạt động của Công giáo kết hợp với Phật giáo trong hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, xây dựng cầu đường giao thông ở vùng sâu, vùng xa; Phật giáo kết hợp với Cao Đài Tây Ninh nấu cháo, cơm phát miễn phí ở Bệnh viện đa khoa tỉnh; mô hình “Vận động đồng bào Phật giáo tham gia thực hiện công tác từ thiện nhân đạo, xóa đói giảm nghèo” của đơn vị thành phố Cà Mau… Trong các hoạt động này, chức sắc các tôn giáo thường kết hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở để tiến hành, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, đóng góp đáng kể vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn trong vùng.

2. Bám sát thực tế, nắm vững chủ trương, triển khai thực hiện hiệu quả

Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác vận động quần chúng các tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo”.

Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, khẳng định: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”.

Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 05/02/2010 của Bộ Chính trị, về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, khẳng định: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang”.

Ngày 24/8/2011, Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Quyết định số 333-QĐ/TU, về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau. Trong đó khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; quán triệt và thực hiện tốt phương châm công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Nắm vững những nội dung trên, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác tôn giáo, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về tôn giáo, giải quyết kịp thời các yêu cầu về sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo. Tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Xây dựng lực lượng cốt cán trên địa bàn; triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo; giải quyết tốt các vấn đề có liên quan đến hoạt động tôn giáo như: đất đai, cơ sở thờ tự…; đấu tranh có hiệu quả với các thế lực lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá sự ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh; các vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác tôn giáo được giải quyết dứt điểm, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp hoạt động tôn giáo diễn ra trái pháp luật.

Chính từ đó, mà công tác dân vận của hệ thống chính trị ở Cà Mau đã đạt kết quả tích cực. Phương pháp, nội dung công tác dân vận có nhiều đổi mới, hiệu quả được nâng lên. Cùng với triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang có nhiều chuyển biến tốt hơn; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, phát phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo quy định; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống dân vận các cấp chủ động nắm tình hình cơ sở, tình hình Nhân dân, tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp phát sinh, những khó khăn, vướng mắc tại địa phương, đơn vị.

Từ thực tế và những đặc trưng cơ bản về tôn giáo ở tỉnh Cà Mau, thời gian qua cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tích cực thực hiện tốt các nội dung về công tác vận động quần chúng tôn giáo. Cụ thể là:

- Tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến cho quần chúng tín đồ tôn giáo về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tôn giáo; phát triển nhiều mô hình “Dân vận khéo”.

Các sở, ban, ngành, Mặt trận và Đoàn thể các cấp tăng cường sự phối hợp với trong việc tổ chức triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước như: Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ Về một số công tác đối với đạo Tin Lành ; Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo … và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến tôn giáo được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo nắm bắt để thực hiện.

Chỉ tính riêng trong thời gian 10 năm từ 2009 – 2019, toàn tỉnh Cà Mau đã phát triển được 6.169 mô hình “Dân vận khéo” của các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, lĩnh vực kinh tế 2.532 mô hình, Văn hóa – Xã hội 2.151 mô hình, An ninh – Quốc phòng 702 và xây dựng hệ thống chính trị 784 mô hình.

- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào theo đạo. Cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tín đồ các tôn giáo, đặc biệt là khu vực tập trung đông dân cư là tín đồ các tôn giáo thông qua các chương trình như : xây dựng cầu giao thông nông thôn, xây dựng mái nhà đại đoàn kết, khoan giếng nước ngọt, hỗ trợ con giống, cây giống… và hàng loạt các phong trào tương thân tương ái khác giữa các tôn giáo với nhau hoặc giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo tạo điều kiện cho bà con sớm thoát nghèo có cuộc sống ổn định hơn.

Bên cạnh đó, các ngày lễ trọng của các tôn giáo được chính quyền quan tâm và tạo điều kiện tổ chức long trọng ; các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa, cơi nới, xây dựng mới khang trang hơn trước…đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Từ các phong trào trên đã từng bước tạo điều kiện cho cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của bà con tín đồ các tôn giáo không ngừng được nâng lên; đồng bào rất tin tưởng và an tâm vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo, tích cực đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hoàn thành nghĩa vụ công dân đối với nhà nước.

- Tập hợp tín đồ vào các tổ chức đoàn thể, chăm lo bồi dưỡng cán bộ là người có đạo. Tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng tín đồ tôn giáo được sinh hoạt một cách bổ ích, hoà nhập xã hội bằng các tổ chức đoàn thể quần chúng, qua đó nâng cao trình độ mọi mặt cho tín đồ. Trong đó quan tâm chọn lựa, bồi dưỡng những nhân tố cốt cán ở cơ sở vùng tôn giáo. Vận động các tín đồ tôn giáo tham gia các tổ chức chính trị - xã hội như: Đoàn thành Thanh niên, Công đoàn cơ sở, Mặt trận ấp khóm…tạo điều kiện để họ phát huy khả năng và đóng góp công sức trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, cần phát triển nhiều hình thức tập hợp đa dạng, theo nghề nghiệp và nhu cầu cuộc sống bằng các loại hình tổ, nhóm theo ngành nghề, các loại hình câu lạc bộ, quĩ, sinh hoạt tập thể. Đặc biệt hình thức tự quản trên địa bàn thôn ấp, tổ dân phố, các hội đồng hương, đồng ngũ, đồng niên, đồng môn, các lễ hội truyền thống do các đoàn thể làm nòng cốt có sự phát triển lành mạnh, tiết kiệm.

-  Hướng dẫn quần chúng đấu tranh, bài trừ  với các tệ nạn mê tín dị đoan, các hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi. Tích cực vận động tín đồ các tôn giáo hưởng ứng và tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh, chống các tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín dị đoan…Đồng thời, có thái độ và biện pháp tích cực chống các hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Biểu dương các khu dân cư tiêu biểu và nhân rộng điển hình trong thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng và phát huy tốt phong trào đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, tôn giáo trong địa bàn.

-  Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với công tác vận động quần chúng tín đồ các tôn giáo. Mặt trận là lực lượng chủ lực của công tác dân vận, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo. Vì thế, Mặt trận phải đảm bảo cao nhất công tác thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, tập hợp mọi lực lượng, trong đó có đồng bào các tôn giáo, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Các đoàn thể chính trị - xã hội là lực lượng nòng cốt trong các phong trào quần chúng nơi có đông tín đồ tôn giáo. Để làm sao các đoàn viên, hội viên của các đoàn thể này, bao gồm người có và không có tôn giáo, không chỉ sinh hoạt và công tác trong tổ chức mà còn phải là người gương mẫu và biết vận động những người xung quanh mình tham gia các hoạt động do đoàn thể đề xướng và tổ chức.

Coi trọng vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong công tác tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị trong vùng giáo, các tổ chức đó phải được đầu tư về cơ sở vật chất; được cung cấp thông tin cần thiết và có con người cụ thể làm công tác tôn giáo.

Các tổ chức xã hội theo nghề nghiệp, nhu cầu sở thích, nhân đạo, hữu nghị là những tổ chức tập hợp rộng rãi quần chúng hoạt động đáp ứng những lợi ích thiết thân, những nhu cầu sở thích của các tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng qua đó góp phần xây dựng con người mới và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Công tác vận động quần chúng tín đồ tôn giáo chỉ thành công khi đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ  làm công tác tôn giáo của hệ thống chính trị có sự am hiểu về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; nắm vững chính sách, pháp luật của đảng và Nhà nước. Trong mọi hoạt động của mình, đội ngũ cán bộ phải giúp đỡ người theo đạo, đưa lại lợi ích thiết thực cho quần chúng tín đồ tôn giáo, đúng với chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài ra, họ phải được rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo để có phong cách: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, phải “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

- Xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt giữa chức sắc tôn giáo với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Đây là nội dung quan trọng vào bậc nhất của công tác vận động chức sắc tôn giáo. Nó đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trước hết phải có đủ uy tín đối với chức sắc, sau nữa, họ phải có lập trường chính trị vững vàng, am hiểu sâu sắc về công tác dân vận cũng như nắm vững chính sách, pháp luật đối với tôn giáo. Luôn sâu sát đối với chức sắc tôn giáo, có một thái độ tôn trọng và chân thành đối với chức sắc tôn giáo.   

Cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nội dung này đòi hỏi trách nhiệm rất cao của các cơ quan chức năng và của mỗi cán bộ làm công tác tôn giáo. Trong đó, chủ đề thông tin như thế nào phải được chuẩn bị chu đáo và có sự thống nhất trong nội bộ các cơ quan chức năng. Nội dung này cũng phải được tiến hành thường xuyên, với những hình thức phù hợp từng đối tượng chức sắc. 

- Cộng tác, đề cao trách nhiệm của chức sắc tôn giáo về các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo; vận động chức sắc tôn giáo tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội để vận động tín đồ. Vận động chức sắc tôn giáo ở nội dung này cần bám sát những quy định hiện hành cũng như mục đích của các hoạt động xã hội, từ thiện nói chung và của các tôn giáo nói riêng. Trong đó, vấn đề công khai, minh bạch phải được đề cao ngay từ bản thân hoạt động của mỗi tôn giáo và của xã hội. Qua đó tạo ra động lực to lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Nó đòi hỏi phải chú ý và tạo ra sự hài hoà giữa những quy định, quan niệm của mỗi tôn giáo và của đời sống xã hội về việc tham gia vào những tổ chức chính trị - xã hội hiện nay. Khi người chức sắc tôn giáo đã tham gia vào các tổ chức đó thì cần tạo mọi điều kiện để họ phát huy khả năng hoạt động đoàn thể, nhưng vẫn đảm bảo vai trò của họ đối với giáo hội tôn giáo. Thậm chí, họ tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, thì còn phải làm tốt hơn chức trách tôn giáo của mình.

Nhiều chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Nhiệm kỳ 2016 – 2020, tỉnh Cà Mau có 43 chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo được tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân. Trong đó, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh 03 người, Hội đồng nhân dân cấp huyện 08 người, Hội đồng nhân dân cấp xã 32 người. Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có 257 vị. Trong đó, cấp tỉnh 12 người, cấp huyện 67 người và cấp xã 178 người.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo trong thời gian tới.

Trong Quy chế Công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau, ban hành kèm theo Quyết định số 333-QĐ/TU ngày 24/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xác định: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và của toàn hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau”.

Vì vậy, để tăng cường hơn nữa hiệu quả trong công tác vận động quần chúng tín đồ các tôn giáo trong thời gian tới, chúng tôi thiết nghĩ tỉnh Cà Mau cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau và các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy về công tác dân vận.

2. Chủ động tham mưu cấp ủy có chủ trương, biện pháp phù hợp, kịp thời về công tác vận động nhân dân trong tình hình mới (trong đó có quần chúng tín đồ các tôn giáo); nghiên cứu đề xuất, hướng dẫn chỉ đạo cụ thể về công tác vận động nhân dân như: công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước...

3. Tham mưu cho cấp ủy có chủ trương, sơ, tổng kết việc thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác vận động quần chúng, công tác “Dân vận khéo”.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình phối hợp công tác giữa các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường phối hợp với cơ sở trong việc nắm tình hình và tham mưu chỉ đạo, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác vận động quần chúng và công tác dân tộc, tôn giáo; phối hợp với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

5. Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, tăng cường cán bộ có trình độ, năng lực, nhiệt tình trong thực hiện công tác vận động quần chúng thuộc các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là cấp cơ sở.

6. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ dân vận; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, dân tộc.

Có thể nói công tác vận động tín đồ, chức sắc các tôn giáo ở tỉnh Cà Mau trong những năm gần đây, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh và những mặt tích cực của các tổ chức tôn giáo trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận tín đồ các tôn giáo trong tỉnh từng bước được nâng lên. Tín đồ, chức sắc, chức việc các tôn giáo an tâm, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo; tích cực đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung.

Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo còn một số bất cập, chưa được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền các cấp; đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, công tác tôn giáo chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Việc tổ chức triển khai chính sách tôn giáo chưa được đồng bộ, thiếu sự nhạy bén; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể ở một số nơi trong giải quyết công việc còn lỏng lẻo; một số bộ phận cán bộ, công chức còn lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ.

Từ những giải pháp nêu trên, công tác vận động quần chúng nói chung, vận động tín đồ, chức sắc các tôn giáo nói riêng ở Cà Mau ngày càng ổn định. Phát huy được những mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực trong công tác, nhằm tăng cường đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Cà Mau. Những thắng lợi nói trên vừa là thành tựu, vừa là cơ sở để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Cà Mau hướng tới và thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI sắp diễn ra./.

                                                                                                                          

Trần Thanh Liêm