Công trình đúc tượng Phật dát vàng gây tranh cãi: Các bên liên quan nói gì?
Ngày đăng: 10/09/2019
Ông Thái Tuấn, Tổng Giám đốc Cty Tân Hoa Viên cho rằng ông không kinh doanh tâm linh. Việc đúc tượng Phật Dược sư cao 6,8m thể hiện sự biết ơn, mong muốn có nhiều sức khỏe.

Dư luận xôn xao về việc Cty TNHH Chế biến thực phẩm Bánh pía Lạp xưởng Tân Hoa Viên (Cty Tân Hoa Viên) xây dựng khu Liên Hoa Bảo Tháp rộng 4,2 ha tại Khu công nghiệp An Nghiệp Sóc Trăng.

Hai tuần qua, người dân Sóc Trăng có nhiều ý kiến trái chiều khi tham gia lễ đúc tượng Phật Dược sư dát vàng tại Khu công nghiệp An Nghiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Khu vực này rộng 4,2 ha, được Công ty Tân Huê Viên thuê của Nhà nước trong thời gian 49 năm.

Ông Thái Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tân Huê Viên, cho biết điểm dừng chân ven quốc lộ 1 là điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận từ năm 2016. Nay muốn mở rộng nên có thuê thêm Khu công nghiệp An Nghiệp (phía sau Cty) để xây dựng Liên Hoa Bảo Tháp. 

Việc xây dựng Liên Hoa Bảo Tháp là mong muốn tạo "điểm nhấn" cho ngành du lịch của Sóc Trăng nên ông thuê khu đất liền kề nằm trong Khu công nghiệp An Nghiệp để xây Liên Hoa Bảo Tháp vào đầu năm 2018.

Ông Thái Tuấn bên tượng Phật Dược sư (ảnh Cty Tân Hoa Viên)

Liên Hoa Bảo Tháp có nhiều hạng mục công trình, trong đó có hình hoa sen, cao 68m, đường kính 119m, sức chứa tầng trệt khoảng 200 người.

Tầng trên của công trình đặt tượng Phật Dược sư bằng đồng cao 6,8m, nặng 19 tấn, dát 88 lượng vàng 24K.

Ông Tuấn lý giải: Vòng ngoài tôi làm tường rào là kỳ quan Vạn Lý Trường Thành, bên trong điểm du lịch là Quốc hoa Việt Nam. Thờ Phật Dược sư là cá nhân tôi, khách du lịch quỳ lạy thì đó là việc tự tín ngưỡng của họ. Đặt tượng Phật giống như tôi tìm món đồ gì đó để vô chứ không phải cơ sở tôn giáo.

Ông Thái Tuấn, Tổng giám đốc Cty Tân Hoa Viên cho rằng mình không kinh doanh tâm linh, “phát tâm” đúc tượng Phật là để lại cho đời sau. Ông Tuấn cho rằng mình “phát tâm” xây dựng công trình có “quốc hoa”, đúc tượng Phật mục đích là phục vụ khách tham quan, du lịch. “Tôi không thu tiền vé tham quan, không có thầy chùa, không cúng bái… sao lại nói tôi thờ tự, kinh doanh tâm linh?” - ông Tuấn phân trần. 

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, đối với khu công nghiệp hiện được quy định tại Nghị định 82 của Chính phủ. Cty Tân Huê Viên thuê đất để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là phù hợp với quy định của Chính phủ về khu công nghiệp đô thị dịch vụ, phù hợp với điểm du lịch đã được tỉnh công nhận.

Hạng mục Cầu Sen trong khu Liên Hoa Bảo Tháp (ảnh Cty Tân Hoa Viên)

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết: "Việc Công ty Tân Huê Viên triển khai dự án trên hoàn toàn không phải là một loại hình thức kinh doanh tâm linh. Cơ bản chỉ là việc mở rộng quy mô của doanh nghiệp, đồng thời là điểm dừng chân của du khách trên địa bàn tỉnh. Việc giao đất cho Tân Huê Viên được thực hiện đúng quy định của pháp luật".

 

Theo laodong.vn