Công giáo Việt Nam - một nguồn lực xây dựng xã hội hiện nay
Ngày đăng: 30/10/2018Công giáo du nhập vào Việt Nam chưa đầy 500 năm. Lịch sử tôn giáo này ở nước ta có xen lẫn cả “ bóng tối và ánh sáng”. Nhưng không ai phủ nhận những đóng góp của Công giáo với văn hóa, xã hội Việt Nam trước kia cũng như bây giờ. Một trong những đóng góp đó là, Công giáo- một nguồn lực xây dựng xã hội hiện nay.
- Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực “sạch”
Trong các nguồn lực của xã hội thì nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất vì con người chính là chủ của sáng tạo, đổi mới và chủ thể của năng suất lao động, giá trị thặng dư cũng như là chủ của xã hội.
Chúng ta đang sống trong xã hội với nhiều thành tựu nhưng cũng nhiều thách đố. Báo chí hàng ngày kêu lên biết bao hiện tượng như môi trường ô nhiễm, thực phẩm “bẩn”, văn hóa xuống cấp, đạo đức thoái hóa. Tiêu cực len lỏi vào những nơi xưa nay được coi là chuẩn mực, thánh thiêng như trường học, nhà thờ, nhà chùa. Hiện tượng buôn thần, bán thánh, học giả, bằng giả, gian dối trong làm ăn kinh tế cũng như trong đời sống không phải hiếm gặp. Không ai lạ gì cảnh “gà hai chuồng, rau hai luống” và bây giờ là “tài vụ hai quyết toán và giáo sư hai giáo án”. Tất cả những hiện tượng đó là do “con người giả” gây ra. Người giả đó có trong mọi thành phần xã hội từ người nông dân quê mùa đến vị giáo sư đạo mạo, từ em học sinh đến ông cán bộ cao cấp. Những con người giả đó đang làm tha hóa xã hội và tha hóa chính bản thân họ. Người giả không từ tên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên. Họ cũng chính là những người bình thường trong xã hội nhưng bị môi trường xã hội nhuộm đen cái chất “người thật” biến thành chất “người giả”. Rồi đến lượt những “người giả” này làm xã hội ngày càng bẩn hơn. Giống như que củi khi bị đốt cháy lại góp phần làm cho đống lửa cháy to hơn.
Công giáo tạo ra những con người “sạch” hơn cho xã hội.
Người ta thường nói: “Sách nhà đạo, gạo nhà chùa”. Sách vở của Công giáo rất nhiều, giáo lý, giáo luật cũng rất lắm điều khoản. Thế nhưng lại có thể tóm gọn trong một điều là “Kính Chúa, yêu người”. Nhưng thế nào là “kính Chúa”? Theo Phúc âm dạy: “Nếu chúng con yêu mến Thày, chúng con hãy tuân giữ lời răn của Thày” (Ga 14, 15). Lời răn của Chúa được ghi trong 10 điều răn. Trong đó chỉ có 3 điều nói về Chúa còn 7 điều nói về tương quan giữa con người với nhau. Con người không được gây tội ác với đồng loại như giết người, không được vi phạm luật công bằng như lấy của cải người khác, không được trái luân lý đạo làm người như bất hiếu với cha mẹ hay tà dâm với người khác ngoài vợ chồng. Nhưng lời răn đó không chỉ cấm hành động sai trái mà còn cấm cả suy nghĩ, tư tưởng không lành mạnh như ao ước chiếm đoạt tài sản cuả người khác, mơ tưởng chiếm đoạt thân xác với người khác ngoài hôn nhân. Tức là ngăn chặn sự xấu xa từ “trong trứng nước” của người tín hữu. Chúa truyền cho tín hữu điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Mà Chúa thì yêu thương nhân loại khi đưa con người lên hàng bạn hữu của Chúa và cao nhất là hy sinh bản thân để cứu nhân loại. Cho nên yêu thương người khác như chính mình, mà người khác là những người thân cận mình như cha mẹ, vợ con, người trong gia đình, họ hàng, làng xóm, cộng đồng và cả nhân loại. Sự yêu thương đó thể hiện, “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai” (Tb 4,15) và “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 5, 15). Nếu vậy, làm gì có chuyện, mình thích ăn rau sạch mà lại trồng ra bẩn bán ra chợ? Làm gì có chuyện mình không muốn mất môt xu nào nhưng lại đi lừa người cả bạc tỷ?
Công giáo đi xa hơn khi khuyên tín đồ phải yêu thương cả kẻ thù: “Phải yêu mến kẻ thù” (Mt 5,45) và buộc tội “Ai ghét anh em mình là kẻ giết người” (1Ga 3,14). Đây là điều khó chấp nhận với tâm lý, tình cảm con người bình thường. Công giáo cho rằng nếu yêu thương những người thân, người thương yêu mình thì quá đơn giản vì có đi, có lại. Nhưng tín đồ Công giáo phải yêu thương cả người thù ghét mình. Tội phạm là điều Công giáo phê phán, lên án và tín đồ phải tránh xa nhưng người phạm tội lại phải yêu mến nhiều hơn vì họ là người bệnh tật mà thày thuốc phải yêu thương và chăm sóc hơn những người khỏe mạnh. Nếu điều này được phổ cập trong xã hội thì không thể có những vụ án đánh, giết người dã man vàxung đột chiến tranh thảm khốc giữa các dân tộc, quốc gia.
Yêu người là thuộc tính quan trọng nhất của Công giáo vì “kẻ nào không yêu anh chị em mà mình xem thấy thì không thể mến Thiên Chúa mà mình không xem thấy được” (1Ga 4,20). Chính thuộc tính này đã giúp cho tôn giáo này tạo ra nhân lực sạch cho xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận: “Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả” (1).Lòng nhân ái cao cả được thể hiện khi họ đối xử với những người có số phận kém may mắn như bị các căn bệnh phong cùi, HIV/AIDS. Lúc này, người tín đồ không còn quan niệm đấy là người bệnh khốn khổ mà là chính Chúa hiện diện để họ có cơ hội thể hiện lòng mến Chúa. Vì vậy, sẽ khó có thể tìm được một người không tôn giáo làm được những việc như sơ Mai Thị Mậu 40 năm gắn bó với những bệnh nhân phong ở Di Linh đã được tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2006 nhưng như ông Lê Khả Phiêu-nguyên Tổng Bí thư Đảng nhận xét: Chị phải được phong 2 lần anh hùng mới xứng đáng (ảnh trên). Sự tận tụy hết lòng với những người kém may mắn như sơ Mậu không thể mua được bằng tiền hay vinh thăng chức tước. Khi thành phố Hồ Chí Minh lập Trung tâm chăm sóc người bị bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối ở xã Đức Hạnh, Bình Phước năm 2004. Dù đã có quyết định tăng lương cao cho đội ngũ y, bác sĩ phục vụ ở đây nhưng không thể tìm ra người phục vụ. Cuối cùng thành phố phải nhờ Tòa Tổng Giám mục và 8 nữ tu đầu tiên đã đi nhận nhiệm sở. Thật khó có thể kiếm ra được người làm công ăn lương phục vụ bệnh nhân như các nữ tu Công giáo. Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn- Giám đốc trại phong Quy Hòa, người đã dám tiêm trực khuẩn Hasen vào cơ thể để chứng minh rằng bệnh phong không lây nhiễm, sau 31 năm gắn bó với bệnh nhân phong, bác sĩ được đề nghị nhận giải thưởng quốc tế trị giá 30.000 đô la. Bác sĩ đã từ chối và nói: Tôi là đảng viên, là Giám đốc ăn lương Nhà nước làm được một số việc có gì là lạ. Người đáng nhận thưởng là các nữ tu Phan Sinh. Họ không phải công chức, chỉ làm với tình thương. Họ làm được những việc mà công chức không dám làm (2).
Đúng là chỉ với “lòng bác ái cao cả” của người Công giáo, mới xuất hiện những tấm gương như bà Nguyễn Thị Nhiệm (Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Văn Bao (Nam Định), Tống Phước Phúc (Nha Trang)…hàng ngày đi thu gom những thai nhi đưa về chôn cất chu đáo ở nghĩa trang thai nhi. Hay hàng chục tỷ đồng cho công tác từ thiện được quyên góp hàng năm từ giới Công giáo.
- Góp phần xây dựng lối sống lành mạnh
Ngay từ khi du nhập vào kinh thành Thăng Long hồi giữa thế kỷ XVII, những người Công giáo đối xử với nhau quá tốt lành, đầy tình thương yêu nên người dân lúc đó đã gọi tôn giáo này là “đạo yêu nhau”(3). Họ không chỉ đối xử thảo hiếu với cha mẹmà đối xử tử tế với người ở, kẻ làm công, chăm sóc, chữa trị cho người bệnh tật,khuyên bảo kẻ bất lương… tạo ra lối sống tốt lành trong xã hội. Từ năm 1670 khi thành lập dòng Mến Thánh giá đầu tiên ở Việt Nam, các nữ tu đã được giao 5 nhiệm vụ, ngoài cầu nguyện còn có huấn luyện đạo đức cho phụ nữ, săn sóc bệnh nhân nữ, chăm sóc trẻ mồ côi, khuyên bảo phụ nữ đàng điếm.
Cách đây hơn 60 năm, Giám mục Paul Seitz (Kim) đã cảnh báo nguy cơ diệt vong của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên nếu nạn nghiện rượu không dẹp được:
“Tôi chỉ nhắc lại hai điều: Không những phải hạn chế số ghè anhem thường quen uống mà nhất là phải kiêng bỏ thứ rượu trắng…Anhem phải biết rằng, từ nay tôi truyền cho tất cả các linh mục không được ban phép giải tội và các phép Bí tích cho những ai cố tâm mua và uống thứ rượu trắng để say sưa.
Hơn thế nữa, tôi nhắc lại, mỗi năm là các bậc đàn anh trong làng phải triệu tập đại hội để cùng nhau đọc lại Thư chung về bệnh rượu và tìm những quyết định hợp thời về cách thức bài trừ bệnh ấy trong mỗi làng. Hội nghị ấy là một huấn lệnh mà Giám mục anh em đã công bố nên phải tuân theo.
Hãy tin chắc rằng: điều kiện thứ tư để người Thượng được tồn tại là phải diệt trừ bệnh rượu” (4).
Khi nạn ma túy hoành hành ở nhiều nơi ở Việt Nam, Hồng y Phạm Đình Tụng đã có Thư chung ngày 22-10-1996 kêu gọi:
“Tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy chung tay góp sức chặn đứng và tẩy sạch tệ nạn này ra khỏi gia đình và làng xóm chúng ta. Tôi đề nghị các Cha rao giảng về tai hại của tệ nạn này để mọi người hiểu rõ. Mỗi xứ họ cần có kế hoạch điều tra và phát hiện kịp thời số người nghiện hút. Các bậc cha mẹ phải thường xuyên theo dõi con em, không để chúng đi lại những nơi có nguy cơ bị lôi cuốn hay giao tiếp với những con nghiện.
Đối với những người đã trót nghiện, chúng ta hãy lấy tinh thần bác ái khuyên bảo và làm mọi cách giúp đỡ họ cai nghiện càng sớm càng tốt. Nếu không bệnh của họ sẽ lây lan sang người khác một cách nhanh chóng như vết dầu loang” (5).
Có lẽ ở vùng giáo, các tín đồ luôn được giáo huấn như vậy nên ít tội phạm hình sự hơn, ít các tệ nạn xã hội hơn. Tất nhiên Giáo hội cũng phải cập nhật giáo huấn của mình. Ví dụ, trước đây, Giáo hội chỉ cấm nghiện hút thuốc phiện, nay khi có một số giáo dân dính vào lao lý do buôn ma túy, Giáo hội đã đưa hành vi buôn ma túy thành tội, giáo dân phải tránh phạm cũng như các tệ nạn của mặt trái nền kinh tế thị trường. Thư chung năm 2001 của HĐGMVN viết:
“Hoàn cảnh đang thay đổi sâu rộng và nhanh chóng do tác động của xu hướng toàn cầu hóa. Đó đây trên bình diện quốc gia, mức sống của người dân còn thấp, lao động không đủ sống…sự sống không được tôn trọng và bảo vệ đúng mức, lại thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai và nạn hủy diệt môi trường, bởi tai nạn giao thông và các tệ nạn như nghiện ngập ma túy, mãi dâm, HIV/AIDS; sự gian dối có chiều hướng lan tràn trong xã hội như hàng giả, bằng giả, hối lộ và tham nhũng…Tình trạng xã hội này đặt ra nhiều thách thức. Nền kinh tế thị trường có xuhướng biến tất cả thành hàng hóa và có nguy cơ lấy đồng tiền làm thước đo mọi sự”(5).
Ai cũng biết, gia đình là tế bào xã hội nhưng tế bào đó ngày nay mong manh dễ vỡ. Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam ngày càng caochiếm tới 12% các vụ kết hôn. Nếu những năm 1977-1982, bình quân mỗi năm cả nước có 5.572 vụ ly hôn thì năm 1995 tăng lên 35. 684 vụ, năm 2005 là 65.929 vụ và năm 2010 là 126. 335 vụ. Gia đình tan vỡ, nạn nhân đầu tiên là những đứa trẻ thiếu tình yêu của cha hoặc mẹvà xã hội sẽ có thêm nhiều đứa trẻ hư, phạm pháp. Trong khi Công giáo rất chú trọng xây dựng gia đình bền vững, coi hôn nhân là Bí tích thánh thiêng và chuẩn bị chu đáo cho tiến trình này. Công giáo cấm sống thử, cấm phá thai, hôn nhân đồng giới và kết hôn không tự nguyện nhất là không được ly hôn. Do đó, hôn nhân các gia đình Công giáo bền vững hơn. Làng Công giáo Trung Thành (Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định) có 6.000 người nhưng từ năm 1945 đếnnay chỉ có 2 cặp ly hôn. Làng Hà Hồi (Hà Nội) có 1.500 nhân danh cũng 70 năm qua cũng chỉ có 2 đôi ly thân. Vì vậy, không ít thanh niên ngoài Công giáo muốn trở lại đạo để kết hôn với người Công giáo. Năm 2006 có 31. 576 người thì năm 2010 đã tăng lên 42.272 người. Các thủ tục cưới xin, tang ma phía Công giáo đỡ tốn kém về chi phí và đơn giản về thủ tục. Nạn phá thai được giảm thiểu vì Công giáo coi phá thai là tội phạm giết người. Nếu có người lỡ mang thai không theo ý muốn,Công giáo có nhiều nhà nuôi dưỡng cả mẹ và con. Ý thức phục vụ ở các trường mẫu giáo hay trung tâm chăm sóc người già, trẻ khuyết tật do Công giáo đảm nhận luôn được cộng đồng xã hội khen ngợi.
Một trong những lo lắng của nhân loại ngày nay là vấn đề môi trường. Giáo hội Công giáo không chỉ có sáng kiến lấy ngày 1-9 hàng năm là ngày bảo vê môi trường thế giới mà còn quy kết thành tội lỗi phạm của con người với quà tặng của Chúa nếu người tín hữu không có ý thức bảo vệ. Vì thế thái độ của tín hữu với việc bảo vệ môi trường không còn là khẩu hiệu mà là ý thức phải tuân giữ và phải hành động để thể hiện ý thức đó.
3.Thiết lập cầu nối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới
Ngay từ khi Công giáo vào Việt Nam nó đã có vai trò là cầu nối giao lưu giữa văn hóa Việt Nam và thế giới lúc bấy giờ. Những thành tựu văn hóa, văn minh khoa học kỹ thuật của phương Tây đã được giới thiệu ở Việt Nam. Qua Công giáo, người Việt mới biết những tác phẩm hội họa nổi tiếng như “Đức Mẹ đồng trinh” của Rafael, “Bữa tiệc ly” của L. Vinci hay các nhạc phẩm “Ave Maria” của Franz Schubert, “Silent Night” của F. Gruber và J. Mohr, “Jingle bell”của J.S. Pierport…Những kiến trúc giáo đường kinh điển của châu Âu như gotich, roman, byzantine cũng được thiết kế và xây dựng ở Việt Nam. Các kỹ thuật in con chữ rời, làm báo, dệt vải khổ rộng, đồng hồ chạy bằng bánh xe thậm chí cây trồng, vật nuôi như phi lao, khoai tây hay con cừu, rồi chữa bệnh theo lối Tây y, kiến thức về thiên văn, địa lý, toán học… cũng theo chân các nhà truyền giáo phương Tây vào nước ta.Những tri thức mới mẻ này không chỉ làm ngạc nhiên vua quan, dân chúng mà còn làm sửng sốt cả các bậc thức giả như nhà bác học Lê Quý Đôn bấy giờ và được chính giới nghiên cứu ngày nay ghi nhận. Các tác giả cuốn “Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay” viết:
“Nói đến ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng phương Tây ở Việt Nam thì chắc chắn đạo Thiên Chúa là nhân tố đầu tiên trong sự ảnh hưởng này.Và như vậy, trong lịch sử, tôn giáo luôn đóng vai trò là sứ giả đi đầu trong những cuộc viếng thăm,tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc”(6).
Công giáo cũng làm nhiệm vụ giới thiệu đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Ngay từ năm 1651 khi Alexandre de Rodes in 3 cuốn “Từ điển Việt- Bồ- La”,”Phép giảng tám ngày”,”Ngữ pháp tiếngViệt” thì thế giới biết đến chữ Việt và cả đất nước, con người quốc gia này. A. Rodes khen ngợi phương pháp khám và điều trị theo đông y, pháp luật đơn giản của Việt Nam. Christofo Bulzomi thì ca ngợi phong tục, tập quán và truyền thống gia đình gắn bó ở nước ta nhất là phẩm chất của người Việt:
“Họ không nghiêng về văn chương, tính tình không nham hiểm như người Tàu. Họ không quá nghiêng về quân bị, tính tình không độc ác như người Nhật. Cả về tầm thước họ không cao như người Tàu, cũng không thấp như người Nhật, dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tôn như người Tàu” (7).
Các giáo sĩ cũng đặt câu hỏi cho các nhà khoa học vì sao họ nói đến cả thế giới mà không hề nhắc đến Việt Nam thậm chí không có tên trên bản đồ quốc tế? Đồng thời, dân tộc đó hoàn toàn không bị Hán hóa:
“Một dân tộc đã biết tiếp nhận vô vàn yếu tố Trung Hoa, bị áp đặt và thu nạp một cách tự nguyện, để dựng lên một thế giới của riêng mình và giữ gìn bản sắc độc đáo của mình” (8).
Nhiều ghi chép, bản đồ của các giáo sĩ khi giới thiệu ở nước ngoài hiện vẫn là những bằng chứng về chủ quyền quốc gia của Việt Nam như bản đồ “An Nam đại quốc đồ” của Louis Tabert in ở Ấn Độ năm 1838 hay cuốn “Lịch sử thế giới, các dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán của họ” cũng của vị Giám mục này xuất bản ở Paris năm 1853 có đoạn:
“Chúng tôi xin lưu ý rằng, từ 34 năm nay, quần đảo Paracel mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa) gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những hòn đá nhô lên. Những hòn đảo này đã được chiếm cứ bởi người xứ Đàng Trong. Có điều chúng tôi biết chắc chắn là Hoàng đế Gia Long đã ngự tàu ra biển để chiếm các đóa hoa lạ cài lên vương miện của mình.Vì vậy mà ngài xét thấy đã đến lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thêm quân đến Hoàng Sa. Vào năm 1816, Ngài đã trịnh trọng cắm lá cờ đỏ của xứ Đàng Trong”.
Chính Công giáo với tư duy logic và khai phóng không bị ràng buộc bởi quan niệm hủ nho đã tạo ra nhiều nhân sĩ có tư tưởng canh tân đất nước như Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), Trương Vĩnh Ký (1837-1898)…
Trong giai đoạn hiện nay, Công giáo vẫn còn vai trò giao lưu như vậy. Số người Công giáo gốc Việt với khoảng gần 2 triệu ở nhiều nước trên thế giới. Đa số họ vẫn là người yêu nước đóng góp về nhân, vật lực xây dựng quê hương. Xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) có 11.000 dân, tất cả là người Công giáo. Kinh phí xây dựng cơ bản ở đây là 2,9 tỷ đồng/năm thì ngân sách Nhà nước chiếm 31%, đân đóng góp 30%, địa phương bỏ ra 13% còn 26% là của các linh mục quê hương đang sống ở hải ngoại. Năm 2001, xã xây trường phổ thông hết 852 triệu, linh mục Trần Minh Công (Thụy Sĩ) ủng hộ 644 triệu. Giáo xứ Thanh Đức (Đà Nẵng) xây nhà thờ hết 2.612 triệu, giáo dân quyên góp được 388 triệu, còn lại là bà con ở nước ngoài ủng hộ. Không chỉ các nhà thờ của người Việt xây ở nước ngoài mới tôn vinh bản sắc văn hóa Việt mà nhiều người Công giáo như nữ tu Nguyễn Thị Hằng được Tổng thống Hoa Kỳ trao tặng Huân chương Nhân đạo vì có công cứu giúp nạn nhân trận bão Katrina năm 2006 hay linh mục Nguyễn Văn Hùng (Đài Loan) cũng được Liên hiệp quốc tôn vinh vì đã giúp đỡ cả ngàn phụ nữ bị đối xử bất công ở xứ này năm 2006. Ngay trường đại học Công giáo Hoa Kỳ (The Catholic University of America- CUA) từ năm 2007 đã có chương trình Two Plus Two Program 2+2 giành cho nhiều sinh viên khoa học kỹ thuật của các trường Bách Khoa, Quốc gia tại Việt Nam.
Việt Nam cũng hay bị các lực lượng thiếu thân thiện chỉ trích về nhân quyền, tôn giáo. Nhưng chỉ cần một sự kiện như hội nghị lần thứ X của các Giám mục Á châu họp ở Xuân Lộc năm 2012 hay Hồng y Sepe qua thăm Việt Nam và truyền chức linh mục cho 50 phó tế năm 2005 ở Hà Nội cũng đủ bác bỏ những cáo buộc đó. Hoặc chỉ cần một ý kiến của Hồng y Phạm Minh Mẫn năm 2008 về bỏ lá cờ ba sọc vàng của chính quyền Sài Gòn trong các cuộc quy tụ người Việt hiện nay ở nước ngoài cũng có tác dụng hơn nhiều tuyên truyền khác.
Những phân tích trên đây, có thể khẳng định chắc chắn, Công giáo cùng với các tôn giáo chân chính khác ở Việt Nam đã, đang và sẽ là nguồn lực xây dựng xã hội hiện nay.
TS. Phạm Huy Thông*
Chú thích:
*Trưởng ban Tư duy Tôn giáo, Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS).
1-Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo, Huy Thông giới thiệu, NXb CTQG 2004, tr.325
2-Giám mục Nguyễn Văn Sang: Đối thoại tôn giáo,tập 2, Nxb Tôn giáo 2007, tr.347
3- Sống đạo theo cung cách Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2004, tr.246
4, 8- Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2012, tr.84-85; tr.38
5- Niên giám Công giáo, Nxb Tôn giáo 2004, tr.250
6- Nguyễn Tài Thư (chủ biên): sđ d,Nxb CTQG 1977,tr.59
7- Theo Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Nxb Hiện Tại Sài Gòn 1959, tr. 38