Truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo ở Bắc Ninh
Ngày đăng: 03/12/2013I. Khái quát về tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh 1. Phật giáo: Bắc Ninh là địa phương đầu tiên của Việt Nam tiếp thu Phật giáo. Từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần đến thời Lê, Nguyễn. Trên địa bàn toàn tỉnh đến nay có tổng số gần 400 vị chức sắc, nhà tu hành trong đó có 02 Hòa thượng, 05 Thượng tọa, 08 Ni trưởng, 07 Ni sư, 42 Đại đức, 217 Tỷ kiêu ni còn lại là sadi và hình đồng; Có 594 ngôi chùa ( trong đó có hàng trăm ngôi chùa là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật); Hầu hết các cơ sở thờ tự của Phật giáo được trùng tu sửa chữa, xây mới, tạo sự phấn khởi cho chức sắc, tín đồ trong việc sinh hoạt thực hành lễ nghi tôn giáo.
Về cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Bắc Ninh, bao gồm: Cấp tỉnh có Ban Trị sự Phật giáo tỉnh gồm 35 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết, (có Trưởng Ban, 4 Phó Trưởng ban trong số 15 ủy viên Thường trực), 14 Ban-Văn phòng trực thuộc Ban Trị sự và 01 trường Trung cấp Phật học được thành lập từ năm 2000, hiện đang đào tạo 58 Tăng Ni sinh khóa IV; Cấp huyện có 8 Ban Trị sự Phật giáo của 8 huyện, thị xã, thành phố (với tổng số 63 vị tham gia).
2. Công giáo:
Công giáo có mặt ở Bắc Ninh từ thời kỳ 1716-1720. Nơi xuất hiện các giáo sĩ đầu tiên là làng Tử Nê, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài. Năm 1826, Công giáo phát triển sang các làng Hương La, Ngọc Cục, Bái Giang (xã Tân Lãng), Dị Sử (nay là Phượng Giáo,thị trấn Thứa), năm 1880 phát triển sang Ngăm Điền (xã Lãng Ngâm, Gia Bình), Cứu Sơn (Đông cứu), Cổ Thiết (Giang Sơn), năm 1882 phát triển đến làng Bùi Xá (tức Thọ Ninh) xã Phú Lương. Năm 1884 các làng Quỳnh Bội, Thủ Pháp, Ngô Thôn, Tháp Dương, Thanh Hà, Văn Than, Bình Giang lác đác đã có người theo đạo.
Giáo phận Bắc Ninh gồm các xứ, họ đạo ở 12 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 tỉnh Toà Giám mục Bắc Ninh quản lý trọn vẹn các xứ, họ đạo và 7 tỉnh, thành phố quản lý một số xứ, họ đạo. Hiện nay toàn Giáo phận có trên 12 vạn giáo dân do 01 vị Giám mục và 92 vị Linh mục cai quản.
Tỉnh Bắc Ninh, nơi có nhà thờ Chính toà của Giáo phận, có 01 Giám mục là Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, 24 vị Linh mục, với 32 Ban hành giáo họ, 6 Ban hành giáo xứ với 207 thành viên. Toàn tỉnh có 3661 hộ Công giáo, trên 14 nghìn giáo dân sinh hoạt tôn giáo ở 38 xứ, họ đạo đang hoạt động tôn giáo ở 55 thôn, khu phố thuộc 39 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố.
II. Sơ lược về lịch sử ngành QLNN về tôn giáo ở Bắc Ninh.
Ngày 2.8.1955, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 566/TTg về việc thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Phủ Thủ tướng (tiền thân của Ban Tôn gáo Chính phủ ngày nay). Ban có nhiệm vụ "Nghiên cứu kế hoạch thi hành nhũng chủ trương chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo, giúp Thủ tướng phối hợp với các ngành ở TW và theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện những chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo và liên hệ với các tổ chức tôn giáo.
Thi hành Nghị định số 566/TTg của Chính phủ và căn cứ tình hình tôn giáo ở địa phương, ngay từ thời kỳ đó, Tỉnh ủy, Uỷ ban hành chính Bắc Ninh đã quan tâm đến công tác tôn giáo và công tác QLNN về tôn giáo.
1. Thời kỳ 1955-1975:
Đây là thời kỳ những người làm công tác QLNN về tôn giáo được đặt trong Ban Dân vận - Mặt trận, có chức năng giúp chính quyền các cấp thực hiện chủ trương, chính sách về tôn giáo.Thời kỳ này, những người làm công tác tôn giáo cùng các đoàn thể vận động giáo dân ở lại quê hương không nghe theo địch di cư vào Nam; phối hợp với chính quyền, đoàn thể những nơi có đồng bào di cư quản lý ruộng đất, nhà cửa, vườn tược, tài sản của những gia đình di cư vào Nam; là thời kỳ vận động bà con, giáo dân vào tổ đổi công, và HTX; vận động các tăng ni, nhà chung hiến ruộng cho HTX. Năm 1963, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang được sáp nhập thành một tỉnh lấy tên là Hà Bắc. Năm 1965, giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, cả nước có phong trào "3 sẵn sàng", "3 đảm đang". Những người làm công tác tôn giáo vận động bà con giáo dân, tín đồ phật tử tham gia động viên thanh niên xung phong, lên đường nhập ngũ, tham gia dân quân du kích, hưởng ứng phong trào "3 sẵn sàng', '3 đảm đang", khuyến khích các bà, các mẹ tham gia "Hội mẹ chiến sỹ"...tạo điều kiện để các vị tăng ni trong tỉnh thành lập Hội Phật giáo tỉnh và cử người tham gia Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam. Đây cũng là thời kỳ những người làm công tác tôn giáo Bắc Ninh tham gia tuyên truyền vận động giáo dân, tín đồ Phật tử nâng cao cảnh giác, phòng chống hoạt động gián điệp biệt kích, chiến tranh tâm lý, chiến tranh phá hoại của địch, đồng thời tích cực tham gia bảo vệ kho tàng, bến bãi, tài sản XHCN, tài sản tập thể, thực hiện phòng gian bảo mật, tích cực đào hầm hố phòng tránh máy bay địch, giúp các đơn vị bộ đội địa điểm đóng quân, hậu cần, giúp đỡ đồng bào sơ tán.
2. Thời kỳ 1975-1990:
Thời kỳ này có một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc và miềm Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Công tác QLNN về tôn giáo được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, trên cơ sở những quy định tại Nghị định 297/CP ngày 11.11.1977 của Chính phủ.
Ở Hà Bắc, vào cuối những năm 70 đầu những năm 80, Ban Dân vận - Mặt trận có một bộ phận theo dõi về công tác tôn giáo do một Phó Chủ tịch UBMTTQ lãnh đạo. Đầu năm 1983, Ban Dân vận Tỉnh ủy được thành lập. Ban có Tiểu ban Tôn giáo - Tiền thân của Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh sau này. Mặc dù Tiểu ban tôn giáo trực thuộc Ban Dân vận - Mặt trận và sau đó là Ban Dân vận Tỉnh ủy nhưng trên thực tế Tiểu ban làm nhiệm vụ QLNN về tôn giáo trên một số mặt như: Phối hợp với một số cơ quan thẩm định hồ sơ xin xây dựng cơ sở thờ tự của tôn giáo, trình UBND tỉnh; tiến hành các thủ tục cần thiết trình cấp có thẩm quyền về việc chấp thuận phong Linh mục, Giám mục, đối với các tu sĩ, giáo sỹ Công giáo; xem xét danh sách và tham mưu cấp có thẩm quyền có ý kiến về việc tấn phong hàng giáo phẩm cao cấp của Hội Phật giáo tỉnh; tham mưu đề xuất với lãnh đạo một số huyện, thị xã giải quyết quyền lợi kinh tế, chính trị hợp pháp của một số nhà tu hành; theo dõi tình hình giảng dạy và học tập của các tăng ni trong các lớp hạ yên cư; giúp Ban Trị sự Phật giáo tỉnh giải quyết, xử lý một số vụ vi phạm giới luật của một số tăng ni trong Giáo hội; giúp Hội Phật giáo tỉnh tổ chức thành công Đại hội. Cũng thời gian này, Tiểu ban Tôn giáo đã giúp đỡ, tạo điều kiện để Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh ra đời và hoạt động.
Mặc dù lực lượng cán bộ Tiểu ban Tôn giáo thời kỳ này rất mỏng(chỉ có 03 cán bộ), trình độ hạn chế, nhưng Tiểu ban đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở phối hợp với các cơ quan hữu quan, Tiểu ban đã nắm chắc được tình hình các tôn giáo, nắm các hội đoàn tôn giáo; tham gia mưu đề xuất giải quyết những vấn đề về QLNN đối với các hoạt động tôn giáo với cấp ủy và UBND các cấp, phát hiện và giải quyết tốt những vụ việc liên quan đến tôn giáo. Năm 1990 Bộ Chính trị TW Đảng(khóa VI) ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác tôn giáo trong tình hình mới, thể hiện quan điểm đổi mới của Đảng ta về công tác tôn giáo. Đây là lần đầu tiên Đảng ta đưa ra quan điểm: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài, tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Nhằm thể chế hóa Nghị Quyết của Bộ Chính trị, ngày 21 tháng 3 năm 1991 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 69/NĐ-HĐBT về công tác tôn giáo. Đây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của Nhà nước ta về tôn giáo trong thời kỳ đó. Tiểu Ban tôn giáo đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ chính trị và Nghị định trên của Chính phủ.
3. Thời kỳ 1991-1996:
Căn cứ hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ tại công văn số 114/CV-TGCP ngày 31.3.1992 ngày 10.12.1992, UBND tỉnh Hà Bắc ban hành Quyết định 979/QĐ-UB về việc thành lập Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh Hà Bắc. Ban có nhiệm vụ chủ yếu là "Làm tham mưu giúp Tỉnh ủy về công tác tôn giáo, giúp UBND tỉnh quản lý các tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 66 của Ban Bí thư TW về Nghị định số 69 của Hội đồng Bộ trưởng".
Quyết định của UBND tỉnh cũng nêu rõ "Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh Hà Bắc làm việc có tính chất kiêm nhiệm. Ban có con dấu riêng, trụ sở đặt tại Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Bắc. Ban Tôn giáo chính quyền có 1 Trưởng ban do Phó Trưởng ban dân vận kiêm nhiệm, 01 Phó trưởng ban và một số cán bộ giúp việc.
Thi hành quyết định của UBND tỉnh, Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh Hà Bắc được thành lập với cơ cấu tổ chức bộ máy như sau: 1 Phó Trưởng Ban Dân vận làm Trưởng ban, 1 chuyên viên nội chính Văn phòng UBND tỉnh làm Phó trưởng Ban (Kiêm nhiệm), 1 chuyên viên Ban Tôn giáo tỉnh (chuyên trách) và hai chuyên viên kiêm nghiệm.
Cấp huyện và cấp xã không có Ban Tôn giáo. Tùy theo đặc điểm tình hình tôn giáo có trên địa bàn huyện, xã mà giao nhiệm vụ QLNN về tôn giáo cho Ban Dân vận, UBMTTQ, ngành VHTT, ngành Công an thực hiện.
Mặc dù hệ thống làm tôn giáo và bộ máy Ban Tôn giáo thời kỳ này là như vậy nhưng nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các đoàn thể nhân dân, nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của Cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp nên công tác tôn giáo và công tác QLNN về tôn giáo vẫn được thực hiện tốt.
4. Thời kỳ 1997 đến nay:
Tháng 11 năm 1996, Quốc hội có Nghị quyết chia tách một số tỉnh lớn, trong đó có tỉnh Hà Bắc. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, từ tháng 1/1997 các cơ quan tỉnh Bắc Ninh hoạt động theo địa giới hành chính mới và các cơ quan của Đảng, Chính quyền, các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp của tỉnh lần lượt được thành lập.
Ngày 3.3.1997, UBND tỉnh Ban hành quyết định số 34/QĐ-UB thành lập Ban Tôn giáo tỉnh. Khi mới thành lập, Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh chỉ có 1 Phó trưởng Ban, 1 cán bộ.
Tháng 6.1998, Ban tiếp nhận một chuyên viên. Năm 1999, thêm 1 nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Mặc dù rất thiếu cán bộ và thiếu phương tiện, điều kiệm làm việc, nhưng cán bộ, nhân viên cơ quan vẫn duy trì hoạt động nề nếp và có hiệu quả. Về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, Ban đã hướng dẫn cán bộ tôn giáo các huyện, thị xã làm tốt chức năng tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện quyền QLNN của mình về tôn giáo trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở giải quyết tốt một số vụ việc phức tạp trong Phật giáo, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức QLNN về tôn giáo cho cán bộ cơ sở, tham mưu UBND tỉnh, tổ chức hội nghị phổ biến triển khai Nghị định số 26/1999/NĐ-CP cho cán bộ lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, lãnh đạo chủ chốt các huyện, thị ủy, UBND huyện, thị xã, tổ chức hội nghị giao ban hàng tháng với các cơ quan Ban Dân vận, Mặt trận, Công an tỉnh và Ban Tôn giáo các huyện, thị xã. Khi Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản hướng dẫn Ban Tôn giáo các tỉnh ký kết chương trình phối hợp với các đoàn thể. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCSHCM về việc vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt đường lối chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh là 1 trong những địa phương đầu tiên ký kết chương trình phối hợp với các đoàn thể nói trên. Tại các huyện, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, các đơn vị đều thành lập Ban Tôn giáo, Ban làm việc theo phương thức phối hợp. Thành viên của Ban gồm cán bộ của các cơ quan: Công an, Dân vận, Mặt trận, Văn hóa, Văn phòng UBND huyện.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 22/2004/NĐ-CP ngày 12.1.2004 về kiện tòan tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc UBND các cấp, Nghị định số 172/2004/NĐ-CP này 29.9.2004 quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, Nghị định 22 và Thông tư 25/TT-BNV ngày 19.4.2004 của Bộ Nội vụ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc UBND các cấp, ngày 10.12.2004 HĐND tỉnh Bắc Ninh đã họp và ra Nghị quyết về số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã. Căn cứ Nghị quyết của HĐND ngày 27.12.2004 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 216, 217, 218 về việc quy định tổ chức tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND thị xã Bắc Ninh, UBND các huyện. Theo Quyết định số 217 UBND, thị xã Bắc Ninh có Phòng Tôn giáo; theo Quyết định số 218, bộ phận làm công tác tôn giáo sẽ thuộc Văn phòng HĐND-UBND các huyện. Để giúp UBND Thị xã Bắc Ninh có căn cứ thành lập Phòng Tôn giáo và UBND các huyện sớm bố trí cán bộ phụ trách công tác tôn giáo, ngày 18.4 và ngày 30.5.2005 Sở Nội vụ và Ban Tôn giáo tỉnh có công văn số 125/HD-LN và công văn số 187/DH-LN hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc UBND các huyện.
Ngày 30.6.2004 UBND tỉnh ban hành văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh (ban hành theo Quyết định số 102/2004 QĐ-UB). Theo đó, Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh có Trưởng Ban và các Phó trưởng ban, có Văn phòng Ban và Phòng nghiệp vụ QLNN về tôn giáo. Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ- CP ngày 04.02.2008 của Chính phủ qui định về các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW; ngày 18.3.2008 UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 29/2008/QĐ-UBND sáp nhập Ban Tôn giáo tỉnh về Sở Nội vụ; Ngày 28.8.2008 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 128/2008/QĐ-UBND thành lập Ban Tôn giáo tỉnh trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh;
Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT- BNV ngày 20.5.2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 02.12.2010 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 139/2010/QĐ - UBND quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo tỉnh trực thuộc Sở Nội vụ Bắc Ninh. Hiện nay, Ban Tôn giáo tỉnh gồm có 3 phòng (Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Nghiệp vụ 1 và Nghiệp vụ 2) với 10 cán bộ, công chức trong đó có 01 Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban, 03 Trưởng phòng; Về trình độ chuyên môn: Thạc sỹ: 03, Đại học: 06; trung cÊp lý luËn chÝnh trÞ: 02; cao cÊp lý luËn chÝnh trÞ: 05.
Tại các huyện thị xã, thành phố thực hiện Nghị định số 14/2008 ngày 04.02.2008 của Chính phủ thì bộ phận làm công tác QLNN về tôn giáo được giao cho Phòng Nội vụ.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn này Ngành QLNN về tôn giáo đã đoàn kết, tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao trên các mặt hoạt động như:
Làm tốt công tác tham mưu đề xuất quản lý các hoạt động tôn giáo:
Tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức các Hội nghị triển khai, quán triệt và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-TW Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 (khoá IX) về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng - tôn giáo, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng - tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ - CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành; Chỉ thị 1940/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; Quyết định số 11/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết một số việc về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Quyết định số 112/QĐ-UB về việc cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức tôn giáo; Quyết định số 69/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quy định chế độ trách nhiệm của Người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đơn vị địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh…
Hàng năm, Ban Tôn giáo đã tích cực tham mưu để UBND các cấp ban hành văn bản chấp thuận cho các tôn giáo được tổ chức các hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật như: Việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành; Nhập tu, nhập tự; Xây dựng sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo; Phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; Tổ chức Đại hội, Hội nghị của tôn giáo; Tham mưu với Cấp uỷ, Chính quyền các cấp thăm hỏi, động viên các tổ chức tôn giáo, các giáo sỹ, giáo dân tiêu biểu trong dịp lễ trọng của các tôn giáo….
Hướng dẫn chỉ đạo, quản lý, tổ chức tốt các lễ nghi, lễ hội tôn giáo hàng năm:
Thường xuyên nắm bắt, hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời các hoạt động tôn giáo, do vậy các ngày lễ trọng, cũng như các hoạt động của Công giáo, Phật giáo được tổ chức trang nghiêm đúng quy định của pháp luật, trong đó có nhiều buổi lễ như: Lễ hội chùa, Đại lễ Phật đản - Phật lịch, Vu lan báo hiếu của Đạo Phật; Các ngày lễ trọng, lễ Noel của Công giáo… Một số hoạt động diễn ra với quy mô lớn của các tôn giáo đã được tổ chức trang nghiêm an toàn trong nhiều năm qua như: Đại hội Phật giáo các cấp, Đại hội Đại biểu người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại lễ Vesak của Phật giáo năm 2008, Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07.11.1981- 07.11.2011). Đại hội giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội do Giáo phận Bắc Ninh đăng cai (Bao gồm 10 Giáo phận) của Công giáo được tổ chức tháng 11/2011 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh với trên 25.000 tín đồ tham dự…
Làm tốt công tác Quản lý về phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển nơi hoạt động của chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo:
Việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển nơi hoạt động của các Tăng Ni thuộc thẩm quyền của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Tòa Giám mục Bắc Ninh; nhưng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan QLNN về tôn giáo cấp tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh đã có nhiều biện pháp cụ thể, tích cực trong việc hướng dẫn Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Tòa Giám mục Bắc Ninh thực hiện đúng các quy định của Pháp luật cũng như Hiến chương, Giáo luật, đồng thời tích cực tham mưu UBND tỉnh, lãnh đạo Sở chỉ đạo, quản lý các hoạt động tôn giáo tại các huyện, thị xã, thành phố…
Công tác Quản lý xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo và các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đảm bảo tuân thủ các qui định của pháp luật:
Việc nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng được Ban Tôn giáo tỉnh chủ trì phối hợp với các cấp Chính quyền, Ban, Ngành trong tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ, giải quyết theo đúng trình tự pháp luật; Căn cứ qui định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 11/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Ngành QLNN về tôn giáo tỉnh Bắc Ninh đã hướng dẫn các cơ sở địa phương về trình tự thủ tục, hồ sơ trong việc xin phép xây dựng, trùng tu, sửa chữa và xây mới các cơ sở thờ tự: Trong những năm qua trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Ninh có: 127 Cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng, trùng tu, sửa chữa, trong đó phần lớn các cơ sở thờ tự được các cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng.
Tăng cường công tác Quản lý đất đai tôn giáo:
Ngay từ năm 2007, Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất-Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức triển khai việc lập hồ sơ, Cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở thờ tự tôn giáo ở tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố; Từ năm 2009 khi có Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31.12.2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo được ban hành; Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh; Ban Tôn giáo cùng các ngành chức năng đã tăng cường công tác QLNN trên lĩnh vực này; Kết quả tổng số cơ sở thờ tự được cấp GCNQSDĐ là 567 cơ sở đạt 90%, các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ đều được lập hồ sơ để quản lý theo qui định của pháp luật.
Công tác Quản lý về đào tạo bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo đảm bảo tuân thủ theo các qui định của pháp luật và giáo luật:
Công tác đào tạo bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành của các tổ chức Tôn giáo được Chính quyền các cấp tạo điều kiện; Trong những năm qua các tổ chức tôn giáo đã mở lớp, chiêu sinh đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo bao gồm:
Phật giáo đã tổ chức 03 khóa Trung cấp Phật học có 116 Học viên; (Trong đó 64 Tăng Ni khoá I, II đã tốt nghiệp ra trường, 52 Tăng Ni sinh khoá III đang theo học từ năm 2009 đến nay); 15 Tăng Ni đi học tại Học viện Phật giáo và Cao đẳng Phật giáo;
Công giáo từ năm 2009 đến nay có 8 chủng sinh tốt nghiệp Đại chủng viện, 03 chủng sinh đang theo học ở nước ngoài, 11 chủng sinh đang học Đại Chủng viện Hà Nội.
Công tác hướng dẫn chỉ đạo, quản lý các hoạt động xã hội, y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo đối với các tổ chức tôn giáo được coi trọng và thực hiện tốt:
Hoạt động của các tổ chức tôn giáo ở Bắc Ninh chủ yếu là các hoạt động từ thiện nhân đạo; Các hoạt động này đã và đang được quản lý tương đối tốt, phát huy được kết quả tích cực; Ban Tôn giáo tỉnh đã hướng dẫn các tôn giáo trong việc tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội như: Tặng quà cho trẻ em tàn tật, học sinh nghèo vượt khó, thăm hỏi tặng quà cho các thương bệnh binh, các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân các ngày lễ lớn của đất nước, các ngày lễ của các tôn giáo như Đại lễ Phật đản, Vu lan Báo hiếu của Đạo Phật, lễ Noel của Công giáo… được các tôn giáo tích cực tham gia, hưởng ứng;
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết đơn thư theo thẩm quyền:
Những năm qua mặc dù đơn thư kiến nghị không nhiều, nhưng lĩnh vực này Ban Tôn giáo thường xuyên quan tâm, phối hợp với các Cơ quan có liên quan tập trung giải quyết có hiệu quả một số vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Các vụ việc trên đã được Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp với các ngành và các địa phương liên quan giải quyết kịp thời; Công tác tham mưu, đề xuất chỉ đạo giải quyết đơn thư đảm bảo có lý, có tình theo đúng trình tự qui định của Pháp luật và Giáo luật; Đồng thời hàng năm duy trì công tác kiểm tra đảm bảo theo kế hoạch đối với cấp huyện và cơ sở.
Duy trì đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp với các Đoàn thể nhân dân trong việc vận động đoàn viên hội viên thực hiện đường lối chính sách tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước:
Theo chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo tỉnh đã tiếp tục ký kết và tổ chức thực hiện chương trình phối hợp: Vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên thực hiện đường lối, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân, tỉnh Đoàn TNCSHCM . Trên cơ sở Chương trình Kế hoạch phối hợp đã ký kết, Ban Tôn giáo tỉnh có văn bản hướng dẫn Phòng Nội vụ cấp huyện xây dựng chương trình kế hoạch phối hợp ký kết với các đoàn thể nhân dân cùng cấp. Ngoài ra, trong công tác này ngành QLNN về tôn giáo Bắc Ninh còn có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan, ban, ngành, địa phương cơ sở có liên quan, để thực hiện nhiệm vụ công tác tôn giáo. Đồng thời định kỳ đánh giá rút kinh nghiệm. Với những kết quả đã đạt được Ban Tôn giáo Bắc Ninh đã được Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các Cơ quan Đoàn thể Trung ương tặng Bằng khen đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và đào tạo cán bộ:
Hoạt động tuyên truyền được triển khai rộng khắp dưới nhiều hình thức thông qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh cơ sở; Thông qua việc xuất bản Bản Tin tôn giáo Bắc Ninh; Đăng tải nội dung trên Cổng thông tin điện tử của Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã, thành phố, đến tận điểm bưu điện văn hóa xã ở tại các thôn, khu phố và các Hội nghị tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật; Từ năm 2006 đến nay, Ban Tôn giáo đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 49 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo cho 9387 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và quần chúng nhân dân; Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức 9 lớp lồng ghép truyền đạt nội dung về chính sách tôn giáo cho trên 1.000 lượt cán bộ hội viên, đoàn viên. Bên cạnh đó chủ động phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 20 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo cho gần 3618 lượt học viên là các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp; Lãnh đạo, chuyên viên làm công tác tôn giáo thuộc các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh; Các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, Uỷ Ban MTTQ, Hội Phụ nữ các xã, phường, thị trấn; Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Mặt trận làng trong tỉnh.
III. Thành tích tiêu biểu đạt được:
1. Danh hiệu Thi đua:
- Từ 2001 đến nay, hàng năm luôn đạt danh hiệu: Tập thể lao động xuất sắc;
- Năm 2006, 2007: Ban Tôn giáo Chính phủ Tặng Cờ thi đua đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
- Năm 2011: UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Cờ thi đua xuất sắc.
2. Hình thức khen thưởng:
- Từ năm 1997 đến nay, được Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng 16 Bằng khen (Trong đó Chủ tịch UBND tỉnh tặng: 10 Bằng khen; Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng: 06 Bằng khen);
- Năm 2009: Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen;
- Năm 2013: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.
Có thể nói hoàn thành được những nhiệm vụ trên đây là sự cố gắng nỗ lực của những người làm công tác QLNN về tôn giáo Bắc Ninh và sự phối hợp, công tác có trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, của UBND, UBMTTQ các huyện, thị xã, thành phố; Đặc biệt, có sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự hướng dẫn về mặt chuyên môn của Ban Tôn giáo Chính phủ. Nhìn lại chặng đường 60 năm vẻ vang đã qua của ngành QLNN về tôn giáo ở Bắc Ninh, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống quý báu được tạo dựng, vun đắp bởi nhiều thế hệ cán bộ kế tiếp nhau; tự hào về những đóng góp có phần thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Bắc Ninh, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh văn minh.
Đào Duy Hữu