30 năm xây dựng và trưởng thành Ban Tôn giáo Thanh Hóa (13/5/1985-13/5/2015)
Ngày đăng: 03/12/2013
I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH TÔN GIÁO Ở THANH HÓA. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 04 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao Đài đang hoạt động hợp pháp và ổn định với khoảng 250.000 tín đồ (chiếm tỷ lệ 7,2% so với dân số toàn tỉnh); có 482 cơ sở thờ tự, với gần 474 chức sắc, hơn 1.240 chức việc.

Trong những năm qua, hoạt động của các tôn giáo cơ bản ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật. Chức sắc, nhà tu hành và bà con tín đồ các tôn giáo luôn thể hiện đời sống và đức tin một cách chính đáng, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, các phong trào xoá đói giảm nghèo và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do MTTQ phát động. Đời sống của bà con các tôn giáo ngày càng phát triển; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TÔN GIÁO.

Gắn liền với từng giai đoạn xây dựng và trưởng thành của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo cả nước, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, MTTQ, các huyện, thị xã, thành phố, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo của tỉnh đã không ngừng phát triển và trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng.

1. Thời kỳ trước khi thành lập:

Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác tôn giáo ở Thanh Hóa luôn được tôn trọng và đảm bảo. Sau khi có Sắc lệnh 234/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa đã điều động một số cán bộ, đảng viên xuất thân từ các gia đình gốc giáo làm cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo tại các cơ quan chức năng ở tỉnh; một số cán bộ được biệt phái xuống các xã có đông đồng bào các tôn giáo. Nhiệm vụ chủ yếu là vận động các tín đồ, chức sắc tôn giáo thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc góp phần vào việc diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; giúp các cấp chính quyền trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động, sinh hoạt trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân, khơi dậy trong đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược trường kỳ và anh dũng của dân tộc.

Từ sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cùng với những những thuận lợi to lớn, đất nước ta phải vượt qua không ít khó khăn, phức tạp do phải hàn gắn vết thương chiến tranh, phải tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, phải tiến hành cải tạo XHCN đối với nền kinh tế, phải phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Vào thời kỳ này, cũng như các địa phương khác trong cả nước, Thanh Hóa cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn to lớn, đặc biệt, trong kế hoạch hậu chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thanh Hóa là một trọng điểm, có vị trí chiến lược trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Tại một số vùng dân cư trong đồng bào Công giáo, một số phần tử phản động lợi dụng tôn giáo đã tập hợp bọn côn đồ chống đối, vu cáo chính quyền cách mạng; tuyên truyền lừa bịp và cưỡng ép bà con giáo dân phải thực hiện những việc làm theo ý đồ chính trị của chúng.

Đứng trước tình hình đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trong tỉnh đã bình tĩnh, sáng suốt tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra những chủ trương, biện pháp chỉ đạo đúng đắn; lăn lộn ở cơ sở, đi sâu, đi sát với nhân dân, tập trung tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, về tôn giáo nói riêng trong quần chúng nhân dân; củng cố phong trào xây dựng cuộc sống mới; đồng thời khoanh vùng, đấu tranh với bọn phản động, mang lại sự yên bình và niềm tin đối với Đảng, Nhà nước trong quần chúng tín đồ.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa là địa bàn chiến lược trọng yếu, là trọng điểm đánh phá trong chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Công tác tôn giáo thời kỳ này tập trung tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, tổ chức các hoạt động, sinh hoạt trong đời sống tôn giáo, tích cực tham gia kháng chiến cứu nước. Hàng nghìn thanh niên là tín đồ các tôn giáo hăng hái tình nguyện lên đường đánh Mỹ; nhiều cơ sở tôn giáo là nơi cứu thương bộ đội, nơi cất giấu vũ khí; có những chức sắc tôn giáo đã sẵn sàng ra trận địa phục vụ cứu thương, tải đạn, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội ăn no đánh giặc.

Từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước hoàn toàn thống nhất và bước vào giai đoạn cách mạng mới, công tác tôn giáo trong thời kỳ cách mạng mới, đặc biệt từ thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, trong đó, đổi mới trong lĩnh vực tôn giáo đã góp phần quan trọng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào các tôn giáo được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật, đã tích cực tham gia công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

2. Quá trình thành lập và xây dựng:

- Để thực hiện tốt hơn công tác tôn giáo trong thời kỳ cách mạng mới, ngày 13/5/1985, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 450-QĐ/TCCQ thành lập Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Ngày đầu thành lập, Ban Tôn giáo chỉ có 05 cán bộ, sinh hoạt với Ban Dân vận Tỉnh ủy, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Ban có nhiệm vụ chủ yếu là“Làm tham mưu giúp Tỉnh uỷ về công tác QLNN về tôn giáogiúp UBND tỉnh quản lý các tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 66 của Ban Bí thư TW và Nghị định số 69 của Hội đồng Bộ trưởng”.

- Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1806-QĐ-TC/UB ngày 20/8/1997 kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác tôn giáo trong tỉnh, tách Ban Tôn giáo thành một Ban độc lập theo nguyên tắc thống nhất hai chức năng, vừa làm tham mưu cho Tỉnh ủy, vừa chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN về hoạt động tôn giáo theo Pháp luật nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ban có Trưởng ban và 08 cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo. Mặc dù ít cán bộ, phương tiện làm việc thiếu thốn nhưng cán bộ và nhân viên cơ quan Ban Tôn giáo vẫn duy trì hoạt động có hiệu quả.

- Năm 2005, thực hiện Thông tư số 25/2004/TT-BNV ngày 19/4/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo ở địa phương và thực hiện Quyết định số 3662/QĐ-CT ngày 16/11/2004; Quyết định số 3685/QĐ-CT ngày 17/11/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn bộ máy tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND các cấp quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh; theo đó, Ban Tôn giáo trực thuộc UBND tỉnh, có 02 phòng chức năng là: Văn phòng và Phòng Nghiệp vụ.

- Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 04/2008/TT-BNV ngày 04/6/2008 của Bộ Nội vụ và Quyết định số 952/QĐ-UBND ngày 01/4/2009 của UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Ban Tôn giáo sáp nhập là đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ, với chức năng tham mưu thực hiện chức năng QLNN đối với hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Ngày 28/10/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3571/QĐ-UBND về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hoá. Theo đó, Ban Tôn giáo là đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ, với 03 phòng chuyên môn là phòng Hành chính Tổng hợp, phòng Công giáo và Tin lành, phòng Phật giáo và các Tôn giáo khác.

Trải qua 30 xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; của Ban Tôn giáo Chính phủ và Giám đốc Sở Nội vụ; sự phối hợp của các cấp, các ngành và các tổ chức tôn giáo trong tỉnh; đặc biệt là sự nỗ lực của tập thể cán bộ lãnh đạo, công chức Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ và đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp trong tỉnh, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ Thanh Hóa đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, xây dựng và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

III. NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT TRONG 30 NĂM QUA

1. Làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo.

3. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể ở tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động chức sắc và quần chúng tín đồ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống mới, sống “Tốt đời, đẹp đạo”.

4. Làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp trên địa bàn toàn tỉnh.

5. Tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, đề án, chuyên đề nghiên cứu phục vụ tốt công tác chuyên môn.

6. Chăm lo xây dựng cơ quan đoàn kết, Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

IV. NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TRAO TẶNG

30 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể Ban Tôn giáo Thanh Hóa đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Ban Tôn giáo Chính phủ, của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng:

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2000.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010.

- Huân Chương Lao động hạng Ba năm 2005.                                     

- Huân Chương Lao động hạng Hai năm 2015.

Bùi Hải Vinh