Lịch sử xây dựng và trưởng thành của Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh
Ngày đăng: 04/12/2013Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, có diện tích đất tự nhiên 4.035,45 km2. Phía Đông giáp với 02 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và phía Nam giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Phía Tây và Tây Bắc tỉnh giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km (thuộc địa giới hành chính 05 huyện, 20 xã biên giới); có 02 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát) và 02 cửa khẩu quốc gia (Kà Tum, Phước Tân). Dân số 1.099.960 người (2012), chia ra 08 huyện, 01 thành phố (vừa được công nhận là Đô thị loại III vào ngày 22/12/2012) với 95 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 17 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 1,52 % dân số.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 05 tôn giáo chính (Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Hồi giáo), với tổng số tín đồ các tôn giáo khoảng 757.932 người, chiếm khoảng 69% dân số toàn tỉnh và khoảng 298 cơ sở thờ tự. Trong đó, Cao Đài Tây Ninh có số lượng đông nhất khoảng 511.494 người (1.773 chức sắc, 8.420 chức việc, 501.301 tín đồ), chiếm khoảng 46,5% dân số toàn tỉnh, 120 cơ sở thờ tự, 75 Họ đạo. Hiện nay, Cao Đài Tây Ninh đã có mặt ở 39 tỉnh, thành trong cả nước, với số lượng hơn 2,5 triệu người và một bộ phận Cao Đài hải ngoại. Riêng tín đồ là người dân tộc thiểu số trong tỉnh chiếm 1,213% (13.272 người). Tây Ninh có các trung tâm lớn về tôn giáo và nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác phân bổ trên địa bàn toàn tỉnh (Núi Bà Tây Ninh, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, …), hàng năm thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, hành lễ cùng với đó là các hoạt động tôn giáo diễn ra thường xuyên trong năm ở hầu hết các địa phương thuộc tỉnh.
Căn cứ vào tình hình thực tế các tôn giáo tại địa phương và các văn bản có liên quan, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, ngành quản lý nhà nước về tôn giáo tỉnh Tây Ninh (Ban Tôn giáo tỉnh) đã trưởng thành và phát triển trong suốt 23 năm qua kể từ năm 1992 đến nay trải qua các giai đoạn như sau:
- Trước năm 1992, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo của tỉnh Tây Ninh chưa thành lập, chủ yếu là bộ phận cán bộ làm công tác tôn giáo vận, nằm trong Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu đảm trách.
- Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2008
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước nói chung và của tỉnh Tây Ninh nói riêng cũng như căn cứ vào tình hình thực tế các tôn giáo tại địa phương, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-UB,ngày 26/6/1992 về việc thành lập Ban Tôn giáo tỉnh trực thuộc UBND tỉnh và được giao 05 biên chế (Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban và 03 chuyên viên, chưa có các phòng trực thuộc), do ông Phan Văn Điền làm Trưởng ban từ 1992 đến 1997 (tự Mười Thương hay Hà Minh Trí) sinh năm 1935, nguyên là Trưởng Ban Tôn giáo - Dân tộc tỉnh Tây Ninh, ông là thương binh loại 2/4, đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 2005. Từ năm 1997 đến 2002, ông Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm làm Trưởng Ban.
Đến tháng 7/2002, thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan thuộc UBND tỉnh tỉnh Tây Ninh theo Thông tư Liên tịch số 771/TTLT-UBDTMN-TGCP ngày 20/10/1998 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các cơ quan Dân tộc - Miền núi ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 95/QĐ-UB ngày 09/7/2002 về việc thành lập Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Tây Ninh trên cơ sở tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo tỉnh. Cơ cấu tổ chức lúc này gồm: Lãnh đạo Ban, Văn phòng, Phòng Nghiệp vụ Tôn giáo, Phòng Nghiệp vụ dân tộc và Phòng Thanh tra, hoạt động ổn định bộ máy đến năm 2007 với tổng số công chức và người lao động là 10 người. Trong thời gian này (từ năm 2002 đến 2008), ông Nguyễn Thanh Lâm vẫn tiếp tục làm Trưởng ban.
- Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2015
Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó:
+ Tổ chức bộ máy biên chế của Phòng Dân tộc thuộc Ban Tôn giáo-Dân tộc tỉnh sáp nhập vào Văn phòng UBND tỉnh;
+ Tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo sáp nhập vào Sở Nội vụ (thành lập Ban Tôn giáo thuộc Sở tại Quyết định số 1729/QĐ-UBND ngày 05/8/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh), có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Cơ cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng ban (ông Trang Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm Trưởng ban), 02 Phó Trưởng ban và 03 phòng chuyên môn nghiệp vụ: Phòng Tổ chức- Hành chính; Phòng Nghiệp vụ Cao Đài và Phòng nghiệp vụ các tôn giáo khác với tổng cộng 18 công chức và người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cơ bản, tận tụy với công việc đáp ứng yêu cầu công tác QLNN về tôn giáo trong thời kỳ hiện nay.
Tập thể công chức và người lao động Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh
Xác định được vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo trên địa bàn tỉnh, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hướng dẫn chuyên môn của Ban Tôn giáo Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương; đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể công chức, nhân viên, thời gian qua, Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như:
Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã từng bước củng cố, kiện toàn, phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh qua các thời kỳ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được quan tâm, thực hiện. Nhất là, đã giải quyết và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết tốt, đạt kết quả cao các vụ việc tôn giáo khó, nhạy cảm; trong đó có một số vấn đề tồn động do lịch sử để lại có liên quan đến nhà đất, công trình tôn giáo cũng như việc xây dựng không phép, việc mất đoàn kết nội bộ, việc sử dụng nhà riêng làm cơ sở thờ tự tôn giáo ở một số địa phương…; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của tổ chức, cá nhân chức sắc nhà tu hành các tôn giáo.
Ban Tôn giáo tỉnh cũng đã tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với chính quyền các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị, các văn bản pháp luật về tôn giáo của Trung ương và của tỉnh, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất trong hành động của hệ thống chính trị và quần chúng có đạo về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo; thường xuyên nắm bắt tình hình tôn giáo ở cơ sở; hướng dẫn Phòng Nội vụ các huyện, thành phố tham mưu giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tôn giáo tại địa phương. Công tác cải cách hành chính được quan tâm, thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời và triển khai toàn diện, có hệ thống từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Đối với cấp tỉnh, Ban đã tham mưu cho Giám đốc Sở trình UBND tỉnh ban hành Bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Tôn giáo tỉnh và cấp huyện, xã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo liên hệ, giải quyết công việc. Những năm qua mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trở ngại ở nhiều lĩnh vực nhưng công chức và những người lao động đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong công tác tuyên truyền về chính sách của Đảng và nhà nước về tôn giáo. Hằng năm cán bộ Lãnh đạo Ban Tôn giáo đã tự lực nghiên cứu tổ chức tuyên truyền phổ biến cho hàng trăm cán bộ trong tỉnh và hàng ngàn chức sắc, chức việc tạo sự đồng thuận giữa đạo và đời, gắn trách nhiệm của người tu hành và công dân với đất nước, tất cả các lớp tôn giáo tại cơ sở trong tỉnh đều tự lực nghiên cứu tự lực giảng dạy. Bên cạnh đó còn đào cho lớp kế thừa, biết cách báo cáo đứng lớp vững vàng, ngoài ra, còn nhận lời mời tham gia giảng dạy tại các Trường, Trung tâm chính trị cấp tỉnh, huyện thậm chí còn nhận lời mời thỉnh giảng của Ban Tôn giáo các tỉnh như Đồng Tháp, Bình Phước, Vũng Tàu, Lâm Đồng báo cáo chuyên sâu về công tác đạo Cao Đài...
Chính từ chủ động, sáng tạo và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; sự phối hợp của các cấp, các ngành; sự đồng thuận của chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân mà trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ ngày thành lập đến nay đã không để xảy ra các vụ việc phức tạp, các điểm nóng về tôn giáo. Nhiều năm liền, tỉnh Tây Ninh được Trung ương đánh giá là địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
Với những kết quả đã đạt được, Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều hình thức khen thưởng cho tập thể Ban như: Cờ thi đua xuất sắc các năm (2006, 2008, 2009) do Ban Tôn giáo Chính Phủ tặng, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc nhiều năm liền từ năm 2010 đến 2014. Riêng nhiều cá nhân công chức Ban Tôn giáo cũng đã được các ngành, các cấp tặng nhiều Bằng khen, đặc biệt là có 01 công chức là Ông Trang Văn Hải vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3. Hiện nay, Ban Tôn giáo Tây Ninh có một Chi bộ Đảng, có 01 Chi ủy với 11 đảng viên. Có một tổ chức Công đoàn cơ sở hoạt động ổn định, đoàn kết.
Trải qua 23 năm xây dựng và trưởng thành của Ban Tôn giáo kể từ năm 1992 đến nay, ở mọi giai đoạn của cách mạng, nhiệm vụ công tác tôn giáo luôn được triển khai một cách sâu rộng, hiệu quả, thiết thực, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo luôn có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Nguyễn Vĩnh Thế