Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ – Quá trình hình thành và phát triển
Ngày đăng: 28/09/2015Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ là cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nội vụ, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố lãnh đạo, thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo.
I. Quá trình hình thành và phát triển.
Trước năm 1975, công tác tôn giáo chủ yếu là vận động, hình thành các tổ chức yêu nước trong các tôn giáo; vận động, tập hợp chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo phát huy tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi hiệp thương, thống nhất nước nhà. Trong kháng chiến chống Mỹ, công tác tôn giáo ở Cần Thơ tập trung vận động xây dựng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo, phát huy vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo; vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đóng góp sức người, sức của góp phần cho thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, công tác tôn giáo chuyển sang giai đoạn mới, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Tiền thân của Ban Tôn giáo Cần Thơ là Tiểu ban công tác tôn giáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang được thành lập vào tháng 10 năm 1982.
Năm 1986, Ban Tôn giáo tỉnh Hậu Giang được thành lập theo Quyết định số 290/QĐ-UBT.86 của Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND); đến năm 1993 tách tỉnh Hậu Giang, Ban Tôn giáo được đổi tên thành Ban Tôn giáo tỉnh Cần Thơ; năm 1994, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Cần Thơ tổ chức thành lập Ban Tôn giáo huyện, thị, thành, các Tổ tôn giáo xã, phường, thị trấn cũng được thành lập. Đến năm 1999, Ban Tôn giáo các huyện, thị, thành giải thể, chỉ bố trí một chuyên viên phụ trách tôn giáo thuộc Văn phòng UBND huyện, thị, thành.
Năm 2004, chia tách tỉnh Cần Thơ thành lập tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, Ban Tôn giáo được giao thêm nhiệm vụ công tác dân tộc; Ban Tôn giáo – Dân tộc thành phố Cần Thơ được thành lập theo Quyết định số 25/2005/QĐ-UB ngày 05/4/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Năm 2008, Ban Tôn giáo tách khỏi Ban Tôn giáo – Dân tộc nhập về trực thuộc Sở Nội vụ theo Quyết định số 1441/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ; công tác tôn giáo ở các quận, huyện nhập về Phòng Nội vụ; các xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì hoạt động các Tổ Tôn giáo (do Phó Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm cùng Mặt trận Tổ quốc và các thành viên kiêm nhiệm phụ trách công tác tôn giáo ở cơ sở).
Cùng với sự phát triển của cơ quan Quản lý Nhà nước về tôn giáo ở Trung ương; công tác tôn giáo của tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ hôm nay cũng phát triển trong điều kiện có những khó khăn nhất định do cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, dù còn có nhiều khó khăn nhưng đội ngũ công chức, nhân viên làm công tác tôn giáo từ thành phố đến quận, huyện đã có nhiều cố gắng, nổ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao cũng như không ngừng phấn đấu học tập, nghiên cứu, nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trên địa bàn Thành phố Cần Thơ hiện có 11 tôn giáo, 01 Pháp môn tu hành cùng tín ngưỡng dân gian ở địa phương, với 357 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, 778 chức sắc, 1663 chức việc, 625 nhà tu hành cùng với 467.984 tín đồ (chiếm tỷ lệ > 39% dân số TP) tăng so với năm 2008 hơn 85.200 tín đồ. Do là địa bàn có đông các tôn giáo hoạt động nên đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước phải có sự tăng cường. Thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ, hệ thống công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo của thành phố đã nổ lực hướng dẫn, tạo điều kiện để chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được tổ chức các hoạt động tôn giáo thuần túy, đúng Hiến chương của giáo hội và tuân thủ pháp luật; song hành với các chính sách, pháp luật về tôn giáo, các tôn giáo hoạt động với đường hướng hành đạo tiến bộ, tích cực, gắn bó với dân tộc và tham gia tốt các hoạt động từ thiện vì người nghèo, vì an sinh xã hội (tiêu biểu năm 2014 hơn 70 tỷ đồng).
II. Về tổ chức bộ máy Ban Tôn giáo.
Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ được giao 16 biên chế chính thức (không tính hợp đồng); lãnh đạo Ban gồm Trưởng ban và 02 Phó Trưởng ban, bộ máy tổ chức thành 03 Phòng:
Phòng Hành chính – Tổng hợp;
Phòng Nghiệp vụ I;
Phòng Nghiệp vụ II
Về chất lượng công chức:
+ Trình độ học vấn:
Có 03 Thạc sỹ (02 chuyên ngành tôn giáo học, 01 Đông Nam á học); 11 cử nhân các chuyên ngành (trong đó 04 Cử nhân nhân học -Tôn giáo), 01 đang học đại học chuyên ngành QTVP – VTLT).
+ Trình độ chính trị:
Cao cấp: 03 đ/c; Trung cấp 07 đ/c.
III. Về Nghiên cứu khoa học.
Ban đã hoàn thành Dự án hệ thống “Thông tin tôn giáo, tín ngưỡng thành phố Cần Thơ” và đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử Ban Tôn giáo TPCT (bantongiao.cantho.gov.vn).
Đang phối hợp cùng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú thành phố Cần Thơ hoàn thiện đề tài Khoa học Xã hội cấp thành phố “Vai trò của Phật giáo Nam tông đối với quá trình tu học của thanh, thiếu niên Khmer ở thành phố Cần Thơ”.
IV. Khen thưởng.
Với những đóng góp thiết thực và có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ, Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ đã được Nhà nước, Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố khen tặng nhiều phần thưởng cao quý:
Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 1999; Ban Tôn giáo Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2001, 2002, 2003, 2006, 2007; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, và Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ.
Từ 2008 đến 2014, Ban Tôn giáo Cần Thơ liên tục được Ủy ban nhân dân thành phố tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; có 67 người trong và ngoài ngành được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp quản lý Nhà nước về Tôn giáo”.
Tiếp tục phát huy truyền thống Ngành Quản lý Nhà nước về tôn giáo thời gian qua, tập thể công chức, nhân viên công tác tôn giáo thành phố Cần Thơ tiếp tục phát huy thành tích đạt được, ra sức nổ lực vượt khó, khắc phục thiếu sót, hạn chế, không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, ổn định an ninh tôn giáo, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ theo con đường Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, văn minh, hiện đại,/.
Võ Ngọc Hà