Sơ lược quá trình hình thành và phát triển Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan
Ngày đăng: 03/06/2015
Đạo Cao Đài là một tôn giáo ra đời ở Việt Nam vào năm 1926; ban đầu, đạo Cao Đài là một tổ chức tôn giáo thống nhất có Toà thánh ở Tây Ninh và xây dựng được hệ thống tổ chức Giáo hội hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương; về sau đạo Cao Đài rơi vào tình trạng chia rẽ nội bộ, hầu hết các chức sắc lập đạo đều về Thánh thất Cầu Kho (Thánh thất Cầu Kho là cơ sở đầu tiên của đạo Cao Đài ở Sài Gòn nguyên là nhà của Đốc học Đoàn Văn Bản gần trường tiểu học Cầu Kho nên được gọi là Thánh thất Cầu Kho). Trong bài viết chỉ đề cập, giới thiệu sơ lược quá trình hình thành và phát triển của Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan.

1. Quá trình hình thành Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan

1.1. Thành lập Thánh thất Trung ương Trung Việt Tam Quan (1927-1938)

Vào cuối những năm 1920, một số người ở miền Trung vào Sài Gòn làm ăn đã nhập môn đạo Cao Đài tại Thánh thất Cầu Kho; đầu năm 1927, ông Nguyễn Hữu Hào, ông Nguyễn Hữu Phương trở về Bình Định cùng một số vị thâm nho ở địa phương cùng hợp tác chung lo xây dựng đạo. Khi đó, tại nhà ông Phan Bồi có một ngôi chùa Phật do tổ tiên để lại đã tự nguyện hiến cho đạo làm ngôi Thánh thất Cao Đài, nhân dân thường gọi là chùa ông Bái Lịnh ở Tam Quan (Bái là Giám tự hay Thủ tự, Lịnh là tên con ông Phan Bồi).

            Những năm 1932-1933, số người theo đạo ở miền Trung khá đông và để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ, một số người bèn tìm cách hợp thức và công khai nền đạo. Ông Phan Nghị, một trong những người đứng đầu nhóm đạo vào Nam và được hướng dẫn đến Thánh thất Cầu Kho-Sài Gòn để được giúp đỡ.  

            Đến ngày 15/2/1937 (Mậu Dần), nhân ngày kỷ niệm Đức Thái Thượng Lão Quân, các nhóm đạo ở Tam Quan làm lễ Khai đạo Cao Đài ở miền Trung. Từ đó đạo Cao Đài được phổ biến nhanh chóng, kết hợp với phương pháp trị bệnh cứu người, số người vào đạo ngày càng tăng và lan rộng sang các tỉnh khác; đại diện đạo ở 06 tỉnh miền Trung là Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Plêiku, Khánh Hoà có 12 vị đứng tên gồm: Phan Nghị, Trần Chương, Trần Duy Mẫn, Trương Nhẫn, Trần Châu, Phạm Lục, Lê Cẩn, Phan Khánh, Phạm Đạt, Nguyễn Phụng Hoàng, Nguyễn Đình Đỉnh, Trần Đăng Hinh đã gửi đơn cho nhà cầm quyền (Toàn quyền Hà Nội, Khâm sứ Huế, Công sứ Quy Nhơn, Tri phủ Bồng Sơn) xin công khai Thánh thất Trung ương ở Tam Quan. Sau đó họ tiến hành làm lễ hoát khai Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, lập Thánh thất tại nhà ông Phan Bồi làm Thánh thất Trung ương của thống đạo Trung Việt vào ngày 15/2/1937. Liên Hoà Tổng hội cử hai ông Phan Trường Mạnh, Lê Văn Sanh ra dự và trao tặng tấm chấn thêu 4 chữ “Hoằng Khai Đại Đạo”. Với phương pháp này, các hướng đạo ở các địa phương cũng lần lượt xin công khai Thánh thất.

1.2. Giai đoạn năm 1939-1956

            - Năm 1939, thống đạo của Thánh thất Trung ương gồm có 19 Thánh thất (Phụng Sơn, Mỹ Nam, Quan Rườn tức Thuận An ngày nay, Mỹ Tho, Long Hoà, Tăng Long, Thanh Liêm, Tuy Phước, An Nghiệp ở Phú Yên; Tân Hưng, Liên Thành ở Nha Trang; Mễ Sơn, Sông Vệ, Nghĩa Lập, Mỹ Long, Bình Sơn, Phước Thiện, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Hoài Ân ở Bình Định) với tổng số trên 58.000 tín đồ.

Hoạt động của Hội thánh Cầu Kho đang đà thuận lợi thì đến năm 1943, thực dân Pháp ra lệnh bắt một số hướng đạo miền Trung trong đó có các ông: Nguyễn Phụng Hoàng, Nguyễn Đình Đỉnh, Nguyễn Hữu Cửu, Nguyễn Hữu Toàn, Nguyễn Hữu Tấn, Võ Cát, Mai Xuân Phương, Lê Nhi, Huỳnh Khâm, Lê Cẩn, Phạm Đạt, Đào Hiền, Phan Ngọc Mỹ, Võ Khắc Quang, Lê Chơn Nho, Võ Thượng Tể, Võ Khắc Cang, Nguyễn Nhật Tân, Võ Hoá (Phú Lâm) bắt giam tại nhà lao Quy Nhơn cho đến tháng 2/1945 mới thả.  

             - Sau hiệp định Giơnevơ, đất nước chia hai miền Nam-Bắc; Chức sắc, tín đồ Cao Đài Cầu Kho Tam Quan cùng nhau trở về tư gia phục khai cơ sở đạo. Cuối 1954, Thánh thất đầu tiên được xây dựng lại là Thánh thất Mỹ Thọ tại nhà ông Nguyễn Hữu Tấn (sau vì số tín đồ quá đông nên chia thành 3 Thánh thất là: Mỹ Thọ, Mỹ Quang và Nhơn Hương).

            Tiếp đến các địa phương cũng phục khai cơ sở đạo, Tại Bình Định có các Thánh thất Phụng Sơn, Phụng Mỹ, Phụng Nam, Cự Lệ, Thuận An, Phú Hữu, Tam Quan, Cát An, Thanh An, Trung Hoà, Xuân Thành, Quy Nhơn, Thanh Vân, Cự Sơn Nam, Định Thiện, Tu Viện, Minh Châu. Tại Quảng Ngãi có các Thánh thất: Sa Huỳnh, Trung Hiệp và Thánh thất Sông Vệ, Vệ Long Trung, Nghĩa Trung Hưng của Cao Đài thống nhất xin được cùng sinh hoạt với Hội thánh Cầu Kho; ở Kon Tum có Thánh thất Kon Tum; ở Gia Lai có Thánh thất Trung Hội; ở Phú Yên có Thánh thất An Nghiệp; tại Khánh Hoà có Thánh thất Liên Thành, Vân Thạch, Tân Hiệp, Ba Ngòi; tại Lâm Đồng có Thánh thất Liên Bồng (trước là Thiên bàn Bồng lai).

            Ban Cai quản các Thánh thất ở các địa phương cử người về Tam Quan mượn nhà ông Nguyễn Nghề làm Thánh thất Trung ương thay thế cho cơ sở Thánh thất ở nhà ông Phan Bồi thời Pháp thuộc.

1.3. Thành lập Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan (1956 -1960):

            - Giai đoạn này, miền Trung đang bị Mỹ xâm lược cai trị; tín đồ đạo Cao Đài Cầu Kho Tam Quan còn hoài nghi chính sách của Mỹ đối với Tôn giáo nên còn e dè chưa có hoạt động. Đầu năm 1956, đại diện Hội thánh làm đơn xin phép chính quyền tỉnh Bình Định cho mở Đại hội Nhơn sanh để một lần nữa công khai nền đạo, nhưng hơn một tháng sau vẫn chưa có giấy phép. Đến ngày cuối cùng khi đại diện đạo Cao Đài ở miền Nam là ông Phan Trường Mạnh và Huỳnh Đích ra dự thì được biết chính quyền tỉnh không cho phép tổ chức đại hội.

            Sau khi trở về Nam, ông Phan Trường Mạnh đưa đơn lên Tổng thống Ngô Đình Diệm xin được tự do tín ngưỡng Tôn giáo ở miền Trung; nhờ vậy, chính quyền miền Trung cũng đỡ gắt gao với đạo. Trước tình hình đó, chức sắc, tín đồ ở miền Trung cùng nhau quyên góp tiền của mua mảnh đất của ông Hoàn Đôn với diện tích là một mẫu ta tại Tam Quan Bình Định và bắt đầu khởi công xây dựng Tòa thánh từ đó đến năm 1959 thì hoàn thành.

            - Năm 1960, Hội thánh tổ chức Đại lễ Đại hội An Thiên khánh thành Tòa thánh từ ngày 12 đến ngày 18/3/1960 (Canh Tý) và lấy ngày 15/3 âm lịch hàng năm làm Đại lễ thường niên. Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan chính thức nêu tên và đạt được ba mục đích:

+ Thứ nhất, Công khai Hội thánh miền Trung Việt với các chi phái đạo, với các Hội thánh trong nền Đại đạo và chính quyền đương thời.

+ Thứ hai, An bài hệ thống Trung ương Đạo gồm chức sắc Lưỡng đài do Đức Chí Tôn ban phong trong Đại hội.

+ Thứ ba, xác định ngôi vị Hội thánh theo lệnh Đức Chí Tôn dạy:

Nơi Trung ương đành rành Trời định

Hội thánh truyền lành lịnh sắc ban

Đồng thời, Hội thánh ban hành 6 trọng điểm hành đạo, kinh sách theo Tam thừa Chơn giáo, Chân th­ư, Chân kinh. Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan thực hiện theo Tân luật, Pháp Chánh truyền với mục đích phục vụ cho con người, cho nhơn sanh, cho xã hội tiến lên Chân-Thiện-Mỹ.

- Sau năm 1975, Cao Đài Cầu Kho Tam Quan cũng như các Hội thánh Cao Đài khác chỉ duy trì các sinh hoạt tôn giáo tại gia, tại thất.

2. Quá trình phát triển của Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, xuất phát từ tình hình thực tế của đạo Cao Đài và công tác đối với đạo Cao Đài, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương mới đối với đạo Cao Đài.

Vào ngày 03/03/2000 toàn thể chức sắc, chức việc, tín đồ Hội thánh Trung ương Trung Việt từ miền Nam đến miền Trung tập trung về Hội thánh Cao Đài Trung ương để dự Đại hội Nhơn sanh và thay đổi danh từ Hội thánh Trung ương Trung Việt thành Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan. Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái lần thứ I đã thông qua Hiến chương và đường hướng hành đạo mới; với tôn chỉ “Tam giáo Đồng nguyên, Trung dung Nhất quán” thực hiện Công bình- Bác ái- Từ bi; đề ra mục đích của Hội thánh là hướng tới sự giáo hóa Nhơn sanh, cầu hòa bình, hòa hợp và hạnh phúc dân tộc, xây dựng con người trên hai phương diện: Thế đạo Đại đồng, Thiên đạo Giải thoát; hình thành tổ chức theo pháp tượng: Ba Đài, Ba Phái, Ba Hội (ba Đài là: Bát Quái đài vô vi tượng trưng Chơn Thần, Hiệp Thiên đài tượng trưng Chơn Khí, Cửu Trùng đài tượng trưng cộng đồng Nhơn sanh; ba Phái gồm phái Thái, phái Thượng, phái Ngọc; ba Hội gồm Thượng hội, Hội thánh, Hội Nhơn sanh). Hệ thống lãnh đạo của Hội thánh có 02 cấp, cấp Trung ương gồm Hội đồng Chưởng quản Lưỡng đài; cấp Cơ sở gồm Họ đạo (Thánh thất); Đại hội đã bầu Hội đồng Chư­ởng quản Lưỡng đài gồm 13 vị, ông Bảo pháp Huỳnh Văn Liêu được bầu làm Chánh Ch­ưởng quản, Hiến đạo Lê Giới làm Phó Chưởng quản, Giáo sư Phan Khâm làm Phó Chưởng quản, Thừa sử Nguyễn Đình Hiến làm Tổng Thư ký. Cao Đài Cầu Kho Tam Quan có ở 08 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên.

            - Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái lần thứ II diễn ra vào ngày 10/4/2006, với 216 đại biểu chức sắc từ Giáo hữu và tương đương trở lên, Đầu Họ đạo và Đại biểu Nhơn sanh tham dự. Đại hội đã thông qua Hiến chương, đường hướng hành đạo mới và bầu Hội đồng Chư­ởng quản Lưỡng đài gồm 18 vị, ông Bảo pháp Huỳnh Văn Liêu tiếp tục được bầu làm Chánh Chưởng quản.

            - Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái lần thứ III diễn ra vào ngày 28/4/2010, với 271 đại biểu chức sắc từ Giáo hữu và tương đương trở lên, Đầu Họ đạo và Đại biểu Nhơn sanh tham dự. Đại hội thông qua Hiến chương, đường hướng hành đạo mới và đã bầu 02 vị vào Ban Cố vấn, 19 vị vào Hội đồng Chưởng quản Lưỡng đài, ông Hiến đạo Lê Giới được bầu làm Chánh Ch­ưởng quản.

            - Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái lần thứ IV diễn ra vào ngày 03/5/2015, thành phần gồm đại biểu chức sắc từ Giáo hữu và tương đương trở lên, Ban Đại diện Hội thánh, Đầu Họ đạo và Đại biểu Nhơn sanh ở 08 tỉnh, thành phố về dự. Đại hội đã thông qua Hiến chương, đường hướng hành đạo mới và bầu 19 vị vào Hội đồng Chư­ởng quản Lưỡng đài, ông Hiến đạo Lê Giới tiếp tục được bầu làm Chánh Ch­ưởng quản.

Trải qua bốn nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái, Hội thánh đã có hệ thống hành chính từ giáo quyền Trung ương đến giáo quyền cơ sở, có tương đối đầy đủ chức sắc, chức việc và đường lối cũng như chương trình hành đạo:

            + Hội thánh hiện có 8.545 tín đồ, 405 chức sắc, 263 chức việc; có 26 Họ đạo, 30 Ban Cai quản, 92 Ban Trị sự, 04 Ban Đại diện, 29 cơ sở thờ tự (26 Thánh thất đang hoạt động, 03 Thánh thất không hoạt động); có 19 chức sắc Hiệp Thiên đài (17 chức sắc đang hành đạo gồm 01 Thập Nhị Thời Quân, 01 Giám đạo, 01 Thừa sử, 02 Truyền trạng, 01 Sĩ tải, 11 Luật sự và 02 Thập Nhị Thời Quân không hành đạo).

            + Về lễ và hội họp: Hàng năm, Hội thánh tổ chức được 4 kỳ lễ lớn: Kỷ niệm Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ngày 9 tháng Giêng âm lịch, kỷ niệm Đại hội An Thiên khánh thành Hội thánh 15/3 âm lịch, kỷ niệm Đức Diêu Trì Kim Mẫu ngày 15/8 âm lịch và kỷ niệm ngày Khai Tịch đạo 23/8 âm lịch. Mỗi lễ tham dự từ 500 đến 1.000 người.

            + Về Hội nghị thường niên thực hiện đúng theo Hiến chương mỗi năm họp 11 lần. Năm 2015 là năm Đại hội nhiệm kỳ IV (2015-2020) nên có thêm các cuộc họp bất thường Hội đồng Chưởng quản Lưỡng đài Hội thánh.

            + Về tam công: Đối với công phu ở các Họ đạo cúng kinh Tứ thời nơi Thánh thất, đặc biệt là các ngày sóc, vọng trong tháng. Ngoài ra vừa công phu, vừa công quả cho rất nhiều đám cúng cầu siêu, cầu yên cho những gia đình trong Đạo và ngoài đời.

            + Về xây dựng, Hội thánh đã xây dựng mới được 11 Thánh thất như Thánh điện, Nhà Giảng đường, Nhà Báo Ân từ, Nhà Thiên Phong đường, Nhà Tịnh đường,... và một số công trình tại Tòa thánh như tường rào, cổng ngõ và một số công trình phụ.

            + Hội thánh thường xuyên hỗ trợ về vật chất, tài chính, trợ giúp về thiên tai bão lụt cho những gia đình trong Đạo và ngoài đời. Ngoài ra Hội thánh luôn luôn nhắc nhở, khuyến khích nhơn sanh ở các Họ đạo trao đổi, giúp đỡ nhau xây dựng kinh tế, tương thân, tương ái, cứu trợ nhau trong những lúc ốm đau, khổ nạn, thương yêu, đùm bọc, vỗ về trong hoàn cảnh khó khăn, xoá đói giảm nghèo.

Trong thời qua, Hội thánh đã củng cố kiện toàn chức sắc Hiệp Thiên đài, chức sắc Cửu Trùng đài và các cơ quan đạo, đã tích cực hướng dẫn tín đồ tu hành và giữ vững lập trường hành đạo gắn bó với dân tộc; đã mở được trên 10 khóa hạnh đường cho trên 2.000 người tham dự học tập về giáo lý, giáo luật, lễ nghi và chuyên môn hành chính, luật pháp nhà nước, tài chính; mỗi năm sinh hoạt 04 kỳ tại Tòa thánh, theo Đạo pháp Tam thừa Chơn giáo của Hội thánh, Tịnh đường phát triển nhiều tịnh viên tu hành rất nghiêm chỉnh về tổ chức và pháp môn; đã in ấn tái xuất bản được trên 4.000 quyển kinh sách. Hội thánh có nhiều chức sắc chân tu, thuần túy đạo đức biết tôn trọng tổ chức, có tinh thần xây dựng nhơn sanh trên bước đường tu học; đoàn kết xây dựng Hội thánh trên nhiều lĩnh vực góp phần và củng cố cho đường hướng đạo lý được thăng hoa trên nhiều phương diện.

            Với phương châm “Tốt Đời, đẹp Đạo”, thực hiện tôn giáo trong lòng dân tộc, luôn giữ lập trường thuần tuý chân tu, Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan hành đạo theo đúng Hiến chương và hoạt động trong khuôn viên đạo pháp, pháp luật Nhà nước Việt Nam, thực thi đại đoàn kết toàn dân tộc, quan hệ với các tôn giáo bạn trên tinh thần bình đẳng./.

 

 ThS. Nguyễn Ngọc Huấn

Ban Tôn giáo Chính phủ

Tài liệu tham khảo

1. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, năm thứ 77, Lược sử Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan.

2. Báo cáo Tổng kết hành đạo nhiệm kỳ I (2000-2005) của Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan.

3. Báo cáo Tổng kết hành đạo nhiệm kỳ II (2005-2010) của Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan.

4. Báo cáo Tổng kết hành đạo nhiệm kỳ III (2010-2015) của Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan.

5. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý, Lịch sử Đạo Cao Đài, quyển 1, Khai đạo từ Khởi Nguyên đến Khai Minh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005.

6. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý, Lịch sử Đạo Cao Đài, quyển 2, Truyền đạo từ Khai Minh đến chia chi phái (1926-1938), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008.