Khái quát về hệ phái Tin lành Mennonite trên thế giới và Việt Nam
Ngày đăng: 06/09/2011
Hệ phái Tin lành Mennonite ra đời cùng với phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu vào thế kỷ XVI do ông Menno Simons, nguyên là một linh mục Công giáo khởi xướng. Nhóm tín đồ đầu tiên của Tin lành Mennonite được hình thành ở Zurich (Thuỵ Sĩ) vào năm 1525.

                I. Lịch sử ra đời và phát triển

Họ là những người bất đồng ý kiến với nhà cải cách nổi tiếng Ulbric Zwingli trong chủ trương liên kết giữa giáo hội với chính quyền thế tục. Họ cũng không chấp nhận lễ Báp tem cho trẻ nhỏ, nên được coi là tín đồ của giáo đoàn "Rửa tội lại" (Anabaptist). Những tín đồ ở Hội thánh do Menno Simons thành lập đã đặt cho nhóm cải cách của mình là Mennonite (men-nô-nai).

Thời kỳ đầu những người Mennonite - Rửa tội lại ở Thuỵ Sĩ bị bách hại gắt gao vì không liên kết với chính quyền, nên đã phải sang lánh nạn ở Anh, Đức, Hà Lan... Cuối cùng năm 1683 nhóm Mennonite - Rửa tội lại quyết định di dân sang Bắc Mỹ sống ở vùng Germantown gần Philadelphia. Ở vùng đất mới, giáo đoàn Mennonite thu hút được khá đông người tham gia. Cùng thời gian này, những người Mennonite ở Đức, Hà Lan... cũng sang sống ở các bang Pennsylvania, Ohio, Virginia, Illinois (Mỹ) và Canada.

Về giáo thuyết, phái tin lành Mennonite duy trì 18 tín điều đã ký ở Dordrecht (Hà Lan) vào năm 1632. Cụ thể là: tin Thiên Chúa là đấng tạo hoá; tin có sự sa ngã của loài người; tin sự cứu chuộc của Chúa Giêsu; tin có ngày phục sinh và phán xét cuối cùng; tin vâng theo luật pháp của Thiên Chúa trong Phúc âm; tin vào sự trở lại của Thiên Chúa để được cứu rỗi; tin phép Báp-tem như một lời làm chứng trước công chúng; tin lễ Tiệc thánh là bày tỏ sự hiệp nhất và thông công; tin việc rút phép thông công đối với kẻ cố ý phạm tội; tin có phần thưởng tương lai cho những người trung tín theo Thiên Chúa và những hình phạt cho kẻ ác...

Về tổ chức, các chức sắc của phái Mennonite bao gồm các giám mục (thường gọi là trưởng lão), các mục sư, truyền đạo. Mennonite chủ trương trao quyền tự trị cho các hội thánh cơ sở. Tuy nhiên, đối với những hội thánh mới thành lập chưa đủ sức quản trị thì được sự giúp đỡ của các địa hạt và hội thánh trung ương.

Cũng như nhiều hệ phái Tin lành khác, phái Tin lành Mennonite không tránh khỏi sự phân rẽ trong quá trình phát triển. Đến nay Mennonite chia thành 13 giáo hội độc lập. Xin nêu một số giáo hội chủ yếu như sau:

1. Giáo hội Mennonite

Giáo hội Mennonite là tổ chức gốc của hệ phái Tin lành Mennonite và là giáo hội có số lượng tín đồ đông nhất, khoảng nửa triệu người và phạm vi hoạt động ở nhiều châu lục. Giáo thuyết của Giáo hội Mennonite dựa trên tuyên xưng 18 tín điều ký tại Dordrecht (Hà Lan) năm 1632. Trước tình trạng Mennonite phân rẽ tổ chức, vào các năm 1725, 1921, 1963, Giáo hội Mennonite đưa ra những tuyên bố quan trọng khẳng định "Tuyên xưng Dordrecht".

Giáo hội Mennonite hiện đang triển khai thực hiện truyền giáo ở các vùng Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, Giáo hội có ba trường cao đẳng, hai trường đại học về Kinh thánh (Mỹ và Ấn Độ), có nhiều trường trung học và tiểu học, có các bệnh viện, nhà ở cho người về hưu và dịch vụ phúc lợi cho trẻ em ở nhiều nước trên thế giới.

2. Giáo hội Amish theo dòng tu cổ

Đây là tổ chức giáo hội của cộng đồng nguời Mennonite Amish nhập cư sang Mỹ vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XVIII. Đặc điểm của giáo hội này là duy trì nghi thức thờ cúng, cách trang phục cổ và có tính biệt lập rất cao. Hiện nay ở Mỹ và Canada có 739 hội thánh cơ sở với khoảng trên 10 ngàn tín đồ các giáo hội theo dòng tu cổ.

3. Giáo hội Anh em Hutterian

Nguồn gốc của Giáo hội Anh em Hutterian là một trong những nhóm tín đồ Mennonite đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ XVI và nó được mang tên người sáng lập - ông Jacob Hutter - một người Mỹ gốc Đức đi theo chủ trương rửa tội và duy trì chế độ tài sản chung. Khoảng cuối thế kỷ XIX, những tín đồ Hutterian là người Đức sang định cư ở Canada và Mỹ hình thành Giáo hội Anh em Hutterian ở vùng Bắc Mỹ.

Có lẽ với những đặc điểm riêng về sinh hoạt tôn giáo và hoạt động xã hội như những giáo hội Mennonite khác, Giáo hội Hutterian Anh em không mấy thành công trong việc truyền giáo mở rộng lực lượng, mặc dù họ rất nỗ lực và nhiệt tình.

4. Hội nghị những người Mennonite Bảo thủ

Đây là một tổ chức Mennonite được tồn tại dưới hình thức hội nghị.  Năm 1910 là mốc đánh dấu việc thành lập tổ chức khi những người lãnh đạo Mennonite theo tư tưởng bảo thủ đến từ các vùng của Mỹ và Canada tổ chức hội nghị đầu tiên ở Michigan (Mỹ). Tuy nhiên mãi đến năm 1954 tên gọi chính thức như trên mới được thông qua.

Hiện nay tổ chức Hội nghị những người Mennonite Bảo thủ có khoảng trên 10 ngàn tín đồ ở các nước Mỹ, Canada, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ.

5. Giáo hội Mennonite theo dòng tu cổ

Giáo hội Mennonite theo dòng tu cổ ra đời không phải vì sự bất đồng về giáo thuyết hay mâu thuẫn giữa những người lãnh đạo mà từ phản ứng của ông Jacob Wisler, một giám mục Mennonite ở Ấn Độ, chống lại việc sử dụng tiếng Anh trong hành lễ ở nhà thờ và giảng dạy ở các trường Chủ nhật.

Đặc điểm nổi bật của giáo hội này là không sử dụng tiếng Anh trong sinh hoạt tôn giáo và tham gia tích cực vào các công việc cứu trợ, đặc biệt là những người nghèo. Hiện tại giáo hội Mennonite theo dòng tu cổ có 9.700 tín đồ thuộc 38 hội thánh cơ sở, 19 giám mục, 76 mục sư và có một trường Kinh thánh.

6. Giáo hội Mennonite Cải cách

Giáo hội Mennonite Cải cách được thành lập từ năm 1812 ở Pennsylvania (Mỹ) dưới sự lãnh đạo của ông John Herr. Các tín đồ Mennonite Cải cách tin rằng sẽ có một giáo hội thật sự và duy nhất như nói trong Kinh thánh và đặc biệt họ thực hiện một cách nghiêm túc lời chỉ dẫn trong Kinh thánh và liên quan đến tình yêu thương và việc làm đối với những người bị lầm lỗi. Có lẽ đây là tổ chức nhỏ nhất của Mennonite chỉ có 500 tín đồ trong 12 hội thánh cơ sở bang Pennylsvania (Mỹ).

7. Giáo hội Anh em Mennonite Bắc Mỹ

Giáo hội Anh em Mennonite Bắc Mỹ được thành lập năm 1860 bằng việc một nhóm nhỏ tín đồ rút ra khỏi Giáo hội Mennonite ơ Ukraine, sau đó năm 1876 họ di chuyển tới vùng bờ biển Thái Bình Dương và Canada.

Việc truyền giáo ra nước ngoài được thực hiện ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Nam Mỹ và Mexico nhờ sự hỗ trợ của đài phát thanh riêng bằng các thứ tiếng Anh, Đức, Nga và viện Kinh thánh được thành lập ở Quebec (Canada) năm 1976.

Năm 1960 Giáo hội Anh em Mennonite Bắc Mỹ hợp nhất với Giáo hội Anh em Mennonite Krimmer đưa tổng số tín đồ lên 38.000 người thuộc 260 hội thánh cơ sở.

8. Giáo hội Mennonite Công nghị

Gọi là giáo hội nhưng thực ra Giáo hội Mennonite Công nghị duy trì quy chế tổ chức hội nghị. Hàng năm có 10 hội nghị được tổ chức ở các khu vực và ba năm có một hội nghị chung để giải quyết các công việc về tổ chức. Giữa hai hội nghị có một Uỷ ban Tổng hợp.

Giáo hội Mennonite Công nghị có ba trường Kinh thánh, một Viện Thánh kinh, một trường đào tạo giáo sĩ, một số nhà dưỡng lão, bệnh viện dành cho trẻ em: Giáo hội có 35.200 tín đồ thuộc 215 hội thánh cơ sở ở Mỹ, 26.800 tín đồ thuộc 134 hội thánh cơ sở ở Canada và 12 hội thánh ở Nam Mỹ. Công việc truyền giáo của Giáo hội này đang được thực hiện ở 17 nước thu hút trên 50 ngàn người tin theo. 

                        II.  Tin lành Mennonite ở Việt Nam

Tin lành Mennonite du nhập và hoạt động ở miền Nam từ năm 1954 dưới danh nghĩa một tổ chức cứu trợ xã hội với tên gọi là Uỷ ban Trung ương Mennonite (Mennonite Central Committee - MCC). Ba năm sau, các giáo sĩ Jalles Stauffer, Arlene Stauffer, Everett Metzler, Nazaret Metzler của hội truyền giáo mang tên Eastern Mennonite Board of Mission – EMBM (Hội truyền giáo Mennonite phương Đông) thuộc Giáo hội Mennonite thực hiện chương trình truyền giáo. Công việc đầu tiên của các giáo sĩ EMBM là học tiếng Việt, sau đó được sự hướng dẫn giúp đỡ của MCC và của Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền  Nam), các giáo sĩ EMBM mở các cơ sở truyền giáo đầu tiên như Phòng giảng Kinh thánh ở Dakao (Sài Gòn), lớp học Kinh thánh ở đường Phan Văn Trị (Gia Định)... Những năm 1962, 1963... lần lượt các giáo sĩ James Metzler, Luke Martin, Rachel Metzler, Mary, Donald Sensenig, Doris Sensenig... vào miền Nam truyền giáo. Các cơ sở truyền giáo của Mennonite được mở rộng đến một số địa phương khác kết hợp với các hoạt động từ thiện của MCC như ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên. Hội thánh Mennonite được chính quyền Sài Gòn công nhận về mặt tổ chức vào năm 1964.

Tuy các giáo sỹ EMBM có rất nhiều cố gắng lại được MCC hỗ trợ, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tạo điều kiện, nhưng có lẽ do những đặc điểm rất riêng biệt, khác lạ trong sinh hoạt và lối sống nên việc truyền giáo ít mang lại kết quả. Đến năm 1975, Tin lành Mennonite ở miền Nam chỉ có khoảng 500 tín đồ và bốn cơ sở: ba cơ sở ở Sài Gòn và một cơ sở ở thành phố Cần Thơ.

Giai đoạn 1954-1975 phải kể đến những hoạt động từ thiện nhân đạo của Mennonite; chủ yếu là những hoạt động của MCC gắn với các cơ sở y tế của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) ở Sài Gòn, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt và Nha Trang. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Oanh tại chuyên khảo "Viện trợ nhân đạo của Mỹ ở miền Nam Việt Nam" - Uỷ ban Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh - 12/1977, thì những hoạt động từ thiện nhân đạo của Tin lành Mennonite được thực hiện theo tinh thần tôn giáo, ít bị chính trị lợi dụng và có hiệu quả hơn cả. Từ năm 1973, Tin lành Mennonite cũng tiến hành những hoạt động viện trợ nhân đạo cho miền Bắc. Tuy nhiên khác với ở miền Nam - nơi mà Tin lành Mennonite viện trợ thường xuyên, có văn phòng đại diện, ở miền Bắc, Tin lành Mennonite chỉ viện trợ khẩn cấp theo từng vụ việc.

Sau năm 1975, các giáo sỹ và nhân viên là người nước ngoài của EMBM và MCC rút về nước. Mục sư người Việt duy nhất là ông Trần Xuân Quang đi dự hội nghị tôn giáo ở Mỹ tháng 3 năm 1975 đến khi giải phóng miền Nam không trở về nữa. Các cơ sở tôn giáo, cơ sở xã hội của Tin lành Mennonite hiến cho các hoạt động từ thiện xã hội. Riêng cơ sở ở quận Bình Thạnh TP. Hồ Chí Minh vẫn duy trì hoạt động cho đến tháng 6 năm 1978 dưới sự hướng dẫn của truyền đạo Nguyễn Quang Trung.

Năm 1981 tổ chức Uỷ ban Trung ương Mennonite - MCC trở lại hoạt động viện trợ nhân đạo ở Việt Nam. Với sự trở lại của MCC, truyền đạo Nguyễn Quang Trung từng bước khôi phục hoạt động của Hội thánh Mennonite Việt Nam. Tháng 7 năm 2003 các hội thánh Mennonite tại Việt Nam thành lập Tổng giáo hạt Tin lành Mennonite Việt Nam và ra mắt Ban điều hành Tổng giáo hạt gồm 14 người do ông Nguyễn Quang Trung làm hội trưởng.  Đến nay hội thánh có khoảng 7000  tín đồ; 137 mục sư, mục sư nhiệm chức, truyền đạo; 90 điểm nhóm ở 23 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung đông nhất ở các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Quảng Ngãi, Tp Hồ Chí Minh. Trụ sở tạm thời hiện nay của Hội thánh đặt tại 67/107 Bùi Đình Tuý, phường 12 quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh.

Ngày 25/7/2007 Hội thánh Mennonite Việt Nam do mục sư Nguyễn Quang Trung làm đại diện có đơn và hồ sơ xin đăng ký hoạt động gửi Ban Tôn giáo Chính phủ. Sau một thời gian xem xét hồ sơ, ngày 26/9/2007 Ban Tôn giáo Chính phủ đã cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho Hội thánh Mennonite Việt Nam (số 811/2007/GCN-TGCP). Thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, được sự đồng ý của Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND Tp Hồ Chí Minh từ 15-17/11/2008 tại Tp Hồ Chí Minh, Hội thánh Mennonite Việt Nam tổ chức Đại hội đồng lần thứ nhất (lần thứ 2 theo lịch sử giáo hội) nhiệm kỳ 2008-2012. Về tổ chức, Hội thánh Mennonite Việt Nam được tổ chức thành 2 cấp: Tổng hội (Trung ương) và chi hội (cơ sở), hoạt động theo đường hướng "Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và đồng hành cùng dân tộc".           Ngày 5/2/2009 Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã ký quyết định số 12/2009/QĐ-TGCP về việc công nhận tổ chức tôn giáo đối với Hội thánh Mennonite Việt Nam./.

 

Nguyễn Đăng Bản