Hoạt động của Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam góp phần tạo nghề và làm giảm tệ nạn trong giới trẻ hiện nay
Ngày đăng: 21/04/2015
Trong suốt lịch sử truyền giáo, phát triển đạo, Giáo hội Công giáo luôn kêu gọi cộng đồng tín đồ thực thi giới răn yêu thương qua những giáo huấn, những hoạt động bác ái xã hội, đặc biệt là đối với hệ thống các dòng tu.

Giáo hội ý thức rằng hoạt động từ thiện bác ái là bản chất của Giáo hội, nhưng đồng thời hoạt động bác ái cũng là con đường phát triển đạo hiệu quả nhất và có ý nghĩa nhất trong mọi hoàn cảnh. ở vào hoàn cảnh nào thì văn hóa và đạo đức tôn giáo thông qua các hoạt động từ thiện xã hội cũng góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người và góp phần làm lành mạnh, ổn định xã hội. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến hoạt động của Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam, một dòng tu chuyên hoạt động cho và trong thanh thiếu niên.

1. Lịch sử hình thành và đường hướng hoạt động Dòng Don Bosco

- Người sáng lập: Don Bosco tên thật là Gioan Bosco, sinh ngày 16/8/1815 tại nước Ý, sinh ra trong một gia đình theo Công giáo, cha mất khi mới lên 2, chỉ còn mẹ tên là Margaret và lớn lên trong cảnh nghèo đói. Ngay từ nhỏ Gioan Bosco mong muốn được đi học để trở thành linh mục nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên ước nguyện đó đã không thành. Sau đó Gioan Bosco được một linh mục về hưu tên là Colosso đã nhận làm thầy dạy kèm. Năm 12 tuổi Gioan Bosco làm việc tại nông trường, lên 15 tuổi đến thành phố Chieri, ở đây Gioan Bosco vừa học vừa làm để kiếm sống. Vào năm 1835 Gioan Bosco gia nhập vào trường dòng và 6 năm sau (1841) chịu chức linh mục.

Từ chính cuộc đời của mình, sau khi chịu chức linh mục, Gioan Bosco bắt đầu công việc giúp đỡ giới trẻ, việc làm đầu tiên của ông là thành lập ngôi trường tại Valdocco để quy tụ thanh thiếu niên lang thang, chính sự kiện này tên ông trở nên nổi tiếng khắp nước Italia. Theo lời khuyên của Giáo hoàng Pius IX linh mục Gioan Bosco đã viết Hiến chương thành lập dòng và ngày 18/12/1859 mười tám thanh niên trong nhóm của linh mục Bosco trở thành thành viên đầu tiên của Hội dòng Salesia. Đến năm 1872 Linh mục Gioan Bosco cùng với Nữ tu Mary Mazzarello sáng lập dòng Salesian nữ mang danh "Những người con của Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu". Ngày 23/7/1864 Toà Thánh ban sắc lệnh Decretum Laudis phê chuẩn hội dòng, Hiến luật của dòng được Toà Thánh châu phê ngày 3/4/1874. Đến năm 1876 Linh mục Gioan Bosco tiếp tục sáng lập và phát triển một hiệp hội dành riêng cho các giáo dân quan tâm đến giới trẻ. Họ là những người độc thân, có gia đình hoặc các giáo sĩ liên kết với các thành viên Salesian để làm việc vì giới trẻ.

Linh mục Gioan Bosco đã qua đời ở tuổi 72 với lời nhắn nhủ giới trẻ "Hãy nói với những giới trẻ của ta rằng: ta sẽ đợi chờ chúng trên Thiên Đàng". Vào Lễ Chúa Nhật Phục Sinh năm 1934 Linh mục Gioan Bosco được Giáo hoàng Pius XI nâng lên làm vị Thánh trong Giáo hội Công giáo. Tiếp bước linh mục Gioan Bosco, các thành viên của dòng đã phát triển dòng ở khắp nơi. Hiện dòng Salesian Don Bosco có mặt ở 108 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mục đích của Dòng Don Bonsco là giáo dục giới trẻ; Don Bosco đã đặt tên cho các tu sĩ của ông là Salesien và vạch ra cho họ một chương trình sống theo mục đích trên.

- Tỉnh Dòng Don Bosco tại Việt Nam:

Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam được thành lập từ năm 1952 và hiện có các tu viện ở các  tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng... Dòng có 2 người được thụ phong Giám mục (Giám mục Hoàn Văn Tiệm, Giám mục giáo phận Bùi Chu và Giám mục Nguyễn Văn Đệ, giám mục giáo phận Thái Bình), khoảng 80 linh mục, 100 tư giáo, hơn 30 sư huynh và nhiều tập sinh, tiền tập. Tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam có 14 tu sĩ hoạt động ở 7 quốc gia trên thế giới, trong đó có  một cộng đoàn gồm 7 người hoạt động tại Mông Cổ.

Trụ sở tỉnh dòng tại Việt Nam đặt tạu 54 đường số 5, khu phố 4, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Bề trên Giám tỉnh của tỉnh dòng hiện nay là Linh mục Trần Hoà Hưng, đồng thời là Chủ tịch Bề trên Thượng cấp các dòng tu Việt Nam.

2. Hoạt động của Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam

Các Dong tu thuộc Giáo hội Công giáo đều có hoạt động chuyên biệt và Tỉnh Dòng Don Bosco đã chọn giới trẻ làm đối tượng phục vụ. Với phương châm sống và hoạt động vì giới trẻ, noi gương cuộc đời và hoạt động của đấng sáng lập các linh mục, tu sĩ Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động thuộc về giới trẻ, giáo dục thanh thiếu niên để trở thành người có ích cho xã hội, biết tự kiếm sống bằng chính khả năng của mình, tập trung ở các hoạt động sau:

- Mở trường dạy nghề: Hiện Tỉnh dòng có 4 trường dạy nghề: Trường Sơ cấp nghề Phước Lộc, Trường Sơ cấp Nghề Đông Thuận thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Trung cấp nghề Tân Hà, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và Trường Sơ cấp nghề Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và nhiều trung tâm, các lớp dạy nghề tại các tu viện khác; số lượng học sinh khoảng 1000 em, chủ yếu là người trẻ. Tỉnh Dòng đào tạo đủ các loại nghề: mộc, kim khí, điện, xây dựng, may, thêu v.v... Đối tượng là là con em gia đình lao động nghèo ở nông thôn, thành thị không có khả năng học đại học.

Tỉnh dòng chú trọng mở các cơ sở dạy nghề ở những nơi có các khu công nghiệp để đảm bảo đầu ra cho học viên sau khi ra trường, cũng như đáp ứng nhu cầu công nhân có tay nghề cho các khu công nghiệp. Tỉnh dòng thường liên hệ với các khu công nghiệp xem họ cần bao nhiêu lao động thuộc lĩnh vực nào và ký hợp đồng để đào tạo và cung cấp lao động có tay nghề tại đó. Có những học viên trình độ văn hóa thấp, tỉnh dòng đã mời các giáo viên để dạy bổ túc văn hóa, dạy ngoại ngữ cho các em vào buổi tối, để các em hoàn thiện và nâng cao chương trình văn hóa song song với chương trình dạy nghề. Tỉnh dòng cũng đang nghiên cứu và tìm đối tác nước ngoài để cung cấp công nhân có tay nghề cao làm việc tại nước ngoài.

Bên cạnh đó các tu sĩ của Tỉnh dòng thường đi dạy ngoại ngữ (miễn phí) cho các em thanh thiếu niên, đặc biệt là sinh viên không có điều kiện học thêm; dạy bồi dưỡng các môn văn hóa cho học sinh các cấp, vừa giúp các em củng cố, nâng cao kiến  thức, vừa giúp các em tránh được tình trạng nhàn rỗi chơi bời, sinh ra các tệ nạn xã hội. Vào các dịp hè tại các Tu viện thường tổ chức các khóa giao tiếp bằng tiếng anh cho giới trẻ để các em tự tin trong giáo tiếp và tích lũy vốn kiến thức để tìm kiếm việc làm. Việc dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho thanh thiếu niên trong nhiều năm qua của Tỉnh dòng đã giúp nhiều người có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân và gia đình, ổn định đời sống góp phần ổn định xã hội, hạn chế được tình trạng thất nghiệp; góp phần giảm tệ nạn và làm ổn định an ninh trật tự.

- Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thảo: Trong các tu viện của tỉnh dòng luôn  dành một không gian làm sân chơi cho giới trẻ để hoạt động văn hóa, thể thao như: đá bóng, bóng chuyền, bỏng rổ; là nơi các em được tự dàn dựng chương trình của mình, phát huy sáng tạo và cũng là nơi bọc lộ toàn bộ cá tính của mỗi em. Từ đó các linh mục, tu sĩ sẽ biết được điểm mạnh, yếu của từng em để có hướng khích lệ, giáo dục. Tu viện còn thành lập các đội thi đấu bóng đá, bóng chuyền và nhiều lần tham gia đi thi đấu thể thao, văn nghệ cấp huyện, tỉnh và đạt được nhiều giải thưởng. Tỉnh Don Bosco Việt Nam cũng là Tỉnh dòng luôn chú trọng đến việc hội nhập và lưu giữ văn hóa dân tộc, đến với hoạt động giới trẻ do tỉnh dòng tổ chức là đến với văn hóa các vùng, miền, ở đó các em được thể hiện, được thưởng thức và được khuyến khích để giữ gìn và phát huy văn hóa của quê hương. Với việc tạo ra các hoạt động văn nghệ, thể thao cho thanh thiến niên, Tỉnh dòng đã góp phần nâng cao thể chất, tinh thần và hướng các em có một cuộc sống nội tâm lành mạnh.

- Mở lưu xá cho các sinh viên: Với những sinh viên nghèo ở các tỉnh, Tỉnh dòng đã giúp bằng cách thuê nhà cho các em ở trọ, lo trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, cử người quản lý và hướng dẫn các em cách sống tập thể phải biết thương yêu, giúp đỡ nhau. Tại Thành phố Hồ Chí Minh Tỉnh dòng có 13 nhà trọ chia làm 3 cụm: Lê Văn Sĩ, Tân Bình và Bến Cát, 13 nhà trọ này giúp được hơn 300 sinh viên nam, nữ; tại tỉnh Lâm Đồng Tỉnh dòng có 12 nhà trọ, mỗi nhà có khoảng từ 15 - 20 sinh viên. Các nhà thường xuyên liên lạc và giao lưu sinh hoạt theo chương trình chung của Ban mục vụ giới trẻ tỉnh dòng. Các linh mục, tu sĩ thường xuyên ghé thăm và nhắc nhở các em chịu khó học tập và giúp đỡ nhau. Có sinh viên sau khi ra trường, cảm kích trước sự ân cần của các tu sĩ tỉnh dòng nên đã xin ở lại nhà dòng để phục vụ, có người thành đạt đã giúp tỉnh dòng về kinh phí, trang thiết bị để tiếp tục lo cho giới trẻ. Với việc tổ chức các lưu xá cho sinh viên và tiếp sức mùa thi, tỉnh dòng đã giúp đỡ được rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đến trường, thực hiện được ước mơ của mình và vượt lên để hoàn thành việc học; giúp gia đình các em bớt được gánh nặng kinh tế và quản lý con em. Bên cạnh đó được sống trong một lưu xá, các em sẽ học tập được những điều tốt của nhau, biết hạn chế, kìm chế được những tính cách chưa tốt của mình để điều chỉnh hành vi trong ứng xử.

Có thể nói, với những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thanh thiếu niên  của Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam trong nhiều năm qua đã mang lại nhiều thành quả trong hoạt động dạy nghề, hướng nghiệp và bồi dưỡng nhân cách sống cho một bộ phận giới trẻ trong xã hội./.

Th.s Phương Liên