Linh thiêng tiếng chuông chùa Trường Sa
Ngày đăng: 28/02/2018
Ở Trường Sa, có một hệ thống chùa chiền, nhà tưởng niệm, đài liệt sĩ, tượng đài và đời sống tâm linh rất phong phú.

Các công trình lịch sử, văn hóa, tôn giáo cùng đời sống tâm linh trên quần đảo Trường Sa hiện hữu ở đó như là những cột mốc lịch sử, cột mốc văn hóa, cột mốc tôn giáo, cột mốc tâm linh không gì có thể thay đổi. Nó góp phần khẳng định và củng cố vững chắc chủ quyền của Tổ quốc giữa biển Đông. Mỗi khi đến đây thắp nén hương, được nghe tiếng chuông chùa cảm thấy lòng thanh tịnh và ấm áp một niềm tin rất thiêng liêng.

Điểm tựa tâm linh

Trong chuyến hải trình 10 ngày đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi được thăm đảo Trường Sa Lớn, được giao lưu tặng quà, thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, đó cũng là cơ hội để cho các thành viên có những giây phút trải nghiệm để hiểu giá trị cuộc sống và thấm thía niềm khát vọng hòa bình có ý nghĩa quý giá và lớn lao đối với con người biết dường nào giữa đảo khơi mênh mông.

Ở vị trí trang trọng trên đảo Trường Sa Lớn, ngoài cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa thì chùa Trường Sa Lớn là điểm nhấn đáng chú ý nhất. Được tọa lạc giữa khu vực trung tâm thị trấn Trường Sa, đối diện Nhà tưởng niệm Bác Hồ và Đài tưởng niệm liệt sĩ tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt. Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất ở Trường Sa nhưng ngôi chùa lớn nhất lại ở đảo Song Tử Tây. Những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ là những cột mốc khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa mà còn là địa chỉ không thể thiếu của ngư dân trong những chuyến đánh bắt ngoài khơi xa, cũng như quân và dân trên các hòn đảo này. Nó còn là những thiết chế văn hóa mang đậm sắc thái tâm linh truyền thống của người Việt, còn khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của nước Việt Nam.

Bên hàng ghế đá sân chùa Trường Sa Lớn, với thời gian ít ỏi ngồi đàm đạo với sư thầy trụ trì Thích Nhuận Tựu dưới những hàng cây phong ba, bàng vuông…, sư thầy cho biết: So với ngôi chùa ở đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn, chùa Trường Sa Lớn có diện tích nhỏ hơn và được xây dựng theo phong cách truyền thống: một gian hai chái, mái ngói cong có đầu đao, nguyên liệu được sử dụng bằng nhiều loại gỗ quý có sức chịu được độ mặn của nước biển. Một điểm khác biệt so với các chùa khác là trong chùa Trường Sa Lớn có 6 bức tượng Phật ngọc được chế tác công phu bằng ngọc quý có màu trắng. Bên trong chùa còn có hoành phi câu đối được sơn son thếp vàng ghi lại hào khí của dân tộc ta. Trên bức liễn được khắc các câu đối: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền - Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”. Hay “Cá đọc kệ được thành tiên - Rồng nghe kinh mà mộ đạo”…, bất cứ người con đất Việt nào cũng cảm thấy tự hào, yêu quý giang sơn gấm vóc nước non mình. Thắp nén hương, đứng trước biển cả mênh mông, tâm người phải thật tịnh mới cảm nhận hết được sự linh thiêng của đất trời biển đảo Trường Sa.

Sân chùa ở đây được chiến sĩ và người dân quét dọn hàng ngày, lúc nào cũng sạch sẽ, trang nghiêm. Vào ngày mồng một và ngày rằm hằng tháng, người dân ở đây nhà nào cũng lên chùa lễ Phật, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, gia đình an lạc. Mà không chỉ có người dân, các chiến sĩ cũng thường xuyên lên chùa cúng lễ sau những giờ huấn luyện và lao động sản xuất. Đặc biệt, vào ngày giỗ của những chiến sĩ hy sinh trên biển đảo Trường Sa, nhà chùa thường làm lễ cầu siêu cho vong linh của họ được siêu thoát...

Cũng theo sư thầy Thích Nhuận Tựu: Điểm chung của các chùa trên quần đảo Trường Sa là đều hướng về Thủ đô Hà Nội. Ngoài chức năng thờ Phật, trong khuôn viên các chùa ở quần đảo Trường Sa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ - những người đã hi sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Những ngôi chùa này không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng truyền thống của cư dân trên quần đảo Trường Sa mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo từ xa xưa, với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Linh thiêng chuông chùa Trường Sa

Cũng chuyến đi này, tại đảo Trường Sa Lớn, nói chuyện với Trung tá Đỗ Thế Tuyến,  Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa về các hoạt động tâm linh của nhân dân và chiến sĩ trên đảo, Trung tá Tuyến cho biết: Đi lễ chùa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng của người dân và cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Từ đó, nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền vì thế cũng phần nào được bù đắp. Mỗi chiến sĩ, mỗi người dân ở đây như được tiếp thêm sức mạnh từ đất liền, để họ trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, khẳng định chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Và để phục vụ tốt đời sống sinh hoạt tâm linh của quân và dân trên đảo, hàng năm, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cử các sư thầy ra đảo phụng sự Phật pháp trong thời gian 6 tháng, có sư thầy ra 1 - 2 năm với tinh thần tự nguyện, mong muốn đóng góp cùng với quân và dân trên đảo xây dựng cuộc sống bình yên.

Với chiến sĩ và nhân dân trên đảo và các ngư dân có dịp đi qua, ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng, thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự chở che, cầu mong yên bình, an lạc. Ngôi chùa cũng là nơi để cho các anh lính xa quê đến thắp hương gợi nhớ về quê hương đất liền. Các hộ dân ở đây nhà nào cũng có bàn thờ riêng nhưng cứ vào dịp mùng một, ngày rằm hay những ngày lễ lớn…, công dân trên các đảo Trường Sa đều đi lễ chùa, thắp nén hương, khấn vái, cầu an.

Thắc mắc nhưng chưa được chứng kiến tận mắt về câu chuyện vào dịp Tết đến xuân về, chiến sĩ trên vùng đảo Trường Sa tổ chức gói bánh chưng bằng lá bàng vuông trong những ngày đón Tết mà chúng tôi đã từng nghe kể, Trung tá Đỗ Thế Tuyến cho biết: Phương châm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị trấn Trường Sa là Tết trên đất liền có gì thì trên đảo có thứ ấy. Và để thực hiện được điều đó, trước khoảng 1 tháng, cả đảo đã tăng gia trồng rau xanh, nuôi lợn gà nhiều hơn để dự trữ cho Tết. Còn những thứ trên đảo không có được như lá dong, hành củ, đậu xanh... thì đều phải vận chuyển từ đất liền ra. Mặc dù những năm gần đây, từ đất liền gửi ra đảo có đủ lá dong để gói bánh nhưng chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông vẫn không thể thiếu bởi với những người lính và dân trên đảo Trường Sa, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông có vị chua chát của lá bàng pha lẫn vị mặn nồng của muối biển mà những bánh chưng gói bằng lá dong không thể có được - Trung tá Tuyến chia sẻ.

Tác giả (bên trái) thăm một gia đình trên đảo. Ở đây nhà nào cũng có bàn thờ riêng, nhưng đến mùng một, ngày rằm, ngày lễ Tết, tất cả người dân ở đây ai cũng đi lễ chùa cầu an.

Đặc biệt, lính trên đảo được đến từ các vùng miền khác nhau nên bánh chưng trên các đảo ở Trường Sa cũng được gói theo phong cách vùng miền. Lính người miền Bắc gói bánh vuông theo khuôn, lính người miền Trung gói bánh hình tròn, người miền Nam gói bánh bó dài như bánh tét, ai cũng muốn gửi một chút tình cảm quê hương của mình vào chiếc bánh, cùng luộc chung một nồi, cùng bày chung một bàn thờ. Bên cạnh mâm ngũ quả, những cành đào thắm của miền Bắc và mai vàng của miền Nam do lính đảo tự cắt dán bằng giấy và bánh chưng xanh gói bằng lá bàng vuông, hương vị Tết ở đảo Trường Sa thật ấm cúng.

Với thời gian ngắn ngủi đến với các đảo nhưng ai đã từng đến Trường Sa dù một lần cũng có thể đong đầy cảm xúc và những câu chuyện về Trường Sa sẽ mãi mãi là những kỉ niệm đẹp, đáng nhớ, không thể tải hết điều cần nói về Trường Sa. Chúng tôi lại lên đường theo kế hoạch. Biển chiều nay, nhìn từng con sóng xô đập lên những ghềnh đá san hô tạo ra thứ âm thanh trầm bổng. Giữa tứ bề sóng gió trùng dương bỗng du dương tiếng chuông chùa làm lòng tôi trào dâng nỗi niềm thiêng liêng khó tả. Trong giờ phút đó, mọi lo lắng dường như tan biến...

Thay lời kết bằng lời huấn đạo của sư thầy Thích Nhuận Tựu: Phật giáo là thành tố không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam. Nơi nào thuộc chủ quyền của Tổ quốc, có người Việt Nam thì nơi đó có chùa. Phật giáo đồng hành với dân tộc. Từ bao đời nay, dù biển Đông có dậy sóng hay yên ả thì với những người dân sống trên quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa ở đây không chỉ đơn thuần là chỗ dựa về mặt tinh thần, văn hóa tâm linh mà còn khẳng định chủ quyền bền vững từ xa xưa của dân tộc. Cứ vào 4h30 sáng và 6 giờ chiều, tiếng chuông chùa lại ngân vang liêng thiêng giữa đảo Trường Sa như tiếp thêm cho quân, dân trên đảo sức mạnh về nội lực tinh thần để những người lính ở đây thêm vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Theo suckhoedoisong.vn