Những đóng góp của tôn giáo trong bảo vệ môi trường trên thế giới qua giá trị đạo đức, giáo lý và hành động
Ngày đăng: 15/01/2025Tôn giáo và bảo vệ môi trường là hai khái niệm tưởng chừng không liên quan nhưng thực tế lại có mối quan hệ sâu sắc và lâu dài. Trong hàng nghìn năm qua, các hệ tư tưởng tôn giáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhận thức, hành vi và lối sống của hàng tỷ người trên khắp thế giới, trong đó có những giá trị đạo đức sâu sắc liên quan đến sự bảo vệ thiên nhiên và lòng tôn trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến hành vi của hàng triệu tín đồ. Giá trị đạo đức và giáo lý của mỗi tôn giáo về môi trường không chỉ là những lời dạy lý thuyết mà còn mang tính thực tiễn cao, tạo nền tảng để hướng dẫn cộng đồng sống hài hòa với thiên nhiên. Trong thời kỳ hiện đại, khi các vấn đề về ô nhiễm, biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, nhiều tôn giáo lớn trên thế giới đã chủ động đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường. Các giáo lý tôn giáo từ Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo… đều có những nguyên lý đạo đức nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thiên nhiên và trách nhiệm của con người đối với vạn vật.
Phật giáo đề cao lòng từ bi không bạo lực và hòa hợp với thiên nhiên là những nguyên tắc quan trọng trong giáo lý. Phật giáo xem mọi chúng sinh đều có quyền sống trong hòa bình, khuyên con người không nên gây hại đến các sinh vật khác cũng như môi trường tự nhiên. Đối với Phật giáo, sự tôn trọng và bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách để con người đạt được sự cân bằng và an lạc. Đức Phật từng dạy rằng con người và thiên nhiên không tách rời nhau; tất cả chúng sinh đều phụ thuộc vào nhau để tồn tại, vì vậy, con người có trách nhiệm bảo vệ tất cả các loài và duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái. Theo quan điểm Phật giáo, các sinh vật sống đều có giá trị và quyền được sống trong hòa bình, không bị tổn hại. Trong văn hóa Phật giáo, hình ảnh các nhà sư bảo vệ rừng và sinh vật quanh chùa trở thành một biểu tượng đẹp của tình yêu thiên nhiên. Ở nhiều quốc gia, các khu vực xung quanh chùa chiền thường được bảo tồn như những khu rừng thiêng liêng, nơi không được phép khai thác hoặc săn bắn đã giúp bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Từ sự khiêm tốn, lòng tôn trọng đối với các sinh vật trong tự nhiên, Phật giáo khuyến khích tín đồ thực hành lối sống đơn giản, giảm tiêu thụ và tránh lãng phí để mang lại lợi ích cho việc giảm bớt tác động tiêu cực đến môi trường.
Nhà thờ Công giáo ở Tây Ninh trong môi trường xanh sạch đẹp
Đối với Công giáo, những giá trị đạo đức về bảo vệ môi trường được ghi trong Kinh Thánh và các thông điệp từ các giáo hoàng. Kinh Thánh có câu “Chúa dựng nên trời và đất” (Sáng thế ký 1:1), cho thấy rằng thế giới tự nhiên là một phần của tạo hóa, do đó, nó thiêng liêng và xứng đáng được bảo vệ. Theo Công giáo, con người được giao phó trách nhiệm quản lý, chăm sóc trái đất như một phần của tình yêu thương và lòng tôn trọng đối với Chúa. Thông điệp “Laudato Si’” của Giáo hoàng Phanxicô là một minh chứng rõ ràng cho cam kết của Công giáo về bảo vệ môi trường. Trong Thông điệp này, Giáo hoàng kêu gọi mọi người, bất kể tín ngưỡng, cùng nhau “chăm sóc ngôi nhà chung” của mình và sống hòa hợp với tạo hóa. Giáo hoàng nhấn mạnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, đất, nước là những vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến cuộc sống của cả con người và các sinh vật khác, đặc biệt là các cộng đồng nghèo khó và dễ bị tổn thương. Việc bảo vệ môi trường là một phần quan trọng của lòng yêu thương và trách nhiệm đối với đồng loại, đặc biệt là các thế hệ tương lai. Giáo hoàng cũng cảnh báo nếu không hành động ngay bây giờ, thế giới sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ về mặt sinh thái mà còn về mặt đạo đức và xã hội, từ đó, khuyến khích các tín đồ sống bền vững, hạn chế tiêu dùng và giảm thiểu lãng phí góp phần vào việc duy trì một môi trường trong lành cho tất cả các thế hệ sau này. Được phát hành vào năm 2015, Laudato Si’ đã truyền cảm hứng cho nhiều sáng kiến và phong trào bảo vệ môi trường không chỉ trong cộng đồng Công giáo mà còn trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các nhà thờ Công giáo cũng thường xuyên tổ chức các buổi thuyết giảng, hoạt động gây quỹ và chiến dịch nhằm giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời, khuyến khích tín đồ hạn chế sử dụng nhựa và thực hiện lối sống bền vững.
Trong Tin Lành, các giá trị đạo đức và giáo lý về môi trường có cơ sở trong niềm tin vào Chúa là Đấng Sáng tạo và được nhấn mạnh rằng thiên nhiên là món quà quý giá mà ngài đã giao cho con người quản lý và bảo vệ. Theo giáo lý Tin Lành, con người không chỉ là người hưởng thụ thụ động mà là “người quản lý” của trái đất, mang trọng trách chăm sóc và duy trì sự sống cho thế hệ sau. Điều này được ghi rõ ràng trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa trao nhiệm vụ cho con người “quản trị” trái đất, đồng thời, cảnh báo về những hệ quả tiêu cực khi tài nguyên thiên nhiên bị khai thác vô tội vạ. Giáo lý Tin Lành khuyến khích tín đồ nhìn nhận môi trường không chỉ như một nguồn tài nguyên mà còn là biểu hiện của quyền năng, sự sáng tạo và tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới. Trong Sáng thế ký 2:15, Thiên Chúa đã phán bảo con người “hãy canh giữ và trồng trọt đất,” lời dạy này trở thành một hướng dẫn cụ thể và mạnh mẽ về cách sống có trách nhiệm với thiên nhiên. Tin Lành hiện đại cũng nhận thức rõ về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái đa dạng sinh học. Nhiều nhà lãnh đạo Tin Lành đã thúc đẩy các phong trào và chiến dịch như “Evangelical Climate Initiative” (Sáng kiến Khí hậu Tin Lành) kêu gọi hành động về môi trường và khuyến khích tín đồ giảm thiểu lối sống tiêu dùng, giảm phát thải và bảo tồn tài nguyên. Tin Lành đề cao nguyên tắc trách nhiệm đạo đức và tính bền vững, coi những hành động bảo vệ môi trường là cách để thể hiện lòng kính sợ Thiên Chúa và tình yêu thương với nhân loại. Các nhà thờ Tin Lành cũng khuyến khích cộng đồng thực hành sống xanh, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế rác thải, tái chế và bảo tồn tài nguyên nước. Bằng cách đó, tín đồ thực hiện bổn phận đạo đức của mình góp phần vào việc duy trì một trái đất trong lành cho thế hệ tương lai.
Thánh đường Masjid Jamiul Azhar ở An Giang trong khung cảnh thiên nhiên, đồng lúa
Với Hồi giáo, bảo vệ môi trường là một phần quan trọng của đức tin. Theo Kinh Qur’an, con người là “khalifa” (người quản lý) của trái đất, do đó, có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, không khai thác hoặc lãng phí tài nguyên. Hồi giáo nhấn mạnh tài nguyên thiên nhiên là tài sản chung của toàn nhân loại, không phải của riêng ai, vì vậy, mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên như một hành động thờ phụng. Kinh Qur’an cũng nhắc đến sự cân bằng và hài hòa trong tự nhiên, rằng mọi vật đều có chỗ đứng và ý nghĩa riêng của mình và sự can thiệp quá mức của con người có thể phá vỡ sự cân bằng này. Các câu chuyện trong Kinh Qur’an không chỉ nhằm nhắc nhở về tầm quan trọng của sự tôn trọng thiên nhiên mà còn răn đe những hành động lãng phí và hủy hoại tài nguyên. Trên thực tế, ở nhiều nước Hồi giáo, các tổ chức môi trường lấy cảm hứng từ giáo lý Hồi giáo đã tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng, chống sa mạc hóa và khuyến khích nông nghiệp bền vững. Một số nhà lãnh đạo Hồi giáo đã ban hành những fatwa (phán quyết tôn giáo) để cảnh báo tín đồ về những tác động tiêu cực của ô nhiễm và kêu gọi bảo vệ nguồn nước sạch và không khí trong lành, nhằm duy trì sự cân bằng của tự nhiên mà Allah đã ban tặng. Các tổ chức Hồi giáo như Global Muslim Climate Network (Mạng lưới Khí hậu Hồi giáo Toàn cầu) đã đưa ra nhiều sáng kiến, bao gồm Tuyên bố Hồi giáo về biến đổi khí hậu, kêu gọi các quốc gia và cộng đồng Hồi giáo áp dụng lối sống bền vững và bảo vệ nguồn nước sạch, tài nguyên đất. Các học giả Hồi giáo cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng việc gây ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên không chỉ là hành động đi ngược lại với giáo lý mà còn là hành vi thiếu tôn kính đối với Đấng Sáng tạo.
Ấn Độ giáo, một trong những tôn giáo cổ xưa nhất, cũng có những giáo lý sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và môi trường. Trong Ấn Độ giáo, thiên nhiên được coi là thiêng liêng và là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Các dòng sông, núi, cây cối và các loài động vật đều được xem là hiện thân của các vị thần, do đó, phải được tôn trọng và bảo vệ. Sông Hằng, không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của sự sống và là mẹ thiêng liêng của người dân Ấn Độ. Ấn Độ giáo khuyến khích tín đồ thực hành “ahimsa”, nguyên lý không bạo lực, với mọi sinh vật, bao gồm cả động vật và thực vật. Các nghi lễ và lễ hội trong Ấn Độ giáo gắn liền với tự nhiên như lễ hội tắm sông Hằng, thể hiện lòng biết ơn đối với nguồn nước sạch và sự sống mà thiên nhiên cung cấp. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức ở Ấn Độ đã cảnh báo về sự suy giảm chất lượng nước của các dòng sông do ô nhiễm và đã thực hiện nhiều chiến dịch nhằm làm sạch bảo vệ các con sông thiêng liêng này. Tổ chức Svadhyaya Pariwar là một điển hình trong việc thúc đẩy bảo vệ môi trường dựa trên các giá trị đạo đức của Ấn Độ giáo. Svadhyaya Pariwar đã thực hiện nhiều dự án xanh hóa, bảo vệ nguồn nước và khuyến khích sử dụng nông nghiệp bền vững tại nhiều khu vực ở Ấn Độ. Các tín đồ, các tổ chức tình nguyện đã tiến hành làm sạch rác thải, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, kêu gọi cộng đồng hạn chế sử dụng hóa chất trong các hoạt động tôn giáo và sinh hoạt hằng ngày nhằm bảo vệ dòng sông.
Do Thái giáo xem môi trường là “công trình sáng tạo” của Chúa Trời, bảo vệ thiên nhiên là hành động thiêng liêng, cùng với các nguyên tắc về bảo vệ môi trường dựa trên khái niệm về trách nhiệm. Trong Kinh Thánh Hebrew, con người được giao phó nhiệm vụ quản lý và chăm sóc trái đất. Giáo lý Do Thái giáo dạy rằng sự lãng phí tài nguyên là một hành động phi đạo đức, khuyến khích tiết kiệm và bảo tồn. Nguyên tắc “bal tashchit” (không lãng phí) là một trong những giáo lý quan trọng trong Do Thái giáo yêu cầu tín đồ không được phá hủy tài nguyên thiên nhiên một cách không cần thiết và nguyên tắc “tikkun olam” (sửa chữa thế giới) cũng nhắc nhở người Do Thái về trách nhiệm bảo vệ môi trường là một phần của việc xây dựng và cải thiện xã hội. Điều này nhấn mạnh rằng tài nguyên tự nhiên không phải là vật sở hữu của con người mà là một phần của tạo hóa cần được tôn trọng. Do Thái giáo khuyến khích tín đồ dành thời gian để suy ngẫm về vai trò của mình đối với thiên nhiên, duy trì sự bền vững qua các hoạt động như tổ chức Ngày Trái đất của Do Thái giáo gọi là “Tu BiShvat” được coi là ngày lễ của cây cối để tôn vinh thiên nhiên và khuyến khích trồng cây xanh. Nhiều giáo đoàn Do Thái trên thế giới đã cam kết giảm lượng khí thải carbon, tiết kiệm năng lượng và ủng hộ các sáng kiến xanh. Các tổ chức như Liên minh Do Thái vì môi trường và tính bền vững cung cấp các hướng dẫn và tổ chức các hoạt động để giúp các gia đình và cộng đồng sống thân thiện hơn với môi trường, từ việc giảm sử dụng nhựa đến bảo tồn nước và bảo vệ động vật hoang dã.
Tóm lại, dù các tôn giáo lớn trên thế giới có những điểm khác nhau về cách thức truyền tải giáo lý nhưng tất cả đều chia sẻ giá trị đạo đức cốt lõi là sự tôn trọng, bảo vệ và duy trì thiên nhiên. Những giá trị này khuyến khích tín đồ sống có trách nhiệm, giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy sự bền vững cho tương lai. Với bối cảnh khủng hoảng môi trường, sự kết hợp giữa niềm tin tôn giáo và các hoạt động bảo vệ thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế giới bền vững. Chính những giá trị đạo đức và trách nhiệm mà tôn giáo đem lại đã giúp thúc đẩy cộng đồng có một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Trong thời đại mà vấn đề môi trường trở nên khẩn cấp như hiện nay, vai trò của các tổ chức và phong trào tôn giáo càng trở nên quan trọng trong việc xây dựng một thế giới bền vững cho các thế hệ tương lai.
Anh Vũ