Hoạt động xã hội của ni giới Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Ngày đăng: 23/01/2025Ni giới - một bộ phận quan trọng của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nối tinh thần bi - trí - dũng đã không ngừng đồng hành cùng chính quyền và Nhân dân Thành phố trong các hoạt động xã hội.
Từ khóa: ni giới; hoạt động xã hội; Phật giáo; ni giới Thành phố Hồ Chí Minh; hoạt động xã hội của ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh luôn nêu cao truyền thống “đồng hành cùng dân tộc”, dấn thân nhập thế làm tốt đời đẹp đạo, đóng góp vào thành tựu chung trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố. Ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ của ni giới cả ba hệ phái lớn ở Việt Nam là Bắc tông, Nam tông và hệ phái Khất sĩ. Là một bộ phận quan trọng của Phật giáo thành phố, ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình trong quá trình đồng hành cùng Phật giáo, cùng dân tộc. Trong những năm qua, ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực, phấn đấu song hành trên con đường Phật học lẫn thế học, không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động xã hội được coi là một trong những hoạt động nổi bật nhất của ni giới, là một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
1. Thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong hoạt động xã hội của ni giới Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Một là, thực trạng hoạt động giáo dục
Thời gian vừa qua, Phật giáo và ni giới Phật giáo Thành phố đã tổ chức nhiều lớp học đào tạo chư ni trẻ, nữ phật tử có sự quan tâm đến giáo dục mầm non, có tình yêu nghề mến trẻ tham gia các lớp giáo dục mầm non, tạo nguồn lực về giáo dục mầm non cho Phật giáo sau này. Hiện nay, toàn Thành phố có 3 cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: Trường Mầm non Họa Mi I của chùa Giác Tâm, quận Phú Nhuận do Ni trưởng Huệ Từ sáng lập, hiện tại do Ni sư TH quản lý và điều hành; Trường Mầm non Kiều Đàm quận 9 (Thành phố Thủ Đức), do Ni trưởng NT sáng lập, hiện nay do Ni sư Huệ Đạo quản lý và điều hành; Hệ thống trường Mầm non Sen Vàng, cơ sở 1 tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cơ sở 2 tại Thành phố Thủ Đức, cơ sở 3 tại Quận 7 do Ni sư Như Nguyệt sáng lập.
Các trường, lớp mầm non của ni giới Phật giáo Thành phố từ cơ cấu tổ chức, nhân sự, hoạt động, cơ sở vật chất đều theo đúng quy định của Bộ giáo dục và có sự quản lý sát sao, chặt chẽ, cẩn thận. Nguồn kinh phí thực hiện cho hoạt động giáo dục mầm non của ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ các cuộc vận động, kêu gọi quyên góp từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ.
Nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động giáo dục mầm non của ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được chia thành 02 dạng: (1) là các ni sư, sư cô đa phần đã được đào tạo về chuyên môn; (2) là những người có thiện cảm đối với Phật giáo. Đối với Phật giáo mọi chúng sinh đều bình đẳng, do đó hoạt động giáo dục mầm non của các ni sư Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh cũng trên tinh thần bình đẳng, hướng đến mọi đối tượng trong xã hội, nhưng có sự ưu tiên hơn đối với các con em gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh các trường mầm non, còn có trường phổ cập Sùng Đức, nằm trong khuôn viên chùa Sùng Đức được hình thành năm 1997 do Ni trưởng Thích Nữ Mỹ Thuận làm chủ nhiệm trường cấp 1 và cấp 2.
Hai là, thực trạng hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Trong nhiều năm qua, ni giới Thành phố phát tâm khám bệnh miễn phí cho người dân. Về hoạt động y tế của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung vào các loại hình như: (1) Phòng khám bệnh Tuệ Tĩnh đường; (2) Phòng chẩn trị y học dân tộc, (3) Phòng khám Đông y. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều yếu tố nên ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh chưa có đầy đủ các mô hình nêu trên mà chỉ có 02 mô hình y tế, gồm: Phòng khám bệnh Tuệ Tĩnh đường và Phòng tư vấn - hỗ trợ cộng đồng. Ngoài hai mô hình nêu trên, các nữ tu sĩ còn tham gia khám chữa bệnh cùng với các cơ sở tự viện khác trên địa bàn Thành phố, đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ trong lĩnh vực y tế như tham gia vào hoạt động chống dịch COVID-19, luôn đi đầu trong phong trào phòng chống dịch, thực hiện các hoạt động khác như bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch góp phần quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố, tiêu biểu như: tại chùa Bồ Đề Lan Nhã (Quận 6), Ni sư Thích Nữ Như Hiền, trụ trì chùa Bồ Đề Lan Nhã đã cùng các ni các chùa lân cận trong khu vực Quận 6 tổ chức phục vụ miễn phí hàng trăm phần cơm từ thiện, nước uống mỗi ngày, tiếp sức cho người dân trong khu vực phong tỏa trên địa bàn Quận 6, đặc biệt, gửi đến những người nghèo, người già, lao động gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Ni sư Thích Nữ Như Hiền cũng đã vận động tổ chức hoạt động “siêu thị 0 đồng” tại chùa dành cho người lao động nghèo trên địa bàn với các túi quà bao gồm: tiền mặt, gạo, mỳ, dầu ăn, khẩu trang, đường... Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến, trụ trì chùa Lâm Quang (Quận 8) cũng đã tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm hằng ngày cho 40 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại khu cách ly y tế tạm ở Phường 14, Quận 81. Bên cạnh đó, Phân ban Ni giới Thành phố cũng đã đóng góp tịnh tài ủng hộ Nhân dân Ấn Độ tổng cộng 500 triệu đồng2. Ngoài ra, Ni giới Thành phố cũng đã hỗ trợ các phương tiện y tế tại Việt Nam như: máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, bình ôxi, xe cứu thương....
Đội ngũ thực hiện hoạt động y tế của ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đến từ cả ba hệ phái: Nam truyền, Bắc Truyền và Khất sĩ, trong đó, có những sư cô có trình độ y học chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản như: bác sĩ Thái Thị Ngọc Diệp, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định; bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên là giảng viên Đại học Y dược [36, tr.205]. Nhiều ni trưởng, ni sư, sư cô được mời làm thành viên của Hội Chữ thập đỏ Thành phố, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố, Hội Bảo trợ trẻ em nghèo và tàn tật Thành phố… Qua đó, có thể thấy, ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn cố gắng nỗ lực đóng góp trong hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn đông đảo người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với khả năng và phù hợp với quy định của pháp luật.
Ba là, thực trạng hoạt động từ thiện xã hội
Trong lĩnh vực hoạt động từ thiện xã hội cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội của ni giới Thành phố đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước nhằm phần nào xoa dịu đau thương, bất hạnh của những mảnh đời kém may mắn, đem lại cho họ niềm tin, tình thương yêu trong cuộc sống. Xa hơn nữa, công tác từ thiện của ni giới Phật giáo Thành phố cũng gửi đến những đất nước bị thiên tai thảm họa, điển hình như động đất, sóng thần, bão lụt, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 tại các quốc gia như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Nhật Bản, Myanmar. Trong các dịp Tết Nguyên đán, lễ Phật đản, mùa Vu lan hằng năm, ni giới Phật giáo Thành phố đều phát hàng nghìn phần quà cho các gia đình chính sách, các hộ và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố, tiêu biểu, trong dịp lễ Vu lan báo hiếu năm 2024, tại chùa Kiều Đàm, Ni sư trụ trì Thích Nữ Chúc Tường đã trao tặng quỹ “Vì người nghèo” cho Mặt trận Tổ quốc thành phố Thủ Đức số tiền 40 triệu đồng và quỹ “Vì người nghèo” phường Tân Phú 10 triệu đồng cùng 300 phần quà trị giá 90 triệu đồng. Ni viện Phước Long đã trao 450 phần quà, trị giá 300 nghìn đồng/1 phần quà đến những hoàn cảnh khó khăn trong địa phương và quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Vì biển đảo quê hương” 20 triệu đồng. Ni sư Thích Nữ Chấn Tịnh trụ trì Quan Âm tịnh xá đã phối hợp với Hội Phụ nữ Quận 5 gửi 150 phần quà gồm 05kg gạo, 01 thùng mỳ ăn liền, nước tương, gia vị và 500 nghìn tiền mặt đến người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Trung nguyên - Vu lan báo hiếu3.
Trong năm 2023, tổng số tiền dành cho hoạt động từ thiện của Phân ban là hơn 100 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2024 là hơn 10 tỷ đồng4. Số tiền cho hoạt động từ thiện đều được ghi chép đầy đủ và thực hiện việc công khai, minh bạch thông qua các báo cáo định kỳ.
Đối tượng hướng đến trong lĩnh vực từ thiện xã hội của ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh là tất cả mọi người trong xã hội, đó là những người nghèo, người thiếu thốn về cả vật chất và tinh thần, không đủ phương tiện sống, đặc biệt là những người yếu thế, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc da cam… không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội… đều được quan tâm, chăm sóc. Có thể kể đến hoạt động hỗ trợ Hội người mù Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh với chương trình “Trao yêu thương - Nhân đôi hạnh phúc” do Ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, đã đến thăm hỏi, động viên và trao tặng 61 phần quà ý nghĩa để tiếp thêm động lực, giúp bà con khiếm thị vượt qua khó khăn trong cuộc sống5. Phân ban Ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã trao 01 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Bên cạnh đó, là các hoạt động tiêu biểu như: chương trình “siêu thị 0 đồng” - mô hình được Nhân dân phát minh và nhân rộng trong những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát trên cả nước, hiện nay vẫn đang được triển khai một cách hiệu quả, trong đó có ni giới Phật giáo Thành phố; chuỗi hoạt động “Giọt nước nghĩa tình” năm 2024 khi bà con khu vực các tỉnh miền Tây bị hạn mặn, nguồn nước sạch bị khan hiếm; chuỗi hoạt động Hội chợ Ẩm thực buffet chay gây quỹ từ thiện…
Cùng với hoạt động từ thiện xã hội, trong nhiều năm qua, ni giới Phật giáo Thành phố còn tích cực tham gia hoạt động bảo trợ xã hội. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố đã hình thành một số cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, trung tâm nuôi dưỡng người già. Tiêu biểu cho mô hình hoạt động bảo trợ xã hội có thể kể đến những điển hình: Mái ấm Từ Hạnh nằm trong khuôn viên chùa Từ Hạnh trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, đây không chỉ là mái ấm của các em, mà còn là nơi gửi gắm những phần đời còn lại của khoảng 60 cụ già không nơi nương tựa; Mái ấm tình thương chùa Diệu Giác - mái ấm của hơn 100 em nhỏ mồ côi; Nhà dưỡng lão chùa Lâm Quang - chốn an dưỡng yên bình của 126 cụ già không nơi nương tựa và 23 trẻ em cơ nhỡ.
Bốn là, thực trạng hoạt động bảo vệ môi trường
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực tham gia, không chi nâng cao nhận thức ý thức trách nhiệm để cùng thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, mà còn bằng những cách thức và phương pháp riêng của mình, ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên vận động, tuyên truyền sâu rộng đến các ni, phật tử và mọi người nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: không hút thuốc lá, không đốt giấy tiền vàng mã, không sử dụng nhang đèn quá nhiều trong các tự viện, không dùng hóa chất trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi, phải biết tôn trọng và bảo hộ sinh mệnh của muôn loài nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái. Ni giới Phật giáo Thành phố cũng đã phát động thực hiện các phong trào như: trồng cây xanh trong khuôn viên cơ sở thờ tự, nói không với xả rác bừa bãi, lối sống cẩu thả; thay túi nilong bằng cách sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường; tổ chức các buổi trao đổi, thuyết giảng về cuộc sống và môi trường, thực hiện tuần lễ sạch - xanh - đẹp trong năm hoặc ngày môi trường trong tháng để khuyến khích mọi người chung tay làm đẹp cho đời; khích lệ phật tử và mọi người sống văn minh, lành mạnh, thân thiện, hài hòa với môi trường tự nhiên, tham gia hưởng ứng công tác cải tạo và bảo vệ môi trường… Đặc biệt, ni giới Phật giáo Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu cho phật tử với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, trong đó, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được các ni sư khuyên nhắc thuyết giảng, tuyên truyền cho tín đồ, phật tử như một nội dung quan trọng, để tập huấn và rèn luyện kỹ năng sống và ý thức bảo vệ môi trường giúp mọi người biết yêu thương, san sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động xã hội của ni giới Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang gặp phải một số vấn đề như: một bộ phận chức sắc, tín đồ còn thiếu sự hiểu biết, thông tin đầy đủ về các chủ trương xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Những hoạt động xã hội của ni giới Thành phố hiện nay vẫn chủ yếu mang tính chất cứu đói, chữa trị vết thương tức thời, chứ chưa phải một chương trình, một hành động, một chính sách xã hội mang tầm chiến lược, lâu dài. Các mô hình hoạt động của ni giới Phật giáo còn nhỏ lẻ, riêng rẽ, thiếu tính liên kết và lan tỏa đến các tổ chức khác địa phương khác. Chủ thể hoạt động xã hội của ni giới Phật giáo Thành phố chủ yếu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, hoặc những tín đồ có uy tín của tôn giáo điều hành nên việc thiếu chuyên nghiệp là điều không tránh khỏi. Nguồn kinh phí để ni giới Thành phố thực hiện các hoạt động xã hội chủ yếu vẫn phụ thuộc lớn vào cộng đồng nên đa số các nguồn lực kinh phí này không ổn định, dẫn đến tình trạng một số nơi, ni giới Thành phố vẫn còn khá bị động, chưa có nguồn tài chính cơ bản để kịp thời chuẩn bị các công tác xã hội, đặc biệt công tác cứu trợ khẩn cấp.
2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội của ni giới Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ nhất, về cơ chế chính sách thực hiện hoạt động xã hội
Cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về tôn giáo và hoạt động xã hội của tôn giáo. Trước hết, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và thể chế hóa quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước đối với những cơ sở tôn giáo đồng thời là cơ sở giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, khắc phục sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng quản lý giữa cơ quan quản lý của nhà nước và cơ quan quản lý của tôn giáo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần có sự đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, trong đó chú trọng đến nhóm thuộc các tổ chức tôn giáo, tăng, ni, phật tử để họ hiểu biết chính sách, pháp luật, đồng thời định hướng các hoạt động xã hội tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, về phương thức hoạt động
Cần tăng cường nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ làm công tác hoạt động xã hội của ni giới Phật giáo Thành phố thông qua việc tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về các lĩnh vực giáo dục, y tế… đặc biệt, cần xây dựng các khóa tập huấn về lĩnh vực công tác xã hội cho chư ni Phật giáo Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần có những chính sách ưu tiên, đãi ngộ, động viên, khen thưởng kịp thời những mô hình, điển hình tốt, hiệu quả trong hoạt động xã hội của ni giới thành phố, để từ đó khuyến khích ni giới Thành phố dấn thân hơn nữa trong các hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động xã hội của ni giới Phật giáo Thành phố thường được huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau, kể cả nguồn nhân lực và nguồn kinh phí, từ đó xuất hiện những mục đích khác nhau khi tham gia hoạt động xã hội. Vì vậy, ni giới Phật giáo Thành phố và các cấp chính quyền cần phải xây dựng cơ chế quản lý hoạt động xã hội một cách khoa học và chặt chẽ các nguồn lực trên.
Thứ ba, công tác phối hợp với chính quyền
Ni giới Phật giáo Thành phố có thể phối hợp với các thành viên của hệ thống chính trị trong từng hoạt động cụ thể, như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh… để có thể phối hợp triển khai những chương trình hoạt động xã hội phù hợp. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các ban ngành, thành viên trong hệ thống chính trị giúp phát huy tối đa nguồn lực, xử lý có hiệu quả các vấn đề phát sinh, phức tạp trong hoạt động xã hội của ni giới Phật giáo Thành phố, đồng thời, nhằm mục đích giám sát, quản lý hiệu quả hơn các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính của Nhân dân đóng góp, đảm bảo nguồn tài chính trợ giúp đến được đúng đối tượng, đúng người, đúng việc cần trợ giúp.
Như vậy, phát huy giá trị nhân văn của Phật giáo với tinh thần từ bi, trí tuệ vô ngã, vị tha, đề cao tính thiện, ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực không chỉ trong công tác Phật sự mà còn thực hiện các hoạt động hướng đích xã hội, hướng đến con người, vì con người với khát vọng mang lại hạnh phúc và an lạc cho cộng đồng và xã hội, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế” theo đúng phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Thích Chúc Như (Phạm Thị Thu Hồng)
Tài liệu tham khảo:
1. Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 của Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Tuấn Kiệt (2020), Nét đẹp ni giới Việt Nam trong đại dịch COVID-19, Tập san Hoa Đàm, (85), tr.32-33.
3. https://dacsanhoadam.vn/chua-bo-de-lan-nha-va-nhung-hoat-dong-y-nghia-truoc-them-phat-dan/
Chú thích:
1. Tuấn Kiệt (2020), Nét đẹp ni giới Việt Nam trong đại dịch COVID-19, Tập san Hoa Đàm, (85), tr.32-33.
2. Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 của Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh.
3. https://dacsanhoadam.vn/chua-bo-de-lan-nha-va-nhung-hoat-dong-y-nghia-truoc-them-phat-dan/
4. Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 của Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Ni sư Liễu Ngọc (2023), Trao yêu thương - Nhân đôi hạnh phúc, Tập san Hoa Đàm, (115), tr.23.