Đồng bào Công giáo huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thi đua yêu nước, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 23/01/2025
Huyện Kim Sơn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Ninh Bình, có diện tích tự nhiên 239,78km, dân số gần 190.000 người, hiện nay Kim Sơn có 25 đơn vị hành chính (gồm 23 xã và 02 thị trấn). Công giáo huyện Kim Sơn có 33 giáo xứ, 01 Trung tâm Mục vụ, 155 giáo họ với 113 nhà thờ, 05 nhà nguyện, 02 đền Đức Mẹ, 01 dòng tu là Hội dòng Mến Thánh giá Phát Diệm với 03 cơ sở là: Lưu Phương, Hướng Đạo, Cách Tâm. Đồng bào Công giáo huyện Kim Sơn chiếm 47,07% dân số toàn huyện. Trải qua hơn nửa thế kỷ trên con đường yêu nước gắn liền với dân tộc đã có nhiều gương mặt nổi bật như: Linh mục Nguyễn Thế Vịnh, Linh mục Nguyễn Duy Trinh, Linh mục Vũ Hiến Cúc, Linh mục Vũ Bá Nghiễm, Linh mục Nguyễn Chu Trình, Linh mục Trần Hùng Sỹ, Linh mục Trần Cao Vọng, Linh mục Trần Ngọc Văn, Linh mục Bùi Ngọc Hoàng, Linh mục Nguyễn Ngọc Giao là những linh mục có đóng góp tích cực trên con đường đồng hành cùng dân tộc. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã dạy “Nếu Hội thánh luôn quan niệm là xã hội như cộng đồng hiệp thông, liên đới trách nhiệm phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người thì trong tư cách là thành viên của cộng đồng dân Chúa chẳng những chúng ta không thờ ơ với đời sống xã hội, cộng đồng dân Chúa quanh ta mà trái lại ta còn cảm thấy được cổ vũ để đảm nhận vai trò tích cực trong công cuộc xây dựng xã hội”. Tiếp nối truyền thống của những người đi trước, với ý thức đầy đủ trách nhiệm đối với dân tộc và Giáo hội, trong những năm qua, người Công giáo huyện Kim Sơn nắm vững đường lối tuyên truyền vận động đã có những đóng góp tích cực ở mọi mặt đời sống xã, thể hiện tốt vai trò là thành viên của cộng đồng dân tộc với tất cả trách nhiệm thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện Kim Sơn.
Các gia đình Công giáo tham gia ký cam kết thực hiện tốt mô hình “Vận động đồng bào có đạo và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”
Để tăng cường khối đại đoàn kết người có tôn giáo và không có tôn giáo, phát huy vai trò tích cực của đồng bào có tôn giáo trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các cấp ủy đảng cùng chính quyền và đoàn thể huyện Kim Sơn luôn nắm chắc tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, lồng ghép nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các hội nghị chức sắc, chức việc tôn giáo do các ngành và các tổ chức đoàn thể tổ chức, từ đó vận động đồng bào tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu... những nội dung về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác được truyền đạt tới các chức sắc, chức việc và thông qua các bài giảng tại các ngày lễ được truyền đạt tới tín đồ. Thông qua học tập và làm theo Bác, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong huyện đã nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, làm theo Bác. Từ đó, trong nhận thức và hành động của tín đồ có nhiều thay đổi, nhất là trong việc tham gia các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Bên cạnh đó, hằng năm, nhân các ngày lễ, tết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đã đến thăm, chúc mừng các chức sắc, chức việc, cơ sở tôn giáo. Tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao như cầu lông, bóng bàn… giữa các chức sắc, chức việc với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nhiều cuộc giao lưu thể thao trên địa bàn huyện với trên 200 lượt chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia. Đồng bào lương - giáo của huyện với tinh thần đoàn kết nỗ lực phấn đấu đã thu được nhiều kết quả trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đời sống Nhân dân huyện Kim Sơn tiếp tục được cải thiện, trong đó có bà con giáo dân rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định ở địa phương; tích cực hưởng ứng các phong trào
thi đua yêu nước “sống tốt đời đẹp đạo” đoàn kết chung sức, chung lòng xây dựng quê hương đất nước. Thông qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, như: ông Nguyễn Kiên Cường, Bí thư chi bộ số 2, Đảng bộ xã Xuân Thiện là người theo Công giáo đã hiến 75m2 đất, 42m2 nhà, 38m2 tường rào; vận động 21 hộ dân tự nguyện tháo dỡ 300m2 tường rào, 03 nhà cấp bốn, 750m2 đất, vận động giáo họ Dũng Thúy tháo dỡ 35m tường rào và 01 căn nhà với diện tích 44m2, hiến 46m2 đất để mở đường giao thông thôn. Bà Trần Thị Sẽ, giáo dân thuộc xóm Đông Cường, xã Văn Hải đã hiến tặng 320m2 đất vườn, phá dỡ một nhà bếp hơn 50m2 và hàng chục cây ăn quả để xóm làm đường giao thông. Trong phong trào hiến tặng giác mạc, bà Sẽ đã vận động các thành viên trong gia đình, động viên con cháu tích cực tham gia hiến tặng giác mạc. Chồng bà, em chồng và mẹ chồng bà đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Đối với phong trào hiến tặng giác mạc ở huyện Kim Sơn, kể từ tháng 4/2007, cụ Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi, người đầu tiên trong cả nước hiến tặng giác mạc sau khi qua đời đến năm 2015, toàn huyện Kim Sơn đã gắn việc học tập, làm theo tấm gương của Bác, tuyên truyền, vận động được hơn 9.870 người đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phong trào hiến tặng giác mạc có trầm lắng nhưng kết quả hiện nay ghi nhận được rất đáng biểu dương: 100% số xã (27/27 xã) trong toàn huyện có người đăng ký hiến tặng giác mạc và đã có 186 người hiến giác mạc thành công, chiếm 69,9% số lượng người hiến trên cả nước, đem lại niềm hạnh phúc cho 372 người mù nay nhìn thấy bình thường. Những xã tiêu biểu đã có nhiều người hiến tặng giác mạc như: Cồn Thoi, Văn Hải, Kim Mỹ, Kim Tân, Định Hóa, Thượng Kiệm, Đồng Hướng, Như Hòa, Kim Chính, Chất Bình, thị trấn Phát Diệm. Huyện Kim Sơn là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phong trào hiến tặng giác mạc. Hiện nay, ở huyện Kim Sơn, phong trào “Vì một thế giới không mù lòa” hiến tặng giác mạc giúp đỡ người mù nhìn thấy ánh sáng, trong những năm qua, các linh mục và các chức việc đã tích cực tuyên truyền vận động giáo dân tham gia đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời và được bà con ở các giáo xứ tích cực hưởng ứng, tiêu biểu như: giáo xứ Cồn Thoi, Hợp Thành, Văn Hải, Tùng Thiện, Như Tân, Phát Diệm, Hòa Lạc... Một số gia đình giáo dân đã có hai thế hệ hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, tiêu biểu như gia đình ông Hoàng Văn Tiện, giáo xứ Dục Đức, xã Kim Định. Phong trào hiến tặng giác mạc trong đồng bào Công giáo huyện Kim Sơn đã cổ vũ và hình thành một mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên là các chức sắc, chức việc nhiệt tình tham gia vận động, tuyên truyền về hiến tặng giác mạc.
Các gia đình Công giáo có người hiến tặng giác mạc nhận Kỷ niệm chương năm 2024
Từ điểm sáng phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, đã được Nhân dân các địa phương khác hưởng ứng, lan rộng trên toàn quốc, ngày càng nhiều địa phương có người hiến tặng giác mạc. Đến nay, tổng số người đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời của cả nước là gần 50.000 người thì địa bàn huyện Kim Sơn có 12.223 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời và đã có 437 người hiến tặng giác mạc thành công. Hằng năm, tại huyện Kim Sơn, Bệnh viện mắt Trung ương đều tổ chức tôn vinh và trao giấy ghi nhận nghĩa cử cao đẹp cho những gia đình thân nhân người hiến tặng giác mạc; tặng giấy khen và kỷ niệm chương cho những cộng tác viên xuất sắc trong phong trào hiến tặng giác mạc của huyện Kim Sơn, Thông qua việc học tập và làm theo Bác đã xuất hiện những điển hình trong phát triển kinh tế, tiêu biểu như ông Phạm Quý Am, giáo dân thuộc xóm Hoành Hải, xã Văn Hải đã tích cực đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện, trang trại của gia đình ông Am với diện tích 1.900m2 chia làm 05 khu chăn nuôi: 30 con lợn nái, 120 con lợn thịt, gà thịt duy trì 200 con, ngan 150 con, tổng thu nhập sau chi phí là 150-180 triệu đồng/năm. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Am đã hiến 94,5m2 đất, gỡ bỏ 45m tường bao, 02 cột cổng, 01 ô nuôi lợn nái, chặt 20 cây cau đang có buồng và 04 cây ăn quả, tổng giá trị trên 35 triệu đồng… góp phần hoàn thành nhanh chóng đường giao thông của xóm. Ngoài ra, còn có các gia đình giáo dân mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế vào sản xuất đem lại hiệu quả cao như: Doanh nghiệp xây dựng Mạnh Hùng, Doanh nghiệp xây dựng Kim Phát, Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng Tuyết Báu, Doanh nghiệp xây dựng Phi Chiên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quang Ninh, hằng năm, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Kinh tế ở các giáo xứ, giáo họ và gia đình giáo dân ngày một khấm khá đã thật sự góp phần xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ giàu tăng, hộ nghèo giảm xuống rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần ở các xứ, họ đạo đã nâng lên đáng kể. Đồng bào Công giáo huyện Kim Sơn đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để xây dựng và cải tạo đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng. Hầu hết đường làng, ngõ, xóm đường xung quanh khuôn viên nhà thờ được cải tạo khang trang, 100% các giáo xứ, giáo họ có đường bê tông nối khuôn viên nhà thờ với đường liên thôn, liên xã. Hầu hết các cơ sở thờ tự đều được tu sửa, nâng cấp, một số nhà thờ đã và đang được xây mới như: giáo xứ Kim Đông, Trì Chính, Hòa Lạc, Phát Vinh, Quyết Bình, Dưỡng Điềm, Phương Thượng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân. Toàn huyện đến nay đã có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 02 xã Kim Tân, Kim Mỹ đang đề nghị tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Những xã có tỷ lệ đồng bào Công giáo cao như: Xuân Thiện, Chính Tâm, Văn Hải, Kim Mỹ, Kim Tân... đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, xây dựng được cánh đồng mẫu lớn, Nhân dân đã mua sắm trang thiết bị, máy móc với giá trị kinh tế cao phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nên đã giảm được sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện công nhận và biểu dương, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang đổi mới. Đời sống văn hóa cũng được nâng cao, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Nhiều giáo xứ, giáo họ cơ bản không có tệ nạn xã hội như: giáo xứ Như Sơn, giáo xứ Xuân Hồi, giáo xứ Cách Tâm, giáo xứ Mông Hưu, giáo xứ Tùng Thiện, giáo xứ Văn Hải…
Nói đến học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, ở huyện Kim Sơn không thể không nhắc đến thị trấn Phát Diệm, nơi đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vào ngày 13/01/1946. Người đã nhắc nhở đồng bào “Kính Chúa phải yêu Nước. Nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất to lớn, thiết thực đối với từng người, từng gia đình trong công cuộc bảo vệ và xây dựng nền độc lập của nước nhà. Ai cũng tâm niệm phải đoàn kết lương - giáo, đồng tâm hiệp lực chống thù trong giặc ngoài, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau vượt qua đói kém, bệnh tật, dốt nát. Thời gian, đã qua đi hơn nửa thế kỷ, nhưng mỗi người dân nơi đây vẫn mãi khắc ghi lời dạy của Người và có nhiều gương mặt nổi bật là các linh mục gắn liền với con đường yêu nước với dân tộc. Xứ Phát Diệm thành lập năm 1854, hiện nay, có 11 giáo họ với trên 5.500 giáo dân, là một trong những xứ lớn của Kim Sơn nhưng những giáo dân nơi đây luôn đề cao tinh thần đoàn kết lương - giáo, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần làm nên diện mạo ngày càng khang trang đẹp đẽ của thị trấn Phát Diệm. Từ những năm 2008, Đảng ủy thị trấn tổ chức cho các chức sắc, chức việc học tập 02 chuyên đề của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được đón nhận nồng nhiệt với tỷ lệ hơn 90% người tham gia. Những nội dung cơ bản của cuộc vận động là thực hiện theo tác phong sinh hoạt giản dị, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, đồng bào giáo dân ở Phát Diệm đã xác định được hướng phấn đấu trong lao động sản xuất, có tinh thần vươn lên vượt khó trong mọi hoàn cảnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vì thế, khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai rất phù hợp được các giáo dân hưởng ứng và nỗ lực làm theo. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động từ khi triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được đẩy mạnh hơn như các phong trào thi đua xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, xây dựng gia đình Công giáo tiêu biểu, phong trào “Người Công giáo thi đua kính Chúa yêu Nước, sống tốt đời đẹp đạo”. Từ những phong trào này, mối đoàn kết lương - giáo nơi đây đã được củng cố, tăng cường. Mỗi giáo dân đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình Công giáo tiêu biểu, chấp hành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước, tích cực đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng các công trình công cộng... Từ việc đoàn kết lương - giáo được tăng cường, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, ở Phát Diệm nhiều công trình như: đường giao thông, hệ thống kênh mương, trường học, nhà văn hóa... đang
dần hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho nhu cầu sinh hoạt và đi lại của người dân. 100% đường giao thông nông thôn trên địa bàn thị trấn Phát Diệm đã được bê tông hóa, trường tiểu học, mầm non và trung học cơ sở được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia, trên 85% gia đình Công giáo đạt danh hiệu gia đình Công giáo tiêu biểu, nhiều hộ gia đình giáo dân trong giáo xứ đã vươn lên làm giàu,
không còn hộ nghèo... Ở Phát Diệm, với tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”, những năm qua, hoạt động giúp hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xóa nhà tranh đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con giáo dân. Bà con giáo dân nơi đây đã góp kinh phí, huy động ngày công cùng cấp ủy, chính quyền
các cấp xây dựng được nhiều ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, giúp đỡ xây dựng nhà mới cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Nhiều việc làm thiết thực như, xin sữa bột giúp đỡ các cụ già, những người đau yếu không phân biệt lương - giáo… thắm tình thân ái là những nghĩa cử cao đẹp mà bà con giáo dân xứ Phát Diệm sôi nổi thực hiện đã minh chứng cho sức lan tỏa sâu rộng của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Có thể thấy, những năm qua, đặc biệt là từ khi Đảng ta phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ, Nhân dân và đồng bào Công giáo huyện Kim Sơn, tỉnh Nình Bình đã tích cực thực hiện phát triển kinh tế tốt, nếp sống tốt mà cụ thể là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, sống bác ái yêu thương, thực hành tiết kiệm trong cuộc sống thường ngày, không ngừng tăng cường mối đoàn kết lương - giáo, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng gia đình hạnh phúc, xóm làng yên vui, xã hội sống tốt đời đẹp đạo, quê hương đất nước ngày thêm giàu đẹp.
Anh Vũ