Phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” ở Thái Bình - 05 năm nhìn lại
Ngày đăng: 17/01/2025
Thái Bình là tỉnh có đông đồng bào theo đạo Phật với trên 17.000 tín đồ chiếm khoảng 16% dân số trong tỉnh, 612 chức sắc, chức việc. Toàn tỉnh hiện có 877 ngôi chùa, trong đó, có 163 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, 25 chùa được cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia và 138 ngôi chùa được chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Phật giáo phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động văn hóa xã hội và sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nên đã động viên khích lệ tín đồ phật tử trong tỉnh ngày càng tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương, mặt trận Tổ quốc phát động. Phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” trong nhiều năm qua đã được đông đảo tăng ni, phật tử trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng góp phần tích cực vận động tăng ni, tín đồ phật tử thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện theo đúng đường hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhìn lại 05 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái bình đã chủ động phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng đến đồng bào, phật tử trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” trong tỉnh để đạt được những kết quả quan trọng, đó là:

1. Tăng ni, phật tử trong tỉnh đã gương mẫu thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương

Tăng ni trong tỉnh luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, tích cực tuyên truyền vận động tín đồ, phật tử tham gia thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, chấp hành nghiêm túc Nghị định 36/2009/NĐ/CP về không đốt pháo nổ, bài trừ tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, vận động con em tín đồ phật tử hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự, thực hiện tinh thần “lục hòa”. Tăng ni trong tỉnh luôn giữ gìn đoàn kết trong Nhân dân, tín đồ, tích cực tham gia các tổ hòa giải tại cơ sở, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu dân cư. Khi dịch COVID-19 xảy ra, Phật giáo Thái Bình đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, hướng dẫn của chính quyền các cấp, dừng các hoạt động tín ngưỡng, tập trung đông người, chỉ khi có thông báo của địa phương, tình hình ổn định thì hoạt động mới trở lại bình thường.

Việc khôi phục, xây dựng, sửa chữa, mở rộng khuôn viên cơ sở tôn giáo tuân thủ những quy định của pháp luật, các cơ sở tôn giáo làm đúng thủ tục, hồ sơ trình chính quyền và các ngành chức năng của huyện, tỉnh phê duyệt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.114/1.226 cơ sở thờ tự tôn giáo được cấp giấy quyền sử dụng đất, đạt tỷ lệ 90,8% với tổng diện tích 378,62 ha, trong đó, diện tích đất của cơ sở Phật giáo là 212,85 ha.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, thời gian qua, Phật giáo trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng tham gia với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Chức sắc, chức việc vận động tín đồ phật tử tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm xá khang trang sạch đẹp, điển hình như: huyện Vũ Thư, Thượng tọa Thích Thanh Hòa chùa Phúc Minh ủng hộ 300 triệu đồng, Đại đức Thích Thanh Ngân chùa Đại Bi ủng hộ 300 triệu đồng; Đại đức Thích Thanh Quang chùa Keo cùng tín đồ trực tiếp làm đường với kinh phí hơn 01 tỷ đồng. Chùa Long Khánh, xã Vũ Đoài, phật tử ủng hộ ngày công và kinh phí xây dựng nhà văn hóa, đường nội thôn, làm điện, đường trị giá trên 03 tỷ đồng. Huyện Tiền Hải tuyên truyền, vận động tín đồ phật tử cùng Nhân dân địa phương trong việc làm đường, điện thắp sáng làng quê như: chùa Kim Đô, chùa Hương Sơn, chùa Linh Quang, chùa Chính Giác, chùa Nguyệt Quang đã ủng hộ làm 1,1 km đường với kinh phí trên 01 tỷ đồng...

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức truyền thông cho 500 vị chức sắc ở 07 trường hạ trong toàn tỉnh. Hầu hết các chùa trong tỉnh tích cực hưởng ứng, tuyên truyền cho phật tử với bảo vệ môi trường để đạt được môi trường xanh sạch đẹp, điển hình như: chùa Quan Âm, chùa Long Khánh, chùa Kinh Văn đã có thành tích xuất sắc về bảo vệ môi trường được biểu dương trong tỉnh.

2. Gương mẫu tham gia xây dựng Giáo hội, thực hiện hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tuyên truyền và thực hành theo đúng nghi lễ Phật giáo Việt Nam

Phát huy truyền thống gắn bó, hòa hợp của Phật giáo Việt Nam với tinh thần lục hòa công trụ, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội để xây dựng tổ chức giáo hội trang nghiêm, tiên tiến, hướng dẫn tín đồ sinh hoạt tôn giáo lành mạnh theo đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Trong những năm qua, hệ thống tổ chức của giáo hội trong tỉnh đã được cùng cố, hoạt động có hiệu quả, hoạt động của các cơ sở thờ tự luôn tuân thủ theo hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và theo đúng khuôn khổ của pháp luật về tôn giáo.

Đại hội Phật giáo ở cấp huyện và thành phố trong các năm đã được tổ chức trang trọng, thành công tốt đẹp. Tăng ni không ngừng tu luyện học tập giáo lý, giáo luật, tìm hiểu pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong lối sống để tu hành theo đạo pháp, tích cực xây dựng tổ chức Giáo hội vững mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh có: 02 hòa thượng, 08 thượng tọa, 05 ni trưởng, 38 ni sư, 113 đại đức, 411 sư cô, trong đó có: 03 vị đang theo học thạc sĩ, 28 vị đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam, 17 vị học cao đẳng Phật giáo, 06 vị đang học trung cấp, cao đẳng.

Hoạt động hướng dẫn phật tử theo đạo chính pháp của giới tăng ni trong tỉnh ngày càng được chú trọng và đạt hiệu quả thiết thực. Thông qua các lễ nghi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức được nhiều buổi thuyết giảng tại các chùa và mở nhiều khóa tu tịnh độ hướng dẫn, giảng đạo, thuyết pháp cho phật tử tu tập, tuyên truyền giáo hóa cho tín đồ học tập giáo lý, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật, làm nhiều điều thiện, tránh xa điều ác, vận động tín đồ biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, đồng thời, đẩy lùi các hiện tượng tạp giáo, hủ tục mê tín dị đoan góp phần ổn định tình hình của địa phương.

3. Gương mẫu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế phải thực hành tiết kiệm xây dựng chùa cảnh

Với truyền thống lao động cần cù, luôn coi việc lao động sản xuất là vấn đề quan trọng trong cuộc sống tu hành, tự mình làm ra lương thực phục vụ cho đời sống của bản thân, phần còn lại tiết kiệm làm việc thiện, tu sửa nơi thờ tự đó là truyền thống của tăng ni, phật tử trong tỉnh. 05 năm qua, 100% các chùa chủ động được nguồn lương thực phục vụ cho cuộc sống. Nhiều chùa mua sắm được các phương tiện phục vụ cho cuộc sống, thuận tiện cho việc học tập, đi lại phục vụ tín đồ và Nhân dân. Hiện nay, 96% số chùa sư trụ trì có xe máy, ô tô, 100% số chùa dùng điện thoại, 90% chùa có máy vi tính, đăng ký mạng internet, lập trang web riêng của chùa để tìm hiểu và nâng cao kiến thức về xã hội phục vụ cho bản thân và giáo hóa, truyền thông cho phật tử.

Từ việc gương mẫu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, tăng ni đã tuyên truyền, vận động tín đồ, Nhân dân địa phương làm giàu chính đáng, giúp địa phương phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhờ đó các chùa có điều kiện đầu tư xây dựng, sửa chữa khang trang sạch đẹp. Tổng kinh phí các chùa trong tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa trong 05 năm qua lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các gia đình phật tử có cuộc sống tốt hơn nên đã đồng hành cùng chức sắc, chức việc trong công tác từ thiện, hoằng pháp như: nấu cháo, nấu cơm phát cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, Tết, các em học sinh nghèo vượt khó và năm học mới, các nơi có khó khăn do bão lũ.

4. Gương mẫu tham gia công tác xã hội và hoạt động từ thiện, nhân đạo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Trong những năm qua, tăng ni trong tỉnh đã nhận thức rõ trách nhiệm của người tu hành là phải hòa mình với cuộc sống hiện tại, tích cực tham gia phát triển cộng đồng thông qua việc tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội hóa giáo dục, y tế, hoạt động dạy nghề, hoạt động từ thiện nhân đạo. Hằng năm, các chùa đều ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Giúp đỡ người tàn tật, các cháu mồ côi, người già neo đơn, các cháu học sinh nghèo vượt khó, đồng bào các vùng miền có thiên tai lũ lụt. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh kết hợp với Hội Chữ thập đỏ xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ những người khó khăn, phối hợp với mặt trận Tổ quốc xây dựng 15 nhà đại đoàn kết. Nhiều chùa đã tổ chức nấu cháo, nấu cơm phát cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện và trao quà cho bệnh nhân. Trong 05 năm qua, toàn tỉnh đạt trên 10 tỷ đồng. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một số chùa như: chùa Keo, chùa Thanh Nhàn, chùa Hoàng Văn, chùa Phúc Long, hằng năm, phóng sinh, thả thủy hải sản, bảo vệ môi trường với số tiền lên đến 05 tỷ đồng.

Vào dịp khai giảng năm học mới, các chùa tổ chức trao khuyến học cho các em học sinh đạt thành tích cao trong học tập, các em học sinh nghèo vượt khó, học sinh đỗ vào các trường đại học. Chức sắc, chức việc luôn nhắc nhở tín đồ phật tử chăm lo các cháu học tập để đạt được kết quả tốt, mở các lớp học năng khiếu tại chùa, tổ chức tốt việc nuôi và chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo chu đáo và đúng pháp luật. Hằng năm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh phối hợp với mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang trong tỉnh nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ để lại tình cảm tốt đẹp trong Nhân dân.

Nhìn chung, phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” ở Thái Bình trong 05 năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của đồng bào Phật giáo trong tỉnh, được đông đảo tín đồ và Nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Phong trào đã động viên tăng ni, tín đồ phật tử gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, thực hiện tốt hiến chương của Giáo hội, xây dựng tinh thần đoàn kết trong Giáo hội và trong Nhân dân địa phương, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, xây dựng khối đại đoàn kết khu dân cư. 05 năm qua, toàn tỉnh có 243 chùa được công nhận “Chùa cảnh 4 gương mẫu” 05 năm liền (2019-2024), tăng 56 chùa so với giai đoạn trước, trong đó, có: 08 chùa, 08 cá nhân được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng bằng khen; 10 chùa, 10 cá nhân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng bằng khen; 04 chùa, 04 cá nhân được Công an tỉnh tặng giấy khen; 04 chùa, 03 cá nhân được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tặng giấy khen.

Từ những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” ở Thái Bình trong 05 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tín đồ phật tử và Nhân dân địa phương về phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”. Nắm vững những nội dung và tiêu chuẩn để xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện, xây dựng tinh thần đoàn kết quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra. Phong trào phải được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, chức sắc, chức việc tôn giáo ở địa phương để phong trào có sự lan tỏa trong cộng đồng.

Hai là, việc xây dựng chùa cảnh 4 gương mẫu cần được chỉ đạo thực hiện các nội dung cơ bản đó là: xây dựng tinh thần đoàn kết lương giáo, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra như: phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, xóa đói giảm nghèo, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gắn với các phong trào thi đua ở địa phương cơ sở như: phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa; phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, bảo đảm dân chủ, tổ chức các lễ hội bảo đảm an ninh an toàn, tiết kiệm, giá trị tốt đẹp của tôn giáo.

Ba là, phải có đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở địa phương có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình, được tăng ni, phật tử và Nhân dân địa phương tín nhiệm. Kịp thời nhân rộng các mô hình điển hình có hiệu quả, những cán bộ nòng cốt của địa phương trong thực hiện phong trào, cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước để khen thưởng, biểu dương, xây dựng quyết tâm đạt danh hiệu “chùa cảnh 4 gương mẫu”.

Bốn là, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp, nhất là ở cấp xã và ban công tác mặt trận ở khu dân cư. Thường xuyên gần gũi chức sắc và tín đồ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tăng ni, tín đồ phật tử, quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của phật tử, phối hợp với các nghành chức năng kịp thời tham mưu cho các cấp chính quyền giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương.

Năm là, thường xuyên ra soát, đổi mới phương thức tổ chức, thực hiện phong trào, bảo đảm phong trào có sự lan tỏa trên địa bàn dân cư. Coi trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ mặt trận các cấp và chức sắc, chức việc. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, trao đổi, tổ chức thực hiện để đưa phong trào thực hiện đồng đều ở các địa phương.

Nguyễn Hồng Chương