Đi Sim – nét văn hóa đẹp của người Tà Ôi, Quảng Trị
Ngày đăng: 12/07/2018Tục đi Sim là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Tà Ôi, tỉnh Quảng Trị. Vào những đêm trăng thanh, gió mát, các chàng trai cô gái lại quây quần bên nhau, trao nhau những câu hát tìm vợ, tìm chồng làm say đắm lòng người.
Đakrông - một huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, có đại bộ phận dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Tà Ôi sinh sống. Những người già, trưởng bản ở đây cho biết tập tục đi Sim đã có từ lâu đời, đến ngày nay vẫn còn được lưu truyền trong các thế hệ trẻ. Đi Sim là dịp để các đôi nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng tìm hiểu nhau, trao nhau những làn điệu, câu hát, những bản nhạc làm say đắm lòng người.
Thường thì tục đi Sim diễn ra vào những mùa trăng. Chính vì vậy vào những đêm trăng sáng những người con trai, con gái trên rẻo cao lại tìm đến nơi hò hẹn bên những con suối, những ngôi nhà Xu thơ mộng giữa rừng để cùng trò chuyện, tìm hiểu. Và cứ như vậy, từng mùa Sim đi qua sẽ có những đôi trai gái nên duyên vợ chồng sau khi đã trò chuyện, tìm hiểu nhau. Họ ngồi nói chuyện với nhau cả đêm bên dòng suối mát, dưới ánh trăng thanh hữu tình. Để tránh gặp trời mưa, người con gái khi đi Sim thường đem theo một cái gối và một cái chăn để ngủ lại ở nhà Xu hoặc những căn lều nhỏ của gia đình ở giữa rừng.
Tục đi Sim như một minh chứng cho việc bình đẳng trong tình yêu, hôn nhân của người Tà Ôi chứ không có chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Đây là một điều rất tiến bộ trong suy nghĩ của bà con nơi đây.
Đi sim, thường các cô gái đi trước, họ mang theo đầy chiếc Tựp cơm nếp, thịt gà, cá nướng làm vật nhận lời. Các chàng trai theo sau mang theo chuỗi cườm, hạt ba não hay vòng bạc đồng tiền làm vật ngỏ lời. Khi các chàng trai đến nơi thì các cô gái đã ngủ trên chòi rồi nhưng họ chỉ ngủ giả vờ thôi. Các chàng trai tới không lên thẳng trên chòi mà đứng dưới chân cầu thang hát gọi.
Một trong những điều không thể thiếu trong những lần đi Sim hò hẹn là những bài hát giao duyên với ca từ đẹp để bày tỏ nỗi niềm tâm sự, khát khao yêu thương mà những đôi trai gái dành cho nhau. Chính những điệu hát này càng làm cho tình cảm giữa người con trai, con gái càng khăng khít, bền chặt hơn để có thể về thưa với cha mẹ, trưởng bản và đi đến một cuộc hôn nhân trọn vẹn.
Tuy nhiên, cách tỏ tình của các chàng trai với các cô gái không nhất thiết phải hát mà tùy theo năng khiếu sở trường của mỗi chàng. Có chàng thì sử dụng bằng tiếng đàn abeel - âng krao, âng koái, tireel, khền, tâm preh. Có chàng thì thể hiện bằng giọng hát ngọt ngào tha thiết đến xao xuyến lòng người bằng giai điệu: Cha chấp, Xiềng, Ba bói, Phỉ ku moor và những câu đáp lại của các cô gái cũng tùy theo ý thích, sở trường của mỗi nàng. Để chiếm được cảm tình của các cô gái, các chàng trai không chỉ hát, đàn cho thật hay mà còn cố gắng thể hiện dáng vẻ, nét mặt cho thật đáng thương làm sao cho các cô gái chịu mở cửa mời chàng lên.
Khi đã lên chòi rồi, chàng ngồi bên này, nàng ngồi bên kia, chính giữa là bếp lửa hồng cháy đều vừa đủ soi mặt hai người, điều này thể hiện giữa hai người vẫn còn xa lạ, họ trò chuyện nhìn nhau trong e thẹn, họ ngồi với nhau như vậy cho đến khi gần nửa đêm, cô gái mới mời chàng trai thưởng thức món cỗ mà nàng mang theo, nếu nàng cảm thấy ưng ý. Ngược lại, đến quá giờ này mà cô gái không chịu trao món cỗ tình yêu này thì đồng nghĩa với câu nói “Từ chối lời cầu hôn của chàng”. Qua bao lần thuyết phục mà trái tim của cô gái vẫn như sương lạnh thì chàng trai kém may mắn đó đành phải bỏ cuộc, lại đi sim đi tìm bạn tình mới.
Cái hay, cái đẹp và độc đáo nhất ở tục đi sim của người Tà Ôi xa xưa là ở chỗ, từng đôi trai gái mới lớn lên, nhựa tình yêu tràn trề sức sống, họ sống bên nhau, cùng ăn, cùng ở, cùng đắp tấm dzèng ấm cúng qua đêm trong cái chòi hoàn toàn cách biệt bên ngoài cùng với khung cảnh đầy lãng mạn trong thời gian dài như vậy. Nhưng họ chỉ trao nhau nụ hôn cháy bỏng, vòng tay êm ấm, giữ nguyên tình yêu trong sáng chứ không bao giờ vi phạm chuyện “chăn gối”. Bởi người Tà Ôi quan niệm rằng, chuyện “chăn gối” là chuyện thiêng liêng nhất của đời người, chỉ khi nào thành vợ thành chồng họ mới dâng hiến cho nhau. Còn khi yêu nhau mà phạm chuyện đó thì thật xấu hổ, nhơ bẩn, nhục nhã, kiêng cự. Yàng sẽ trừng phạt bằng cách gây ra đau ốm, chết chóc cho gia đình, làng bản. Già làng mà biết cha mẹ, gia đình, họ tộc sẽ bị trừng phạt rất nặng, thậm chí gom hết tài sản của cả họ tộc vẫn không đủ nộp phạt. Vì thế các chàng trai cô gái đã đến tuổi vẫn đi sim thoải mái không cha mẹ nào ngăn cấm nhưng tuyệt đối không phạm tục đi sim.
Tục đi sim trở thành nét văn hóa đẹp, trong sáng của người Tà Ôi xưa. Các chàng trai cô gái đã đến tuổi trăng tròn sau một ngày lên nương làm rẫy, đêm đêm vào mùa trăng sáng đẹp trời, họ lại nô nức rủ nhau đi sim. Đi sim để đi tìm bạn tình, đi sim tìm lời thương lời nhớ.
Theo dantocviet.cinet.gov.vn