Văn hóa Phật giáo góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Ngày đăng: 12/12/2024
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam, là quá trình tiếp biến, nội sinh, đồng hành cùng dân tộc suốt hơn 2000 năm qua, rồi trở thành Phật giáo Việt Nam, hòa trong đời sống tinh thần, trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Trong đời sống tinh thần người Việt có văn hóa Phật giáo, cũng trải qua quá trình tiếp biến, rồi hội nhập vào nền văn hóa Việt, thể hiện đậm nét trong văn hóa Phật giáo thời Lý - Trần, ngày nay, đang góp phần xứng đáng, tạo ra “nguồn lực tôn giáo” cho sự phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.

Nhìn lại lịch sử, kể từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo quần chúng nhân dân tiếp thu bởi vì phát xuất từ triết lý đạo đức, quan điểm nhân sinh sâu sắc và tính chất từ bi, hỷ xả của Phật giáo phù hợp với tâm tính của cộng đồng người Việt. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phật giáo đã ăn sâu vào trong tư tưởng, tâm thức, lan tỏa, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Vì thế, văn hóa Phật giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, được đánh dấu khi Phật giáo hình thành, phát triển ở hai trung tâm lớn của đất nước là Luy Lâu và Hoa Lư, cũng từ đây, Phật giáo ăn sâu bám rễ vào nền văn hóa dân gian, giàu màu sắc của cư dân Việt.

Cùng với chiều dài lịch sử dân tộc, Phật giáo đã được dân gian hóa, trở thành một nhân tố không thể tách rời của văn hóa bản địa. Sự hòa quyện của Phật giáo trong văn hóa Việt Nam chặt chẽ tới mức chúng ta khó có thể nhận biết, tách bạch rõ ràng. Nhiều triết lý, phương châm sống trở thành bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc đều có cội nguồn từ Phật giáo trên tất cả các khía cạnh đã được người Việt tiếp thu, phát triển thành những giá trị văn hóa dân tộc. Dân gian có câu: Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt, hay Trẻ vui nhà, già vui chùa khẳng định vị trí, vai trò của chùa trong cuộc sống hằng ngày của người dân, trở thành một phần trong sinh hoạt văn hóa dân gian của mỗi con người. Vì thế, người dân luôn tâm niệm và truyền cho nhau những cử chỉ đẹp, hành động ý nghĩa, lan tỏa những việc làm thiện nguyện, góp tiền, góp sức xây dựng chùa ở khắp mọi vùng miền: Làm chùa, tô tượng, đúc chuông/ Trong ba việc ấy, thập phương nên làm. Như vậy trong mọi hoàn cảnh, Phật giáo luôn luôn tồn tại và gắn liền với cuộc sống của con người Việt Nam. Việc khai thác hạt nhân tích cực hợp lý của văn hóa Phật giáo, tinh thần đoàn kết, hòa hợp Phật giáo đã, đang phát triển và sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc và giữa nền văn hóa dân gian của Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, Phật giáo đã và đang có những đóng góp quan trọng cùng với những tôn giáo khác và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những giá trị văn hóa Phật giáo góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện ở các nội dung sau:

Thứ nhất, văn hóa Phật giáo có những đóng góp quan trọng, tạo dấu ấn lớn trong kho tàng văn hóa dân tộc về mỹ thuật, kiến trúc

Một trong những đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo là những kiến trúc Phật giáo là ngôi chùa, tượng Phật, tháp chuông, bảo tháp. Từ xưa, ngôi chùa làng đã giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của Nhân dân, vì ngôi chùa góp phần hình thành tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho dân làng. Theo thời gian, nhiều ngôi chùa được xây dựng trở thành di tích danh thắng nổi tiếng như chùa Hương Tích - Nam thiên đệ nhất động, chùa Đọi Sơn (Hà Nam), chùa Non Nước (Ninh Bình),  Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, chùa Trấn Quốc, chùa Diên Hựu (Hà Nội), chùa Pháp Vân (Bắc Ninh), tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), Đại hồng chung chùa Cổ Lễ, Nam Định,…

Với mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, kiến trúc xây dựng chùa cũng có sự khác nhau, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhận thức của Nhân dân. Trước đây, ngôi chùa thường được xây dựng với bố cục vừa phải, phù hợp với không gian, điều kiện vật chất - kỹ thuật, kinh tế của làng quê, xã hội. Hiện nay, trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhiều người quan tâm đến việc xây dựng chùa nhưng mỗi nơi được tiến hành theo cách riêng, không có khuôn mẫu kiến trúc, tượng phát thể, chất liệu cũng khác nhau,… Tiêu biểu cho lối kiến trúc hiện đại được thể hiện ở một số chùa như ở chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam); tượng pháp nhiều chùa cũng thỉnh từ nước ngoài hoặc làm theo nguyên mẫu tượng nước ngoài,… Hiện nay, những chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ kính và hiện đại đan xen, làm cho ngôi chùa ở Việt Nam hết sức đa dạng và phong phú, trở thành nơi danh lam thắng cảnh cho mọi người đến tham quan và chiêm bái, thực hành những hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 17.376 cơ sở tự viện, trong đó có 99 cơ sở tự việc đại trùng tu từ khi thống nhất Phật giáo năm 1981 đến nay, 399 cơ sở được công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia và hàng trăm cơ sở là Di tích văn hóa cấp tỉnh, thành. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, những danh lam thắng cảnh của Phật giáo, sự hình thành của du lịch tâm linh đang trở thành điểm đến, sự tin tưởng của nhiều du khách.

Kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật gắn với Phật giáo là một trong hai loại hình nghệ thuật (cùng với nghệ thuật văn học) xuất hiện sớm và phổ biến trong lịch sử văn hóa Phật giáo nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung. Những công trình kiến trúc nổi tiếng của Phật giáo là điểm nhấn đặc sắc về mỹ thuật, kiến trúc tôn giáo của Việt Nam. Ngay từ đầu Công nguyên, việc xây dựng chùa đã được tiến hành như chùa Dâu và sau đó là các ngôi chùa xây dựng vào thời Lý - Trần như chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Thái Lạc (Hưng Yên). Một trong những kiến trúc đặc biệt nổi tiếng về mỹ thuật và điêu khắc của Phật giáo Việt Nam đó là chùa Dâu (Bắc Ninh). Nhìn vào nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc trong không gian chùa Dâu, tính độc đáo thể hiện ở kết cấu, các cấu kiện, nghệ thuật chạm khắc trong chùa và đặc biệt khẳng định rõ một lối nghệ thuật Phật giáo dân gian qua nghệ thuật tạo tác tượng Phật - Pháp. Nét độc đáo trong nghệ thuật vật thể truyền thống của Phật giáo Việt Nam thể hiện hiện tượng hỗn dung giữa triết lý, tư tưởng Phật giáo và văn hóa bản địa trong thờ Tứ pháp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với những biến đổi, nhiều hiện vật bị mất hoặc bị hỏng, biến dạng nhưng những hiện vật, tài liệu còn hiện hữu được truyền lại đến hôm nay, khẳng định hệ giá trị, vị trí, ý nghĩa cũng như sức ảnh hưởng đối với nền văn hóa Phật giáo Việt Nam. Các nguồn tài liệu cổ được ghi chép, lưu truyền lại cho đời sau như chuyện Man Nương trong Lĩnh Nam trích quái, các bản ván khắ Cổ châu Phật bản hạnh ngữ lục, văn bia chữ Nôm và chữ Hán trong Pháp Vân cổ tự bi ký, đặc biệt là trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ngoài ra, những nguồn tài liệu được khắc, ghi trên các chất liệu đá, đồng, gỗ khác như trên hoành phi, câu đối, trên nghệ thuật chạm trổ vì, kèo, ván khắc và đặc biệt là ở các tác phẩm tượng Phật trong nhiều ngôi chùa như chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn và chùa Keo,…

Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật thời kỳ Lý - Trần in đậm dấu ấn của nghệ thuật cung đình, bác học. Chẳng hạn chân bệ đá và pho tượng Phật A Di Đà ở chùa Phật Tích được coi là đỉnh cao trong tạo tác nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mang yếu tố bác học cung đình. Các nhạc cụ được ghi trên bệ đá thể hiện trình độ kỹ thuật về mỹ thuật điêu khắc và sự cân xứng, tinh tế đến đặc biệt trong pho tượng Phật A Di Đà cùng với nhiều tượng các con vật chầu Phật đã vượt xa tính chất dân gian trước đây. Những điều đó phần nào khẳng định vị trí, vai trò và mối quan hệ tư tưởng Phật giáo với nền nghệ thuật Phật giáo nước nhà, cũng như khẳng định sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật thời kỳ đó có ảnh hưởng như thế nào tới văn hóa Việt Nam. Hay như, các bức chạm khắc trên chất liệu gỗ, phong cách chạm trổ trên vì, kèo thời Trần ở chùa Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, là nguồn tư liệu quý để đánh giá tầm quan trọng của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật Phật giáo thời kỳ này. Bên cạnh đó còn có chùa Một Cột (Diên Hựu) ở Hà Nội và hàng trăm ngôi chùa cổ khác rải rác khắp vùng châu thổ Bắc Bộ. Những ngôi chùa Phật giáo là minh chứng sống động về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật Phật giáo Việt Nam, đồng thời chứa đựng những giá trị to lớn trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa nước nhà. Và có thể khẳng định, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật Phật giáo có ảnh hưởng trực tiếp tới kiến trúc, điêu khắc xây dựng đình làng và các công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam thời kỳ sau này.

Về không gian, kết cấu kiến trúc hiện tại của các chùa vẫn kế thừa văn hóa kiến trúc Phật giáo Việt Nam gồm có tam quan, chính điện, vườn tháp được bố cục theo hình chữ Đinh hoặc chữ Nhất với lối vào chính là từ đầu mái, gồm Phật điện, khu thờ Tổ (Bồ Đề Đạt Ma, các Sư Tổ); xung quanh là các công trình công năng khác phục vụ hoạt động tu tập và sinh hoạt của tăng sĩ và cộng đồng tại chùa. Tuy nhiên, cách thể hiện chi tiết ở mỗi chùa lại mang một phong cách riêng, một lối xây dựng khác nhau, tùy vào từng vùng, miền. Chẳng hạn, có một số chùa được xây 2 tầng (tầng trên là Phật điện, tầng dưới là Trai đường) thể hiện sự cập nhật, đổi mới trong bố trí công năng phù hợp với nhu cầu tu tập, sinh hoạt thực tiễn của mỗi chùa.

Trang trí kiến trúc: Phần lớn các đề tài trang trí chùa, tháp đều được chạm, trổ hình rồng, phượng, tứ linh, tứ quý, linh thú, bánh xe luân hồi,… đặc biệt trên nóc chùa phổ biến cách trang trí lưỡng long chầu nhật, đầu đao hình rồng cách điệu,… vi dụ như thời Trần, đề tài trang trí thường mang tính chất chính thống, quyền quý, như rồng, phượng, sấu, hoa mẫu đơn, quầng lửa, sóng nước, hoa sen, hoa dây,… Một số yếu tố văn hóa Ấn có thể thấy trong hình tượng các vũ nữ múa, các nhạc công, các tượng chim kiểu Kinnari và chim thần kiểu Garuda,…

Thứ hai, trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, Phật giáo đã góp phần lưu giữ những giá trị văn học, văn hóa của dân tộc thông qua hệ thống lưu trữ riêng ở các ngôi chùa

Kể từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo đã thấm vào lòng dân, vào tư tưởng và ngôn ngữ của dân tộc. Với mỗi người dân tín đồ Phật, đều hiểu rằng Bụt đã hóa thân vào nền văn hóa dân gian. Trong văn hóa dân gian, câu nói Hiền như Bụt, không biết có tự bao giờ và hình ảnh ông Bụt hiện lên như một vị thần hiền từ, cứu giúp những thân phận gặp khổ nạn, hay những tình cảnh đáng thương, tuyệt vọng.

Những từ ngữ của Phật giáo đã dần dần gắn với ngôn ngữ trong cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam. Thuyết “nhân quả báo ứng” của Phật giáo đã thấm đượm, đi sâu vào nhận thức dân gian với những cách như “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặp bão”, biến thành văn hóa Việt Nam, được miêu tả qua những câu ca dao mà gian gian lưu truyền: Đông Ba, Gia Hội hai cầu/Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông, hay Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ/Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn,…

Trong văn học dân gian, những sự tích dân gian như chuyện Man Nương, chuyện ông Bụt và hàng nghìn chuyện kể dân gian với những nội dung khác nhau với mô típ điển hình  “ở hiền gặp lành” trong Phật giáo đã có tác động rất lớn đến đời sống đạo đức của người dân trong tiến trình phát triển tư tưởng văn hóa dân tộc. Đến khi văn học viết phát triển mạnh mẽ, không chỉ trí thức Nho giáo mà cả trí thức Phật giáo cũng đã có những đóng góp lớn đối với việc định hình nền văn học Phật giáo Việt Nam.

Ở loại hình nghệ thuật diễn xướng, chúng ta sở hữu một kho tàng nghệ thuật âm nhạc Phật giáo độc đáo, mang đặc trưng tiêng so với nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Đóng góp nổi bật của nghệ thuật âm nhạc Phật giáo cho âm nhạc truyền thống nước nhà là nghệ thuật Tán canh – bởi tính bác học và độc đáo của nó. Hiện nay, âm nhạc Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam, với ba vùng Canh tương đối rõ ràng, gồm: Canh Đông, Canh Nam và Canh Hà Nội là những di sản vô giá mà Phật giáo đã đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam. Nghệ thuật Tán canh trong âm nhạc Phật giáo được so sánh như nghệ thuật hát Ca trù, nghệ thuật hát Chèo,… trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, nghệ thuật diễn xướng dưới dạng các trò diễn dân gian, các điệu múa Phật giáo cũng là những di sản vô giá hiện còn được bảo tồn, lưu truyền trong dân gian, trong các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Cùng với đó, âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam có sự khác biệt tương đối giữa miền Bắc, Trung, Nam, thậm chí có sự khác nhau ngay trong từng tiểu vùng. Điều đó cho thấy rõ tính địa phương, vùng miền trong âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam, và cũng cho thấy tính đa dạng, phong phú của văn hóa Phật giáo.

Ở loại hình văn học - nghệ thuật, Phật giáo đã góp phần lưu giữ những giá trị văn học, văn hóa của dân tộc thông qua hệ thống lưu trữ riêng ở các ngôi chùa, trong đó, có nhiều tác phẩm văn học mà tác giả là tu sĩ Phật giáo. Đồng thời, thông qua hệ thống giáo lý và kinh điển Phật giáo với triết lý nhân sinh sống phải tu nhân tích đức, làm điều thiện, điều lành, hướng con người tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại, hội nhập và phát triển, với những biến chuyển nhanh chóng, từ đó nảy sinh nhu cầu mở rộng giao lưu giữa các nền văn hóa. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải lĩnh nhận sứ mệnh cao cả để gìn giữ, xây dựng hệ giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, có những đóng góp nhiều hơn, lớn hơn, sâu rộng hơn vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Diệu Phúc