Sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Kinh, Hoa, Khmer trong lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh
Ngày đăng: 28/08/2024Ngày 27/8/2024, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh diễn ra hoạt động khai mạc tuần lễ Vu lan Thắng hội và đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Huyện Cầu Kè có dân số trên 103.500 người, trong đó đồng bào người Hoa chiếm 0,3% (311 người), người Khmer chiếm 32,2% (33.332 người), còn lại là bà con dân tộc Kinh. Vu lan Thắng hội là tín ngưỡng truyền thống tiêu biểu của người Việt gốc Hoa ở huyện Cầu Kè, kết hợp lễ Vu lan của Phật giáo và lễ vía ông Bổn của người Hoa, trong đó, lễ Vu lan nhằm báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tỏ lòng biết ơn nguồn cội, Tổ tiên, còn lễ vía ông Bổn theo tín ngưỡng người Hoa là thờ cúng vị phúc thần giúp họ có cuộc sống ấm no, làm ăn phát đạt.
Người dân địa phương tham dự lễ Vu lan Thắng hội hằng năm
Lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè diễn ra từ 25-28/7 Âm lịch hẳng năm tại 04 điểm tín ngưỡng chính của cộng đồng người Hoa: Minh Đức cung, Vạn Ứng Phong cung, Niên Phong cung và Vạn Niên Phong cung. Trong 04 ngày lễ hội có đến 20 nghi thức tín ngưỡng được thực hiện.
Ngày 25/7 Âm lịch diễn ra 08 nghi thức, bao gồm lễ thỉnh chư Phật và thần thánh, lễ thỉnh kinh - đánh động, lễ hương tác, lễ trình tổ khai chung, lễ khai quang, lễ khai kinh, lễ xá hạc và lễ cầu quốc thái dân an. Trong đó, quan trọng và đông vui nhất là lễ thỉnh chư Phật, chư thần thánh và lễ thỉnh kinh - đánh động.
Ngày 26/7 Âm lịch có 05 nghi thức chính là lễ thuyết khoa nghinh cô hồn, lễ thỉnh thùng bổn mạng, lễ tế tiên hiền - hậu hiền, lễ cầu siêu, lễ giương phan. Trong đó, lễ thuyết khoa nghinh cô hồn được tiến hành vào lúc rạng sáng là lễ thức chính của mùa Vu lan báo hiếu. Lễ giương phan được tiến hành vào buổi chiều, với hai cây phan được giương cao giữa khuôn viên Vạn Niên Phong cung, hàm ý các cô hồn chưa siêu thoát tề tựu sẽ được che chở của chư Phật và thần thánh.
Vật phẩm cúng theo truyền thống lễ Vu lan Thắng hội
Ngày 27/7 Âm lịch có 02 lễ chính là lễ cúng ngọ và lễ cầu siêu xà mã. Trong hai lễ thức này, tăng ni, hòa thượng lập trai đàn, tiếp tục đọc kinh cầu siêu để các cô hồn đói khát vất vưởng quanh năm được một ngày no đủ, yên tâm nghe kinh mà sớm siêu thăng về miền Tịnh độ.
Ngày 28/7 Âm lịch diễn ra 04 nghi thức chính là lễ bái sám - hoàn kinh - xá hạc, lễ thỉnh tượng ngoại đàn, lễ phóng đăng - phóng sinh và lễ chiêu u cô hồn - đăng đàn thí thực.
Ngày nay, lễ Vu lan Thắng hội đã trở thành lễ hội chung của cộng đồng 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, kết hợp thờ cúng các thần thánh theo tín ngưỡng người Hoa như: Quan Thánh đế, bà Thiên Hậu, còn có các vị thần theo tín ngưỡng người Kinh như Thành hoàng bổn cảnh, thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Neakta của người Khmer… phản ánh sự giao lưu, gắn kết bền chặt giữa cộng đồng các dân tộc trong vùng.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, đồng bào các dân tộc cùng thực hiện các nghi thức tín ngưỡng nhằm thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn Tổ tiên và hòa mình vào hoạt động biểu diễn và văn hóa nghệ thuật cộng đồng: người Kinh tham gia cúng tế với dàn nhạc lễ truyền thống, người Hoa biểu diễn nhạc bát âm và múa lân, cùng sự góp mặt của người Khmer trong các hoạt động văn hóa tạo nên một không gian lễ hội sôi động và đậm chất nhân văn.
Đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè nhận quyết định công nhận lễ Vu lan Thắng hội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tại chương trình khai mạc tuần lễ Vu lan Thắng hội năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết đánh giá cao và biểu dương những đóng góp tích cực của các cơ sở tôn giáo, điểm tín ngưỡng dân gian vào sự ổn định, phát triển chung của huyện Cầu Kè nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung, trong đó, nổi bật nhất là các hoạt động từ thiện nhân đạo đã góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh ý nghĩa sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc trong vùng, tuần lễ Vu lan Thắng hội năm 2024 diễn ra từ ngày 25-31/8, kết hợp Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh là dịp để du khách trong và ngoài nước tham quan các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn và tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh, trải nghiệm sinh hoạt đậm chất sông nước miền Tây, thưởng thức đặc sản miệt vườn ở các khu du lịch sinh thái…
Hữu Hưng