Phật giáo với cách nhìn nhận và hành động về môi trường sinh thái
Ngày đăng: 27/05/2024
Phật giáo góp sức thực hiện mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh đồng hành với các tôn giáo trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường và thu gom rác thải, vệ sinh bãi biển”

Môi trường sinh thái là một mạng lưới tổng thể bao gồm đất, nước, không khí và các cơ thể sống trong một tổng thể toàn cầu; là mối quan hệ giữa các sinh vật sống, bao gồm con người và môi trường sống xung quanh. Hệ sinh thái có vai trò mật thiết ảnh hưởng đến vấn đề sinh trưởng và phát triển của nhân loại. Trong thế giới ngày nay, con người phải đối diện với khủng hoảng, thách thức nghiêm trọng về môi trường và biến đổi khí hậu. Hệ lụy của biến đổi khí hậu vô cùng nguy hiểm, do nạn phá hủy môi trường sống của con người, làm đảo lộn cuộc sống muôn loài ở khắp nơi trên trái đất, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, vật chất và tinh thần của muôn loài. Ngày nay, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là thách thức đối với nhân loại toàn cầu và ở Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì thế, bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ của riêng một tổ chức, cá nhân nào mà là trách nhiệm của của mọi người dân.

Đối tôn giáo vấn đề sinh thái và môi trường xuất hiện trong giáo lý của các tôn giáo, trong câu chuyện, nghi lễ, các nguyên tắc đạo đức của các tôn giáo từ đó gắn với hành vi, thực hành của tôn giáo liên quan đến môi trường sinh thái. Tôn giáo cung cấp những lý giải căn bản về bản chất con người là ai, tự nhiên là gì, cách quan hệ với tự nhiên, đề xướng, định hướng một thiên hướng đạo đức, thúc đẩy hành vi bảo vệ môi trường tự nhiên nơi con người sinh sống. Trong thế kỷ 21, các tôn giáo có nhiều đóng góp trong sự hình thành các quy tắc đạo đức môi trường chung trong nhận thức về các chiều kích linh thiêng đa dạng của thế giới tự nhiên. Ở Việt Nam, các tổ chức tôn giáo cũng đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn tín đồ, người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, đóng góp nguồn lực cả vật chất và tinh thần trong công tác bảo vệ môi trường.

Đối với Phật giáo, việc giải quyết vấn đề môi trường cũng phải bắt đầu từ chính con người, phải sống hài hòa với thiên nhiên. Vấn đề bảo vệ môi trường đã được Đức Phật và tăng đoàn nói đến và thực hiện từ hơn 2.500 năm trước. Đức Phật đã nhận thức được và chỉ rõ nguyên lý vận hành của vũ trụ vạn vật qua cái nhìn của Duyên khởi: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Đây là chân lý về sự tồn vong của vũ trụ vạn vật. Con người và muôn loài trong thế giới này tồn tại hay diệt vong đều có quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau, tất cả đều trong mối tương quan trùng trùng duyên khởi. Không chỉ nhận thức rõ về mối tương quan giữa con người và thế giới như vậy, mà Đức Phật cùng chúng đệ tử luôn luôn thực hiện việc bảo vệ môi trường trong quá trình tu tập, hành đạo trên cả hai phương diện môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Tăng ni, phật tử ra quân trồng cây xanh trên tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh

Phật giáo với lý thuyết cho rằng con người là một tiểu thiên, vũ trụ là một đại thiên, do đó, con người mang những đặc tính của vũ trụ, những đặc tính này chi phối sự phát triển con người. Con người liên hệ với vũ trụ bao la nên con người cần biết được các thông tin của vũ trụ. Thực thể con người là sản phẩm của nguyên lý âm - dương, vừa đối lập vừa thống nhất, chứa đựng và chuyển hóa lẫn nhau, khi phát triển hết mình, con người không chỉ biết được trời, hiểu được trời mà còn hợp nhất với trời làm một. Trong các tác phẩm kinh điển của Phật giáo có thể tìm thấy những quan điểm của Phật giáo về mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới bên ngoài là giới tự nhiên, Phật gọi là Nhân duyên. Mọi hành vi đều gây các ra hậu quả tất yếu của nó, các hậu quả này trước hay sau sẽ quay ngược lại tác động vào chính chủ thể của hành vi ban đầu. Đó là quy luật nhân - quả nên giáo lý Phật giáo khuyên con người gieo nhân thiện, gặt quả lành, gieo gió gặp bão. Trong ứng xử với thiên nhiên, mà Phật gọi là tha nhân cũng cần phải chú trọng đến luật nhân - quả: không có vật thể nào có thể tồn tại độc lập, chúng phải nương tựa vào nhau tồn tại hài hòa với nhau. Vật này có nên vật khác có, cái này không thì cái kia cũng không, vật này sinh nên vật khác sinh, cái này diệt thì cái kia cũng diệt.

Trong các thuyết Phật giáo như Tứ Diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã, thuyết Bất nhị đều cho thấy cách tư duy về sự bảo tồn môi trường trong xã hội đương đại và trong tương lai. Phật giáo đưa ra những quy định và hướng dẫn cách bảo tồn năng lượng. Phật giáo đề nghị khả năng bảo tồn nghiệp - quả chỉ dẫn cho sự đánh giá năng lượng. Sự tỉnh thức của nghiệp về sự tiêu dùng vật chất và năng lượng là cách tốt nhất để đáp ứng điều kiện thay đổi của thiên nhiên. Đạo đức tôn giáo với đạo đức môi trường và mô hình đạo đức Phật giáo góp phần làm dịu bớt cuộc khủng hoảng về sinh thái hiện nay.

Giáo lý Phật giáo từ duyên khởi, duy thức, tam độc, nhân quả, bát chính đạo đến ngũ giới, thập thiện, tứ vô lượng,... luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên; biết tôn trọng, yêu quý thiên nhiên bởi con người và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, tác động tương hỗ nhau. Thuyết Duyên khởi cho rằng không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường. Tất cả các dạng sống trên vũ trụ là các thực thể bình đẳng trong tự nhiên và sự sống của tất cả con người, động vật, thực vật trên thế giới đều có quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và phát triển tương quan với nhau. Con người không thể sống tách mình ra khỏi vạn vật và thiên nhiên. Nếu một bên bị tiêu vong thì bên kia cũng không thể tồn tại. Xuất phát từ quan niệm này của Phật giáo, mỗi người cần có ý thức bảo vệ thiên nhiên như bảo vệ sự sống của chính mình. Con người cần loại bỏ đi tham, sân, si, bỏ đi cái “bản ngã”, coi mình là chủ thể của thế giới để khai thác, tàn phá thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục tùng mình bởi một khi thiên nhiên bị suy thoái, bị hủy hoại thì con người cũng không thể tồn tại dài lâu. Hậu quả của thiên tai là chết chóc và ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm càng nhiều thì bệnh dịch càng nhiều. Trong Phật Di giáo kinh, Đức Phật dạy hàng đệ tử: này các tỳ kheo, phải biết người có nhiều tham muốn, do vì mong cầu nhiều lợi dưỡng nên khổ đau càng nhiều. Người có ít tham muốn, không mong cầu, không tham muốn thì sẽ không có sự khổ sở này. Thiểu dục như thế còn phải tu tập, huống gì thiểu dục có thể sinh các công đức? Người thiểu dục không nói dua nịnh để mong được lòng người, cũng không bị các căn lôi kéo. Người thực hành thiểu dục thì tâm thản nhiên, không có lo sợ, lúc cần làm việc gì thì luôn đầy đủ không thiếu thốn. Người có thiểu dục thì có Niết bàn, như thế gọi là thiểu dục. Hãy nhìn lại chính mình, xem kỷ hành động của mình, theo dõi ý tưởng của mình để tự điều tiết thì chúng ta sẽ không bị ngoại cảnh chi phối. Sống biết đủ thì thấy an lạc nhẹ nhàng, còn không biết đủ thì vương vào khổ lụy. Các hiện tượng tệ nạn xã hội ngày càng nhiều là vì nhu cầu của bản thân thôi thúc những người bình thường trở thành tội phạm. Trong thuyết Thập Nhị Nhân duyên, yếu tố danh sắc có nghĩa là thân thể gồm hai phần: tâm thuộc tinh thần và sắc thuộc thân thể. Sắc thuộc phương diện vật lý, tâm thuộc phương diện tâm lý nên con người luôn luôn có quan hệ mật thiết với môi trường xung quanh và hành vi của con người có tác động lớn tới môi trường. Như vậy, con người và môi trường tự nhiên cùng tạo nên một hệ sinh thái, con người không thể hiện hữu và tồn tại nếu không có môi sinh. Nếu thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng thì đời sống của con người không sớm thì muộn cũng bị hủy diệt.

Phật giáo cùng các cơ quan chức năng thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản bảo vệ môi trường

Học thuyết Duy thức trong Phật giáo cũng chỉ ra rằng tâm thức của con người có mối quan hệ chặt chẽ với thế giới vật lý như sông ngòi, núi rừng và đất đai. Chính vì vậy, sự ô nhiễm và suy thoái của môi trường sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của mọi dạng sống trên trái đất và dẫn tới sự khổ đau của con người. Nếu như con người vẫn cứ tiếp tục duy trì những tác động tiêu cực vào thiên nhiên như chặt phá rừng bừa bãi, săn bắt động vật làm mất cân bằng sinh thái, thải rác thải sinh hoạt và sản xuất lan tràn làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường đất thì con người sẽ sớm phải trả giá đắt cho việc làm của mình.

Giáo lý Phật giáo dạy con người phải biết sống theo Tứ vô lượng (từ, bi, hỷ, xả), phải biết giữ “ngũ giới” và biết làm “thập thiện”. Lối sống nhân văn, nhân đạo trong Phật giáo có ý nghĩa răn dạy con người phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên, không sát sinh muôn loài, biết tôn trọng sinh mệnh của vạn vật, từ những loài nhỏ nhất như cây cỏ, côn trùng nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh học. Theo luật nhân quả của nhà Phật, con người nếu biết tu dưỡng nghiệp thiện, gây nhân tốt thì sẽ gặt hái được quả ngọt. Do đó, mọi suy nghĩ và hành động của con người đều phải hướng thiện để tránh khỏi nghiệp ác và quả báo. Đối với môi trường thiên nhiên cũng vậy, nếu luôn ý thức sống thân thiện với môi trường, không làm tổn hại tới môi trường thì con người chắc chắn sẽ không phải gánh chịu nghiệp báo do mình gây nên.

Trong bối cảnh phát triển của xã hội phát sinh rất nhiều hiện tượng biến đổi toàn cầu làm cho môi trường biến động, làm cho các loài sinh sống trên trái đất này cũng ngày càng bị tổn hại và hủy diệt. Với tinh thần từ bi, thương yêu mọi loài như con của mình, đạo Phật cũng đem lại cho nhân loại một lối sống không tổn hại và đầy yêu thương. Chính tinh thần này là yếu tố cốt lõi để có một xã hội chân, thiện, mỹ. Phật giáo chỉ ra con đường để con người giải thoát khỏi khổ đau là thực hành theo “Bát Chính đạo”, để diệt trừ được vô minh cần phải tu tập theo giới, định, tuệ. Muốn vậy, cần có trí tuệ để khai mở tâm trí, thấu hiểu bản chất của các sự vật, hiện tượng, để nhìn nhận, hiểu biết đúng đắn về tự nhiên, về mối quan hệ ràng buộc giữa con người và tự nhiên, từ đó, buông bỏ lòng tham và sự ích kỷ, không khai thác cạn kiệt nguồn sống, tránh tàn phá tự nhiên đến mức khó khôi phục. Lối sống “thiểu dục, trị túc” mà Phật giáo đề cao có ý nghĩa răn dạy con người phải biết trân trọng những gì mình có, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, không ham hưởng thụ, tiêu dùng quá mức, tham gia bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, không được vì lòng tham mà làm tổn hại đến vạn vật và môi trường. Theo ý nghĩa này, nhà Phật quan niệm sống giản dị không có nghĩa là sống không có chất lượng. Chất lượng của đạo Phật là sự an vui, là cố gắng bảo vệ muôn loài, là hợp tác vì lợi ích chung thay vì giết hại, hủy diệt điều kiện sinh tồn của muôn loài. Môi trường là nơi cho mọi loài sinh sống và tồn tại, trong đó loài người đóng vai trò chủ đạo, vì vậy, Phật giáo cũng chọn con người làm nhân tố để hướng đến quả vị giác ngộ. Con người thực hành lối sống giản dị, tiết kiệm, giảm sức ép đối với môi trường sống, tích cực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các loài động, thực vật góp phần làm giảm bớt ô nhiễm, tránh được tình trạng rừng bị tàn phá, tài nguyên bị suy kiệt, động vật bị săn bắt dẫn tới tuyệt chủng gây ra biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán, sa mạc hóa, động đất, nước biển dâng...

Có thể thấy, trong giáo lý, kinh sách của Phật giáo luôn mang những tư tưởng, những bài học sâu sắc về ý thức bảo vệ môi trường sống. Những triết lý về mối quan hệ con người với tự nhiên trong Phật giáo đã ảnh hưởng đến tư duy của người Việt truyền thống. Năm 2011, nhân ngày Phật đản, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, nguyên Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thông điệp về vấn nạn môi trường và lời kêu gọi bảo vệ môi trường tới tất cả phật tử rằng thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người… và kêu gọi mỗi tăng ni, phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật Đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối quan hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất. Năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng gửi thông điệp kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.

Với tư cách là một tôn giáo truyền thống của người Việt Nam, Phật giáo đã đóng vai trò tích cực trong việc hình thành nếp sống và ý thức tham gia bảo vệ môi trường. Phật giáo thực hiện lối sống giản dị, tiết kiệm, cân bằng, “thiểu dục tri túc” của phật tử để góp phần làm giảm sức ép vào môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phật tử nhận thức mối liên hệ mật thiết giữa con người với thế giới tự nhiên qua giáo lý duyên khởi và vô ngã, từ đó, gây dựng niềm tin về một đạo đức ứng xử “thiện” với tự nhiên, môi trường nhằm tiến tới một thế giới chung an bình, tốt đẹp. Tuyên truyền giáo hóa cho tăng ni, phật tử tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, biết tôn trọng và bảo hộ sinh mệnh của muôn loài, nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái. Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi ra môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, mà sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hằng ngày. Quan tâm bảo vệ môi trường, đặc biệt là chú trọng kiến tạo những không gian xanh, thanh tịnh ở những nơi thờ tự. Chính cảnh quan thanh lịch, “non nước hữu tình” của các tự viện đang trở thành khu văn hóa tâm linh góp phần tích cực gắn kết con người với môi trường tự nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường…

Để nâng cao tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của phật tử một cách thuần túy, để thiết thực bảo vệ môi trường, các thiền viện Phật giáo đã gây dựng mô hình cảnh quan “rừng thiền” với cây cối xanh tươi, hồ nước trong sạch, không khí mát mẻ nhằm kết hợp du lịch xanh với du lịch tâm linh, tạo môi trường thanh tịnh, an bình cho khách thập phương thưởng ngoạn. Trong các thiền viện, nhân ngày lễ hội Phật giáo, tăng ni, phật tử được vận động tham gia phong trào “trồng cây phúc đức”, “trồng cây trí đức” thay cho tục “hái lộc, bẻ lộc” và kêu gọi thực hiện lời Phật dạy, người phật tử nên bắt tay vào việc trồng cây xanh tạo thêm bóng mát để kích thích xã hội làm sạch môi trường. Mỗi người một tay, mỗi người một câu, mỗi chùa một khuôn viên xanh nhỏ thì lo gì không có những vườn cây tươi mát cho thế hệ ngày mai. Nhiều thiền viện còn được xây dựng ngay cạnh rừng để đảm trách thêm nhiệm vụ bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động vật hoang dã. Ngoài phong trào trồng và bảo vệ cây xanh, tục “ăn chay” trong Phật giáo cũng góp phần cân bằng và cải thiện môi trường sống. Việc hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm từ động vật không những có lợi cho sức khỏe của con người mà còn giúp cho nhiều loài động vật tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng với mong muốn phần nào góp sức cân bằng hệ sinh thái, giúp giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và môi trường sinh thái.

Phật giáo cùng các tôn giáo cùng ký kết triển khai Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện tính tích cực trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách cùng các tôn giáo tham gia ký kết với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia làm thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp Trung ương.

Tất cả những nhận thức và hành động trên cho thấy Phật giáo là một trong những tôn giáo đã có đóng góp to lớn cho công tác bảo vệ môi trường, từ giáo lý, giá trị đạo đức đến hoạt động thực tiễn. Từ cách nhìn nhận trong quan điểm giáo dục của Phật giáo về thái độ sống bảo vệ môi sinh trong điều kiện hiện nay bắt nguồn từ học thuyết Duyên khởi và quy luật nhân quả là con người có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên đưa đến nhận thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường là bảo vệ sự sống của con người, của cộng đồng, nếu khai thác, sử dụng tài nguyên quá mức, phá vỡ quy luật tự nhiên thì thiên nhiên sẽ trừng phạt con người và kết quả là những hành động bảo vệ môi trường của Phật giáo đang diễn ra từ các cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vũ Minh Trang

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đình Hòe, Bảo vệ môi trường và đạo Phật ở Việt Nam: môi trường trong kinh sách và trong thuyết giảng của các vị tăng ni và cư sỹ.

2. Trần Phương Lan (dịch), Phật giáo, sinh thái học và đạo đức toàn cầu, http://www.thuvienhoasen.org.

3. Lê Văn Tâm, Đạo Phật với vấn đề phát triển lâu bền và bảo vệ môi trường, http://www.daitangkinhvietnam.org.

4. Thích Phổ Tuệ (2011), Thông điệp Phật đản 2011.