Lễ hội chùa Thầy xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày đăng: 19/04/2024
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng công nhận Lễ hội truyền thống chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tối ngày 12/4/2024, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội diễn ra Lễ khai hội và đón nhận Bằng công nhận Lễ hội truyền thống chùa Thầy là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chùa Thầy, tên chữ Thiên Phúc tự, là một quần thể kiến trúc gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, gác Chuông, gác Trống, chùa Cao, chùa Một Mái, chùa Long Đẩu, đền Thượng, đền Quán Thánh, đền Văn Xương, quán Hoàng Xá… Các công trình kiến trúc này tọa lạc trên thế đất thiêng, dân gian gọi là khu đất “hàm rồng”. Sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước, hai cầu Nhật - Nguyệt được ví như hai râu rồng, nhà thủy đình trên hồ Long Trì là “viên ngọc” mà rồng vờn. Năm xưa, Chúa Trịnh Căn từng phác họa trong bài ký ghi trên vách núi, rằng chùa Thầy “như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa”.

Một góc chùa Thầy nhìn từ trên cao

Chùa Thầy là nơi lưu dấu tu hành quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của cao tăng thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần về thăm và làm việc trong giai đoạn 1946-1947, trước khi Người lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cụm di tích chùa Thầy mang những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, một trong những nơi thờ “tiền Phật, hậu Thánh” sớm nhất nước ta, hiện còn lưu giữ được 36 pho tượng gỗ cổ cùng nhiều hiện vật quý khác, như chân đèn, lư hương, sập thờ, nhang án, khám, tế khí, hạc, sắc phong… Từ năm 2014, chùa Thầy cùng dãy núi đá Sài Sơn thuộc thôn Hoàng Xá, Phượng Cách, Quốc Oai được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; 3 pho tượng Di Đà Tam Tôn cũng được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2015.

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy có niên đại cổ nhất ở Việt Nam (từ khoảng đầu thế kỷ XVII)

Lễ hội truyền thống chùa Thầy được tổ chức từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Ba Âm lịch hằng năm, gồm những nghi lễ độc đáo, như: lễ tắm tượng (mộc dục), lễ nghinh bài vị Thánh Từ Đạo Hạnh từ chùa Thượng xuống chùa Trung, lễ cúng yên vị, lễ tế, lễ rước… Phần hội với nhiều trò chơi dân gian, như chọi gà, đấu vật, biểu diễn múa rối nước… mà thiền sư Từ Đạo Hạnh được xem là vị tổ sư của nghề múa rối vùng chùa Thầy.

Biểu diễn múa rối nước trong hội chùa Thầy

Phần nghi lễ  gồm nghi lễ tắm tượng Phật, lễ cúng Phật, chạy đàn, diễn xướng… thu hút đông đảo phật tử và Nhân dân đến tham dự.

Nghi thức nghinh rước bài vị Thánh Từ Đạo Hạnh từ chùa Thượng xuống chùa Trung

Hội chùa Thầy là một trong những lễ hội truyền thống lớn của xứ Đoài, biểu hiện sinh động của sự kết hợp tôn giáo Phật, Đạo, Nho và tín ngưỡng dân gian, hấp dẫn và thu hút công chúng ở loại hình diễn xướng Phật giáo giàu tính nghệ thuật.

Ngoài ra, chùa Thầy còn có khung cảnh hùng vĩ của núi Thầy cùng quần thể hang động, chùa chiền đẹp gắn với nhiều huyền tích về đất Phật, gồm: chùa Cao, chùa Một Mái, hang Bụt Mọc, hang Thánh Hóa, hang Cắc Cớ, động Gió Lùa, chợ Trời, ao Rồng, nhà RốiLê.

Minh Thanh