Các tôn giáo phát huy truyền thống đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc
Ngày đăng: 30/10/2024Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, coi đó là một trong những động lực chủ yếu để xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, các tôn giáo ở Việt Nam không ngừng phát triển về tổ chức và hoạt động, đồng bào các tôn giáo đoàn kết, gắn bó, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là biểu hiện sinh động cho việc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế.
Truyền thống đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc
Việt Nam là quốc gia có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với một nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc, chứa đựng nhiều giá trị căn bản của nhân loại. Đồng bào các tôn giáo luôn được nuôi dưỡng, bồi đắp trong dòng chảy của truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung, kiên cường, bất khuất của dân tộc. Từ thời Hai Bà Trưng đến các triều đại phong kiến, luôn có những tấm gương sáng ngời của Phật giáo vừa anh dũng trong đánh giặc giữ nước, vừa chuyên tâm tu hành, xiển dương giáo pháp, hộ quốc an dân, tiêu biểu như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Khuông Việt, Từ Đạo Hạnh, nữ tướng Phương Dung…
Trong thời đại Hồ Chí Minh, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã ghi nhận sự đóng góp rất lớn của chức sắc, đồng bào các tổ chức tôn giáo, như Trưởng pháp Cao Triều Phát thuộc Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo từng nói: “Bàn thờ tôn giáo có nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một”, hoặc hình ảnh các chức sắc Phật giáo sẵn sàng “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” cùng đồng bào cứu nước… Hầu hết chức sắc, đồng bào các tôn giáo có cùng một lẽ sống, cùng chung vận mệnh với dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến, đất nước ta có khoảng 1,2 triệu liệt sỹ, khoảng 600.000 thương binh, 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều gia đình có công với cách mạng trong đồng bào các tôn giáo, nhiều chức sắc, tín đồ tôn giáo đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và các phần thưởng cao quý khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội đại biểu những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, tháng 3/1955
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhiều chức sắc tôn giáo được Bác Hồ mời làm cố vấn cho Chính phủ. Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa I đến khóa XV, có 63 chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tôn giáo được bầu vào Quốc hội và nhiều chức sắc tôn giáo tham gia đại biểu HĐND các cấp; hàng chục nghìn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia các đoàn thể, tổ chức xã hội… đã và đang góp phần thiết thực vào việc xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Với trách nhiệm của mình, chức sắc tôn giáo đã thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa chủ trương của Đảng, Nhà nước với ý nguyện của Nhân dân; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời vận động cộng đồng, tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng, tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân.
Với 27,7 triệu tín đồ, cộng đồng các tôn giáo tại Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và thể hiện vai trò, nguồn lực của mình trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Các tổ chức tôn giáo đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo, đồng thời, tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều lớp học tình thương, trường, lớp mầm non do các tổ chức tôn giáo thành lập đã và đang có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và ngày càng được tín nhiệm trong xã hội. Nhiều tổ chức tôn giáo đã thành lập các đội tình nguyện, xây dựng sửa chữa trường học; hỗ trợ xóa mù chữ cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; lập chi hội khuyến học, khuyến tài cho học sinh nghèo hiếu học và tạo điều kiện giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian học tập. Nhiều phòng khám, chữa bệnh của các tổ chức tôn giáo đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần cùng Nhà nước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Những hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội, lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” sâu sắc trong cộng đồng.
Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức (Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế) với hoạt động khám và phát thuốc miễn phí từ năm 2004 đến nay
Trong thiên tai, dịch bệnh, đồng bào tôn giáo cũng san sẻ khó khăn với người dân bị thiệt hại, chung tay cùng chính quyền, Nhân dân. Khi đất nước trải qua dịch bệnh COVID-19, các tổ chức tôn giáo không ngần ngại chung tay, góp sức với Chính phủ và Nhân dân, cử lực lượng chức sắc, chức việc xung phong ra tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến, thu dung, tham gia vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các khu dân cư cách ly, các địa bàn khó khăn, ủng hộ trang thiết bị y tế, xe cứu thương phục vụ công tác điều trị bệnh… với tổng kinh phí ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Vừa qua, cơn bão số 3 đổ bộ và trực tiếp ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngay sau bão lũ, đồng bào tôn giáo đã thể hiện tôn chỉ từ bi, bác ái bằng các chuyến xe cứu trợ, tiếp viện thực phẩm, quần áo, thuốc men, đồ dùng, máy lọc nước… cho người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đã ủng hộ kinh phí hàng trăm tỷ đồng thông qua Ban Cứu trợ Trung ương và các địa phương để góp phần sớm tái thiết cuộc sống cho người dân bị mất nhà cửa, tài sản… do cơn bão số 3 gây ra.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024, cả nước hiện có 27,7 triệu tín đồ, chiếm trên 27% dân số cả nước, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Dù có đời sống tôn giáo phong phú, sôi động như vậy, nhưng ở Việt Nam hoàn toàn không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo. Người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đại diện các tổ chức tôn giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra
Minh chứng cho phẩm chất con người Việt Nam và chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước
Truyền thống đoàn kết, gắn bó của các tôn giáo trước hết xuất phát từ tinh thần yêu nước, thương nòi của từng chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo, đó là biểu hiện phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người Việt Nam. Lòng yêu nước là nét đặc trưng, một trong những giá trị quý báu nhất của truyền thống dân tộc Việt Nam, biểu thị tình cảm yêu thương và trách nhiệm bảo vệ, xây dựng đất nước của mỗi người, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh kiên cường, đoàn kết vỹ đại của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng đất nước.
Thứ hai, truyền thống đoàn kết, bao dung ấy được củng cố, trưởng dưỡng qua tôn chỉ, đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc của các tổ chức tôn giáo: Công giáo với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Phật giáo với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; đạo Tin Lành với đường hướng “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; đạo Cao Đài với đường hướng “Nước vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo với đường hướng “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với đường hướng “Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân”; Hồi giáo với đường hướng “Lẽ sống tốt đạo, đẹp đời”; Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với đường hướng “Hành Tứ ân - Sống Hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”… Mỗi tôn giáo dù có hệ thống giáo lý và nghi lễ riêng nhưng tồn tại mẫu số chung là hướng con người tới những giá trị nhân văn cao cả, từ đó, cổ vũ, thúc đẩy các tôn giáo chung sức lan tỏa, phát huy các giá trị tốt đẹp vị nhân sinh, không phân biệt là chức sắc, tín đồ, người theo niềm tin tôn giáo nào. Sự đoàn kết giữa các tôn giáo ở Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn của tôn giáo đóng góp vào việc phát huy giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, tạo điều kiện để các tôn giáo ngày càng đóng góp thiết thực hơn cho cộng đồng xã hội và đất nước.
Thứ ba, góp phần tạo động lực cho đoàn kết tôn giáo không thể thiếu chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đảng ta xác định “đồng bào tôn giáo là một phần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, “phát huy truyền thống tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước”, quan điểm ấy được thể chế bằng chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tốt nhất quyền tự do tôn giáo của mọi người dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Nhà nước xác định tự do tôn giáo là quyền của mọi người, các tổ chức tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, tạo điều kiện cho hoạt đồng của các tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật.
Mục sư Franklin Graham chia sẻ sứ điệp trong chương trình truyền giảng “Xuân yêu thương” do Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham (BGEA) phối hợp cộng đồng Tin Lành Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 3/2023
Thực hiện thể chế hóa chủ trương thành quy định của pháp luật, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho hơn 3.700 điểm nhóm, trong đó, có trên 60 sinh hoạt tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo đăng cai các sự kiện, lễ hội tôn giáo mang tầm vóc quốc tế như: Phật giáo 03 lần đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, Hội nghị thư ký diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) lần thứ 14; Công giáo tổ chức thành công Năm Thánh năm 2010, Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần (FABC) thứ X (năm 2012), năm 2023 với chủ đề “50 năm FABC: nhìn lại các văn kiện và áp dụng”, các Đại hội hành hương La Vang (Quảng Trị)…; Tin Lành tổ chức Đại lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam (năm 2011), 500 năm cải chánh Tin Lành, năm 2023 tổ chức chương trình truyền giảng “Xuân yêu thương” do các tổ chức Tin Lành đăng cai, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh; Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Giáng sinh Giáo chủ Baha’u’llah…
Cùng với việc chấp thuận tổ chức và đăng ký hoạt động là việc chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo thành lập trường, mở lớp đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo để cho các tổ chức tôn giáo có đủ nhân sự quản lý, tổ chức các hoạt động tôn giáo. Cả nước có 64 cơ sở chuyên đào tạo chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo ở 38 tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có trên 54 nghìn chức sắc, trên 144 nghìn chức việc đáp ứng ngày một tốt nhu cầu hướng dẫn việc đạo cho tín đồ.
Nhờ chủ trương, chính sách ấy, đồng bào các tôn giáo an tâm, ổn định sinh hoạt, phát triển kinh tế, các tổ chức tôn giáo yên tâm sinh hoạt, phát triển tôn giáo, tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự gắn kết của đồng bào tôn giáo với quê hương, đất nước, sự đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa đồng bào tôn giáo với Nhân dân cả nước góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường.
Đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống quý báu được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Việt Nam có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng - mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những nét văn hóa riêng nhưng đều hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ; bởi vậy có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, thống nhất trong đa dạng. Với chủ trương, chính sách nhất quán về tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, bảo đảm các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước Việt Nam đã và đang phát huy tối đa tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, từ đó, trở thành động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước.
Ngọc Linh