Thành phố Hồ Chí Minh: Chùa Hoằng Pháp - Nơi tỏa sáng đạo Phật và sự tích Hòa thượng Ngộ Chân Tử
Ngày đăng: 03/10/2018
Chùa Hoằng Pháp tọa lạc tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa danh tiếng này là điểm đến tâm linh không chỉ Phật tử địa phương mà còn là điểm đến của Phật tử cả nước. Đến đây, chúng ta còn được nghe câu chuyện như một truyền thuyết về Hòa thượng Ngộ Chân Tử.

Ánh chiều vàng tại chùa Hoằng Pháp

Tôi đến chùa Hoằng Pháp vào hồi tháng 8/2018, những cảm xúc đan xen lẫn lộn. Danh tiếng ngôi chùa đã vang xa nhiều nơi, và một người hay tìm hiểu về Đạo Phật như tôi đã biết đến khá nhiều. Ngoài ra, tôi còn được nghe nhiều về Hòa thượng Ngộ Chân Tử, được coi là người đã gây dựng nên chùa Hoằng Pháp.

Trong sân chùa

Tôi cũng đã về Thái Bình quê ông, rồi tôi về vùng quê Cao Mại, nơi được coi là vùng đất đã giúp Hòa thượng có nhiều biến chuyển về Đạo Phật. Chùa Hoằng Pháp giờ đây đã khang trang, bề thế, an tịnh. Ở sân chùa là cây Sa La với hoa nở đỏ rất đẹp.

Như nhiều ngôi chùa khác trên đất nước ta, chùa Hoằng Pháp mang trong mình vẻ tâm linh của đạo từ bi, mỗi người vào ngôi chùa, dù làm bất kể ngành nghề gì, cấp bậc ra sao đều mang vẻ mặt từ bi, và đều chắp tay thành kính trước tượng Phật.

Dù lúc tôi đến ngôi chùa đã cuối giờ chiều, ánh nắng đã nhạt màu, bóng đêm dần dịch chuyển nhưng các Phật tử vẫn vào ra lễ lạy, ai cũng cảm thấy an nhiên khi rời khỏi chùa. Rồi ai ở lại làm lễ thì ở lại cùng Phật tử và tăng chúng tiếp tục cuộc hạnh đạo của mình.

Tán cây Sa La

Những chú chim bồ câu đi lại, bay lên xuống như chốn không người. Bên ngoài cổng chùa, dù có một số hàng quán, nhưng tất cả không có vẻ gì ồn ào, người bán hàng đều bán đồ chay, y phục nhà Phật. Người và cảnh vật đều mang vẻ lương thiện.

Đến đây, bạn chỉ cần có 15 nghìn đồng thôi là đã có một bữa ăn no, bởi nơi đây mọi thứ đều bán với giá cả được cho là rẻ, trong khi đồ ăn thức uống được pha chế, nấu nướng cẩn thận. Ai nấy, từ chủ cửa hàng đến nhân viên đều rất mến khách.

Bên hông chùa có bãi gửi xe miễn phí, người trông xe luôn nở nụ cười tươi với mọi người, ai nấy đều cảm thấy như anh em một nhà. Chùa Hoằng Pháp có phép thiêng gì mà mọi người, mọi vật đều trở nên hiền hòa như vậy, thiết nghĩ về mặt tâm linh, thì ân đức của người gây dựng chùa là Hòa thượng Ngộ Chân Tử đã để lại, tạo phúc cho nhà chùa nói riêng và cho các Phật tử hành hương đến đây nói chung.

Hòa thượng Ngộ Chân Tử, con người thật nhưng đã tạo ra một truyền thuyết

Mấy lần về Cao Mại (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), vào ngôi chùa nơi đây, một ngôi chùa khá đẹp, tôi tò mò hỏi những ai là người có công lớn trong ngôi chùa này, một đứa trẻ cũng biết và nói rất nhanh: “Chú ơi, của vị sư đã vào Nam xây dựng một ngôi chùa lớn lắm”. Đứa trẻ không biết tên thật vị sư, nhưng nó được nghe lại, hỏi người lớn mới biết đó là Hòa thượng Ngộ Chân Tử.

Theo nhiều ghi chép, Hòa thượng Ngộ Chân Tử sinh ngày mùng 3 tháng 3 năm Tân Sửu (1901), tại tỉnh Thái Bình trong một gia đình Nho học. Tên thật Hòa thượng là Trần Rinh, Ngài an nhiên thị tịch lúc 13 giờ 30 phút ngày 16 tháng 10 năm Mậu Thìn tức ngày 26-11-1988 tại chùa Hoằng Pháp, trụ thế 88 năm và được 65 tuổi đạo. Thuở thiếu thời, Hòa thượng am hiểu Nho học, mãi sau khi gặp sư Quang Huy, Hòa thượng mới chuyển sang tu hạnh Đạo Phật.

Ảnh và tượng Hòa thượng Ngộ Chân Tử

Sau đó, Ngài được truyền y giới và đắc pháp. Những năm tiếp theo, Ngài đến nhiều ngôi chùa nổi tiếng của đất nước, vừa chiêm bái, vừa học đạo. Và Cao Mại lại là nơi Ngài trở về, dành cả tinh thần, trí tuệ  và tấm thân cho Phật Pháp.

Những năm tiếp theo, Hòa thượng không những là một bậc tu hành có tiếng, mà còn là một người nổi tiếng có tấm lòng hào hiệp, từ bi Bồ Tát như đón nhận các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ nuôi dạy nên người.

Cận cảnh tượng Hòa thượng Ngộ Chân Tử

Ngài còn giúp người dân học tiểu thủ công nghiệp và mở các xưởng nhỏ cho họ có công ăn việc làm. Hòa thượng Ngộ Chân Tử với tấm lòng từ bi của mình đã vận động nhiều trái tim hào hiệp khác giúp đỡ nhiều người xấu số trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Cũng như cứu giúp nhiều người nghèo khó.

Bảo tháp thờ Hòa thượng Ngộ Chân Tử

Sau đó, Hòa thượng muốn phát quang đạo Phật và muốn giúp đỡ nhiều mảnh đời khác nên đã vân du vào phía Nam như Gò Công, Cai Lậy, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc, và làm những việc làm thiện nguyện, thuyết giảng đạo Phật, mọi người đều tỏ lòng tôn kính.

Trong thời gian này, vào năm 1959, sau 2 năm vất vả, Ngài đã gây dựng nên ngôi chùa Hoằng Pháp thuộc hệ phái Bắc tông, mặt chùa xoay về hướng Tây Bắc. Với những công đức lớn lao của Hòa thượng Ngộ Chân Tử cho Đạo Phật và đời, hiện Ngài được thờ cúng tại một bảo tháp trong chùa. Truyện về Ngài còn dài và còn nhiều câu chuyện như một truyền thuyết.

Vanhien.vn